Le Point tuần này có bài viết kể lại những câu
chuyện đời thường xung quanh bà Melania Trump, vợ của ứng cử viên tổng
thống đảng Cộng Hòa Donald Trump. Cựu người mẫu có thể trở thành đệ nhất
phu nhân nước Mỹ là người như thế nào ?
« Tình dục ở độ cao 30.000 bộ »
là chú thích dưới tấm ảnh bà Melania Trump mặc chiếc quần lót sexy màu
đỏ, mang giày bốt da, tay cầm một khẩu súng mạ bạc. Bức ảnh này chụp
cách đây 15 năm trong một loạt hình cho tạp chí GQ, dựa theo ý những cuộc phiêu lưu của điệp viên James Bond.
Ở
tuổi 46, cựu người mẫu gốc Slovania vẫn mang dáng vẻ một nữ điệp viên
đến từ xứ lạnh, với nét đẹp lạnh lùng, phát âm chữ R không chuẩn. Cũng
như các James Bond Girls, có vẻ như Melania có mặt chỉ để nâng giá trị
cho Donald 007 của bà. Kỳ bầu cử còn không xa, người ta vẫn ít thấy bà
xuất hiện hoặc lên tiếng, luôn đi phía sau người chồng, hay nhíu lại cặp
mắt hình hạnh nhân như người bị cận thị. Cách đây vài năm bà đã thổ lộ :
« Người ta nói rằng tôi nhút nhát, nhưng hoàn toàn không phải thế. Tôi
biết lúc nào nên nói lúc nào không, tôi không phải là người thích leo
lên sân khấu trước ánh đèn pha ».
Vì cuộc bầu cử, Melania
Trump gần đây đã phải bước ra khỏi căn hộ ở tầng 66 tại New York để phát
biểu trước Đại hội đảng Cộng Hòa. Bài diễn văn của bà gây chấn động,
không phải vì hay mà vì đạo văn của bà Michelle Obama. Bà cũng trả lời
phỏng vấn vài lần, nhưng chẳng có tiết lộ gì hay ho mà rất vô vị.
Melania
Trump không ưa tiệc tùng, chỉ thích ở nhà – cơ ngơi sang trọng ở
Mar-a-Lago, Florida, hay điện Versailles thu nhỏ của bà tại đại lộ số 5,
New York, với những vòi nước cẩm thạch và hành lang vòm lộng lẫy, « do nhà thiết kế đã từng làm cho Saddam Hussein phụ trách ». Thỉnh thoảng tham gia vài hoạt động từ thiện, nhưng chủ yếu bà chăm sóc Barron, cậu con trai duy nhất năm nay 10 tuổi.
Nhưng
hình ảnh bà nội trợ Melania không giống chút nào đối với những gì mà
những người chống đối hình dung. Nếu Donald Trump đắc cử, bà sẽ trở
thành đệ nhất phu nhân đầu tiên chụp ảnh khỏa thân trên một mảnh da gấu
với cườm tay còng vào chiếc vali – như đối thủ Ted Cruz mô tả. Những
người thân thì khen bà lịch sự. Nhà nhiếp ảnh Pháp Michel Leroy cũng
công nhận bà Melania duyên dáng, nhưng đội ngũ cận vệ của bà lại hết sức
đáng ghét. Dù ông đã tiếp cận nhiều nhân vật nổi tiếng, nhưng cái cách
bảo vệ bà thì chưa từng thấy, « cứ như sống trong một thế giới riêng ».
Melania
không thấy phiền hà gì, thản nhiên phô ra chiếc nhẫn kim cương to đùng,
nói về người đầu bếp và trợ lý, khoe có spa riêng…Trước khi được khuyên
nên rút lui khỏi mạng xã hội, trên Instagram bà từng đăng những tấm ảnh
ngồi trên ngai vàng hoặc đứng trước chiếc phi cơ riêng. Những hình ảnh
sang trọng so với thời thơ ấu nghèo khó.
Tên
khai sinh là Melania Knavs, bà lớn lên trong một thành phố nhỏ của Nam
Tư cộng sản dưới thời thống chế Tito. Mẹ làm công nhân một xưởng may,
người cha là đảng viên, ban đầu lái xe cho chủ tịch thành phố, sau mở
đại lý mua bán xe hơi. Melania học thiết kế tại trường đại học
Ljubljana, rồi năm 22 tuổi giành được vị trí thứ hai trong một cuộc thi
người mẫu, từ đó được cơ hội sang Milano và Paris.
