Tập Cận Bình tại Việt Nam, 06/11/2015. |
Mười
tám tháng sau câu chuyện giàn khoan Hải Dương 981 khiến người dân Việt bớt ghẻ
lạnh nhau, những ai còn quan ngại đến vận mạng đất nước lại cần « Cảm ơn Tập Cận Bình ».
Không thể khác hơn được!
Bởi vì chỉ một ngày sau khi rời Việt Nam,
diện mạo của nhân vật đang nhắm đến vị trí quyền lực thứ hai thế giới - sau
Putin - đã đổi màu lột xác. Tập Cận Bình đã biến cuộc « sinh hoạt »
tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore vào ngày 7/11 thành diễn đàn đảng trị
một chiều « sói chết không chừa
nết »: « Các
hòn đảo ở biển Nam Trung Hoa là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời xa xưa », và « Chính phủ Trung Quốc phải có trách nhiệm để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và
quyền lợi lãnh hải chính đáng ».
Không một lời thèm đá động đến hai số
phận quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và cũng chẳng hề thốt ra một hứa hẹn nào về « sẽ giải quyết tranh chấp Biển
Đông » trước gần 500 đại biểu Quốc hội Việt Nam quen nín lặng, nhẫn
nhục, đạo diễn của vở kịch mang tên « Hải Dương 981 » hoàn toàn để
ngỏ khả năng Bắc Kinh sẽ dàn chào những giàn khoan Hải Dương mới, hay thậm chí
còn tệ hơn - như biển số 000.79 của xe hơi mà họ Tập sử dụng ở Hà Nội mới đây -
như một gợi ý lộ liễu về quá khứ « dạy
cho Việt Nam một bài học » trong cuộc chiến biên giới Việt - Trung năm
1979.
Song chính tia mắt đỏ lừ vằn vện tự tôn
vô giới hạn của con sói đã mang lại cho giới lãnh đạo Việt Nam một bài học mới:
Còn lâu mới có chuyện « mười sáu chữ
vàng » và « bốn tốt ».
Tập có can thiệp được vào « Bộ Chính
trị Giao Chỉ »?
Trước « chuyến thăm » của người
nhất thể hóa hai cương vị Tổng bí thư và Chủ tịch Trung Quốc tại Việt Nam vào
hai ngày 5 và 6 tháng 11, đã xuất hiện không ít lo ngại về kịch bản lãnh đạo
Trung Quốc tìm cách, và rất có thể sẽ thành công, can thiệp vào đường lối đối
ngoại và cả hoạt động nhân sự cao cấp của « Bộ Chính trị Giao Chỉ »
trước khi Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 diễn ra vào đầu năm 2016.
Tin tức Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam 1 tỉ nhân dân tệ càng làm nỗi lo sợ bị
Hán hóa tăng vọt.
Thế nhưng tuyên bố có thể được hiểu là « Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về Trung
Quốc » của Tập
Cận Bình tại Singapore có lẽ làm giảm bớt nỗi lo ngại nói trên. Đơn giản là với
tính cách quá ngạo mạn của nhà nước Đại Hán, Tập Cận Bình sẽ không dại gì tái
khẳng định chủ quyền biển đảo của Trung Quốc, nếu mục tiêu mơn trớn và lôi kéo
Bộ Chính trị Hà Nội vào vòng phụ thuộc Bắc Kinh đã đạt được qua những cuộc gặp
với « tứ trụ » Việt Nam.
Dư luận xã hội, được biểu trưng bằng hệ
thống báo chí « mang tính đảng », là một bằng chứng rất thiết thực về
hiệu ứng có thể coi là mờ nhạt của Tập Cận Bình tại Hà Nội.
Trong khi tờ PetroTimes chọn từ « xảo ngôn » - một từ ngữ nặng nề để chỉ trích thái độ « đại
bá của lãnh đạo Trung Quốc » và báo Pháp Luật TP. HCM nói ông Tập đã « ngang ngược » khi tuyên bố
rằng các đảo trên Biển Đông là thuộc về lãnh thổ Trung Quốc từ thời xa xưa, thì
trang Giáo dục Việt Nam chạy
tít « Thiện chí chót lưỡi đầu môi »:
« Trung Quốc vẫn cứ làm theo ý mình
trong khi mong muốn và tìm cách ép các bên liên quan, bao gồm Việt Nam, phải
theo luật chơi của họ ».
Hoàn toàn dễ hiểu là giới báo chí Việt
Nam - những tờ báo có truyền thống phản biện và có thể cả báo đảng - đã được
nhân vật bị coi là « thân Trung » như Nguyễn Phú Trọng không cấm cản
để tung ra những câu chữ bất thường lên án Trung Quốc. Ban Tuyên giáo Trung
ương của Ủy viên Bộ Chính trị Đinh
Thế Huynh, cũng vì thế, được xem là địa chỉ « bật đèn
xanh » cho chiến dịch phản tuyên truyền này, cho dù mới vào nửa đầu năm
ngoái, tất cả còn bị trói tay bởi từ « tàu
lạ ».
