Đăng ngày 16-12-2014
Theo báo cáo tổng kết 2014 của Phóng viên Không
biên giới (RSF) công bố ngày 16/12/2014, Trung Quốc là nước tống giam
các nhà báo nhiều nhất thế giới. 66 nhà báo bị sát hại, trong đó có
hai người bị thảm sát man rợ. Có đến 119 trường hợp nhà báo bị bắt cóc,
trong đó có 40 người vẫn đang bị giữ làm con tin.
Trung Quốc dẫn đầu danh sách các
nước nghiệt ngã nhất với các nhà báo : 17% phóng viên chuyên nghiệp và
44% nhà báo công dân hiện đang phải ngồi tù. Tiếp theo là Erythée, Iran,
Syria, Ai Cập, những nhà tù lớn đối với các nhà báo chuyên nghiệp –
không thay đổi mấy so với năm ngoái. Riêng Việt Nam thì chủ yếu các
blogger là đối tượng dễ bị tống giam.
Tổng cộng trên thế giới có 178 phóng viên chuyên nghiệp và 178 nhà
báo công dân đang bị ngồi tù, 139 người phải đi tị nạn, 1.846 người bị
đe dọa hoặc hành hung. Ukraina giữ kỷ lục về các vụ hành hung nhà báo
(215 vụ), tiếp theo là Venezuela (134), Thổ Nhĩ Kỳ (117), Libya (97) và
Trung Quốc (84).
RSF tố cáo đảng Cộng sản Trung Quốc « huy động công an côn đồ mặc
thường phục để cản trở các nhà báo đưa tin về những cuộc biểu tình, một
kiểu bạo lực thân thể và cả thóa mạ, được xuất sang Hồng Kông một cách
nguy hiểm ».
Bên cạnh nguy cơ bị tù tội, các nhà báo còn bị sát hại và bắt cóc. Tổ
chức Phóng viên Không biên giới nhận định : « Hiếm khi việc sát hại các
nhà báo lại được tiến hành với cách tuyên truyền tàn bạo như thế », với
video quay cảnh hai phóng viên Mỹ James Foley và Steven Sotloff bị chặt
đầu.
Hai phần ba các vụ giết hại xảy ra tại các khu vực có chiến tranh.
Cũng như trong năm 2013, Syria là quốc gia nguy hiểm nhất với 15 vụ hạ
sát nhà báo, tiếp đến là lãnh thổ Palestine, miền đông Ukraina, Irak,
Libya. Theo RSF, những thủ phạm muốn « ngăn cản thông tin độc lập và
những phán xét từ bên ngoài ». Các kiểu hăm dọa đa dạng cho đến nỗi số
lượng các nhà báo phải đi tị nạn cao gấp đôi so với năm ngoái.
Các vụ bắt cóc tăng 37%, đặc biệt cao tại Ukraina (33 trường hợp),
Libya (29), Syria (27), Irak (20) ; chủ yếu do các đợt tấn công của tổ
chức Nhà nước Hồi giáo và tình hình mất an ninh ở Libya. Hiện nay có 40
nhà báo chuyên nghiệp và 3 blogger vẫn đang là con tin bị giam giữ,
trong đó 90% là các nhà báo địa phương.
Từ năm 2005 đến nay, tổng cộng có đến 720 nhà báo đã bị sát hại. Năm
2014, dù xảy ra các vụ chặt đầu man rợ gây sốc cho toàn thế giới, vẫn là
năm có số phóng viên bị giết hại ít nhất trong vòng 10 năm qua.
http://vi.rfi.fr/141516-rsf-tq/
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.