vendredi 26 août 2016

Chiến trường Syria : Ai đánh ai ? Ai bênh ai ?

Đoàn xe tăng của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào thành phố biên giới với Syria Jarablus ngày 24/08/2016.

Nổ ra từ ngày 15/03/2011, cuộc chiến Syria ngày càng trở nên phức tạp hơn, và bị quốc tế hóa với sự tham gia của các tổ chức thánh chiến và nhiều nước ngoài.
Cường quốc tham chiến mới nhất là Thổ Nhĩ Kỳ, vừa gởi quân sang để đẩy lùi quân thánh chiến ra khỏi một vị trí gần biên giới nước mình, và chận đứng đà tiến của lực lượng Kurdistan.

Ai đánh ai ?


Quân chính phủ Syria trước ngõ vào thành phố bị phong tỏa Damascus của Daraya, 26/08/2016.
- Chế độ Damas chống phe nổi dậy :

Đây là mặt trận chủ yếu. Quân đội Syria gồm 300.000 người và các đồng minh chiến đấu chống lại hằng hà sa số nhóm nổi dậy có liên kết với các tổ chức thánh chiến Syria và nước ngoài.

Liên minh chống chế độ lớn nhất là Đội quân Chinh phục. Lực lượng này tập hợp các nhóm Hồi giáo như Ahrar Al Cham hay Faylaq Al Cham ; và các nhóm thánh chiến, đặc biệt là Mặt trận Fateh Al Cham (trước đây là Mặt trận Al Nosra, do Abou Mohammad Al Jolani lãnh đạo, và vừa mới tách khỏi Al Qaida).

Các bên trước hết tìm cách chiếm cho được tỉnh Aleppo (ở miền bắc), thành phố lớn thứ hai của Syria. Quân chính phủ cũng muốn chiếm lại Đông Ghouta ở gần Damas, hiện nằm trong tay nhóm Jaich Al Islam.

- Chế độ Damas chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS, Daech) :
Quân của Assad hồi cuối tháng Ba đã đuổi được tổ chức Nhà nước Hồi giáo ra khỏi thành phố cổ Palmyra (miền trung), nhưng không đánh bật được IS ra khỏi Tabqa thuộc tỉnh Raqa (miền bắc).

- Chế độ Damas chống người Kurdistan :
Không quân Syria lần đầu tiên oanh kích vào lực lượng Kurdistan vào giữa tháng Tám, nhắm vào Hassaké (đông bắc), nhưng người Kurdistan đã chiếm được 90% thành phố này.

Dân phòng giữa đống đổ nát sau khi khu vực quân nổi dậy ở gần Aleppo bị không kích, 25/08/2016.
- Người Kurdistan chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo :
Từ tháng Giêng năm 2015, lực lượng Kurdistan đã truy đuổi IS - tổ chức của Abou Bakr Al Baghdadi ra khỏi các thành phố quan trọng của Kobané và Minbej thuộc tỉnh Aleppo, thành phố Tall Abyad thuộc tỉnh Raqa, và các vị trí khác của tỉnh Hassaké.

Người Kurdistan từ năm 2012 đã thành lập được một vùng bán tự trị tại miền bắc và đông bắc, có riêng lực lượng cảnh sát của mình mang tên Assayech.

Đảng chính của người Kurdistan là PYD (đảng Liên minh Dân chủ) cùng với nhánh quân sự YPG (Đơn vị bảo vệ nhân dân Kurdistan). YPG thống lĩnh Lực lượng Dân chủ Syria (FDS) – liên minh chống thánh chiến thành lập tháng 10/2015, bao gồm cả những chiến binh Ả Rập.

- Tổ chức Nhà nước Hồi giáo chống lại phe nổi dậy :
Phe nổi dậy là lực lượng đầu tiên chiến đấu chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo, nhưng sau đó đã thất bại trước tổ chức khủng bố này. IS hiện vẫn đang đe dọa căn cứ địa của lực lượng nổi dậy ở Marea thuộc tỉnh Aleppo.

Một số nhóm nổi dậy được Ankara hỗ trợ hôm thứ Tư 24/08/2016 đã tham gia chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ để đánh bật tổ chức Nhà nước Hồi giáo ra khỏi Jarablos (miền bắc).

Các phi công Nga trong chiếc TU-22M3 tại một căn cứ không quân Iran, 18/08/2016.
Ai hỗ trợ ai ?

- Chế độ Damas :
Quân đội Syria được hỗ trợ bởi 200.000 quân tăng cường, chủ yếu là Lực lượng Phòng vệ Quốc gia. Thêm vào đó là lực lượng Hezbollah theo hệ phái Shia ở Liban (khoảng 5.000 đến 8.000 quân), và các chiến binh Iran, Irak, Afghanistan.
Nga đã tung ra chiến dịch không kích vào cuối tháng Chín, nhờ đó quân Assad mới đẩy lùi được quân nổi dậy tại tỉnh Aleppo, và Lattaquié (miền tây), Damas, Deraa (miền nam) ; cũng như quân tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Palmyra.
Iran, đồng minh chính trong khu vực của Syria, đã gởi sang hàng ngàn quân lính và giúp viện trợ kinh tế.

