Stéphane T. là một trong số hơn một chục khán giả
bị bọn khủng bố bắt con tin để làm bia đỡ đạn và liên lạc với cảnh sát.
Anh kể lại cú sốc, thái độ các hung thủ, cuộc tấn công giải cứu của cảnh
sát. Và nỗi khó khăn khi nhận thức được mình đang ở trung tâm một thảm
kịch.
Tấm áo choàng cứu hộ vẫn
còn đó, ở lối vào căn hộ, dưới một ghế đẩu nhỏ. Nó có nguy cơ bị nhét
vào một chiếc hộp cùng với bộ quần áo mặc vào cái ngày đen tối 13 tháng
11, mà lẽ ra phải là một buổi tối lễ hội đối với người rất yêu nhạc này.
Stéphane T., chuyên gia tin học kể lại cho báo L'Humanité nghe vụ thảm sát ở
nhà hát Bataclan và vụ bắt con tin của bọn khủng bố, trước khi cảnh sát
tấn công.
Một buổi tối ở Bataclan
Đó
là lần đầu tiên tôi đi xem nhóm Eagles of Death Metal. Tôi viết những
bài bình luận ngắn cho một tạp chí trên mạng về nhạc rock, Rock
n’Concert, và tôi có giấy mời đi dự một festival Inrock ở Cigale. Nhưng
với phóng viên ảnh của trang mạng, chúng tôi đã chọn nhà hát Bataclan…
Không
khí đêm ấy tuyệt vời, ca sĩ thực sự đáng mến và vui tính. Tôi ngồi ở
khu vực balcon phía trên, đối diện với sân khấu, khi tôi bắt đầu nghe
những tiếng động hơi khô khốc từ phía dưới vọng lên. Tất nhiên ngay lúc
đó tôi chưa hiểu chuyện gì đang diễn ra. Phía trước tôi có ai đó nói
hình như là pháo vì có mùi thuốc súng. Nhưng không phải là pháo…
Lúc
đó, tôi thấy người chơi đàn ghi-ta của nhóm ngừng chơi và chạy trốn rất
nhanh vào cánh gà. Khán giả cũng bỏ chạy tứ tán, la hét thất thanh. Tôi
bắt đầu núp xuống và rồi tự nhủ, không được, phải ra khỏi đây thôi. Tôi
vơ vội đồ đạc rồi chạy vào phía sau balcon, nơi các cánh cửa mở ra cầu
thang đi xuống tầng trệt, định trốn theo lối này. Nhưng nếu chạy xuống,
lỡ đối mặt với bọn khủng bố thì có nguy cơ lãnh đạn.
Tôi bèn quay
lại balcon, chúng tôi có bốn, năm người cùng chạy. Chính ở đây tôi trông
thấy bọn khủng bố lần đầu tiên : chúng có hai tên, vũ trang súng
kalachnikov. Chắc là chúng leo lên từ sau hậu đài. Lúc ở dưới, chúng đã
xả súng khoảng bốn, năm phút, nạp đạn lại nhiều lần. Ở trên này, chúng
cũng bắn thêm vài loạt đạn nhưng ít khi từng tràng, mà bắn từng phát
một. Để giết hẳn những người chưa chết, hay bắn hạ những ai định bỏ trốn
? Tôi không biết được. Chúng tôi cố gắng núp giữa các hàng ghế, nhưng
chúng vẫn có thể trông thấy. Một số định tìm lối ra.
Hai tên khủng
bố tiến về phía chúng tôi và nói : « Bọn tôi không giết các người đâu,
hãy theo sau ». Ban đầu chúng tập họp chúng tôi ở phía sau, bên trái
balcon. Càng tiến lên thì bọn khủng bố lại tóm thêm những người khác, và
rốt cuộc có khoảng 11 hay 12 người bị giữ. Hình như tôi nghe có tiếng
một hung thủ thứ ba, nhưng không chắc ở đâu. Có lẽ hắn ta đã bị đạn cảnh
sát bắn trúng, và đai chứa chất nổ đã nổ tung.
Vào lúc đó, chúng
ra lệnh cho chúng tôi đi ra một hành lang nhìn ra ngõ Saint-Pierre
Amelot. Chính tại con ngõ nhỏ này, một video quay lại cho thấy khán giả
chạy ra khỏi nhà hát Bataclan bằng hai cửa ra bên hông. Hành lang bị
chặn bởi một cánh cửa nhìn ra balcon và ở phía cuối có một cầu thang đi
xuống hậu trường.
