mercredi 17 août 2016

Đánh đắm tàu cá các nước, Indonesia muốn khẳng định là cường quốc biển


Về châu Á, sự kiện gây chú ý cho các báo Paris là việc hôm nay 17/08/2016 Indonesia cho đánh đắm 71 tàu cá hành nghề tại vùng biển của mình, nhân Quốc khánh lần thứ 71 của nước này. Le Monde chơi chữ « Chiến dịch bùng nổ của Indonesia chống đánh cá bất hợp pháp », còn Les Echos nhận định « Indonesia muốn tái khẳng định sức mạnh trên biển ».
Le Monde nhấn mạnh, « bùng nổ » là theo nghĩa đen. Từ tháng 10/2014, khi bộ trưởng Hàng Hải vốn ồn ào, ông Susi Pudjiastuti lao vào cuộc đấu tranh quyết liệt này, đã có trên 170 chiếc tàu đánh cá phần lớn của nước ngoài, đã bị đánh chìm xuống đáy biển bằng thuốc nổ, còn thủy thủ đoàn thì bị tống vào tù.


Chính quyền Indonesia thích những hành động mang tính biểu tượng. Jakarta đã nhanh chóng đánh đắm chiếc Viking, một tàu đánh cá trái phép treo cờ Nigeria, chỉ vài tuần sau khi chiếc tàu này đi vào vùng biển nước mình. Bị Interpol truy nã vì buôn lậu các sinh vật quý hiếm, bị tổ chức phi chính phủ Sea Shepherd truy tìm tại Nam cực, chiếc Viking đã chìm xuống vùng biển phía tây Java, trước thành phố Pangandaran, quê hương của bộ trưởng Hàng Hải.

Với sáu triệu tấn tôm cá đánh bắt được trên biển năm 2014, Indonesia là nhà cung cấp hải sản thứ nhì thế giới, sau Trung Quốc. Theo Jakarta, nạn đánh cá lậu mỗi năm gây thiệt hại nhiều tỉ đô la, nhất là đối với 800.000 ngư dân cá thể - đã giảm đi phân nửa so với năm 2003. Indonesia tỏ ra kiên quyết ngay cả với những tàu cá nhỏ, chiều dài chưa đầy 12 mét.

Hôm 22/2, Indonesia đã đánh đắm 30 chiếc tàu của Philippines, Việt Nam, Malaysia, Miến Điện ; rồi đến ngày 5/4 thêm 13 tàu của Việt Nam và 10 tàu Malaysia. Cũng trong năm 2016, một số tàu Trung Quốc và Thái Lan cùng chung số phận.

Ông Arifsyah Nasution, một người phụ trách ở Greenpeace Indonesia nhìn nhận : « Đánh chìm một lúc 71 chiếc tàu là quá nhiều. Chúng tôi đã đề nghị chính quyền nên ngừng việc phá hủy bằng chất nổ, rất có hại cho môi trường biển. Tốt nhất nên cho tháo dỡ các tàu này trên đất liền và tái chế ». Bên cạnh đó, một số tàu đánh cá lậu khai thác cá thu, cá mập và những loại cá nhỏ ở biển khơi, đánh bắt một cách hủy diệt bằng chất nổ và cyanure. Theo ông Nasution « Vấn đề là nghiêm túc, Jakarta phải vừa bảo vệ cả tài nguyên lẫn chủ quyền ». 

Tổng thống Indonesia Joko Widodo tiếp các nhân vật nổi tiếng nhân ngày Quốc khánh 17/08/2016.
« Thế giới phải nhận ra Indonesia là nước lớn »

Phương cách thô bạo của Jakarta đã gây căng thẳng ngoại giao với Trung Quốc, nhất là hồi tháng Sáu. Đoàn tàu đánh cá của Bắc Kinh thực sự bùng nổ về số lượng, làm cho các nước láng giềng phải lo ngại. Năm 2014, Trung Quốc có 2.430 tàu cá công nghiệp có thể hành nghề xa khơi, so với năm 2007 chỉ có 1.350 chiếc, gây mất thăng bằng lực lượng trong khu vực.

Le Figaro thông tin, hồi tháng Bảy Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc loan báo một hiệp ước « cách mạng », lần đầu tiên mang tính ràng buộc, về « đánh cá bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (INN) », được đưa ra từ năm 2009, đã thu thập được đủ số thành viên để có thể áp dụng. Hiệp ước này cho phép các Nhà nước được kiểm tra các tàu cá nước ngoài đi vào hải cảng của mình, có thể cấm tuồn hàng và báo động cho các nước thành viên nếu có nghi vấn.

Khoảng ba mươi nước đã ký kết, trong đó có Liên hiệp Châu Âu, và các nước xuất khẩu hải sản lớn như Indonesia, Thái Lan, Chilê, Hoa Kỳ. Nhưng hãy còn thiếu Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga và Pêru.

