vendredi 1 juillet 2022

Phúc Lai - Nhận xét về thông tin hóng được sau ngày thứ 126 của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine (29/06/2022)

 

1. Nhận xét về những tin tức hóng được hôm qua.

Trong bản tin của Bộ Tổng tham mưu Ukraine có đoạn đáng chú ý nhất về tình hình tỉnh Kharkiv:

• Chúng đã thực hiện các cuộc pháo kích từ pháo xe tăng, súng cối, pháo binh thường và pháo phản lực vào các quận của thành phố Kharkiv, các khu định cư của Pytomnik, Ukrainka, Peremoha, Dementiivka, Prudyanka, Korobochkine và Rubizhne.

Xin lưu ý các bác địa danh “Pytomnik” vì trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga cho biết: 100  lính Ukraine của đơn vị Kraken bị pháo kích tiêu diệt, kèm theo 10 phương tiện xe cộ.”

Cho đến nay, cũng theo Bộ Quốc phòng nước này, thì từ đầu Chiến dịch quân sự đặc biệt “đã tiêu diệt của Ukraine 221 máy bay, 134 trực thăng, 1.391 phương tiện bay không người lái, 351 hệ thống tên lửa phòng không, 3.853 xe tăng và các phương tiện chiến đấu bọc thép khác, 692 phương tiện chiến đấu nhiều bệ phóng tên lửa, 3.052 khẩu pháo dã chiến và súng cối, cũng như 3.907 đơn vị xe quân sự đặc biệt.”

Vội vội vàng vàng, báo chí nước Cộng hòa Đại Lỗ cũng đăng lại, đề nghị các bác hết sức kiềm chế khi đọc.

Trước những tin tức kiểu như thế này kể cả từ phía Ukraine đưa ra, tui thường thận trọng. Nhưng tui cũng phát hiện ra một điều khi theo dõi những tin tức chính thức của hai bên: Bộ quốc phòng Nga và Bộ Tổng tham mưu Ukraine, thì có sự khác biệt rõ rệt.

Trong khi Bộ Tổng tham mưu Ukraine đưa tin về các kết quả sau hoạt động của họ cũng rất dè dặt, thậm chí đưa nhiều về hoạt động của quân Nga, rất chi tiết (hàng ngày tui có một bản tin cỡ 10 trang A4, còn bản tin công khai trên mạng khoảng 2 trang thì sơ lược hơn nhiều). Một khía cạnh khác, đọc bản tin Bộ Tổng tham mưu Ukraine chỉ cần có kiến thức quân sự sơ đẳng cũng có thể phân tích được phát triển của tình hình.

Trong khi đó, báo Nga rất thích đăng các tin từ Bộ Quốc phòng nước này nhưng lại chú trọng vào những thông tin rất… cụ thể. Thậm chí hôm qua còn đưa tin phá được một cỗ pháo Caesar của Ukraine trên đảo Kubanski ở delta sông Danube.

Vậy câu chuyện ở đây là gì? – Là chuyện lớn nhất trong ngày, Nga phải rút khỏi đảo Rắn.  

Trưa hôm nay theo giờ châu Âu Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố: “Vào ngày 30 tháng Sáu, như một hành động thiện chí, Các lực lượng vũ trang Liên bang Nga đã hoàn thành nhiệm vụ được giao trên đảo Zmeiny và rút các đơn vị đồn trú tại đây.”

Trước đó, Lực lượng vũ trang Ukraine báo cáo rằng do hậu quả của cuộc pháo kích vào hòn đảo, quân đội Nga buộc phải rời khỏi nó.

Đảo Rắn bị Nga chiếm từ những ngày đầu chiến tranh, và được coi là bàn đạp quan trọng để tấn công chiếm miền Nam Ukraine cũng như phong tỏa đường hàng hải từ cảng Odessa đi ra biển Đen. Nó chỉ nằm cách điểm bờ biển gần nhất của Ukraine 35 km. Còn với đảo Kubanski trên sông Danube, khoảng cách giữa hai đảo là khoảng trên dưới 40 km.

