Các nhà đấu tranh nhân quyền "chào đón" Tập Cận Bình tại Luân Đôn, 20/10/2015. |
Nhật báo kinh tế Les Echos trong bài viết mang tựa đề « Khi Trung Quốc nghi ngại chính mình »
đã nhận xét, càng thiếu tự tin, Bắc Kinh càng lớn tiếng với bên ngoài.
Tác giả bài viểt, giáo sư Dominique Moïsi, cố vấn đặc biệt Viện Quan hệ
Quốc tế Pháp nhận định, đối mặt với các thử thách mênh mông trong nước
và những nghịch lý, chế độ đôi khi cho người ta cảm giác đang giậm chân
tại chỗ.
Tổng thống Pháp François Hollande
đến Bắc Kinh hôm nay, theo chân Thủ tướng Đức Angela Merkel có mặt cách
đây hai ngày. Những tuần lễ trước đó, Chủ tịch Trung Quốc đã gặp gỡ
Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Hoa Kỳ và được tiếp đón trọng thể tại Anh
quốc. Những chuyến viếng thăm này đã mang lại thêm tính chính đáng cần
thiết cho một Trung Quốc đang đối mặt với tăng trưởng giảm sút, đúng ra
là những ngờ vực.
Chính quyền Trung Quốc có thể kiểm soát được vấn đề môi trường bằng
cách buộc nhiều nhà máy xung quanh Bắc Kinh phải đóng cửa : thời tiết
rất đẹp trong dịp Hội nghị Trung ương Đảng tuần rồi. Họ kiểm soát được
vấn đề dân số, khi cho phép các cặp vợ chồng có hai con. Chính sách một
con « là món quà của Trung Quốc dành cho nhân loại » - một lãnh
đạo cao cấp Bắc Kinh tuần rồi đã nói trong vòng thân mật - vì nếu
không, dân số nước này đã có thể lên đến 2 tỉ người !
Nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã không tìm ra lời giải đáp
cho một thách thức khác trầm trọng hơn nhiều. Đó là làm thế nào duy trì
quyền lực không suy suyển trong khi tất cả đều thay đổi, từ bên trong
cũng như bên ngoài đất nước ?
Tác giả vốn có mặt ở Bắc Kinh tuần rồi nhận xét, có vẻ như thế giới
tin tưởng vào Trung Quốc hơn là Trung Quốc tin vào chính mình. Thế vận
hội năm 2008 có thể đã tạo nên đỉnh cao cho sự tự tin. Nhưng từ đó đến
nay, một mặt, khủng hoảng kinh tế cùng với tăng trưởng chậm lại, mặt
khác việc cá nhân hóa quyền lực xung quanh Tập Cận Bình đã tạo nên một
không khí khác hẳn. Các diễn từ của quan chức Bắc Kinh tỏ ra ở thế thủ
nhiều hơn, càng làm rõ thêm nghịch lý này.
Tác giả đặt câu hỏi, trên trường quốc tế, làm thế nào Trung Quốc có
thể rao giảng về dân chủ hóa, khi từ chối thô bạo tiến trình này ngay
trong đất nước mình ? Làm thế nào nêu ra việc tôn trọng luật quốc tế như
một mô hình đạo đức, trong khi tỏ ra vô cùng thông cảm với Nga trong «
việc đã rồi » Crimée ? Người ta không thể xây dựng nên lòng tin trên một
sự tương phản quá lớn giữa lời nói và hành động.
Và cuối cùng, làm thế nào hòa hợp được giữa một vai trò quá khiêm tốn
trên thế giới - đặc biệt tại Trung Đông - với sự hiện diện đầy đe dọa
và những hành động quá hung hăng tại Biển Đông ? Tuy Trung Quốc không
loại trừ việc can thiệp vào Syria với các điều kiện hết sức đặc biệt :
nếu chính quyền Damas yêu cầu và nếu được Liên Hiệp Quốc ủy nhiệm.
Tại sao Trung Quốc tiếp tục núp sau những nguyên tắc đạo đức chung,
trong khi lại hành xử nghiệt ngã với người khác ? Tại Bắc Kinh thứ Năm
tuần trước, khi tham gia một cuộc tranh luận về trật tự thế giới, bà
Angela Merkel đã ngạc nhiên khi thấy phía Trung Quốc tập trung các câu
hỏi không phải về vấn đề nhập cư, mà về an ninh mạng. Sau khi chơi ván
bài thương mại và tài chính cho Anh, Bắc Kinh lại chìa ra lá bài hận thù
với Đức. Bà Angela Merkel nói chuyện với họ về ông Putin, họ lại trả
lời bằng cách nêu ra việc nước Mỹ đã nghe lén điện thoại của bà.
