mercredi 4 novembre 2015

Việt Nam : 200 người biểu tình phản đối Tập Cận Bình ở Saigon

Biểu tình phản đối Tập Cận Bình ở Saigon ngày 04/11/2015.

Hôm nay 04/11/2015 khoảng 200 người ở Saigon đã tham gia cuộc mít-tinh và tuần hành phản đối Tập Cận Bình do các nhân sĩ trí thức trong Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng khởi xướng, nhân dịp Chủ tịch nước Trung Quốc đến Việt Nam trong hai ngày 5 - 6 tháng 11 và theo dự kiến sẽ đọc diễn văn trước Quốc hội.
Dù một số nhân vật nòng cốt đã bị ngăn chận từ nhà, vẫn có khoảng 200 người đến tham dự được cuộc mít-tinh tại tượng đài Trần Hưng Đạo, công trường Mê Linh ở quận 1 Saigon. Sau đó các nhân sĩ đã đến Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh để trao lá thư phản đối, yêu cầu các đại biểu có thái độ thích đáng đối với người đã từng khẳng định « Biển Đông là của Trung Quốc » trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc, nhưng không được tiếp nhận.


Đoàn biểu tình trong đó có nhiều thanh niên đã mang theo nhiều biểu ngữ phản đối Tập Cận Bình, đòi Trung Quốc trả Hoàng Sa, Trường Sa cho Việt Nam đi từ địa điểm tượng Trần Hưng Đạo, ra những con đường lớn như Đồng Khởi, Nguyễn Huệ. Được biết lực lượng an ninh cũng đông gần bằng số người tham dự, tuy nhiên người biểu tình không bị đàn áp.

Trả lời RFI Việt ngữ, ông Lê Công Giàu, nguyên Phó tổng giám đốc Saigon Tourist xác nhận cuộc biểu tình đã diễn ra một cách tốt đẹp. Giáo sư Tương Lai, bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm…đều đến được, còn những người bị ngăn chận như ông Huỳnh Kim Báu (chủ tịch Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng), tiến sĩ Phạm Chí Dũng…thì an ninh cũng có thái độ lịch sự, thường chỉ kiếm cớ trò chuyện cho đến quá giờ hẹn mít-tinh.

Các nhân sĩ Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng
Ông Lê Công Giàu: Đến tham dự có anh em trong Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, anh em trí thức lớn tuổi cũng như thanh niên. Cuộc (biểu tình) này nhằm biểu tỏ thái độ của người dân thành phố về Hoàng Sa, Trường Sa và chuyến đi của ông Tập Cận Bình tới Việt Nam trong lúc này, mà lại đến Quốc hội phát biểu nữa ! Chúng tôi phải đối việc đó !

Tôi đến đây lúc hai giờ, thì anh em đã đã đứng sẵn ở đó. Anh Huỳnh Tấn Mẫm phát biểu, rồi nhà thơ Hoàng Hưng đọc lá thư gởi cho Quốc hội Việt Nam, sau đó giáo sư Tương Lai phát biểu. Nói chung tinh thần là yêu cầu Trung Quốc trả Hoàng Sa và một số đảo của Trường Sa cho Việt Nam. Trong thư đề nghị Quốc hội không tiếp, hoặc bỏ ra khi Tập Cận Bình phát biểu, hoặc là không đến dự, v.v…

Anh em trong lúc phát biểu giơ những tờ giấy có khẩu hiệu – nhiều khẩu hiệu lắm : phản đối Trung Quốc, trả Hoàng Sa – Trường Sa cho Việt Nam, phản đối chuyến đi của Tập Cận Bình…Sau đó chúng tôi đi đến Văn phòng Quốc hội ở đường Lê Duẩn. 

Rất tiếc là còn giờ làm việc nhưng Văn phòng Quốc hội không mở cửa, mà để cho một ông nào đó ra trả lời là không nhận thư, đề nghị gởi bưu điện. Chúng tôi cũng có gọi điện thoại cho một số dân biểu nhưng không được. Thái độ của Quốc hội như thế không đúng. Đáng lẽ phải tiếp nhận chúng tôi, tiếp nhận lá thư, mà phải là người có thẩm quyền ra tiếp. Họ lại để cho một ông không biết là ông nào, làm gì trong đó - hình như là bảo vệ - ra trả lời, như vậy là coi thường chúng tôi.

Nhưng nói chung không có gì là đàn áp. Anh Mẫm đến được, giáo sư Tương Lai và một số anh chị em khác đều đến được. Không khí sôi nổi, và anh em rất hăng hái, nhưng chúng tôi chủ trương là làm tới đó thôi. Cũng là một cách thể hiện ý chí của người Việt Nam về chuyện này.


Ông Lê Công Giàu - Saigon
(01:35)

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20151104-viet-nam-200-nguoi-bieu-tinh-phan-doi-tap-can-binh-o-saigon 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.