Les Echos cho biết thêm, đa số trong 71 chiếc tàu bị đánh đắm lần này là của Trung Quốc, và Việt Nam. Vùng biển Indonesia rất khó kiểm soát, vì có đến 17.000 hòn đảo. Khi ra lệnh đánh chìm tàu một cách ấn tượng, tổng thông Indonesia tìm cách bảo vệ đội tàu cá của mình, đồng thời tái khẳng định chủ quyền trong khu vực đang có những tranh chấp.

Trung Quốc dù bị Tòa án Trọng tài Thường trực hôm 12/7 bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò, vẫn tiếp tục đòi hỏi chủ quyền 80% Biển Đông. Indonesia dù không liên quan đến tranh chấp lãnh thổ như Philippines và Việt Nam, nhưng trong bài diễn văn đọc trước quốc dân hôm qua tổng thống Joko Widodo vẫn khẳng định sẽ « bảo vệ từng tấc đất ». Kể cả vùng địa đầu xa tít tắp của quần đảo như Natuna, mà Jakarta đang sợ bị Bắc Kinh dòm ngó.

Tại cụm đảo gồm 270 đảo nhỏ này, ông Widodo muốn phát triển nghề cá, khai thác dầu khí đồng thời tăng cường các phương tiện quốc phòng. Ông nhắc lại : « Thế giới phải nhận ra Indonesia là một nước lớn ». Trong khi cơ sở hạ tầng tại những đảo chính đang rất thiếu thốn, « Jokowi » vẫn muốn biến Indonesia thành một cường quốc biển, đặc biệt là với những thiết trí mới cho các cảng.

Vệ tinh lượng tử đầu tiên được Trung Quốc phóng đi ngày 16/08/2016.
Cảnh giác trước vệ tinh lượng tử Trung Quốc

Cũng tại châu Á, Les Echos quan tâm đến việc « Bắc Kinh phóng vệ tinh bất khả xâm phạm đầu tiên ». Tương tự, trong bài « Trung Quốc có được vệ tinh lượng tử », Le Figaro giải thích công nghệ này về mặt lý thuyết thì bảo mật tuyệt đối, nhưng khuyên các khách hàng tiềm năng của Bắc Kinh nên cảnh giác.

Theo Le Figaro, nếu Trung Quốc chiếm lĩnh được ngôi đầu trong một lãnh vực nhạy cảm như mã hóa lượng tử, vốn từ lâu do Châu Âu và Hoa Kỳ thống trị, có thể gây ra những hậu quả quan trọng về mặt an ninh ở tầm thế giới. Bởi vì hệ thống quản lý những trao đổi chìa khóa giải mã của Trung Quốc « có thể làm được những chìa khóa copy, và như vậy, Bắc Kinh xâm nhập được vào tất cả những liên lạc của khách hàng tương lai ».

Một góc đô thị Trùng Khánh ban đêm.
Trung Quốc mọc lên các siêu đô thị

Cũng về Trung Quốc, nhật báo La Croix chạy tựa trang nhất « Các siêu đô thị nổi lên tại Trung Quốc », đặc biệt là Trùng Khánh với 34 triệu dân đang muốn trở thành mô hình phát triển đô thị.

Được công nhận là đô thị tự quản từ năm 1997 (cùng cấp với Bắc Kinh, Thượng Hải và Thiên Tân), Trùng Khánh được tách ra từ tỉnh Tứ Xuyên được đặt dưới quyền lãnh đạo trực tiếp của đảng Cộng sản Trung Quốc. Năm tuyến métro hiện có và hai tuyến đang xây dựng không đáp ứng nổi cho thành phố đang mở rộng rất nhanh.

Trên vùng đất 82.000 km vuông (bằng diện tích nước Áo, hay ba nước Bỉ, Hà Lan và Luxembourg cộng lại), ngoài khu vực trung tâm, 20 triệu người dân sống rải rác tại các thành thị nhỏ ở vùng nông thôn. Trên các ngọn núi mọc lên những ngôi làng, các thành phố đông đúc, và chính quyền đang tìm cách nối với các xa lộ và tuyến đường sắt mới. Vừa thành thị vừa nông thôn, một mô hình mà Bắc Kinh cố gắng phát triển để tránh quá tập trung vào trung tâm đô thị lớn.

Một phiên họp của Douma (Hạ viện Nga).
Douma Nga và « cuộc bầu cử ma »

Nhìn sang nước Nga, Le Figaro nói về « Cuộc bầu cử ma của Hạ viện Nga ». Các công dân Nga được kêu gọi đi bầu vào ngày 18/9 tới để bầu các đại biểu Quốc hội – một cuộc bầu cử mà theo tờ báo chỉ mang tính hình thức.

Điện Kremlin hứa hẹn một cuộc bỏ phiếu « đàng hoàng, minh bạch và có tính cạnh tranh ». Tuy nhiên lại có rất ít, thậm chí không có những cuộc tranh luận, và các cuộc mít-tinh lại càng ít hơn ; các ứng cử viên không mấy thuyết phục, còn cử tri thì uể oải trước cái nóng mùa hè. Theo Viện Levada, chỉ có 40% cho rằng cần phải làm « nhiệm vụ công dân », 20% đi bầu chỉ vì thói quen.