Công nhân ăn bữa trưa qua quít tại một công trường xây dựng ở Bắc Kinh, 29/10/2015. |
Nội bộ càng bế tắc, Bắc Kinh càng cứng rắn trong đối ngoại
Giáo sư Moïsi nhận định, tất cả cho thấy dường như bên trong càng
thiếu tự tin, thì Trung Quốc lại càng lớn giọng đối với bên ngoài.
Những thử thách nội bộ đúng là hết sức to lớn. Làm thế nào quản lý
được một đất nước nay đã có nhiều tỉ phú hơn cả Hoa Kỳ, nhưng số người
nghèo khổ lại đông đảo ngang bằng Ấn Độ ? Làm thế nào hòa hợp được giữa
việc cổ vũ mạnh mẽ chủ nghĩa cá nhân trên lãnh vực kinh tế, nhưng lại
bác bỏ toàn bộ về mặt chính trị ? Trong lúc khu trung tâm Bắc Kinh
chuyển đổi thành một trung tâm thương mại sang trọng khổng lồ, trái tim
quyền lực ở Đại sảnh đường Nhân dân dường như ngưng đọng lại trong khung
cảnh xưa cũ.
Tác giả quan sát thấy trên các đường phố Bắc Kinh, cảnh sát trong bộ
cảnh phục xanh lá và găng tay trắng hiện diện khắp nơi, nhưng cả người
đi bộ lẫn người lái xe đều không tuân thủ luật lệ giao thông. Có vẻ như
Nhà nước Trung Quốc không quan tâm đến việc giáo dục công dân, về sự tôn
trọng lẫn nhau trong xã hội.
Một bầu không khí kỳ lạ ngự trị tại thủ đô. Những tuyên bố ủng hộ chế
độ càng thêm cứng rắn, nhưng trong nội bộ hệ thống người ta cởi mở hơn,
thận trọng bày tỏ những ngờ vực.
Chưa ai có thể dự đoán về tương lai Trung Quốc, nhưng đất nước này
không còn tạo cho người ta cảm giác đang dần bước về một hướng tốt đẹp
như vài năm trước đây. Vấn đề là làm sao biết được Trung Quốc đang thụt
lùi ít hay nhiều, hay đơn giản chỉ là giậm chân tại chỗ ?
Trực thăng H135 |
Trực thăng Airbus « Made in China »
Trên lãnh vực kinh tế, Le Monde nói về « Những chiếc Airbus ngày càng ‘‘Made in China’’ hơn », với việc tập đoàn sản xuất máy bay châu Âu sẽ xây dựng một nhà máy lắp ráp trực thăng dân dụng tại Trung Quốc.
Theo dự kiến, chiếc trực thăng H135 đầu tiên của Airbus sẽ được xuất
xưởng tại Cáp Nhĩ Tân vào năm 2018. Đây là loại trực thăng có kích thước
khá lớn, dùng cho việc vận chuyển người và thiết bị ra ngoài khơi.
Hiện được sản xuất tại Marignane vùng Bouches du Rhône của nước Pháp,
trực thăng H135 sản xuất tại Trung Quốc sẽ được mang tên thương mại là
AC352, dành cho thị trường nội địa nước này. Nhu cầu còn rất lớn vì quy
định ở Trung Quốc đến nay chỉ dành ưu tiên cho trực thăng quân sự. Việc
hạn chế này sẽ được giảm dần, và số lượng trực thăng trong 20 năm tới sẽ
tăng gấp đôi.
Đối với phi cơ, Airbus cũng chọn Trung Quốc để mở nhà máy lắp ráp đầu
tiên ngoài châu Âu. Thị phần của tập đoàn hàng không châu Âu tại Trung
Quốc đã tăng từ 7% năm 1995 lên 50%, cạnh tranh ngang ngửa với Boeing.
Tập đoàn Mỹ, hiện diện tại Trung Quốc từ bốn mươi năm qua thì có chiến
lược khác : nghiêng về việc hợp tác với nhiều đối tác thay vì lập nhà
máy bên ngoài Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Serguei Choigou |
Serguei Choigou, chiến tướng của ông Putin
Nhìn sang nước Nga, trong bài điều tra « Chiến tướng của Putin », Le
Monde phác họa chân dung của ông Serguei Choigou, Bộ trưởng Quốc phòng
Nga. Sáp nhập Crimée, can thiệp vào Syria, hợp tác quân sự với Iran :
tướng quân trung thành với Tổng thống tả xung hữu đột trên khắp các
chiến trường do Vladimir Putin khởi động, đồng thời còn tỏ ra lão luyện
trên mặt trận
Từ sau khi Liên Xô tan rã, chưa bao giờ có nhiều cuộc tập trận như
thến từ Nam cực tới Vladivostok, được dàn dựng như những siêu phẩm
Hollywood. Mùa hè vừa qua 95.000 binh lính, 170 máy bay và 20 chiến hạm
đã được huy động. Trong bối cảnh u ám của nền kinh tế hiện nay, ngân
sách dành cho Bộ Quốc phòng lại được tăng 33%, đạt 3.287 tỉ rúp (46,5 tỉ
euro) trong năm 2015, chiếm trên 20% chi tiêu của nước Nga.