Đảo Rắn nằm cách xa bờ biển Ukraine mà Nga đang chiếm và kiểm soát. Từ nó đến điểm gần nhất bị quân Nga chiếm đóng (Kinburn Spit ở vùng Kherson) là 294 km. Từ các mũi đất gần nhất trên bờ biển Crimea là Olenivka, xa 180 km còn đến Sevastopol là 270 km. Như vậy, không có gì có thể bảo vệ được nó từ phần đất liền do Nga kiểm soát.

Trên đảo, không thể bố trí đủ số lượng phương tiện pháo binh để phản pháo lại do diện tích quá nhỏ (0,2 km vuông), đồng thời lại vẫn tồn tại nhu cầu bố trí tương đối nhiều những hệ thống phòng không (Thor, Pantsir) làm mật độ phương tiện, khí tài… rất cao trên một địa hình hoàn toàn bằng phẳng của hòn đảo.

Đảm bảo duy nhất cho việc đồn trú trên đảo Rắn là sự bảo vệ cho nó từ trên không và từ phía biển bởi Hạm đội Biển Đen. Chỉ hạm đội (cùng với lực lượng không quân của nó) mới có khả năng chống lại các đơn vị pháo binh và tên lửa phóng loạt của Lực lượng vũ trang Ukraine đã được bố trí ở vùng cửa sông Danube.

Tuy nhiên, bản thân Hạm đội Biển Đen đã hứng chịu tổn thất từ các cuộc tấn công bằng tên lửa chống hạm ven biển kết hợp với máy bay tấn công có người lái. Đó là câu chuyện truyền kỳ về Tuần dương hạm Moskva và tàu kéo cứu hộ “Vasily Bekh” đã đi bắt mực tại tổ dưới đáy biển.

Quay lại với câu chuyện “100 lính Kraken bị pháo kích ở Pytomnik” thì thằng cha cựu đại tá Igor Strelkov giễu: Bộ Quốc phòng Nga chẳng có gu gì cả (ý là bịa chuyện vẫn kiểu như cũ). Còn có một ông nào trên mạng xã hội Nga thì viết: bịa kiểu gì mà chọn con số đẹp thế: 100 lính và 10 cái xe. Sao không chọn con số khác cho nó “thật!”

Bình loạn: Hôm trước nói chuyện với một bạn Facebook, kể là đọc nhiều truyện văn học Xô-viết về chiến tranh vệ quốc, họ cũng có cái kiểu y như trên đảo Rắn thế này: biết là cử quân đi thể nào cũng chết, nhưng vẫn cứ làm chỉ vì mệnh lệnh của cấp trên là hoàn thành nhiệm vụ bằng được, dù có thể nhiệm vụ đó hoàn toàn vô nghĩa.

Với đảo Rắn cũng vậy, đúng là nếu giữ được nó thì vị trí của nó quá quan trọng. Nhất là với Ukraine thì thiệt hại rất nhiều: đường biển bị phong tỏa. Nếu Nga bố trí các vị trí bắn tên lửa hành trình trên đó cũng nguy cho cả một vệt bờ biển Odessa.

Vậy với Ukraine, nó mang ý nghĩa sống còn, và từ khi họ có những hệ thống pháo binh tầm xa, việc cho quân trụ lại trên đảo, coi như là quá khó khăn. Còn bây giờ với tình hình làm chủ không phận của Nga ở đây ngày càng kém đi, thì coi như việc này là không thể. Ấy thế mà họ cứ đưa quân lên, rồi bị bắn nát, lại đưa quân lên, rồi lại bị bắn nát… cứ như thế suốt trong thời gian qua.

Hoàn toàn không tiếc sinh mạng chiến sĩ, chỉ vì sợ phải thông báo là “đã mất hòn đảo.” Đến lúc cực chẳng đã, thì mới thông báo là “hành động thiện chí.”

