dimanche 4 août 2024

Lưu Trọng Văn - Phải có "Đạo làm giàu" quốc gia mới hùng mạnh

 

Khi dời đô từ Hoa Lư đến Đại La, không phải vì tự dưng thấy đám mây trên bầu trời Đại La có hình rồng bay, Thái tổ Lý Công Uẩn mới đặt thủ đô là “Thăng Long”.

Đức vua có sẵn chủ ý đặt thủ đô là “Thăng Long” – “rồng bay”, để nói cái chí lớn của một ông vua Đại Cồ Việt. Để nói cái khát vọng lớn muốn Đại Cồ Việt cất cánh, phá bung cái thế co ro phòng thủ bấy lâu nay.

Nếu có cuộc thăm dò ý dân về tên nước và tên thủ đô, gã tin đa số người dân ở giai đoạn lịch sử hôm nay muốn lấy lại tên nước là “Đại Việt” và tên đô là “Thăng Long”. Một ngàn năm trước cha ông ta đã có khát vọng lớn, lẽ nào hôm nay cháu con chỉ bằng lòng với cái phận “ chỉ mong yên ổn làm ăn”?

Để có khát vọng lớn phải biết cái nhục lớn.

Với chiều dài lịch sử một dân tộc, thì “cái nhục mất nước” chỉ là một vài cung bậc ngắn trên con đường dằng dặc đưa dân tộc quốc gia đến giàu có, văn minh, hùng cường.

Một dân tộc không thể dúi mãi vào tâm trí tuổi thơ, tuổi trẻ cái thần tượng vù vù lớn nhanh như thổi rồi vươn vai anh hùng như Thánh Gióng, khi đánh xong giặc lại bay lên trời bỏ lại ở quê hương người mẹ già còm cõi nghèo đói.

Bao đời nay, đất nước gã đã chỉ nhăm nhăm xây dựng hình tượng Thánh Gióng anh hùng xóa “cái nhục mất nước”. Rồi nhăm nhăm tên những phố, những đại lộ, những trường học hầu hết là các danh tướng cùng súng gươm chống ngoại xâm, mà quên rằng : Xóa được “cái nhục mất nước” mới chỉ là khúc dạo đầu của Bài ca làm Người.

Một dân tộc được giải phóng sẽ không thể hát tiếp “Bài ca làm Người” ấy nếu mỗi con người chưa thật sự được giải phóng!

Sự giải phóng mỗi con người như giải phóng năng lượng hạt nhân.

Bùng nổ lớn ở đó, sức mạnh vĩ đại ở đó.

Sự vững bền, vững chắc của một đất nước cũng chính ở đó.

Nước Việt Nam nhỏ hay không nhỏ cũng ở đó?

Thực ra sẽ không bức bách đặt ra nữa? nếu mỗi người Việt đều có cuộc sống vật chất, tinh thần cao như các nước Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch. Nhưng câu hỏi ấy buộc phải đặt ra lúc này để khêu gợi cho mỗi người Việt Nam thấy cái nhục, khi đời sống của người Việt đang thuộc hạng nghèo khó. Trong khi tài nguyên Việt Nam giàu có, người Việt Nam thông minh, cần cù, sáng tạo, khí hậu Việt Nam so với nhiều quốc gia khác thuận lợi, dân số Việt Nam đứng hàng thứ 13 thế giới.

Đã có một thời trên VTV có một chuyên mục khá hấp dẫn, đó là “Làm giàu không khó?”.

Gã thiển nghĩ “Việt Nam nhỏ hay không nhỏ?” bắt đầu từ hai chữ “làm giàu” này đây.

Những ai lặn ngụp trong cuộc mưu sinh, trong cái sự nghiệp làm giàu cho mình, cho gia đình mình, cho tổ quốc mình một cách chính đáng (chứ không phải ăn cắp, ăn cướp, tham nhũng, hối lộ) ở thời điểm này của đất nước đều phải lè lưỡi lắc đầu trước câu hỏi chỉ có tính động viên “Làm giàu không khó?” ấy.

Bởi thực tế làm giàu tử tế ở Việt Nam ta rất khó, rất rất khó, vô cùng khó.

Một dân tộc không thể giàu có thịnh vượng được nếu mỗi người dân lại rất khó làm giàu nếu không mánh mung, dối trá.

Suốt nghìn năm nay dân tộc Việt có rất nhiều đạo, nhưng không hề có cái đạo cần thiết nhất cho một quốc gia đó là “Đạo làm giàu”.

Muốn có được “Đạo làm giàu” ấy, mọi trí tuệ của quốc gia phải kiệt lực vận động. Chỉ khi chúng ta có “Đạo làm giàu” thì làm giàu không còn quá khó nữa. Mỗi người dân đều có thể hy vọng tự làm giàu. Những người đã giàu có có thể có niềm tin là mình sẽ trở thành tỉ phú đô la.

Bước đầu gã chỉ xin đưa ra 4 điều kiện then chốt để “Làm giàu không khó” sau đây:

1. Luật pháp trên nền tảng khoa học, nhân văn, công bằng không bị thay đổi xoành xoạch theo hàn thử biểu chính trị. Luật pháp ấy chính là cái trục vững chắc cho một quốc gia vận động, là bàn đạp vững chắc cho một quốc gia cất cánh.

2. Kỷ cương thép bắt buộc cả quốc gia tuân thủ luật pháp rồi dẫn đến tự giác tuân thủ luật pháp.

3. Trên nền tảng kỷ cương, luật pháp mỗi người Việt Nam được tự giải phóng mình và được giải phóng tối đa để phát huy tối đa trí tuệ, vốn liếng làm giàu tâm hồn, văn hóa, tài sản của mình.

4. Tất cả những ai, những thế lực nào, hoặc chủ thuyết nào, chính sách nào, ngăn cản mỗi công dân giải phóng mình và làm giàu chính đáng, ngăn cản mỗi công dân tự do đem hết tài năng sức sáng tạo, vốn liếng của mình ra làm giàu chính đáng đều bị khép vào tội phản quốc. Và đích danh là thế lực thù địch không phải của bất cứ tổ chức chính trị nào mà của Dân tộc.

* * *

Có được “Đạo làm giàu”, “Luật pháp làm giàu” đương nhiên sẽ có nền “Giáo dục làm giàu” và nền “Văn hóa làm giàu”. Việt Nam muốn đuổi kịp các nước khác, muốn cất cánh như rồng bay phải có những “cú đấm mạnh” thay đổi tình thế, tạo bước ngoặt vĩ đại. Gã nghĩ “mỗi con người được thật sự giải phóng” và “Đạo làm giàu” chính là những cú đấm mạnh chiến lược ấy.

LƯU TRỌNG VĂN 04.08.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.