Chuyên gia quân sự nổi tiếng Alexandre Goltz nói với Le Monde : « Nếu Putin nghiêm túc nghĩ đến một người kế tục, thì ông Choigou là ứng viên hàng đầu ».
Ngược lại, trong trường hợp thất bại hay vấp phải những thử thách
nghiêm trọng trên thực địa, Bộ trưởng Quốc phòng cũng sẽ là người đầu
tiên bị hy sinh. Cũng theo chuyên gia này, ông Serguei Choigou, người
gốc Xibêri, là một trong những lãnh đạo hiếm hoi của Nga vừa làm việc
hiệu quả vừa lại là một nhân vật khá tử tế. Ông ta hiểu rất rõ ông
Putin, vì họ cùng một thế hệ, cùng một cách suy nghĩ của « con người xô-viết ».
Hiện trường máy bay Nga rơi trên đất Ai Cập, 01/11/2015. |
Máy bay Nga bị IS khủng bố?
Cũng liên quan đến Nga, nhưng về sự kiện bi thảm máy bay rơi ở Ai Cập
làm 224 người tử nạn, các báo Pháp hôm nay đều đặt ra các giả thiết về
nguyên nhân khiến chiếc Airbus của hãng hàng không Nga Kogalymavia nổ
tung giữa không trung, trong đó không loại trừ khả năng bị khủng bố.
La Croix nhận định, cho dù Matx cơva đã bác bỏ ngay tuyên bố do chi
nhánh Ai Cập của tổ chức Nhà nước Hồi giáo đưa ra nhận là đã bắn hạ
chiếc Airbus A321, nhưng một khi hai chiếc hộp đen chưa được phân tích
thì mọi kịch bản đều có thể.
Kích thước các mảnh vỡ khá nhỏ, rải rác trong chu vi lên đến 20
kilomet cho thấy có thể máy bay đã bị nổ tung từ trên không. Nhưng theo
chuyên gia hàng không Gérard Feldzer, thì vẫn chưa thể khẳng định được
nguyên nhân. « Không thể loại trừ trường hợp hư hỏng nặng, chẳng hạn
một động cơ bị sút ra làm hư hại cánh máy bay như đã có xảy ra trong
quá khứ. Nhưng một quả bom nổ bên trong cũng có thể làm phi cơ lao thẳng
xuống đất ». Một điều chắc chắn là cơ trưởng đã không gởi tín hiệu báo nguy.
Chuyên gia Alain Rodier nhận định: « Cả Ai Cập và Nga đều có lợi
khi bác bỏ giả thiết khủng bố. Ai Cập sợ hậu quả tai hại cho ngành du
lịch của mình, còn Nga không muốn ảnh hưởng đến việc can thiệp quân sự
vào Syria, vốn dựa trên chủ trương ''thiệt hại nhân mạng bằng 0'' »
Các nhà quan sát đều cố loại trừ khả năng chiếc Airbus A321 bị hỏa
tiễn từ dưới đất bắn trúng, vì quân thánh chiến tại Ai Cập đến nay chỉ
sở hữu các khẩu kalachnikov, súng phóng lựu, tên lửa chống tăng và hỏa
tiễn địa-không cầm tay. Tuy đã từng bắn hạ trực thăng hoặc bắn trúng
chiến hạm, nhưng nhóm này không có vũ khí hạng nặng để nhắm vào một
chiếc máy bay ở độ cao 9.000 mét. Ngược lại, quân thánh chiến vẫn có thể
thâm nhập phi trường Charm El Cheikh để đặt bom ngay trên phi cơ.
Tuy nhiên việc phe thánh chiến lên tiếng nhận là tác giả cũng gây lo ngại, vì nhánh « Tỉnh Sinai »,
trước đây mang tên Ansar Jerusalem là một trong những nhóm đầu tiên đầu
quân vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Nếu nguyên nhân khủng bố là sự
thật, thì đây là một hướng tiến công mới, cách hành động mới của IS.
Trong khi cho đến nay IS luôn tỏ ra khả tín trong các tuyên bố, chưa bao
giờ nhận vơ chiến tích của người khác vào mình.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.