Thuyền trưởng Hà Văn Thái (trái) và biên đội trưởng Nguyễn Văn Tân trên tàu HQ 701 trong chuyến đi ra Trường Sa đầu năm 1988 - Ảnh: NVCC |
(TTO 10/03/2018) - Trước ngày 14-3-1988, Việt Nam đã lao hai tàu lên
đảo Đá Lớn để giữ đảo trước vòng vây của các tàu chiến Trung Quốc. Đó là câu
chuyện ít người biết đến.
30
năm đã trôi qua kể từ ngày Trung Quốc đem quân chiếm các đảo của ta ở Trường Sa
và gây ra cuộc thảm sát những người lính Việt Nam ở đảo Gạc Ma…
Nguyên
tư lệnh hải quân - phó đô đốc Đỗ Xuân Công cho biết trước ngày 14-3-1988, Việt
Nam đã lao hai tàu lên đảo Đá Lớn để giữ đảo trước vòng vây của các tàu chiến
Trung Quốc. Đó là câu chuyện ít người biết đến.
Chỉ thị của tư lệnh
Hai
chiếc tàu đã lao lên đảo Đá Lớn ấy là HQ 701 và HQ 671. Biên đội tàu xuất phát
ngày 31-1-1988 do biên đội trưởng Nguyễn Văn Tân chỉ huy.
"Tàu HQ 701 của tôi là kỳ hạm (tàu
chỉ huy). Để nghi binh, chúng tôi phải đi đường vòng, tiến về phía nam rồi mới
đi lên giữa quần đảo Trường Sa. Khi chúng tôi đang neo ở Nam Yết thì tư lệnh
Giáp Văn Cương ra lệnh cho chúng tôi đi đảo Đá Lớn ngay" - ông Hà Văn Thái, cựu thuyền trưởng tàu HQ 701, cho
biết.
Hai
giờ sáng ngày 6-2-1988, biên đội tàu HQ 701, 671 đã tìm được đảo Đá Lớn. Đây là
một đảo chìm có vị trí quan trọng. Phía nam đảo Đá Lớn có bãi cát dài. Trên đảo
có một hồ rộng rất nhiều cá.
"Việt Nam đã khẳng định chủ quyền
với Đá Lớn từ rất lâu nhưng mình lúc đó còn khó khăn, chưa đủ lực lượng để chốt
giữ. Chúng tôi không thấy tàu Trung Quốc nào gần khu vực Đá Lớn. Chúng tôi phân
công tàu 701 neo ở nam đảo, còn 671 neo ở bắc đảo" - cựu thuyền trưởng Hà Văn Thái kể.
"Chiều 13-2, có ba tàu chiến của
Trung Quốc tiến vào phía nam đảo Đá Lớn - ông Hà Văn Thái kể - Phát hiện hai
tàu Việt Nam đã neo ở Đá Lớn, suốt chiều 13-2, một tàu hộ vệ tên lửa, một tàu
pháo của Trung Quốc liên tục đe dọa những người lính hải quân Việt Nam.
Lính nó mở hết bạt pháo, dàn tên lửa,
chĩa về phía tàu mình dọa. Tàu hộ vệ của nó lừng lững như quả núi, dài hơn
100m, cỡ 1.500 tấn. Trong khi tàu mình là tàu đánh cá, tải trọng chỉ 200 tấn.
Tàu 671 chỉ 50 tấn.
Tàu của mình chỉ có mấy khẩu súng AK,
lựu đạn và hai khẩu 12 ly 7 nhưng không tháo bạt. Mình mà khiếp, sợ, nhổ neo ra
là quân nó đổ bộ lên đảo, mất đảo ngay. Nó đã chiếm đảo Chữ Thập và chắc chắn
mục tiêu sắp tới của nó sẽ là Đá Lớn.
Nếu mình nhổ neo, nó bắn chìm ngay
ngoài biển, không giữ được đảo mà lại chết hết. Cho nên bằng mọi giá phải neo
ngay sát đảo. Không đi đâu hết. Nó hù dọa, giở chiêu trò gì kệ nó. Nếu nó bắn,
mình vẫn lên đảo của mình được.
Chúng tôi xin ý kiến Sở Chỉ huy. Tư
lệnh Giáp Văn Cương trực tiếp điện ra: kiên quyết không được nhổ neo, không
được rời vị trí".
Ngày
14-2-1988, khi đêm xuống, các tàu chiến của Trung Quốc tắt đèn. Nhận thấy nguy
cơ bị chúng lợi dụng đêm tối để tấn công cướp đảo, biên đội tàu HQ 701, 671
điện báo cáo về Sở Chỉ huy.