Tui thì còn thấy ngộ nghĩnh ở chỗ: Hôm qua bác nào dẫn tin báo Việt Nam theo tin Nga, là Nga họ dùng không quân tiêu diệt được hai cỗ Caesar ở gần biên giới Romania – và hôm nay là những tin khác chỉ đích danh đảo Kubanski. Quái nhỉ, sao đã có hệ thống tự hành rồi đứng đâu mà chẳng được, trèo ra đảo làm gì? Và sao bắn xong không té luôn đi, đứng ở đó làm gì cho người ta tập kích?

Cái cách “Ukraine bị tập kích” này giống y cách của pháo binh Nga, sau khi bắn cứ đứng đờ thần cụ ra đó để bị phản pháo nổ lanh tanh bành. Còn về các con số thiệt hại của Ukraine có lẽ còn nhiều hơn số vũ khí họ có sẵn từ trước chiến tranh. Nếu họ có nhiều như vậy thật thì đã đánh cho Nga tơi tả từ đầu rồi.

Mai kia có điều kiện tui xin tìm tài liệu về tiểu đoàn Kraken này sau. Hôm nay xin gửi tấm ảnh của họ theo đây đã.

2. Trên hướng Lysychansk.

Ngày 26/06, trận đánh chiếm Lysychansk được gọi là chính thức bắt đầu, và đến hôm nay nó đã diễn ra được 4 ngày.

Ngày 27/06, Igor Strelkov phàn nàn là quân Ukraine tinh nhuệ ở trong thành phố rút mất, còn quân LDR không có xe bọc thép chở quân bánh xích nên không thể tổ chức truy kích. Tuy nhiên hắn ta dự đoán thành phố Lysychansk này bị chiếm chỉ trong 1 – 2 ngày tới, nghĩa là hôm qua phải chiếm được rồi.

Trong khi đó đến hôm nay bản tin của Bộ Tổng tham mưu Ukraine viết:

• Trên hướng Donetsk, kẻ thù với sự yểm trợ của pháo binh, đang cố gắng phong tỏa thành phố Lysychansk và giành quyền kiểm soát đoạn đường cao tốc Lysychansk – Bakhmut. Chúng bắn vào cơ sở hạ tầng dân sự trong các khu định cư của Lysychansk, Verkhnyokamyanka và Siversk. Chúng cũng thực hiện một cuộc không kích gần Vovchoyarivka. Tiến hành một cuộc tấn công gần Verkhnyokamyanka và các cuộc tấn công trong khu vực của Nhà máy lọc dầu Lysychansk, các cuộc chiến vẫn tiếp diễn.

Bình loạn: Nhà máy lọc dầu Vovchoyarivka ở đông nam thành phố Lysychansk vẫn đứng vững. Đường cái Lysychansk – Bakhmut vẫn chưa bị phong tỏa.

Theo tui đoán thì những hành động tấn công vào hậu cần (chính xác là kho đạn) của Nga ở xung quanh hai thành phố: Donetsk và Luhansk đã tỏ ra có kết quả. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sử dụng hỏa lực của quân Nga ở đây, nên việc chiếm được Lysychansk theo dự đoán của Strelkov sẽ phải… lùi lại một số ngày nữa chưa xác định.

Về chuyện này, Bộ Tổng tham mưu Ukraine vẫn tiếp tục khiêm tốn và dè dặt thông báo:

• Các đơn vị không quân, tên lửa, pháo binh của ta tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến đấu – đánh vào các khu tập trung, kho đạn của địch.

Trên một diễn biến khác liên quan đến khu vực, mặc dù nó thuộc… tỉnh Kharkiv:

• Theo hướng Slovyansk, kẻ thù đang tập hợp lại quân và phòng thủ. Bắn pháo với nhiều kích cỡ khác nhau ở các khu vực Mazanivka, Dibrivny và Krasnopill.

