“Nhà nước Hồi giáo” lúc mới tuyên bố thành lập |
Cách đây ba năm, ngày
04/07/2014, Abou Bakr Al Baghdadi, thủ lãnh thánh chiến Irak, leo lên tận chóp
tháp của đền thờ Hồi giáo Al Nouri ở Mossoul trong buổi lễ cầu nguyện ngày thứ
Sáu. Trước cử tọa vẫn chưa biết Baghdadi là ai, ông ta tuyên bố mình là chỉ huy
của các tín đồ, lãnh đạo “vương quốc Hồi giáo”. IS, tổ chức
Nhà nước Hồi giáo không còn là một nhóm thánh chiến hoạt động lén lút, mà đã
trở thành một “Nhà nước” tự phong, kiểm soát thành phố lớn thứ
nhì của Irak.
Chủ nhật tuần trước,
đích thân thủ tướng Irak, Haidar Al Abadi đã đến Mossoul. Trong bộ
quân phục, ông loan báo thành phố đã được giải phóng, và khen ngợi các quân
nhân Irak. Chiến dịch phản công truy diệt IS bắt đầu hôm 17.10.2016, sau
chín tháng trời đã đạt đến chiến thắng. Có đến 100.000 quân của quân đội Irak,
dân quân Kurd (peshmerga), dân quân Cơ Đốc đã được huy động. Liên minh quốc tế
yểm trợ bằng các cuộc không kích, bắn pháo và lực lượng đặc nhiệm trên bộ.
Chiến thắng, nhưng cái
giá phải trả cũng nặng nề. Nhiều ngàn thường dân bị tử thương, họ là nạn nhân
của cả IS lẫn các trận đánh bom của Irak và liên minh. Mỗi ngày lại
phải đưa những xác chết ra khỏi các đống đổ nát, các khu phố ở bờ tây Mossoul đã
thành bình địa. Thành phố cổ tan hoang, nhà cửa sụp đổ, những con đường đầy gạch
vụn. Đền thờ Hồi giáo Al Nouri và chóp tháp nhọn cao vút được xây dựng từ thế
kỷ 12, đã bị quân thánh chiến đặt chất nổ phá sập. Chỉ riêng việc tái lập cơ sở
hạ tầng căn bản sẽ tốn đến trên một tỉ đô la, theo Liên Hiệp Quốc. Và còn cần
thêm nhiều tỉ đô la nữa để các khu phố bờ tây có thể là nơi sinh sống được. Gần
700.000 người chạy loạn vẫn chưa thể trở về.
Thủ tướng Irak Haidar Al Abadi (nón đen, giữa) thăm Mossoul vừa được giải phóng ngày 09/07/2017. |
Mossoul cách đây ba
năm có hai triệu dân, là một trong hai “thủ đô” của IS tại Irak, cùng với
thành phố Raqa ở nước Syria láng giềng. Mossoul cũng là một trong
những trung tâm hành chính của “vương quốc Hồi giáo” tự phong,
là biểu tượng cho sức mạnh của tổ chức thánh chiến này.
Việc tái chiếm Mossoul đã
củng cố uy tín cho chính quyền Irak. Một quân đội được huấn luyện tồi và
tham nhũng, đã tái sinh từ đống tro tàn. Đất nước này đã thành công – với sự
giúp đỡ của đồng minh, nhất là Mỹ - không chỉ chiếm lại được hầu hết những lãnh
thổ bị mất, mà còn có lực lượng quân đội, cảnh sát liên bang, đơn vị chống
khủng bố được huấn luyện chu đáo, thuộc loại giỏi trong khu vực.
Nếu năm 2014, lực lượng
Irak đã phải tháo chạy một cách thảm hại khỏi Ramadi, Faloudja và Mossoul,
nhường chỗ cho IS; thì nay trận đánh Mossoul có thể được xếp vào loại kinh điển
của chiến tranh đô thị. Trong tổng số 100.000 quân tham gia chiến dịch, khoảng
20.000 người lính đã chiến đấu trong thành phố Mossoul trước 5.000 quân thánh
chiến, tức cứ 1 người phòng vệ đấu với 4 người tấn công. Trong khi những trận
chiến đô thị thường thì phải 6 đánh 1, thậm chí 10 đánh 1 mới mong chiến thắng.
Các nhà quan sát cho rằng có thể so sánh với trận Stalingrad năm
1942-1943 (kéo dài sáu tháng rưỡi).
Khó thể tiến nhanh trong phố cổ đổ nát. |
David Witty, nhà phân
tích vốn là đại tá lực lượng đặc nhiệm Mỹ về hưu nhận định: “Đây là một
đòn quyết định đánh vào tiếng tăm của IS”. Một thất bại quân sự nặng
nề của tổ chức thánh chiến - vốn liên tục bị mất những lãnh thổ đã chiếm được
trong những năm gần đây, còn về nguồn lợi kinh tế cũng đã giảm đi rất nhiều.
Từ khi tung ra trận tiến
công chớp nhoáng nhưng quy mô vào tháng 6/2014 tại Irak, IS đã kiểm soát
được một lãnh thổ có diện tích tương đương Hàn Quốc, với trên 10 triệu dân.
Nhưng nay IS đã mất hơn phân nửa diện tích. Tổ chức thánh chiến cũng bị mất đi
hàng ngàn chiến binh, mà những tay súng nước ngoài ngày càng giảm dần, không
thể bù đắp nổi.
Đơn vị chống khủng bố của Irak mừng chiến thắng trước IS tại Mossoul. |
Tuy sự kiện Mossoul thất
thủ làm IS càng thêm yếu đi, nhưng hãy còn quá sớm để nói đến chiến thắng chung
cuộc.