Chúng
tôi đã trải qua hai tiếng rưỡi đồng hồ với hai tên khủng bố trong hành
lang này. Chúng tập họp chúng tôi ngồi lại, giảng cho một bài đầu tiên
và nói : « Các người có thể cám ơn ông Tổng thống Hollande, vì nhờ
ông ta mà các người phải chịu đựng chuyện này. Chúng tôi đã bỏ vợ con
lại ở Syria dưới bom đạn. Chúng tôi thuộc về tổ chức Nhà nước Hồi giáo,
đến đây để trả thù cho gia đình và người thân trước việc Pháp can thiệp
vào Syria ». Tất cả đều nói bằng tiếng Pháp với giọng có đôi chút Bắc Phi.
Hai
hung thủ đứng canh hai bên. Ba con tin bị đặt trước cánh cửa ấy, và
những người khác trong đó có tôi đứng sát các cửa sổ nhìn xuống con ngõ
nhỏ. Qua một cửa sổ, các tên khủng bố bắn những tràng súng máy xuống đại
lộ, có lẽ về phía các cảnh sát đang bắt đầu bố trí xung quanh nhà hát
Bataclan. « Hãy đến trước cửa sổ và nói cho biết nếu thấy bọn cớm hay các tay bắn tỉa ở tòa nhà đối diện ». Tôi đứng suốt hai tiếng đồng hồ ở vị trí này, trước một cửa sổ.
Thật
là kỳ lạ vì trước mặt, tôi nhìn thấy đồ đạc bên trong một căn hộ với
một chiếc ti-vi đang hoạt động. Cường độ ánh sáng thay đổi làm tôi lo
sợ. Có lúc chúng tôi thấy hai cảnh sát tại con ngõ bên phải, mặc áo giáp
chống đạn, súng lăm lăm trên tay. Họ nhìn về phía chúng tôi, nghiêng
đầu ra dấu như là muốn hỏi gì đó. Chúng tôi không nhúc nhích và họ bỏ
đi.
Hai tên khủng bố sử dụng chúng tôi để thông tin với cảnh sát. « Nói với họ là bọn tao có những con tin, muốn thương lượng, muốn một máy bộ đàm »…Trong
số các con tin có hai, ba phụ nữ. Bọn chúng muốn biết có cặp vợ chồng
nào không. Có một cặp : người phụ nữ đứng dựa cửa ra vào và người chồng
bên cạnh tôi, kế một cửa sổ. Chúng bảo họ : « Một trong hai người đi thông tin cho bọn cớm, nếu không trở lên thì sẽ giết người còn lại ».
Chúng cũng nhận ra hai người anh em họ, một người được gởi đi để nói với cảnh sát : « Họ có súng và đai chất nổ, các ông phải lùi lại ». Chúng nói : « Nếu mày không quay lại trong hai phút, bọn tao sẽ bắn chết anh mày ». Cả chúng tôi lẫn bọn khủng bố đều không nhìn thấy những gì diễn ra trong khán phòng.
Bọn
khủng bố nói chuyện với chúng tôi bằng tiếng Pháp nhưng khi nói với
nhau và không muốn các con tin hiểu được, thì chúng nói tiếng Ả Rập. Tôi
cảm thấy chúng rất quyết tâm, thậm chí hơi kích động. Có lúc một trong
hai tên sau khi bắn kalachnikov xuống đường, có vẻ rất hài lòng : « Tao đã hạ được một tên đang nói chuyện điện thoại ! ».
Ban
đầu, khi tất cả các con tin đều buộc phải ở trong hành lang, chúng đòi
hỏi chúng tôi đứng gần cửa và mô tả những gì nghe được trong khán phòng.
Khi được cho biết chỉ có tiếng người rên rỉ, một số kêu cứu, chúng rất
đắc chí và nói : « Đáng đời mấy người, cũng như phụ nữ và trẻ em chúng tôi ở Syria thôi ».
Tôi
cố gắng tránh cái nhìn của chúng, nhưng theo những gì tôi thấy, chúng
ăn mặc như mọi người, áo màu đen. Một trong hai tên để râu lún phún. Cả
hai đều trẻ, khoảng 25 đến 35 tuổi, một tên có vẻ là cấp trên. Tôi hơi
ngạc nhiên khi cuối cùng phát hiện bọn chúng khá thiếu tổ chức, đa số là
ứng biến. Nhất là khi liên lạc với cảnh sát. Khá buồn cười khi phải mất
15 phút để chuyển cho cảnh sát một số điện thoại liên lạc. Một con tin
ghi lên giấy, một tên khủng bố hay một con tin khác hét con số qua cánh
cửa, còn cảnh sát thì không nghe rõ…
Chúng đòi chúng tôi thỉnh thoảng phải đều đặn kêu lên từ cửa sổ : « Họ bắt con tin, họ có các đai lưng chất nổ và sẽ kích nổ, lùi lại ngay, lùi lại ngay ! Họ không muốn cảnh sát tiến gần ! ». Có khi chúng nói với nhau bằng tiếng Pháp, một tên hỏi : « Hay là gọi cho… » - tôi không còn nhớ cái tên được nêu ra. Tên kia trả lời : « Không, không gọi ». Tôi nghĩ rằng có thể đó là tên chỉ huy, phối hợp vụ tấn công.
