Nữ Minh Tinh huyền thoại của Việt Nam đã qua đời vào 20 giờ 10 tối 06/09, tại nhà riêng ở TP HCM. Lễ viếng dự kiến được tổ chức tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, quận Gò Vấp, ngày 09/09, lễ di quan vào ngày 11/09.
THẨM THÚY HẰNG…NGƯỜI ĐẸP BÌNH DƯƠNG
Nhân chuyến sang Thái Lan dự Liên Hoan Phim Băng Cốc, tôi có lang thang ở các khu bán đĩa, tìm và gặp các bộ phim mà Thái Lan từng hợp tác với Việt Nam thực hiện trước năm 1975.
Trong số các bộ phim đó có Vàng (S.T.A.B) của Đạo diễn Chalong Pakdivijit thực hiện. Phim do hãng Colombia - Mỹ phát hành, với sự diễn xuất của các ngôi sao "đa quốc tịch" như Thẩm Thúy Hằng, Greg Moris, Anoma Palalak, Krung Srivilai…Đây là một bộ phim rất nổi tiếng, hầu như dân chúng Thái trên U40 và U50 điều biết đến. Và tên của nữ diễn viên Thẩm Thúy Hằng được giới thiệu riêng biệt, to và trang trọng trên màn hình.
Thẩm Thúy Hằng là nghệ danh của một trong những gương mặt diễn viên điện ảnh nữ vang bóng một thời tại miền Nam. Có thể nói chưa có một gương mặt diễn viên nữ nào tại Việt Nam được “tổ đãi” và danh tiếng như chị, kể từ khi chính thức vào nghề năm 1958, Thẩm Thúy Hằng đã tạo được tiếng vang và trở thành một trong những gương mặt nữ hiếm hoi của nước ta đứng vào hàng ngũ minh tinh của Á Châu suốt các thập niên 60-70. Là biểu tượng một thời của sắc đẹp.
HÀNH TRÌNH NGHỆ THUẬT
Tên thật của Thẩm Thúy Hằng là Nguyễn Kim Phụng. Hằng sinh năm 1939 nguyên quán tại Hải Phòng, và lớn lên tại An Giang. Vào lứa tuổi 16 hồn nhiên mơ mộng, cũng như biết bao cô gái bước vào lứa tuổi trăng rằm, cô bé Nguyễn Kim Phụng cũng có những ước mơ, nhiều khát khao đam mê cháy bỏng. Cô mong muốn khám phá những mới mẻ trong cuộc sống và được đi đến nhiều nơi trên thế giới.
Vào một ngày tình cờ gần như là định mệnh, Phụng vô tình nhận được từ tay cô bạn thân một trang báo có đăng quảng cáo cuộc thi tuyển diễn viên điện ảnh của hãng phim Mỹ Vân. Điều hấp dẫn với cô bé không phải là được trở thành một ngôi sao danh tiếng, mà là do trong thể lệ cuộc thi, người đoạt giải sẽ được sang Hồng Kông theo học lớp đào tạo diễn xuất. Mà Phụng thì rất ham thích được đi nước ngoài cho mở mang tầm mắt. Giấu cha mẹ, cô bé Phụng đã cùng cô bạn thân ghi tên dự tuyển.
Ngày bước vào vòng tuyển, Phụng len lén giấu chiếc áo dài của chị vào trong chiếc cặp học sinh bước đến nơi thi tuyển. Giữa muôn ngàn đóa hoa hương sắc, những gương mặt sáng ngời nổi bật của những Kim Vui, Mộng Tuyết, Thu Trang, Trang Thiên Kim, Kiều Chinh…đã làm cho Phụng chùn bước, phân vân. Chính bà Mỹ Vân đã tinh ý khi phát hiện thấy Phụng, bà đã đến động viên khuyến khích cô mạnh dạn bước vào vòng thi. Và việc gì đến cũng đến, cô nữ sinh Nguyễn Kim Phụng đã vượt qua hơn hai ngàn thí sinh, bước lên đài vinh quang bằng giải nhất của cuộc tuyển lựa.