Tổ chức Nhà nước Hồi
giáo không còn kiểm soát được Mossoul, nhưng vẫn chưa biến mất. Hàng trăm
quân thánh chiến người Irak có thể đã trà trộn trong số những thường
dân trốn ra được khỏi thành phố cổ. (Còn quân thánh chiến người nước ngoài –
Nga, Tchetchenya, Ả Rập Xê Út, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp – quá dễ nhận diện để có thể
chạy trốn, chỉ còn cách chiến đấu cho đến chết).
Patrick Martin, chuyên
gia của Viện Nghiên cứu Chiến tranh ở Washington cảnh báo: “Không
nên coi việc tái chiếm Mossoul là hồi chuông báo tử cho IS”. Tổ
chức này “vẫn nắm giữ một số thành phố nhỏ”,nhất là tại Syria,
nơi cuộc tấn công nhằm tái chiếm thành phố Raqa đang tiếp diễn. Ngay cả
tại Irak, quân thánh chiến vẫn còn kiểm soát một số địa điểm gần biên
giới Syria và tại tỉnh Al Anbar thuộc miền tây.
Từng hoạt động như một
nhà nước với các định chế và một dạng chính quyền sơ đẳng, IS nay lại trở thành
một đạo quân trong bóng tối.Thời gian qua, tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã tích
lũy được nhiều kinh nghiệm, vẫn còn những mạng lưới đang hoạt động, còn vũ khí,
tiền bạc và những chiến binh sẵn sàng đánh bom tự sát, giết tối đa nhiều mạng
người để cùng chết.
Đền thờ Hồi giáo Al Nouri đã bị IS đặt chất nổ phá sập. |
Vụ đánh bom làm nhiều
người thiệt mạng nhất trong lịch sử Bagdad (320 người chết) vào tháng
7/2016, xảy ra sau khi quân thánh chiến bị mất thành trì Fallouja. Bọn chúng
cũng tung ra những đợt đột kích nguy hiểm vào thành phố Kirkuk ở miền bắc hôm
22.10.2016, vài ngày sau khi Irak và đồng minh khởi động chiến dịch tái chiếm Mossoul,
làm gần 50 người chết chủ yếu là lực lượng an ninh. Theo David
Witty, Irak sẽ còn bị mất an ninh trong nhiều năm nữa.
Ngoài ra, cho dù không
chiếm giữ được vùng đất nào, IS vẫn còn là mối đe dọa cho thế giới, mà liên
minh do Hoa Kỳ lãnh đạo đang phải chiến đấu không ngơi nghỉ. Trong ba năm qua,
hàng ngàn quân tình nguyện ở nhiều nơi trên thế giới đã gia nhập tổ chức thánh
chiến này tại Irak và Syria, trong số đó bao nhiêu người quay về Philippines,
Libya… thì không thể biết được. Một số tàn quân chạy sang các nước Hồi giáo
vùng Đông Nam Á: mới đây bộ trưởng Quốc phòng Malaysia đã tuyên bố IS
là kẻ thù số một.
Thủ lãnh IS Abou Bakr Al Baghdadi xuất hiện lần đầu tiên và duy nhất tại Mossoul ngày 07.05.2014. Ảnh Reuters lấy từ mạng xã hội |
Ý tưởng và sự tuyên
truyền của IS vẫn gây tiếng vang lớn, làm sản sinh ra nhiều đơn vị thánh chiến
nhỏ, bên ngoài biên giới địa lý của “vương quốc Hồi giáo”. Nhiều
vụ khủng bố đẫm máu được IS nhận trách nhiệm tại một số nơi trên thế giới. Abou
Bakr Al Baghdadi, thủ lãnh IS trong một video tháng 5/2015 đã kêu gọi người Hồi
giáo hoặc đến với “vương quốc”, hoặc tiến hành thánh chiến
ngay tại nước mình. Ông ta nhấn mạnh: “Hồi giáo chưa bao giờ là tôn
giáo của hòa bình, mà là của chiến tranh!”
Về số phận của chính
Baghdadi, lãnh đạo khủng bố 46 tuổi, chỉ xuất hiện công khai có một lần duy
nhất tại đền thờ Al Nouri ở Mossoul, hiện nay ra sao? Tổ chức Quan sát Nhân quyền Syria hôm
11.7 dẫn nguồn từ “các nhân vật cao cấp của IS tại Syria” loan
báo ông ta đã chết. Nhưng đây là lần “chết” không biết thứ bao nhiêu của
Baghdadi. Mới đây vào tháng Sáu, Nga cũng nói rằng đã tiêu diệt Abou Bakr Al
Baghdadi trong một trận không kích gần Raqa (Syria), nhưng rốt cuộc cũng không
khẳng định được. Hoa Kỳ treo giải thưởng 25 triệu đô la cho ai bắt được hắn ta.
Quay lại với cư dân
thành phố Mossoul vừa giải phóng, người dân vẫn tin rằng IS sẽ quay
lại, bằng cách này hoặc cách khác. Yunis, một thông dịch viên làm việc cho các
tổ chức phi chính phủ thổ lộ: “Chúng tôi không cảm thấy an toàn, vẫn còn sợ
lắm. Các thủ lãnh IS vẫn có thể tuyển mộ thêm quân thánh chiến mới. Tôi sinh ra
và lớn lên ở Mossoul, nhưng giờ thì hết rồi, tôi sẽ ra đi. Tôi nói với gia đình là chỉ trở về khi
nào chôn cất tôi tại Mossoul”.
Cùng một chủ đề:
Cùng một chủ đề:
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.