Tập Cận Bình đặt vòng hoa tại Lăng Hồ Chí Minh, 06/11/2015. |
(Bloomberg 05/11/2015) Khi Chủ tịch Tập Cận Bình đặt vòng hoa tại Lăng Hồ Chí Minh ở Hà Nội, ông ta muốn nhắc nhở Việt Nam là quốc gia này đã từng chia sẻ chủ thuyết cộng sản và có quan hệ đối tác trong cuộc chiến chống Mỹ thời kỳ chiến tranh lạnh.
Chuyến công du của Tập Cận Bình hôm thứ Năm 5/11 – cũng là chuyến viếng thăm đầu tiên của một Chủ tịch Trung Quốc kể từ một thập kỷ qua – sẽ tô đậm sự tăng cường quan hệ kinh tế giữa hai nước láng giềng. Trung Quốc chiếm một phần năm thương mại của Việt Nam năm ngoái, tăng 12% so với năm 2005.
Ông ta cũng phải đối mặt với một công chúng đầy cảnh giác trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh, và sự quyết đoán ở Biển Đông làm trầm trọng thêm tranh chấp gay gắt lãnh thổ, vùng đánh cá và quyền khoan thăm dò dầu khí từ nhiều thập kỷ. Chỉ có 19% người Việt có cái nhìn tích cực về Trung Quốc, theo một thăm dò của Trung tâm Pew.
« Họ khủng bố chúng tôi trên biển và muốn chiếm các đảo của chúng tôi » - sinh viên Trần Hoàng Nam, 21 tuổi nói hôm thứ Hai, khi thơ thẩn đi qua khu lăng mộ bằng đá hoa cương của cố lãnh tụ Việt Nam. « Họ bán cho chúng tôi hàng giả và thực phẩm độc hại. Vì vậy, chúng tôi phải hết sức thận trọng khi giao dịch với cái loại tự gọi là bạn tốt này ».
Các ông Tập Cận Bình, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Đinh Thế Huynh tại Hà Nội, 05/11/2015. |
Chuyến viếng thăm cấp Nhà nước hai ngày diễn ra vào thời điểm có những thay đổi cả trong chính phủ Việt Nam lẫn quan hệ đối ngoại, và ông Tập sẽ tìm cách củng cố vị trí của Trung Quốc trên cả hai mặt trận này.
Một sự thay đổi nhân sự dự kiến trong đảng Cộng sản cầm quyền tại Việt Nam vào năm tới có thể khiến cho những nhân vật chỉ trích Trung Quốc chiếm được nhiều quyền lực hơn. Trong khi đó, Hà Nội ngày càng hướng về kẻ thù cũ là Washington, ký kết các hiệp ước hợp tác quốc phòng và tham gia Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Hoa Kỳ chủ xướng.
Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã thực hiện chuyến công du chưa có tiền lệ, thăm Tòa Bạch Ốc vào tháng Bảy, khiến Tổng thống Barack Obama hứa sẽ « sớm » thăm Hà Nội để đáp lễ. Dù chưa có kế hoạch nào được loan báo, ông Obama sẽ có mặt tại khu vực trong tháng này để dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, trường đại học George Mason ở Virginia nói : « Tập Cận Bình muốn chứng tỏ với Việt Nam quan hệ với Trung Quốc là quan trọng hơn bất kỳ quốc gia nào khác, đặc biệt là với Hoa Kỳ. Ông ta muốn cho Việt Nam thấy rằng, anh cần tôi và anh không muốn tôi nổi giận. Người Việt không thể nào hoàn toàn làm ngơ trước áp lực của Trung Quốc ».
Biểu tình chống Tập Cận Bình ở Saigon ngày 05/11/2015. |
Mối liên quan ý thức hệ
Tập Cận Bình đến thủ đô Việt Nam vào trưa thứ Năm. Trước khi máy bay chở ông ta chạm đất, công an ở Thành phố Hồ Chí Minh cách đó 1.200 kilomet về phương Nam, đã chận từ 80 đến 100 người biểu tình tuần hành đến lãnh sự quán Trung Quốc – theo lời hai người cho biết có tham gia. Một số người biểu tình mang theo biểu ngữ đòi hỏi ông Tập phải « biến đi » đã bị đánh đập và bắt giữ. Công an địa phương từ chối bình luận khi chúng tôi gọi điện thoại.
Ông Tập đến thăm với tư cách người lãnh đạo đảng Cộng sản lớn nhất thế giới, đồng thời là Chủ tịch nước, và phát biểu trước Quốc hội Việt Nam vào thứ Sáu 6/11. Ông ta dự kiến nhấn mạnh các liên hệ kinh tế và ý thức hệ, tránh tranh cãi về những bất đồng – theo Lê Hồng Hiệp, giảng viên trường Đại học Quốc gia ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ngân hàng Trung Quốc chuẩn bị tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng Việt Nam để giúp tạo nên quan hệ chặt chẽ hơn giữa Việt Nam và Trung Quốc – Tân Hoa Xã hôm 3/11 cho biết như trên.
Zachary Abuza, giáo sư National War College ở Washington nói : « Đó không chỉ là một chuyến viếng thăm cấp Nhà nước, mà còn là giữa đảng với đảng, nhằm gây áp lực lên chính sách của Việt Nam. Người Trung Quốc rất lo lắng về việc hình thành được một nhóm người nắm quyền có thể xúc tiến cải thiện mối quan hệ và giao thương với Hoa Kỳ ».
Cảnh đào đắp tấp nập trên Đá Xu Bi, nhìn từ đảo Thị Tứ ngày 29/10/2015. |
Xung đột quân sự
Tập Cận Bình muốn gì với chuyến thăm Việt Nam?
Giữa Việt Nam và Trung Quốc đã diễn ra cuộc chiến tranh biên giới ngắn ngủi năm 1979, và đối đầu nhau trong việc kiểm soát quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Năm ngoái, Bắc Kinh cho đặt một giàn khoan gần Hoàng Sa, quần đảo đã bị Trung Quốc cưỡng chiếm năm 1974, gây ra cuộc xung đột giữa các tàu Việt Nam với Trung Quốc và dẫn đến các vụ bạo loạn chống Trung Quốc đẫm máu trên đất Việt.
Zhang Mingliang, một chuyên gia về quan hệ Trung-Việt của trường đại học Jinan ở Quảng Châu nói : « Trong một vài trường hợp, đó là một bước tiến đến chiến tranh. Các tranh chấp lãnh thổ đang trở thành nhân tố quyết định trong quan hệ đôi bên trong vài năm qua, và hầu như che khuất mọi phương diện khác ».
Trung Quốc yêu sách trên 80% Biển Đông dựa trên đường 9 đoạn vẽ ra theo một bản đồ năm 1947 không có tọa độ cụ thể. Việt Nam cho biết đang xem xét tiến hành hành động pháp lý chống lại người láng giềng, sau khi Philippines nộp đơn khiếu nại lên Tòa án Trọng tài Quốc tế ở La Haye.
Các tranh chấp lãnh thổ đã làm dấy lên mối oan cừu lịch sử từ hàng trăm năm trước, khi các hoàng đế Trung Hoa cai trị khu vực như một phần trong đế chế rộng lớn hơn của họ. Một kiến nghị trên Facebook được 170 nhà tranh đấu ký tên vào tháng trước kêu gọi Hà Nội hủy bỏ lời mời Tập Cận Bình.
Trước tượng đài Trần Hưng Đạo ở Saigon, 05/11/2015. |
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.