Bình loạn: Cách đây vài ngày (đấy, trí nhớ bây giờ giảm sút do tuổi già vậy đấy) có tui có kể trả lời về tin “Nga ở Izyum tấn công rất mạnh thành phố Slovyansk” là: mọi chuyện cần phải thận trọng, từ từ… chờ bản tin chính thức rồi ta xem xét. Hôm đó tui cũng cho rằng dù Nga có tổ chức tấn công được trên hướng này, xin trích lại bản tin của Bộ Tổng tham mưu Ukraine ngày 22/06, vẫn phán đoán là các đơn vị Nga ở khu vực này “vẫn còn khả năng cố gắng tập hợp lại để tổ chức tấn công theo các hướng Izyum – Barvinkove và Izyum – Slovyansk” và đưa ra các thông tin là họ chuyển đến đây 2 đơn vị xe tăng và có thể sẽ sử dụng “pháo phun lửa hạng nặng.”

Tuy nhiên sau một số nỗ lực tấn công thì cụm quân Nga ở nam Izyum đã lại dừng lại phòng thủ rồi, chỉ sau 8 ngày. Việc này có thể được giải thích do một số nguyên nhân:

Lại là thiếu hỏa lực hỗ trợ (Nga dùng đa dạng nhiều loại pháo với nhiều cỡ nòng khác nhau)

Các đơn vị tăng cường là “dồn ghép” (ad-hoc) ngoài lính mới ít kinh nghiệm, chắc chắn là dùng nhiều tàn binh của các đơn vị khác, đã nhanh chóng mỏi mệt.

3. Hôm qua tui gác chuyện Putin xa xả mắng Lukashenko còn anh chủ nhiệm nông trang tập thể thì nước mắt vòng quanh, mếu máo trình bày.

Chúng ta đã nói với nhau đôi lần: quân số của Belarus có 80.000 quân và 500 cái T-72 là giá trị nhất. Nếu như họ có cử ra cho Nga 20.000 quân và 200 cái xe tăng đi, với kiểu đốt quân của Nga hiện nay, không có ý nghĩa gì cả, may ra lại kéo được nửa tháng, một tháng.

Cái gì cũng có hai mặt: Belarus có thể là đồng minh của Nga, nhưng cũng có thể là điểm yếu. Nếu nước này cử quân tham gia vào tấn công Ukraine, thì sẽ có một số hậu quả, ví dụ như nổi loạn hoặc lật đổ chính quyền Lukashenko từ lực lượng quân đội hoặc dân sự. Chúng ta còn nhớ đợt bầu cử gần đây nhất, Lukashenko cũng đã lằng nhằng chán ra mới chiếm được ghế tổng thống một cách đầy tranh cãi. Đó cũng là lý do mà Nga đã phải tốn rất nhiều lực lượng tình báo, do thám, sĩ quan chính trị… nằm vùng trong quân đội Belarus để thăm dò tư tưởng quan quân nước này – bản tin Bộ Tổng tham mưu Ukraine cách đây đâu 3 ngày kể như vậy.

Đến nay người ta ghi nhận có khoảng 2 “trung đoàn Belarus” vượt biên sang Ukraine tham gia chiến đấu chống Nga. Phong trào du kích Belarus vốn đã nổi tiếng từ thời chống Đức, thì bây giờ quay ra… phá hoại lật tàu hỏa Nga.

Về mặt xã hội, xã hội nước này liên thông với xã hội Nga chặt chẽ, điều này còn được tạo điều kiện từ cấp Nhà nước. Bác nào đi máy bay đến sân bay quốc tế của Nga sẽ thấy có cửa nhập cảnh riêng cho công dân liên minh Nga – Belarus, còn công dân các nước khác đi cửa riêng… Hiện nay dù xã hội Belarus có thể bị đánh giá “nghèo, chậm phát triển” hơn xã hội Nga, nhưng vẫn tiềm tàng những yếu tố hướng ngoại, nhất là ở những vùng phía Tây đất nước nơi dân gốc Baltic, Ba Lan, Ukraine… đông.

Hiện nay không có phong trào chống Ukraine nào đáng kể ở ngoài nước, ví dụ Châu Âu, may ra có ở… Nga. Trong khi đó ngay trên Facebook tui đã làm bạn với ít nhất 3 thủ lĩnh phong trào chống Lukashenko ở nước ngoài, một người ở Ba Lan, một ở Litva và một người ở Phần Lan.