Đổi họ thành
Knauss cho dễ đọc, Melania rốt cuộc định cư tại New York. Cô ít đi chơi,
không uống rượu, không hút thuốc. Trả lời tạp chí DuJour, Melania nói : « Tôi đến đây để làm việc chứ không phải để vui chơi ». Matthew Atanian, người thuê chung căn hộ thời đó kể lại :
« Melania thường ăn tối với những người giàu, nhưng về nhà sớm và tối
nào cũng gọi điện cho mẹ ở Slovania. Cô rất nghiêm túc và chuyên nghiệp,
ngày nào cũng tham gia trình diễn. Đó là một cô gái đầy quyết tâm, biết
mình muốn gì ».
Tuy vậy cạnh tranh trong ngành thời trang
rất quyết liệt. Theo Atanian, Melania phải đi bơm ngực để mong được
tuyển vào quảng cáo trang phục lót. Nhưng Melania nhất định cải chính
trên tạp chí GQ : « Tôi không sửa sắc đẹp, không thích Botox và chất làm đầy. Tôi sẽ già đi tự nhiên như mẹ tôi ».
Năm
1998, Melania gặp Donald Trump trong một dạ tiệc ở Kit Kat Club. Năm đó
nàng 28 tuổi, chàng 52 và đã ly dị hai lần. Đại gia địa ốc nhân lúc
người phụ nữ đang chung sống với mình vào toilette, đã hỏi xin Melania
số điện thoại. Cô không cho, nhưng xin số của ông, để thăm dò ý định.
Donald không ngần ngại cho số điện thoại riêng. Vài hôm sau, Melania gọi
lại và từ đó chẳng rời nhau.
Năm 2005, Melania Trump diện chiếc
váy hiệu Dior giá 100.000 đô la đính 1.500 hạt ngọc trai và pha lê, với
chiếc nhẫn kim cương mà ông chồng khoe được bớt giá lúc mua, lấy Donald
tại Mar-a-Lago trong một lễ cưới linh đình, có sự hiện diện của hàng
loạt ngôi sao, trong đó có cả hai vợ chồng Bill và Hillary Clinton.
Có
phải do bà Melania kiểm soát chặt, hay do tuổi tác mà ông chồng không
còn bay bướm nữa ? Mười một năm sau, họ vẫn còn sống chung. Melania hay
tô vẽ : nói rằng mẹ là nhà thiết kế trong khi bà chỉ là thợ may và làm
rập mẫu, khoe đã tốt nghiệp khoa thiết kế nhưng thực ra thì chưa. Rất
ghét bị coi là vật trang trí, thích mua sắm kim cương, bà tuyên bố : « Tôi không chỉ có sắc đẹp mà còn có đầu óc ».
Bằng chứng là bà nói được sáu thứ tiếng, nhãn hiệu trang sức của bà bán
rất chạy, và còn là chủ nhân nhãn hiệu kem trang điểm có trứng cá muối,
tất nhiên là mang tên Melania.
Nhưng không phải sự thông minh của
bà được ông chồng ca ngợi, mà trong một chương trình truyền thanh của
Howard Stern, ông Donald toàn khoe vóc dáng hấp dẫn và khả năng tình dục
của vợ. Nhà báo đặt câu hỏi, nếu bà xấu đi vì tai nạn thì sao. Nhà tỉ
phú hỏi lại : « Ngực của bà ấy trong tình trạng thế nào ? ». Khi Stern nói không sao, Donald bảo vậy thì sẽ không bỏ Melania.
Ông
cũng chẳng trông cậy gì nhiều vào sự giúp đỡ của bà trong chiến dịch
tranh cử, mà chủ yếu dựa vào Ivanka, con gái của ông với người vợ đầu,
cựu người mẫu Tiệp Ivana Zelnickova. Melania nói với báo DuJour thật ra bà luôn theo dõi tin tức từ CNN, Fox News.
Bà nghĩ gì khi Donald Trump thù ghét người nhập cư, dù bà cũng chỉ là
người mới định cư tại Mỹ không lâu ? Từ trước đến nay ông Trump chỉ đến
quê nhà Slovania của bà đúng một lần và ở lại không quá ba tiếng đồng
hồ. Melania tỏ ra ủng hộ chủ trương trục xuất 11 triệu người không giấy
tờ, phải tôn trọng luật pháp như bà : có visa vào Mỹ đàng hoàng và sau
đó được nhập tịch.
Hồi năm 1999, lúc Donald Trump chớm có ý định ra tranh cử tổng thống, bà đã tuyên bố : « Tôi sẽ rất cổ điển, như Betty Ford hay Jackie Kennedy ». Một năm sau đó, Melania chụp ảnh cho tạp chí Talk
nay đã « quá cố » - một tấm ảnh đã biến khỏi internet một cách kỳ lạ -
trong đó bà mặc bikini đỏ, mang giày gót nhọn, trong một tư thế phục
tùng đầy khêu gợi, trên tấm thảm nhái theo kiểu ở Phòng bầu dục Nhà
Trắng.