Trời sao lấp lánh từ dạo ấy! Cô bé Nguyễn Kim Phụng từ từ bỏ đi chiếc áo dài trắng nữ sinh để bước vào thế giới của đèn huỳnh quang, thế giới của sự nổi tiếng với nghệ danh là Thẩm Thúy Hằng. Từ vai diễn đầu tiên: Tam Nương trong bộ phim “Người Đẹp Bình Dương” , đóng cặp với nam Diễn viên Nguyễn Đình Dần trong vai Hoàng Tử. Nhân vật đã hòa nhập vào cuộc đời, sống bền lâu trong ký ức người xem, đưa Thẩm Thúy Hằng bước lên ngôi vị diễn viên khả ái nhất của màn ảnh Sài gòn vào cuối thập niên 50 đầu thập niên 60…
Vẻ đẹp mỹ miều của Thẩm Thúy Hằng là đại diện của biểu tượng sắc đẹp miền Nam. Hình ảnh của nàng Chức Nữ liễu yếu đào tơ vừa hát vừa bay về trời trong nhạc cảnh “Chức Nữ về trời” do nhạc sĩ Phạm Duy soạn nhạc, trong bộ phim “Ngưu Lang Chức Nữ” của hãng Mỹ Vân sản xuất và NSND Năm Châu đạo diễn của Thẩm Thúy Hằng, đến nay vẫn còn in đậm những ký ức đẹp trong lòng khán giả lớn tuổi.
Rồi những hợp đồng đóng phim thi nhau mời gọi, nhan sắc và tài năng của Thẩm Thúy Hằng ngày càng đi lên đỉnh cao của nghệ thuật, nhanh chóng đưa tên tuổi của Hằng trở thành ngôi sao số một, và Hằng đã giữ được kỷ lục về số đầu phim tham gia trên dưới hơn 60 phim truyện nhựa.
Những phim mà Hằng tham gia nổi tiếng thời đó là: Trà Hoa Nữ, Tấm Cám, Sự Tích Trầu Cau, Bạch Viên Tôn Các, Sài Gòn Vô Chiến Sự, Nửa Hồn Thương Đau, Đôi Mắt Huyền (đóng với La Thoại Tân, Kim Cương, Thanh Thanh Hoa…), Oan Ơi Ông Địa (đóng chung với các nghệ sĩ Cải Lương), Dang Dở (đóng chung với Trần Quang), Tơ Tình (đóng chung với La Thoại Tân, Mai Ly, Thanh Thúy..), Nàng (đóng cùng Trần Quang, Xuân Dung, Phương Hồng Ngọc…), Bóng Người Đi (đóng chung với Thành Được, Út Bạch Lan, Túy Hoa, La Thoại Tân..), Ngậm Ngùi, Mười Năm Giông Tố, Sóng Tình, Xin Đừng Bỏ Em…
Thời rực rỡ và sung sức nhất của chị là khoảng thời gian 1965-1972, những bộ phim có Thẩm Thúy Hằng tham gia đều đạt doanh thu cao.
Năm 1969, Thẩm Thúy Hằng lập nhóm làm phim Thẩm Thúy Hằng (tiền thân của Vilifilms sau này).Trong lĩnh vực làm phim, Thẩm Thúy Hằng rất nhậy bén. Phim đầu tay Hằng chọn làm phim là “Chiều Kỷ Niệm”. Phim dài 1 giờ 45 phút chiếu, thuộc thể loại tình cảm xã hội do Lê Mộng Hoàng đạo diễn. Các diễn viên tham gia diễn xuất cùng Hằng là: Thanh Tú,Năm Châu, Kim Cúc, NSND Phùng Há, Huy Cường, Việt Hùng, Ngọc Nuôi…
Nhờ một lực lượng hùng hậu những tên tuổi nổi tiếng như thế mà bộ phim đen trắng “Chiều Kỷ Niệm” đã tạo nên một kỷ lục gây nên sự ngạc nhiên trong giới nghệ thuật miền Nam thời đó bởi sự thành công ngoài mức tưởng tượng:
“Ngay ngày đầu chiếu cho khán giả xem, đồng bào đã chen chúc tới hai rạp Rex và Văn Hoa để giành vé. Chỉ trong ngày đầu công chiếu, rạp Rex đã thu về được hơn một triệu tiền Việt nam (thời đó), còn Văn Hoa thu về hơn bảy trăm ngàn đồng. Sau đó, suốt trong một tuần lễ phim chiếu, ngày nào cũng đông như vậy, đến nỗi cuốn phim được chiếu tiếp sang tuần thứ nhì. Điều này, là một hiện tượng hiếm mà khán giả dành cho phim Việt Nam” (Trích từ bản tin của tạp chí Màn Ảnh của Sài Gòn số 304).