Sau
đó có bốn, năm lần trao đổi qua điện thoại. Chúng yêu cầu các con tin
gọi cho đài truyền hình BFM, nhưng không được. Cả Itélé cũng không nốt.
Có vẻ chúng hơi nghiệp dư. Tuy luôn tỏ ra quyết tâm – bọn chúng có mặt ở
đây là để giết người, đương nhiên – nhưng trong việc bắt con tin chúng
có hơi lúng túng.
Dù sao đi nữa, đối với chúng lối thoát rất rõ :
kích nổ tự sát. Nhưng tôi có cảm tưởng là chúng không biết nên làm lúc
nào. Về phía mình, tôi nghĩ rằng giờ phút cuối đã điểm, không có kết
thúc nào khác. Hoặc là bọn khủng bố tự kích nổ bên cạnh chúng tôi, hoặc
chúng bắn chết tất cả mọi người. Lúc đó, tôi còn không trông mong cảnh
sát tấn công…
Tôi cố nhũn nhặn và càng minh bạch càng tốt. Điều
này không đơn giản, vì lần nào trước khi đi nghe ca nhạc, tôi đều đăng
ảnh tấm vé lên Facebook. Tất cả bạn bè đều biết rằng tôi đang ở nhà hát
Bataclan. Và mọi người bắt đầu gọi, điện thoại tôi đổ chuông. Tôi đã đổi
được qua chế độ rung mà không gây chú ý. Nhưng chiếc điện thoại liên
tục rung lên : gia đình, bạn bè đều cố gọi cho tôi.
Vào
khoảng 0 giờ 30 phút, một phát súng làm cánh cửa hành lang bị thủng một
lỗ, gây hoảng sợ đôi chút. Tên khủng bố đứng cạnh bè đi vào bên trong.
Các con tin la lớn : « Đừng bắn, chúng tôi ở ngay sau cánh cửa, họ sẽ cho nổ tung hết ! ».
Càng lúc càng có nhiều tiếng động hơn. Hiểu rằng cảnh sát đang cố gắng
xâm nhập vào hành lang, chúng bắt chúng tôi tập hợp xung quanh, rồi chọn
vị trí phía cuối chỗ cầu thang, bắn vào cửa.
Cảnh sát BRI tiến
vào với những chiếc khiên to tướng mà sau này chúng ta thấy trên ti-vi
đầy vết đạn. Đèn tắt, những quả lựu đạn gây điếc được cảnh sát tung vào,
quả đầu tiên rơi ngay dưới chân tôi khiến tôi ngã xuống, rồi một quả
thứ hai. Một trong hai tên khủng bố đứng cách tôi một mét, một tay cầm
khẩu kalachnikov, tay kia đặt lên ngòi nổ. Nhưng hắn không kích hoạt lúc
đó, tôi không biết tại sao. Nếu hắn hành động, tôi không còn ngồi đây
để kể lại.
Súng nổ khắp nơi, cảnh sát tiến nhanh hơn. Nằm trên mặt
đất, đôi tai điếc đặc, tôi trông thấy một cảnh sát đặc nhiệm vũ trang
tận răng, bèn giơ tay lên. Cảnh sát đẩy tôi và những người khác về phía
cửa ra. Tôi cố gắng đỡ một phụ nữ đang nằm dưới đất dậy, họ nói : « Không, không, đi nhanh lên ». Tại balcon, một cảnh sát kéo áo sơ-mi tôi ra để xem có mang chất nổ hay không, sợ rằng tôi là khủng bố.
Họ bảo chúng tôi : « Đừng nhìn xuống đất ».
Đương nhiên khi nghe vậy, khó thể không nhìn xuống. Và tôi thấy cả đống
xác người, những xác chết nằm chồng chất lên nhau, máu tràn ngập khắp
nơi…Thật khủng khiếp ! Tôi không mấy ngạc nhiên vì trong hai tiếng đồng
hồ trước đó, tôi đã nghe những tiếng kêu rên, tiếng gọi cầu cứu…
Chúng
tôi đi xuống bằng cầu thang phía sau, cảnh sát bố trí khắp nơi. Bên
ngoài, các nhân viên công lực yêu cầu chúng tôi đi dọc theo tường vì sợ
hãy còn những tay bắn tỉa, và đưa vào một khoảng sân bên trong ở đường
Oberkampf…Lúc đó tôi thực sự đần độn. Tôi tự hỏi : « Liệu đây có phải là sự thật ? ».