Nếu Belarus tham gia chiến tranh, việc nước này bị tấn công là hoàn toàn có thể, thậm chí thay vì vùng chiến sự diễn ra trên đất Nga, nay sẽ diễn ra trên đất Belarus. Các căn cứ mà từ đó Nga đang phóng tên lửa sang Ukraine sẽ bị tập kích đầu tiên, sau đó là căn cứ của các đơn vị mặt đất. Các cơ sở hậu cần của nước này đang dùng để phục vụ chiến tranh của Nga, cũng sẽ là mục tiêu tấn công.

Một khi có chiến tranh, khả năng nước này có biến là rất cao. Mà Belarus đổ, thì hiệu ứng domino có thể kéo theo đổ cả chính quyền Putox.

Vì thế nếu Lukashenko không chống cự lại được với Putox, thì có khi với họ lại là lợi bất cập hại, lại có nhiều diễn biến mới rất đáng bình luận. Chúng ta không nên quên các bản tin của Bộ Tổng tham mưu Ukraine ngày nào cũng nhắc Belarus đầu tiên. Chắc chắn mọi mục tiêu cần tấn công “trong tầm pháo” đã có kế hoạch cả rồi.

4. Lại đoán mò tiếp. 

Hôm qua chúng ta đã nói chuyện dở về con đường của chiến tranh: tình trạng hiện nay như thế nào, và nó sẽ đi đến đâu, thông qua một kết luận rút ra là: quân Nga đang thu được những thắng lợi về chiến thuật, còn Ukraine thì thu được lợi thế về chiến lược.

Bình luận về câu chuyện này, Tư lệnh Phan Quang viết: “Trên chiến trường Donbass, Nga vẫn đang (chiếm) ưu (thế), điều đó nói lên sức mạnh quân sự khủng khiếp của họ. Đã 4 tháng tiến hành chiến dịch đặc biệt, thương vong hơn trăm ngàn lính, mất đến cả chục ngàn xe tăng, thiết giáp và các phương tiện quân sự, chịu cấm vận khắc nghiệt nhất từ sau 1945 đến giờ, nhưng (với) người Nga không si nhê gì hết. Điều này cho thấy nền tảng quyền lực của Pu là thâm căn cố đế.

Về mặt chiến thuật: Nga dùng pháo binh làm trung tâm, đánh cuốn chiếu, dồn trọng điểm. Không cần biết Ukraine cố thủ như nào, việc đầu tiên với họ là nã pháo. Nga cũng chẳng cần đồ (vũ khí) thông minh, họ cứ dập pháo vào thành phố san bằng tất cả. Bắn đến khi quân Ukraine chịu không thấu phải rút lui.

Về mặt chiến lược. Nga thực hành cố thủ vùng biển Đen, ra sức phòng thủ Kherson, đảo Rắn. Tập trung tối đa binh lực, đạn pháo cho chiến trường Donbass. Cánh Izium cứ loanh quanh luẩn quẩn nhưng phía Ukraine cũng vô kế khả thi.

Về phía Ukraine, tác chiến kiểu Soviet rõ ràng Ukraine không phải là đối thủ của Nga. Họ không có đủ không quân để tối thiểu là cưa đôi bầu trời. Muốn tác chiến kiểu NATO, thì học thuyết mới, vũ khí mới, chiến thuật mới không phải ngày một ngày hai mà phía Ukraine sở hữu đủ. Ít nhất cũng phải 3 tháng luyện binh.

Nhìn về cục diện chiến trường, Nga đang ưu, thu được các chiến quả đáng kể nhưng...Họ phải trả giá quá đắt về binh lực, thời gian, chính trị và ngoại giao. Phía Ukraine hoàn thành được mục tiêu cầm cự, tiêu hao. Hai bên đang hòa thế!

Hy vọng đặt cả vào lớp tân binh mới huấn luyện đầu phase 2. Nhanh nhất em nghĩ cuối tháng Bảy, đầu tháng Tám phía Ukraine mới có các hoạt động quân sự nhằm thay đổi cục diện chiến trường.

Không quân yếu là trở ngại rất lớn của Ukraine.