20h
đêm 14-2, tư lệnh Giáp Văn Cương điện thoại gặp trực tiếp thuyền trưởng Hà Văn
Thái và ra lệnh: Bằng mọi giá đồng chí phải cho tàu lên mặt đảo ngay! Chú ý
không được để lật hoặc va vào đá vỡ.
Khi
ấy, thủy triều đang xuống rất thấp, bãi đá trên đảo nhô lên cao. Lao tàu lên
đảo lúc này rủi ro rất lớn: bị va vào đá vỡ tàu hoặc bị sóng đánh lật tàu,
không giữ được đảo mà lại thương vong.
"Tôi xin đợi lúc thủy triều lớn
nhất mới đưa tàu lên đảo nhưng tư lệnh không cho. Như vậy là kể cả hy sinh vẫn
phải chấp hành mệnh lệnh" - ông
Thái nói.
Dù biển động, sóng lớn, những người lính trẻ của trung đoàn công binh 131 vẫn khẩn trương vận chuyển vật liệu vào đảo Đá Lớn - Ảnh: Tư liệu |
Hai lần lao lên đảo
"Chúng tôi điện nội bộ sang cho HQ
671, phân công nhau nhiệm vụ đổ bộ lên đảo. Tàu tôi lao lên giữa đảo Đá Lớn còn
tàu 671 lao lên phía nam đảo Đá Lớn
- ông Thái kể - Phải rất cẩn thận vì thềm
ở Đá Lớn rất sâu, toàn đá, luôn có nguy cơ bị hất vào đá.
Thủy triều chưa lên cao, việc chọn vị
trí vào rất khó khăn. Tôi phải chọn lạch vào sao cho khi lao lên đảo, tàu vẫn
cân, không bị nghiêng, bị lệch".
Lần
mò, loay hoay hơn một tiếng đồng hồ, tàu HQ 701 vẫn chưa lên được đảo. Thuyền
trưởng Hà Văn Thái quyết định cho tàu lùi ra để tính toán lại luồng lạch.
Khoảng
1h30 sáng 15-2-1988, HQ 701 lao lên đảo lần thứ hai.
Ông
Hà Văn Thái kể: "Bụng tàu bị sóng
đập ầm ầm trên nền đá! Biết chắc đáy tàu sẽ bị vỡ nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm
cho tàu lao tới. Cuối cùng, 2/3 thân tàu đã lao được lên mặt đảo.
Bụng tàu chịu được mấy tiếng đồng hồ
thì bục đáy, bục hầm máy, bục khoang hàng (chở 70 tấn hàng tết cho các đảo).
Nước bắt đầu tràn vào, ngập đến 1/3.
Khi con tàu bị nghiêng, chúng tôi điện về xin tư lệnh cho rút về tàu HQ 671 lúc
này đã lên được đảo an toàn".
HQ
701 đã vĩnh viễn nằm lại trên đảo Đá Lớn. Con tàu đã hy sinh để trở thành cột
mốc chủ quyền trước dã tâm lăm le cướp Đá Lớn của các tàu chiến Trung Quốc.
"7h30 ngày 15-2-1988, phát hiện
tàu Việt Nam đã lao lên đảo Đá Lớn, ba tàu chiến Trung Quốc chạy lại gần, chĩa
pháo và tên lửa vào bộ đội mình trên tàu, trên đảo.
Tình hình lúc đó căng thẳng vô cùng.
Chúng tôi phân công một nhóm cầm AK lên đảo. Nếu nó vào tranh chấp, mình sẽ cắm
cờ ngay (không cắm cờ trước đó được vì thủy triều đang lên rất cao, điểm cao
nhất của đảo ngập trong nước 2m)" - ông Hà Văn Thái kể.
Sau
một hồi lồng lộn đe dọa, biên đội ba tàu chiến Trung Quốc tức tối bỏ đi. Những
người lính quả cảm của hải quân Việt Nam kiên cường ở lại giữ đảo. Một tháng
sau, cuộc thảm sát diễn ra ở đảo Gạc Ma...
Qua Gạc Ma cấp cứu
"Trưa 14-3, tư lệnh lệnh cho chúng
tôi từ Đá Lớn sang Gạc Ma cấp cứu thì mới biết đồng đội mình vừa bị Trung Quốc
bắn.
Chúng tôi dùng vải bạt trắng, kẻ chữ
thập bằng sơn đỏ báo hiệu là tàu cứu hộ nhân đạo để nó không ngăn cản mình vào
đảo. Từ xa đã thấy cột khói đen bốc lên. Đến nơi, thấy tàu HQ 505 vẫn còn đang
cháy.
Chúng tôi trèo lên tàu HQ 505, thấy tàu
bị bắn toác hoác. Chúng tôi cập tàu vào đưa thương binh về đảo Sinh Tồn. Hôm
sau, chúng tôi được lệnh chở thương binh về đất liền" - ông Hà Văn Thái kể.