Đó cũng là cảm giác lúc bị bắt làm con tin trong hành lang. Tôi tự nói với chính mình : « Thôi, giờ thì chấm dứt, hết phim rồi, chúng ta đã đùa vui nhưng đến đây là đủ ».
Nhưng không, hai kẻ khủng bố với khẩu kalachnikov vẫn còn đó và sẵn
sàng kích nổ. Ra được bên ngoài, tôi cảm thấy nhẹ nhõm. Hơn nữa, câu đầu
tiên cảnh sát nói là : « Các bạn an toàn rồi, đừng sợ nữa ». Chúng tôi tin, vì số lượng lực lượng an ninh được huy động là hết sức ấn tượng…
Trong
khoảng sân ở đường Oberkampf, cảnh sát kiểm tra giấy tờ, lấy lời khai
từng người sống sót. Đến lúc đó, vào khoảng một giờ sáng, tôi mới có thể
trấn an gia đình là mình còn sống…Sau đó chúng tôi được xe buýt đưa về
trụ sở cảnh sát hình sự Paris, bộ phận cứu trợ xã hội phát những tấm áo
choàng sưởi ấm.
Họ khám xét chúng tôi lần nữa trước khi lấy lời
khai tiếp, hỏi tôi có thể mô tả các tên khủng bố không. Tôi kể lại câu
chuyện bốn, năm lần cho các cảnh sát viên khác nhau. Họ cảm ơn, rất nhã
nhặn. Đến sáu giờ sáng là kết thúc. Người ta hỏi tôi có thể tự về nhà
hay có ai đến đón, nhưng tôi không còn điện thoại nữa. Thế là tôi quyết
định đi về bằng metro.
Sáu giờ sáng, tôi với chiếc áo sơ-mi rách
nát và chiếc áo choàng được phát trên vai, đi về trạm Chatelet. Đi trên đường phố Paris, thật là
một cảnh siêu thực. Trong metro người ta nhìn tôi một cách kỳ lạ. Một
ông già da đen hỏi tôi có khỏe không, tôi trả lời: « Dạ, hơi hơi ».
Đêm
hôm sau, nhờ mệt mỏi và nhờ những viên thuốc ngủ các bác sĩ ở bệnh viện
Hotel-Dieu đưa cho, tôi ngủ được. Tôi cảm thấy như tách rời khỏi những
sự kiện đã xảy ra. Càng kể lại, tôi càng có cảm tưởng không phải chính
mình đã sống qua những giờ phút ấy, mà đó là kịch bản của một bộ phim,
còn tôi thì đứng ngoài. Chuyên gia tâm lý bảo rằng đó là một hiện tượng
hoàn toàn dễ hiểu.
Một câu hỏi khác được đặt ra : tại sao là tôi
được sống sót, còn những người khác thì không ? Tôi cảm thấy hơi tội
lỗi, khi nhận được bao nhiêu lời an ủi từ những người thân, bạn bè,
những người chỉ quen sơ, đồng nghiệp. Tôi khó thể coi mình là nạn nhân,
so với những người bị thương nặng hay đã chết. Chuyên gia tâm lý trả lời
rằng cũng phải lo cho những vết thương vô hình nữa…
Hôm thứ Bảy,
tôi cố không coi thời sự trên truyền hình. Nhưng từ Chủ nhật, tôi theo
dõi liên tục. Tôi coi xem có thông tin về những con tin khác, diễn biến
sự việc, các nạn nhân, các thông tin trên Facebook…
Tôi đọc tất cả
những thông điệp kêu gọi tiếp tục sống, đi chơi, đi nghe nhạc. Đối với
tôi là cả một vấn đề. Âm nhạc là thú vui riêng, là nguồn sống của tôi.
Liệu tôi có thể tiếp tục sống như chưa từng có gì xảy ra hay không, tôi
không biết được.Tôi có vé đi xem một buổi diễn tối thứ Ba của nhóm The
Diktator ở Trabendo - một nhóm mà tôi từng đi xuyên qua nước Pháp để đến
Bordeaux xem – nhưng có lẽ đã bị hủy. Rõ ràng là cuộc sống, trước và
sau ngày 13/11 đã rất khác.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.