Le Figaro nhận xét, ngoài những logo hiếm hoi của bốn đảng thân chính phủ, kỳ bầu cử Douma có vẻ như một cuộc bầu cử ma. Nhà chính trị học Alexandre Khyniev phân tích : « Đó là kết quả của một chiến lược đã được toan tính kỹ, nhằm đạt được tỉ lệ cử tri đi bầu thấp nhất. Chiến dịch muốn huy động số cử tri dễ tổn thương, không có khả năng đi nghỉ hè và lệ thuộc và trợ cấp Nhà nước ; ngăn cản cử tri độc lập ».

Luân Đôn mỏi mắt tìm chuyên gia cho Brexit

Cũng tại châu Âu, Le Monde cho biết « Luân Đôn tìm kiếm các chuyên gia Brexit ». Bảy tuần lễ đã trôi qua sau cuộc trưng cầu dân ý, chính quyền Anh vẫn chưa sẵn sàng cho việc ra khỏi Liên hiệp Châu Âu.

« Cần tuyển gấp các nhà ngoại giao chuyên về luật châu Âu và thương mại ». Chính phủ Anh cho phổ biến nhiều thông cáo như trên, tuyển mộ ồ ạt để thành lập những ê-kíp thương lượng về việc ra khỏi Liên hiệp Châu Âu. Nhưng chuyên gia vẫn thiếu, và công việc giẫm chân tại chỗ.

Tân thủ tướng Theresa May sau khi lên thay ông David Cameron đã cấp tốc thành lập hai bộ mới : bộ phụ trách ra khỏi Liên hiệp Châu Âu - được mệnh danh là "bộ Brexit", và bộ Ngoại thương. Bộ Ngoại thương phụ trách ký kết các hiệp định tự do mậu dịch, trước đây do các cơ quan EU phụ trách, hiện chỉ có khoảng 100 chuyên gia, quá ít so với 1.000 người dự kiến. Còn "bộ Brexit" chỉ mới tuyển được phân nửa trong số 250 cán bộ cần thiết.

Trong điều kiện đó, bà May cho biết sẽ không vận dụng điều khoản 50 trong Hiệp ước Châu Âu trước cuối năm nay, nhưng theo tờ Sunday Times, thực tế có thể bị dời lại đến cuối năm 2017.

VĐV Anh Alistair Browlee vui mừng thắng ba môn phối hợp tại TVH Luân Đôn 2012.
Thế vận hội và tấm gương của Anh

Ngược lại trên lãnh vực thể thao, bài xã luận của Les Echos mang tựa đề « Thế vận hội và bài học từ Anh quốc » nhận định, thành công của các vận động viên Anh không hề là ngẫu nhiên.

Hiện nay Anh quốc đứng nhì trong bảng xếp hạng huy chương, sau cường quốc thể thao Hoa Kỳ nhưng trên cả Trung Quốc. Hai mươi năm trước, sau nỗi nhục ở Thế vận Atlanta : đứng thứ 36, dưới cả Algérie và Kazachzstan, trong những năm 2000 Anh đã kiên nhẫn gầy dựng đội ngũ, sau khi Luân Đôn được chọn làm nước chủ nhà. Những mầm non thể thao được chọn lựa gắt gao, thành lập cả bộ Olympic, xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng và đầu tư công nghệ. Anh quốc làm mọi cách để trỗi dậy, niềm tin chiến thắng được hun đúc, và nay họ đã thành công.

Một phụ nữ đạo Hồi trong bộ "burkini" trên bãi biển.
Burkini, cuộc tranh cãi dữ dội tại Pháp

Tựa trang nhất của Le Figaro hôm nay 17/08/2016 được dành cho cuộc bầu cử sơ bộ cánh hữu Pháp. Hồ sơ của Libération nói về cuộc tranh cãi xung quanh burkini – loại áo tắm Hồi giáo che kín người, Le Monde đặt câu hỏi « Vì sao phải lắng nghe giới tinh hoa theo đạo Hồi tại Pháp ? ». Nhật báo công giáo La Croix dành nhiều trang cho những siêu đô thị tại Trung Quốc, còn tờ báo kinh tế Les Echos quan tâm đến việc hãng Volkswagen bị lọt vào tầm ngắm của tư pháp Mỹ.

Riêng trên lãnh vực xã hội tại Pháp, hầu hết các báo đều dành nhiều giấy mực cho « burkini », sau khi một số thành phố Pháp lần lượt cấm loại áo tắm Hồi giáo này trên các bãi biển, đặc biệt là sau vụ đụng độ ở đảo Corse hôm thứ Bảy.

Là biểu hiện của tự do cá nhân, tính đa dạng trong trang phục hay cho sự co cụm vào cộng đồng đạo Hồi, sự khiêu khích hoặc đáng ngại hơn, là ảnh hưởng của wahhabisme, xu hướng Hồi giáo cực đoan tại Pháp ? Cuộc tranh luận có vẻ khó thấy được hồi kết.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20160817-danh-dam-tau-ca-cac-nuoc-indonesia-muon-khang-dinh-la-cuong-quoc-bien

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.