Ở một nước tới tận đầu thế kỷ 20 vẫn thuần nông, kinh tế nông nghiệp là chủ đạo, lực lượng đông nhất là nông dân (theo tư liệu cũ, chiếm tới hơn 90 %) ai nắm được nông dân thì người đó thắng.
Số công nhân tại các hầm mỏ, xí nghiệp so với đội ngũ nông dân không đáng kể. Mà thực ra họ cũng xuất thân từ nông dân “Cha trốn ra Hòn Gai cuốc mỏ/Con chạy vào đất đỏ làm phu” chứ không phải trên trời rơi xuống.
Tuy nhiên, theo lý luận của ông tổ cộng sản Mác (Marx), vô sản-công nhân đứng lên làm cách mạng, lật đổ giai cấp tư sản, nếu có mất chỉ mất xiềng xích, còn được thì được cả thế giới.
Mác nhìn lực lượng tư sản trong quá trình phát triển nhân loại bằng cái nhìn rất hằn học, căm thù, khẳng định “bọn tư sản” về bản chất là xấu xa, độc ác, thói bóc lột đã ngấm vào trong máu. Chỉ có biện pháp duy nhất đánh đổ, tiêu diệt chúng, mới xây nên thế giới đại đồng không còn người bóc lột người. Ông Nguyễn Văn Năng, một nhà cách mạng người Thái Bình thời những năm 30 đã viết rằng “Bao giờ thế giới đại đồng/chúng ta mới thoát khỏi vòng gian truân”.
Cộng sản rất khôn khi coi giai cấp vô sản (công nhân) là lực lượng lãnh đạo cách mạng, đồng thời lôi kéo sử dụng nông dân tham gia vào cuộc lật đổ. Họ thừa hiểu rằng ở một nước như nước ta, không nắm được nông dân thì muôn đời không đạt được mục đích. Họ gọi “nông dân là đội quân chủ lực của cách mạng”, những chị Dậu anh Pha nghe rất bùi tai.
Họ làm thơ ca ngợi (bài thơ này đám trẻ con chúng tôi khi học cấp 1 thập niên 60 đều thuộc lòng): ‘’Nông dân đã nói là làm/Đã đi là đến đã bàn là thông/Đã quyết là quyết một lòng/Đã phát là động đã vùng là lên/Đã lật lật dưới lên trên/Đã chuyển là chuyển bốn bên chân trời”, nghe quá sướng. So với bài ca ngợi công nhân “Nếu không có bác công nhân/Lấy đâu nhà cửa trú thân đêm ngày/Áo quần ta mặc ai may/Lấy đâu máy móc dựng xây nước nhà” thì bài về nông dân tầm cỡ hơn nhiều. Khen, tâng nhau lên mây xanh, không ai giỏi bằng người cộng sản.
Thực tế cho thấy nông dân là lực lượng đóng góp nhiều nhất, quan trọng nhất vào những thành công, thắng lợi của phong trào cách mạng ở xứ này. Những cách mạng tháng Tám thắng lợi, kháng chiến chống Pháp thành công, chiến đấu chống Mỹ cứu nước giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, rồi cả xây dựng chủ nghĩa xã hội, đổi mới xóa bỏ nền kinh tế trì trệ… đều phần lớn công sức nông dân.
Cũng không lực lượng nào đổ máu hy sinh, góp núi xương sông máu cho chiến tranh nhiều bằng nông dân. Số lượng bà mẹ Việt Nam anh hùng gốc nông dân, số lượng mộ liệt sĩ trong những nghĩa trang bạt ngàn trên nước này là minh chứng rõ nhất. Nông dân, không có họ không có đất nước này, không có chế độ này. Nhẽ ra đối tượng chính sách đặc biệt nhất, được quan tâm nhất, chế độ đãi ngộ cao nhất, phải đền đáp nhiều nhất, là nông dân chứ không ai khác. Nhưng thực tế lại không vậy.
Vừa rồi, có bác đọc bài kỳ 1 bảo rằng nói “nông dân bị bỏ rơi” là không đúng bởi thật ra chính phủ có rất nhiều chính sách đãi ngộ nông dân, nào điện đường trường trạm, nào người già được cho tiền, nào xây nhà văn hóa… Vâng, điều đó có cả, nhưng đâu chỉ nông dân, nông thôn mới được hưởng những ơn mưa móc đó, bởi ai cũng có. Ví dụ người già dù thành thị hay nông thôn đều có tiền già; chưa kể đường sá ở nông thôn xây một thì ở thành phố xây mười. Vấn đề là những chính sách lớn lại “quên” mất nông dân.
(Còn tiếp)
NGUYỄN THÔNG 07.08.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.