Khả năng đánh nhau mãi, cũng vẫn chỉ Hòa. Nga giữ 2 tỉnh và Crimea, sau đó đàm phán, hoặc có thể chả đàm phán gì hết.

Điểm yếu nhất của Ukraine không phải là đạn pháo, binh lính mà là... không lực. Giả sử Mỹ bơm cho 100 con F-16 dòng từ block 52 trở lên thì mới có thể cưa đôi bầu trời với Nga được.”

Tui trả lời thế này: “Nhận định như vậy là đúng rồi, nhưng sức ép trong nước Nga cũng sẽ căng lên về mọi mặt thì ông Quang không biết nên không phân tích được. Sáng nay tôi vừa nói chuyện với một bạn: chẳng cần NATO với châu Âu, mình Mỹ viện trợ cho Ukraine là Nga đủ chết. Trong khi đó so với các cuộc chiến Mỹ đã tham gia, cuộc chiến này là muỗi, nhất là khi người Mỹ không phải cầm súng.

Cái họ có mà hầu hết chúng ta không hiểu được, là mong muốn bảo vệ dân chủ và mong muốn đó có tính phổ quát. Ukraine đang bảo vệ dân chủ, thì người Mỹ họ ủng hộ Ukraine, vậy thôi. Mười năm nữa cũng không thể thấy dân Mỹ đi biểu tình ủng hộ Putin, kể cả Mỹ gốc Nga. Bây giờ nếu công nghiệp quốc phòng Nga có đạt mức 15.000 quả đạn pháo 1 ngày, thì họ cũng cần 100 ngày mới chuẩn bị xong cho 1 chiến dịch 10 ngày, cái đó ông không chỉ ra được. Vì thế, không có chuyện hòa đâu.

Còn về không quân thì, Nga cũng không còn không lực. Bây giờ là bắn từ T-22M, Tu-95... từ biển Caspi. Trong khi đó tần suất sử dụng cường kích của Ukraine ở Kherson ngày càng nhiều hơn, dù ở đó Nga có S-300.”

Về vấn đề làm chủ bầu trời, tình hình sẽ thay đổi nếu Ukraine có những hệ thống phòng không mới tốt hơn.

Vậy câu chuyện ở đây là gì? – Như chúng ta đã cho rằng, Nga có thể huy động được quân đi, gì chứ khoảng 50.000 quân nữa là trong tầm tay, thì lấy gì trang bị cho họ? Theo tin tình báo vỉa hè, hiện nay quân của hai cái anh cộng hòa ly khai là hầu như không huy động được thêm, và nếu có thêm cũng chỉ mong… lấy vũ khí của người đã chết.

Còn đối với quân đội Nga thì sao? Hôm qua tui đã viết về tình trạng huy động hết vũ khí của các cơ sở quân sự địa phương. Hiện nay Nga đã phải dùng đến những súng trường tấn công cỡ đạn cũ là 7.62 mm: AK-47, SKS (ta gọi là CKC) và thậm chí thiếu súng bắn tỉa nên dùng Mosin Nagan.

Cũng từ trước, tui viết theo kiểu dự đoán và đưa ra con tính hú họa, nhưng dựa trên số liệu của một cậu dư luận viên nào đó: năng lực sản xuất đạn pháo của Nga là 5.000 quả các loại/ngày. Cách đây cỡ nửa tháng thì tin tức đưa: các cơ sở công nghiệp quốc phòng Nga hoạt động hết công suất để sản xuất đạn dược.

Chúng ta cũng đã từng nghiên cứu con số theo lý thuyết quân sự sử dụng pháo binh của Nga, và ước tính nếu tấn công 3 mũi ở Donbas với chiều rộng chính diện mặt trận là 2 km, tấn công chiều sâu 20km thì sẽ cần 1 triệu quả đạn pháo trong 10 ngày. Như vậy mỗi ngày Nga sẽ cần 100.000 quả. Con số này không xa thực tế đâu – vì trên mặt trận Donbas họ tập trung ít nhất 80.000 quân kia mà, nghĩa là 1 lính Nga chỉ cõng có hơn chục quả 1 ngày mà thôi, không đáng gì cả.