Bình đẳng giới tính không có chỗ nơi Trump. Nhưng theo tác
giả bài viết trên Le Point, cần phải tin lời điệp viên 007 : không nên
đánh giá quá thấp một James Bond Girl.
Nếu
hồ sơ của L’Express tuần này chú trọng đến nội tâm con người, giới
thiệu những phương cách để vực dậy sau một cú sốc, thì L’Obs hướng lên
không trung, nói về « Cuộc chạy đua vào vũ trụ ». Theo tuần báo
Pháp, thế kỷ 21 là thế kỷ của không gian. Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ân Độ,
Châu Âu cùng cạnh tranh như thời Spoutnik và Apollo trong thế kỷ trước.
Tờ
báo hình dung ra một cảnh vào năm 2029, một tàu thăm dò của NASA đáp
xuống một cánh đồng Hỏa Tinh. Tại mũi Canaveral, tổng thống Hoa Kỳ -
người kế nhiệm rất xa của ông Trump hoặc bà Clinton, chào mừng sự kiện.
Sau sáu tháng du hành, bốn phi hành gia chuẩn bị đặt chân xuống mặt đất
đầy bụi bặm của Sao Hỏa.
Thêm một bước chân vĩ đại của nhân loại
chăng ? Thực ra NASA đã bị tư nhân qua mặt. Trước đó ba năm công ty
SpaceX của nhà tỉ phú Elon Musk đã đưa người lên Hỏa Tinh rồi. Một hành
tinh với bầu khí quyển không thể thở được vì đầy carbonic, nhiệt độ ban
đêm xuống -50°C, rau quả trồng trên mặt đất đầy kim loại nặng…
Phi hành gia Mỹ Edwin E. Aldrin Jr. đi bộ trên Mặt Trăng ngày 20/07/1969. |
Hôm 20 tháng
Bảy năm 1969, những cư dân Địa Cầu sở hữu máy truyền hình đều dán mắt
vào những bước chân đầu tiên của phi hành gia Mỹ Neil Amstrong. « Chưa
có dự án nào vào thời kỳ này lại ấn tượng như thế đối với nhân loại,
quan trọng như thế đối với thám hiểm không gian, khó khăn và tốn kém như
thế để thực hiện ». Lời hứa của tổng thống Kennedy trước Quốc hội Hoa
Kỳ tháng 5/1961 đến nay vẫn mang tính thời sự.
Nhưng Washington
hiểu rằng Matxcơva sẽ không chạy đua lên thăm Chị Hằng, mà các trạm
không gian sẽ đóng vai trò quan trọng. Chương trình Apollo kết thúc năm
1972, và phi hành gia Eugene Cernan là người cuối cùng của Trái Đất đi
bộ lên Mặt Trăng, năm 1971.
Đưa người vào vũ trụ rất tốn kém, các robot sẽ làm công việc lấy mẫu này. |
Các
nhà du hành vũ trụ phải nhường chỗ cho các robot đi thám hiểm Thái
Dương Hệ : Luna, Mars, Verena của Liên Xô, Viking và Voyager của Mỹ.
Cuộc song đấu Mỹ-Nga đã chấm dứt. Cơ quan Không gian Châu Âu cũng tham
gia, Nhật Bản đã hai lần phóng vệ tinh thăm dò một thiên thể, Trung Quốc
có thể là nước đầu tiên có robot hạ cánh xuống góc khuất của Mặt Trăng,
vệ tinh low-cost Mangalyaan của Ấn Độ bay quanh Hỏa Tinh từ tháng
9/2014.
Tài chính là chủ yếu trong cuộc chiến này. Hoa Kỳ luôn là
quốc gia chi ra nhiều nhất so với tổng số các nước khác gộp lại. Ngân
sách của NASA năm 1966 chiếm 4,4% ngân sách liên bang, nhưng nay chỉ còn
0,5%, khoảng 17 tỉ euro. Phía tư nhân có các nhà tỉ phú Elon Musk, Jeff
Bezos (Mỹ), Richard Branson (Anh), Youri Milner (Nga) với các dự án
chinh phục không gian. Điểm khác biệt là các cơ quan không gian của nhà
nước muốn bảo đảm sinh mạng các phi hành gia bằng mọi giá, còn tư nhân
chấp nhận rủi ro.
Chi phí ước tính cho phi vụ « Red Dragon »
mà tỉ phú Elon Musk dự định phóng lên Hỏa Tinh năm 2018 khoảng 300
triệu đô la, tương đương với phí tổn sản xuất các siêu phẩm điện ảnh « Interstellar » (Hố đen tử thần) và « Star Trek beyond ». Liệu những giấc mơ rồi sẽ trở thành hiện thực ?