Danh tiếng và địa vị của chị càng được nâng cao hơn nữa khi chị xuất hiện tại Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Indonesia, để dự liên hoan phim, hay trong những vai diễn hợp tác…Đi đến đâu chị cũng được hâm mộ, người ta tôn vinh chị, ái mộ chị, Hằng sánh vai cùng Creg Moris, Wen Tao, Địch Long, Khương Đại Vệ… Chị chị, em em với những Lý Lệ Hoa, Lý Thanh, Chân Chân, Lâm Thanh Hà, Lăng Ba, Trịnh Phối Phối…vinh quang không sao kể hết, thật hiếm có nữ nghệ sĩ miền Nam nào có được cái may mắn và diễm phúc như chị. Thẩm Thúy Hằng còn được tôn vinh xem như là một biểu tượng về sắc đẹp của phụ nữ Miền Nam Việt Nam.
Thẩm Thúy Hằng kinh doanh nghệ thuật xốc vác và có nhiều tâm huyết, chị từng hợp tác cùng nhiều nhà làm phim thực hiện những phim đa quốc tịch như: Sóng Tình, Sài Gòn Vô Chiến Sự, Vàng… Cuối năm 1974, Hằng với cương vị là giám đốc hãng Vilifilms đã gặp gỡ và bàn kế hoạch để thực hiện bộ phim “Hòn Vọng Phu” dựa theo kịch bản của soạn giả Hoàng Khâm, ngoài ra còn khởi quay bộ phim chiếu Tết năm 1975 “Chàng Ngốc Gặp Hên”, cùng thể nghiệm với đạo diễn Đỗ Tiến Đức trong bộ phim kinh dị “Giỡn Mặt Tử Thần”…
Hằng là nghệ sĩ hoạt động rất tích cực trong ngành điện ảnh. Cát xê của Thẩm Thúy Hằng thuộc giá cao nhất. Như năm 1974, chỉ cần xuất hiện một số phân đoạn trong một bộ phim hài chiếu Tết, mà Hằng đã nhận được hơn 1 triệu đồng thời đó. Được như vậy là vì Thẩm Thúy Hằng là tên bảo chứng doanh thu khi bộ phim trình chiếu.
Không dừng ở Điện ảnh, Thẩm Thúy Hằng còn thử sức mình ở Kịch nghệ, Cải lương, Tân nhạc…Thời những năm 1960, trong miền Nam xuất hiện nhiều ban kịch như Dân Nam, Tân Dân Nam, ban kịch Kim Cương, ban kịch Mộng Tuyền, ban kịch Thẩm Thúy Hằng... Hằng đảm nhận vai trò làm trưởng ban, viết kịch bản… dĩ nhiên là diễn viên chính.
Trước năm 1975, ban kịch Thẩm Thúy Hằng được xếp vào một trong mười ban kịch tiêu biểu của kịch nghệ Miền Nam, riêng chị nhiều lần được bầu chọn là một trong mười hai diễn viên vững chắc của ngành kịch. Trên truyền hình, hàng tuần đều có vở mới có sự tham gia diễn xuất của Thẩm Thúy Hằng. Khán giả trước năm 1975 chắc không thể không nhớ đến những vai diễn chính mà Hằng tham gia trong các vở kịch như: Sông Dài, Vũ điệu trong bóng mờ, Người Mẹ Già, Suối Tình, Đôi Mắt Bằng Sứ, Dạt Sóng,… và những vở kịch ngắn lúc 0 giờ.
Ở lĩnh vực cải lương, Thẩm Thúy Hằng đã có dịp biết đến khi tham gia những phim được sân khấu hóa như: Đò Chiều, Đôi Mắt Huyền, Oan Ơi Ông Địa, nhưng vai diễn trên sân khấu ấn tượng nhất khi Thẩm Thúy Hằng hát cải lương chính là vai vũ nữ Cẩm Lệ trong vở “Bóng chim tăm cá” của đoàn Thanh Minh- Thanh Nga…Người nhiệt tình giúp đỡ Hằng trên sân khấu cải lương chính là soạn giả Lê Khanh. Sau vở này, Kịch sĩ Anh Lân và Túy Hoa có mời Hằng tham gia vở dã sử Việt Chiêm của soạn giả Mộc Linh là “Đồ Bàn Di Hận”, Thẩm Thúy Hằng diễn vai Phàm Lan, cô gái Chiêm, một vai diễn thành công trước nay của Sầu Nữ Út Bạch Lan.