Nhưng đồng thời trước khi vào The Battle of Donbas, tui cũng báo là Nga đang thiếu đạn pháo (và đã kể là có bác bảo tui nói phét, “nó vẫn đang bắn ầm ầm” – mặc dù khái niệm “bắn ầm ầm” rất mơ hồ.) Thật ra, tui không nói phét, mà không không dự báo, mà là có thông tin về việc này – chỉ giải thích là họ không đủ để tạo mật độ theo đúng lý thuyết yêu cầu cho tạo hỏa lực pháo binh của họ. Chỉ mấy ngày sau, Nga thu hẹp mặt trận và số lượng mục tiêu – tui nghe đến đó chán luôn: đúng như tui nói, và chán cho những người có ý nghĩ tiêu cực.

Tui viết những status về chiến tranh, để chúng ta có lòng tin vào hòa bình, và đều có những căn cứ chứ không phải khoác lác. Vì thế tui cũng sẽ tiếp tục tạm thời không làm bạn với những bác có suy nghĩ tiêu cực (có nhiều tài khoản giả vờ ủng hộ Ukraine nhưng nói giọng tiêu cực kiểu phản thông tin, phản tuyên truyền tui cũng đã tiễn hết.)

Đến ngày hôm qua nhỉ, “Đại lỗ tàu nhanh” đăng bài kể ý kiến của chuyên gia phương Tây là “trước chiến tranh Nga (gần như) dừng không sản xuất đạn pháo” – điều này cũng xác nhận đúng điều tui đã viết từ hôm nhận xét về Nga thua về chính thế mạnh pháo binh của mình.

Vậy thì để tấn công tiếp để chiếm hoàn toàn Donbas với cái vòng cung phòng tuyến hôm qua tui dẫn bản đồ dài 250 km, sâu 90 km chỗ sâu nhất và nông nhất là 20 km, Nga lại cần hàng triệu quả đạn pháo nữa.

Nếu chạy 3 ca, nghĩa là tăng công suất lên gấp 3 lần hiện nay đạt 15.000 quả đạn các loại 1 ngày, thì để bắn 10 ngày thôi, Nga cần sản xuất trong ít nhất 8 tuần đến 3 tháng, đó là điều hiện nay thực tiễn đã chứng minh.

Về cách đánh, các bác thạo hơn tui, nên chúng ta chỉ cần dẫn ra chuyên gia người ta bảo: Nga đang đánh theo cách gặm nhấm, chiếm từng tí một, mà dư luận viên chú cháu nhà Lee Shimuo bảo là “đánh chậm tiến chắc” đó – thực sự cách này có thể với họ là phù hợp trong hoàn cảnh hiện nay. Nhưng đã bảo rồi, cái gì cũng có hai mặt của nó.

Nếu Nga gặm nhấm đất của Ukraine, thì cũng có nghĩa là họ gặm nhấm chính tinh thần của quân sĩ mình – điều này cũng sẽ xảy ra với quân Ukraine: kéo dài thì mệt mỏi. Tuy vậy họ bảo vệ quê hương, và thỉnh thoảng lại vớ được cú ngu ngốc bắn tên lửa vào siêu thị thì lòng căm thù nó lại bùng lên.

Vậy đó – chúng ta vẫn sẽ khẳng định là chắc chắn đến ngày nào đó họ lại phải rút – lại nhớ tui đã viết là sẽ đến ngày quân Nga bỏ chạy, hôm nay thì họ đã chạy khỏi đảo Rắn.

Mai đây, sẽ có nhiều đảo Rắn nữa, nhưng là ở trên bờ. Chiếm được một chỗ nào đó, không có nghĩa là giữ được nó trong khi nguồn lực cứ cạn dần, trang thiết bị tồi tàn, ăn uống kham khổ, điều kiện sống trên chiến trường khổ sở vất vả… sẽ đến lúc rồi tiền cũng không giữ họ lại được. Bên kia, M142 hay M270 nó kéo đến ầm ầm, rồi không chạy cũng không được.

PHÚC LAI 30.06.2022

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.