Nguyên khí Quang Trung Nguyễn Huệ
Một dấu chỉ khác càng làm nổi bật quan
điểm « dần thoát Trung » khi nhân vật số hai của giới lãnh đạo Việt
Nam - Chủ tịch nước Trương Tấn
Sang - đã công khai nói trong cuộc tiếp Tập Cận Bình: « ...
những năm gần đây, lòng tin về quan hệ hai Đảng, hai nước trong một bộ phận
quần chúng nhân dân, cán bộ, đảng viên đã bị suy giảm bởi những tranh chấp, bất
đồng giữa hai nước về vấn đề trên biển cũng như việc một số thỏa thuận hợp tác
giữa hai nước không được thực hiện đầy đủ. »
Rất cần để ý rằng đây là lần đầu tiên kể
từ khi nhậm chức Chủ tịch nước và cũng là lần đầu tiên sau nhiều cuộc tiếp xúc
với phía Trung Quốc, ông Sang - người từng bị dư luận chỉ trích khá nặng nề về
tư thế cúi đầu quá thấp trước quốc kỳ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Bắc Kinh
vào năm 2013, đã có gan « càm ràm » trực diện với lãnh tụ Đại Hán. Phát
ngôn cùng hành động có phần « vượt trên chính mình » này đã khiến
nhiều người ngạc nhiên. Tuy thế, một số dư luận, kể cả trong giới đấu tranh dân
chủ nhân quyền, lại tỏ ra phần nào đồng cảm với ông Trương Tấn Sang về
nguyên khí Quang Trung Nguyễn Huệ:
“Đánh
cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó ngựa xe tan tác
Đánh cho nó manh giáp chẳng còn
Đánh cho nó biết nước Nam anh hùng có chủ”
Nhưng khá trái ngược, một số dư luận lại
tỏ vẻ tiếc nuối: nhân vật số 3 của giới lãnh đạo Việt Nam - Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng và là người từng nêu ra từ ngữ bất hủ về « tình hữu nghị viển vông » - vào lần tiếp Tập Cận Bình
vừa qua đã chỉ « ... đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm Việt Nam
của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng như những nhận thức
chung quan trọng mà Tổng Bí thư hai Đảng đạt được trong cuộc hội đàm về phát triển
quan hệ hai Đảng, hai nước ».
« Quay đầu là bờ »
« Phát triển quan hệ hai Đảng, hai
nước » lại là tiêu ngữ mà giới lãnh đạo Việt
Nam, đặc biệt là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện như một chủ trương mới
mẻ và có vẻ thành thật đối với Hoa Kỳ từ năm 2014, và « đi vào chiều sâu » trong chuyến công du Washington
tháng 7/2015 của ông Trọng, chứ không mang vẻ « ngớ ngẩn » của Ủy
viên Bộ Chính trị Phạm Quang Nghị tại Mỹ vào tháng 7/2014.
Hình như ngày càng nổi rõ sự kiện Tổng Bí
thư Trọng được Tổng thống Hoa Kỳ tiếp đón rất trang trọng tại chính Phòng Bầu
dục đã mở ra một điểm ngoặt mang tính quyết định cục diện đối ngoại đối với
giới lãnh đạo Việt Nam: xoay trục sang phương Tây để tương thích với chính sách
xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương của nước Mỹ.
Hệ quả là sau sự kiện tháng Bảy 2015, lần
đầu tiên kể từ năm 1975, tàu chiến Mỹ thực thi nhiệm vụ « tuần tra thường xuyên ở khu vực Biển Đông », bất chấp
Trung Quốc có muốn hay không.
« Cảm
ơn Tập Cận Bình »
cũng bởi thế đang vô hình trung phát sinh. Ve vãn và lôi kéo Việt Nam không
thành công, quyết tâm tái khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa
của lãnh đạo Trung Quốc càng khiến dân chúng Việt nổi giận; còn những kẻ thân
Trung cuối cùng ở Hà Nội càng lo sợ cho tương lai của họ: sẽ ra sao nếu một khi
Việt Nam bị Hán hóa lần nữa, họ sẽ trở thành một thứ « quần thần lơ láo », hoặc tệ hơn là phải chịu số phận bị
tận diệt về chính trị?
Bây giờ thì đã rõ, từ đây đến Đại hội Đảng
Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 và ít ra vài năm sau đó, Trung Quốc sẽ chẳng đời
nào để cho nội tình Việt Nam yên ấm. Và vẫn sẽ là những cuộc gây hấn mang tính
tiểu xảo và có thể cả xung đột quy mô nhỏ trên biển và trên bộ, rồi chờ một lúc
nào đấy khi người Mỹ chợt « buông » Việt Nam thì sẽ nổ ra cuộc xâm
chiếm đất Giao Chỉ một lần nữa…
Nhưng đó lại là cơ may cho dân chủ cùng
tình cảm dân tộc chấn hưng. Một chế độ chính trị Việt Nam sau Đại hội 12, dù
với nhân sự của bất cứ phe phái nào, không còn cách nào khác, sẽ phải ít nhiều « quay đầu là bờ » để còn giữ
được cơ hội nhìn mặt nhân dân.
PHẠM CHÍ DŨNG (Bài đăng trên
blog VOA ngày 10/11/2015)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.