Đoàn vận động viên Nga đến Rio de Janeiro dự Thế vận hội, 24/07/2016. |
Trên
lãnh vực thể thao, Courrier International trích dịch bài báo « Nga :
Viên thuốc không còn nuốt trôi nữa » trên tờ báo Nga Kommersant-Dengui,
tiết lộ rằng thời Liên Xô cũ cũng vẫn doping cấp Nhà nước, nhưng che
giấu khéo léo hơn.
Năm 1972, một cuốn sách hướng dẫn mang tên « Các chất stéroide tổng hợp và hiệu năng thể thao »
của bác sĩ Serguei Sarsania được xuất bản tại Liên Xô. Nghiên cứu này
sau được xếp vào loại mật, nhưng 40 năm sau đó, các trích đoạn được công
bố trên tạp chí Jelezny Mir và một số trang web.
Các tác
giả nêu ra nhiều phương pháp khác nhau để tăng lực cho các vận động
viên đỉnh cao. Ngoài mát-xa và kích thích điện từ, còn có « các chất
tổng hợp, nhiều sản phẩm khác nhau giúp cải thiện tiến trình tổng hợp
sinh học trong cơ thể, đặc biệt là đồng hóa protein ». Đối với môn đẩy tạ, doping trong vòng hai, ba tuần giúp lực sĩ có thể nâng thêm 15 kg tạ.
Tác
giả bản báo cáo, Serguei Sarsania đã chấp nhận kể lại cho tờ báo
Matxcơva làm thế nào đưa nghiên cứu vào thực tiễn. Chính Arkadi
Vorobiev, huấn luyện viên đội cử tạ Liên Xô thời đó đã giúp ông phát
hiện chất tăng lực nhân chuẩn bị cho Thế vận hội Mêhicô 1968. Một hôm
Vorobiev mời ông đến, đưa cho những viên thuốc Nerobol do hãng Gedeon
Richter của Hungary sản xuất, để các vận động viên uống mỗi người hai
viên/ngày loại 5 mg.
Để nghiên cứu tác dụng phụ, sau đó Sarsania
cho họ uống nhưng với liều lượng rút xuống, rồi phân tích cơ lực, máu,
tiêu thụ oxy. Kết quả là tuyệt vời. Nhưng một số vận động viên thấy vậy
bèn tự dùng thuốc. Có một người ở Volgograd uống đến 25 viên/ngày, tức
125 mg ! Người này chết vì xơ gan chỉ năm năm sau khi nghỉ thi đấu.
Ông Richard McLaren của Cơ quan chống doping thế giới báo cáo tại Toronto, 18/07/2016. |
Bác
sĩ Sarsania cho biết, trong Thế vận hội Munich 1972, nghe nói sẽ kiểm
tra doping, huấn luyện viên trưởng ra lệnh ngưng dùng thuốc trước ba
ngày. Hậu quả là các vận động viên mất tự tin. Nhưng thật ra đến Thế vận
hội Montréal sau đó mới có kiểm tra. Vận động viên Liên Xô buộc phải
uống acid citric suốt đêm để xóa dấu vết, sau đó đoạt chức vô địch.
Trong
giải vô địch thế giới khúc côn cầu trên băng năm 1978, người giám sát
doping là phó chủ tịch ủy ban thể thao Liên Xô, và đoàn Liên Xô đã
thắng. Còn tại Olympic Matxcơva 1980, quan chức thể thao lúc đó là
Viktor Igoumenov đã đưa chủ tịch ủy ban y tế Thế vận là ông hoàng Bỉ
Alexandre de Mérode đi câu cá trên hồ Baikal. Thế là ổn thỏa vụ doping,
các mẫu thử được quẳng xuống sông Iaouza và không còn ai nhắc đến nữa.
Vì sao đến bây giờ hàng loạt vụ doping lại bị tiết lộ ? Theo bác sĩ Sarsania, đó là vì « lúng túng, thiếu chuyên nghiệp và không có tổ chức ».
Huấn luyện viên Avel Kazatchenkov, từng lãnh đạo ba đội tuyển judo Nga
suốt ba mùa Thế vận (1992, 1996, 2004), quy cho cơ quan lãnh đạo ngành
thể thao đã lơ là. « Thời Liên Xô cũ, Nhà nước kiểm soát tất cả và
có theo dõi. Các vận động viên được chỉ định khám tại các bệnh viện số 1
và số 2 ở Matxcơva. Còn nay thì mỗi người tự lo đi tìm thầy thuốc ».
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.