Quân đội Syria Tự do của phe nổi dậy chuẩn bị đối phó với đợt tấn công của quân thánh chiến IS ở Jarablus ngày 24/08/2016.
- Phe nổi dậy :
Lực lượng nổi dậy ôn hòa được phương Tây ủng hộ, nhất là Hoa Kỳ, Pháp, Anh.
Lực lượng nổi dậy Hồi giáo được Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê Út và Qatar hỗ trợ.

- Người Kurdistan :
Người Kurdistan được hỗ trợ bởi liên minh quốc tế do Hoa Kỳ lãnh đạo kể từ năm 2014, trong cuộc chiến chống quân thánh chiến.

- Phe thánh chiến :
Không có quốc gia nào công khai ủng hộ Mặt trận Fateh Al Cham và tổ chức Nhà nước Hồi giáo, là những nhóm đối địch bị Liên Hiệp Quốc xếp vào loại « tổ chức khủng bố ». Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự lực được nguồn tài chính nhờ chiếm được các vùng đất giàu tài nguyên dầu khí, sản phẩm nông nghiệp và di tích khảo cổ.

Khu vực quân nổi dậy gần Damascus sau khi bị không kích ngày 22/08/2016.
Ai kiểm soát những gì ?

- Chế độ Damas (gần 35% lãnh thổ)
Ông Bachar Al Assad đã bị mất đi phần lớn lãnh thổ, nhưng giữ được những vùng đất chiến lược : Damas, Homs, Hama (miền trung), vùng duyên hải và một phần tỉnh Aleppo, nơi gần 60% dân số sinh sống.

- Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (gần 35% lãnh thổ)
Mặc dù liên tiếp bại trận kể từ năm 2015, tổ chức thánh chiến này vẫn thống trị miền đông đất nước Syria, cùng với Deiz Ezzor giáp biên giới Irak, phần lớn tỉnh Raqa (miền bắc) và vẫn hiện diện tại Aleppo, cũng như thành phố Al Bab, Hama, Damas, Homs và ở miền nam.

- Người Kurdistan (18%)
Từ năm 2014, lực lượng Kurdistan đã chinh phục được một vùng đất rộng lớn tại các tỉnh Hassaké, Aleppo và Raqa. Họ đang kiểm soát ba phần tư vùng biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ.

- Phe nổi dậy và Fateh Al Cham (12%)
Lực lượng nổi dậy đã phải lùi lại ở phía bắc Aleppo, nhưng đã giành được nhiều chiến thắng vào cuối tháng Tám ở miền nam. Đội quân Chinh phục chiếm lĩnh toàn bộ tỉnh Idleb (miền tây bắc).

Các chiến binh Kurdistan ở Hasaka, 22/08/2016.
Mục tiêu của các bên là gì ?

- Chế độ Damas :
Tổng thống Bachar Al Assad, luôn từ chối rời quyền lực, muốn « tái chiếm » toàn bộ Syria.

- Phe nổi dậy :
Mục tiêu là lật đổ chế độ Assad nắm quyền từ hơn nửa thế kỷ qua. Về phần nhóm Fateh Al Cham hy vọng thành lập một tiểu vương quốc Hồi giáo.

- Người Kurdistan :
Lực lượng Kurdistan hồi tháng Ba đã tuyên bố thành lập một khu vực liên bang, mơ đến một vùng đất tự trị như Kurdistan Irak.

- Tổ chức Nhà nước Hồi giáo :
Tổ chức khủng bố bị căm ghét nhất thế giới do những hành động tàn bạo, muốn duy trì « Nhà nước Hồi giáo » tự phong vào năm 2014, nằm vắt ngang lãnh thổ Syria và Irak.

Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào vùng biên giới Syria ngày 25/08/2016.
- Hoa Kỳ :
Sau khi kêu gọi ông Assad ra đi, Washington tập trung vào cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo, chủ yếu dựa vào các lực lượng Kurdistan. Việc này đã làm xấu đi quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh của Mỹ trong NATO.

- Nga :
Matxcơva phản đối việc dùng vũ lực buộc ông Assad ra đi. Nga muốn có được một chiến thắng ngoại giao, thông qua việc cùng với Hoa Kỳ tiến hành thành công việc thương lượng giữa chế độ Damas và phe đối lập – hiện đang dậm chân tại chỗ.

 - Iran :
 Quốc gia Iran theo hệ phái Shia muốn đóng một vai trò trong thế giới Ả Rập, bằng cách dựa vào thế chân vạc gồm Syria, Irak và Hezbollah.

 - Thổ Nhĩ Kỳ :
 Ankara vốn coi là PYD (đảng Liên minh Dân chủ) cùng với nhánh quân sự YPG (Đơn vị bảo vệ nhân dân Kurdistan) là « khủng bố », muốn cản trở người Kurdistan nối liền được lãnh thổ đang có ở miền tây bắc với đông bắc.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160826-chien-truong-syria-ai-danh-ai-ai-benh-ai

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.