Xuất hiện trong những chương trình đại nhạc hội, Thẩm Thúy Hằng còn hát tân nhạc “khá mùi” như nhạc phẩm “Hai Chuyến Tàu Đêm” của Nhạc sĩ Trúc Phương hay “Tình lỡ” của nhạc sĩ Thanh Bình.
Sau năm 1975 Thẩm Thúy Hằng vẫn ở lại quê hương. Cùng với những tên tuổi gạo cội khác của nền nghệ thuật miền nam như Thanh Nga, Kim Cương, Mộng Tuyền, Bạch Tuyết,… Thẩm Thúy Hằng vẫn tiếp tục đóng phim, diễn kịch. Những bộ phim như: Như Thế Là Tội Ác, Ngọn Lửa Krông Zung, Hồ Sơ Một Đám Cưới, Đám Cưới Chạy Tang, Cho Cả Ngày Mai, Nơi Gặp Gỡ Của Tình Yêu… với những nhân vật hoá thân là cô Diệp, Hơ Doan, thím Ba Xoay… cũng một phần nào minh chứng cho quyết tâm hòa nhập vào đời sống mới, vai diễn mới. Thẩm Thúy Hằng vẫn là nữ diễn viên miền Nam được ái mộ nhất trong những năm đầu thống nhất đất nước.
Bên lĩnh vực kịch nói chị cùng với Nguyễn Chánh Tín tạo nên những đêm diễn tuyệt vời. Sân khấu đoàn Bông Hồng sáng đèn hằng đêm với những vở diễn như: Cho Tình Yêu Mai Sau, Đôi Bông Tai, Hoa Sim Gai Trắng, Biệt Thự Hoang Tàn…vai diễn cuối cùng trước khi từ giã lĩnh vực nghệ thuật là vai Phồn Y trong vở diễn Lôi Vũ của đoàn kịch Kim Cương.
Thời vang bóng của Thẩm Thúy Hằng đã đem về cho chị những giải thưởng điện ảnh quốc tế như: Hai lần được giải Ảnh hậu Á châu tại Liên hoan phim Châu Á - Đài Bắc (1972,1974). Liên bang Xô Viết lại đón chào chị, ưu ái chị, ngưỡng mộ chị, Thẩm Thúy Hằng được bầu chọn là Nữ diễn viên khả ái nhất vượt qua các đối thủ là những diễn viên xinh đẹp đến từ Đông Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Mông Cổ vào năm 1982.
NHỮNG KỶ NIỆM KHÓ QUÊN
Nghề và nghiệp diễn đã để lại cho chị nhiều kỷ niệm khó quên. Có những kỷ niệm vui mà cũng có những kỷ niệm buồn. Có cả những kỷ niệm “xém” chết người vì yêu nghệ thuật. Vào năm 1970, khi quay bộ phim “Xin đừng bỏ em” của Thăng Long điện ảnh do Lê Mộng Hoàng đạo diễn, Thẩm Thúy Hằng đã bị tai nạn liên quan đến phần đầu và mặt khi ngọn đèn Sunlight rơi xuống trúng ngay đầu trong khi “Người Đẹp Bình Dương” đang “say mê” diễn xuất một cảnh tình cảm rất mùi. Tai nạn đã làm ảnh hưởng đến dây thần kinh thị giác của cô và “xém” làm cho người đẹp của chúng ta trở thành “độc thủ mỹ nhân”.
Người ái mộ Hằng thuộc đủ thành phần trong xã hội. Khi khán giả ái mộ xin chữ ký của Thẩm cũng có nhiều chuyện ly kỳ lắm! Hằng ký ảnh đề tặng cho người hâm mộ phía sau ảnh nhưng cũng có những trường hợp cô Thẩm ký luôn vào áo của người hâm mộ....
(Ảnh đăng kèm là do cố nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu cung cấp để làm bìa báo Thế Giới Nghệ Sĩ. Trong bài có sử dụng tư liệu của các báo Màn ảnh sân khấu, Truyện phim, Phim, Kịch trường và tập chí Ngân Sắc Thế Giới của Hồng Kông).
LÊ QUANG THANH TÂM 07.09.2022
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.