Chiếc máy bay bị bắn cháy, rơi xuống vùng núi biên giới Thổ Nhĩ Kỳ ngày 24/11/2015. |
Từ khi tung ra những đợt không kích đầu tiên hôm 30/09 đánh
vào các « mục tiêu khủng bố »
ở Syria, Bộ Quốc phòng Nga đã có những màn trình diễn ngoạn mục, được các kênh
truyền hình trong nước tuyên truyền một cách hiệu quả. Đó là hình ảnh một quân
đội đi chinh phục, tiến hành một cuộc chiến tranh « đặc thù » với hỏa tiễn bắn ra từ các chiến hạm, những quả
bom thả xuống từ các oanh tạc cơ, và nhất là mấy chục chiến đấu cơ triển khai
tại Syria.
Trong bản tổng kết mới nhất hôm 17/11, Bộ Tổng tham mưu Nga
loan báo đã tấn công 4.111 mục tiêu qua 2.289 cuộc không kích, phá hủy 562 sở
chỉ huy, 64 trại huấn luyện và 54 xưởng sản xuất đạn dược, thiết bị.
Rồi đến ngày 24/11, xảy ra vụ chiếc Sukhoi-24 bay dọc theo
biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ bị máy bay F-16 của Thổ bắn rơi.
Bỏ qua một bên những tranh cãi về việc chiếc máy bay Nga có
xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ hay không, hậu quả là như thế : một phi cơ
Nga bị bắn hạ, một phi công bị phe nổi dậy Syria giết khi nhảy dù xuống, rồi
một thủy quân lục chiến bị chết trong hoạt động cứu hộ bằng trực thăng. Chỉ có
viên phi công thứ hai được cứu thoát trong chiến dịch giải cứu sau đó.
Ông Putin sẽ còn nhiều ưu tư với Syria. |
Các oanh tạc cơ Nga, trong đó có một số như Su-24 ít có khả
năng bảo vệ, nay mỗi lần bay sẽ phải được các phi cơ tiêm kích hộ tống.
Tuần dương hạm hỏa tiễn Moskva - soái hạm của Hạm đội Hắc
Hải - từ nay thả neo ở ngoài khơi Lattaquié, ở tây bắc Syria, để tăng cường cho
lực lượng phòng không gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria nơi các máy bay Nga hoạt
động.
Cuối cùng, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Serguei Choigou loan báo
việc triển khai tại căn cứ không quân Hmeimim các hệ thống chống hỏa tiễn thế
hệ mới nhất là S-400.
Vladimir Putin tuyên bố : « Tôi hy vọng việc triển khai này cùng với các biện pháp khác, đủ
để bảo đảm an toàn » cho các phi cơ của quân đội Nga.
Nhưng ngoài các điều chỉnh chiến thuật trên, từ nay toàn bộ
chiến lược của Nga tại Syria đã trở nên mong manh. Trước khi can thiệp quân sự
tại Syria vào cuối tháng Chín, Nga kêu gọi thành lập một liên minh quốc tế với
sự tham gia của quân đội Syria và Irak. Vladimir Putin mong muốn liên minh này bao
gồm các nước trong khu vực như Iran, nhưng nhất là Ả Rập Xê Út và Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau các vụ khủng bố tại Paris hôm 13/11 và sự tham gia ngày
càng tích cực của Pháp trong hồ sơ Syria, Tổng thống Nga có thể hy vọng ý tưởng
về liên minh của ông sẽ tiến triển. Nhưng sau vụ máy bay bị bắn rơi, làm thế
nào Thổ Nhĩ Kỳ và Nga – mà Putin cho là bị « đâm
sau lưng » - có thể cùng tham gia một liên minh quân sự tại
Syria ?
Một chiến binh Turkmen cầm trong tay một phần chiếc dù phi công Sukhoi. |
Nhất là từ lâu Thổ Nhĩ Kỳ đã rất bức xúc khi Nga dội bom vào
vùng tây bắc Syria, gần biên giới Thổ, nơi những người Turkmen tức thiểu số
người Syria gốc Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống.
Nhà chính trị học Fedor Loukianov, chủ tịch Hội đồng về
chính sách đối ngoại và quốc phòng nhận định : « Tính chất rủi ro khi can thiệp vào Syria là hiển nhiên ngay từ
đầu. Chỉ có điên mới nghĩ rằng tham gia vào một cuộc nội chiến, sau những gì đã
diễn ra tại Cận Đông từ 15 năm qua, là dễ dàng ».
Chuyên gia quân sự độc lập Pavel Felguenhauer phê phán nhiều
hơn. Ông khẳng định : « Người
ta đã đánh giá thấp các nguy cơ và kẻ thù. Rõ ràng là Nga đã không tính đến lợi
ích của Thổ Nhĩ Kỳ, tình hình ở Cận Đông cũng như sự phức tạp của xung đột giữa
phe Sunni và Shia, và không phải tất cả đều được quyết định tại Washington ».
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.