Hôm qua, đọc Tuổi Trẻ thấy tin Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan gửi bức ảnh của giáo sư (GS) Võ Tòng Xuân chụp chung với ông Hoan, hồi tháng 5/2024 (ba tháng trước khi GS mất).
Ông Hoan đến viếng tang và công bố tâm thư của GS gửi ông hồi trung tuần tháng 7/2024 (một tháng trước khi GS mất). Tôi rất xúc động trước tấm lòng của GS và bộ trưởng.
Số là khi nằm viện điều trị ở Singapore, hay tin hai bộ NN&PTNT và Công thương soạn đề án thành lập "Hội đồng Lúa gạo Quốc gia" trình thủ tướng, GS Võ Tòng Xuân viết tâm thư gửi email dặn bộ trưởng Hoan tham khảo mô hình "Hội đồng chính sách và quản lý lúa gạo" của Chính phủ Thái Lan. Hội đồng này quản lý, thúc đẩy xuất khẩu gạo, hỗ trợ các nhà xuất khẩu, đại điện cho lợi ích của họ trên thị trường quốc tế.
Để các nhà xuất khẩu gạo không phải là "sân sau" của mình, " Hội đồng Lúa gạo Quốc gia " luôn lắng nghe và thấu hiểu: "Hiệp hội xay xát gạo" (bảo vệ lợi ích các nhà xay xát); "Hiệp Hội nông dân trồng lúa" (bảo lợi ích nông dân) và "Hiệp hội doanh nghiệp gạo" (bảo vệ lợi ích của thương nhân và nhà phân phối, nhằm ổn định chuỗi cung ứng từ sản xuất đến bán lẻ).
Thật ra, từ đầu thập niên 1990, tôi đã nghe GS Võ Tòng Xuân nói tại nhiều cuộc họp, hoặc viết hay trả lời phỏng vấn nhiều báo. Ông luôn cổ vũ công nghệ trồng trọt của Nhật và ca ngợi quy trình cung ứng, tồn trữ, bảo quản lúa gạo xuất khẩu của Thái Lan, nhưng có ai nghe đâu?
Từ đời bộ trưởng - rồi sau đó lên Phó thủ tướng, Nguyễn Công Tạn (có đức độ), đến bộ trưởng "hội thảo đầu bờ" Lê Huy Ngọ, hay "bộ trưởng Harvard" Cao Xuân Phát...đều để "Hiệp Hội Lương thực Việt Nam" và "sân sau" là Tổng công ty Lương thực độc quyền định giá gạo xuất khẩu và phân phối quota!
Có lần GS kể với tôi "Nông dân Thái gặt lúa xong là đem gửi vào các silo để bảo quản sau thu hoạch. Silo có máy sấy, tự đảo lúa, đưa ẩm độ xuống 13 %, để tồn 3 tháng vẫn giữ hương vị gạo, tỉ lệ hao hụt 5 % (Việt Nam phơi nắng lúa, trữ trong bồ, hao hụt 10 %). Khi đưa lúa vào silo, nông dân lấy phiếu nhập kho thế chấp ngân hàng (gọi là hối phiếu) vay tiền mua giống, vật tư mông nghiệp trồng vụ kế tiếp (dù chưa bán được lúa).
Cứ mỗi lần có khách hàng cần nhập đúng giống lúa mà nông dân gửi, chủ kho hỏi chủ lúa có đồng ý bán giá như vậy không? Nhờ kho trữ được lâu, chủ lúa đợi giá tốt nhất để bán. Xuất gạo xong, ngân hàng trừ nợ vay, trừ phí bảo quản, lưu kho, trả lại tiền chênh lệch cho chủ lúa.
Tôi nói với GS Xuân, ở Việt Nam ngân hàng nào dám tin "phiếu nhập kho" của silo tư nhân mà cho vay? Phân bón nhập về kho ngoại quan có hải quan kiểm hóa. Vậy mà, doanh nghiệp nhập phân bón dám đóng một khung gỗ để ở trong, chất bao phân lấp bít khung gỗ, rồi đem thế chấp đống phân bón rỗng ruột để vay tiền ngân hàng! GS nói "Thái Lan dựa vào niềm tin, không dựa vào vật chứng*.
Tôi rất quý bộ trưởng Hoan từ khi là giám đốc Sở Xây dựng Đồng Tháp (đại biểu Quốc hội) lên dần đến bí thư Đồng Tháp. Ông từng tiếp doanh nghiệp tại quán cà phê trong trụ sở tỉnh ủy, lắng nghe phản ảnh của doanh nghiệp. Ông là kiến trúc sư chính quy, tuy không đúng ngành nông nghiệp, nhưng có kiến thức khoa học thực nghiệm, nên hy vọng ông sẽ cải tổ được quy trình xuất khẩu gạo như Thái Lan.
Bận công tác, không viếng tang được, Bộ tưởng Hoan đã gửi hình và công bố tâm thư của GS Xuân là cách thể hiện tấm lòng. Nếu "người quê chỉ có tấm lòng và chiếc xuồng ba lá để đưa em", thì mong rằng bộ trưởng Hoan "ngoài tấm lòng còn có cơ chế và chính sách để đưa nông dân Việt Nam ra biển lớn".
Thái Lan có "Hiệp hội nông dân trồng lúa" bảo vệ lợi ích của họ trong chính sách xuất khẩu gạo. "Hiệp hội Lương thực Việt Nam" định giá gạo và phân bổ quota, nhưng là Hiệp hội của đại gia xuất khẩu gạo, không có người trồng lúa trong đó. Người trồng lúa Việt Nam đương nhiên là hội viên Hội Nông dân Việt Nam, nhưng Hội này không ngồi chung mâm "định giá gạo và quota". Người trồng lúa Việt Nam chỉ còn chiếc xuồng ba lá để đưa ma! Hic!
MAI BÁ KIẾM 22.08.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.