Biểu tình chống Trung Quốc xâm lược Biển Đông. |
Theo tác giả Ralph Jennings trên Forbes,
một năm sau phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế La Haye, Trung Quốc lại
càng thống trị Biển Đông hơn, bất chấp đòi hỏi chủ quyền của Việt Nam,
Philippines, Malaysia, Brunei, Đài Loan. Đó là vì Trung Quốc bác bỏ phán
quyết, nhưng đã tăng cường hợp tác kinh tế với một số nước để chắc chắn
rằng không ai có thể gây phiền nhiễu.
Trung
Quốc có quân đội đứng thứ ba thế giới và tổng sản phẩm nội địa thứ nhì
thế giới, khiến khó thể đối phó với việc Bắc Kinh kiểm soát Biển Đông,
đặc biệt đối với các quốc gia Đông Nam Á nhỏ yếu hơn. Nhưng không phải
tất cả đều bó tay, mà theo nhà báo Ralph Jennings, có bốn quốc gia sau
đây có thể tạt một gáo nước lạnh vào tham vọng kiểm soát vùng biển 3,5
triệu kilomet vuông giàu tài nguyên và mang tính chiến lược này.
1 - Ấn Độ
Ấn
Độ không yêu sách chủ quyền Biển Đông, nhưng hy vọng ngăn chận được sự
bành trướng của Trung Quốc. Quốc gia đồng minh của phương Tây với trang
bị vũ khí hùng hậu, có hai khu vực biên giới tranh chấp với Trung Quốc
đã đưa ra chính sách Hướng Đông năm 2014 để cải thiện quan hệ với các
nước Đông Nam Á vốn đang tăng trưởng nhanh chóng. Giả sử rằng Ấn Độ có
thể hành động về kinh tế, nhưng có thể còn hơn thế nữa.
Hồi tháng
Năm, Ấn Độ đã triển khai một hệ thống cảnh báo sóng thần tại Biển Đông,
mặc dù Trung Quốc đã cho vận hành một hệ thống như thế. Năm 2014, chi
nhánh hải ngoại của tập đoàn nhà nước ONGC đạt được thỏa thuận với Việt
Nam về việc khai thác một vùng biển chồng lấn với “đường lưỡi bò” do Bắc Kinh tự vẽ. Trung Quốc không phản đối hệ thống cảnh báo sóng thần của Ấn Độ, nhưng kém vui hơn về thỏa thuận dầu khí.
2 – Nhật Bản
Là đối trọng của Trung Quốc tại
châu Á, Nhật Bản năm 2014 đã tặng cho Việt Nam sáu chiếc tàu và năm
ngoái đã đồng ý cho Philippines thuê năm phi cơ quân sự. Đây chỉ là hai
trong số những ví dụ về việc Tokyo hỗ trợ các nước có tranh chấp Biển
Đông với Bắc Kinh.
Một số người coi Nhật Bản là một quốc gia được
phương Tây ủy nhiệm chống lại sự bành trướng của Trung Quốc. Từ ngày
1/5, chiếc tàu chở trực thăng Izumo của Nhật bắt đầu hộ tống một tàu
tiếp liệu của Mỹ, và có thể hoạt động tại Biển Đông trong tháng Tám với
những chuyến cập cảng và tập trận với Ấn Độ, Hoa Kỳ tại vịnh Bengal.
Trung
Quốc tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện do Tokyo quản lý, và rất
lo lắng trước việc Nhật Bản tăng cường quân sự trong tương lai. Thế nên
không có gì đáng ngạc nhiên khi một phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung
Quốc hồi tháng Ba thông qua Tân Hoa Xã đã tuyên bố Nhật Bản không nên
gây rắc rối trong khu vực.
3 – Hoa Kỳ
Tổng
thống Mỹ Donald Trump cho đến tháng Tư vẫn có một cách nhìn khác về sự
bành trướng trên biển của Trung Quốc, với hy vọng Tập Cận Bình giúp được
một tay trong việc ngăn chận Bắc Triều Tiên triển khai hỏa tiễn đạn
đạo. Nhưng sự hợp tác này có vẻ không mang lại được kết quả, nên từ cuối
tháng Năm Hải quân Mỹ đã lại tiến hành hai chuyến tuần tra vì tự do
hàng hải trên Biển Đông, để chứng tỏ vùng biển này không phải là ao nhà
của Trung Quốc. Bắc Kinh phản đối cả hai hoạt động hải hành này.
Hoa
Kỳ không hề đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông, nhưng Bắc Kinh lo sợ vì
nước Mỹ với thực lực quân sự hùng mạnh có thể dễ dàng thành lập các liên
minh quân sự với các nước Đông Nam Á. Ví dụ chính là cuộc tuần tra hải
quân chung với Philippines kể từ năm 2014.
4 – Việt Nam
Đây
là quốc gia tranh chấp chủ quyền Biển Đông duy nhất có khả năng đối phó
với sự bành trướng của Trung Quốc, từ việc bồi đắp đảo nhân tạo cho đến
quân sự hóa các đảo. Cũng như các nước Đông Nam Á khác, Việt Nam giao
thương nhiều với Trung Quốc với tổng giá trị trao đổi lên đến 95,8 tỉ đô
la trong năm 2015.
Nhưng về cơ bản, Việt Nam không ưa Trung Quốc
và không run sợ trước những cơn giận của người láng giềng khổng lồ, dù
có quân đội nhỏ hơn. Có thể kể nhiều thế kỷ tranh chấp biên giới, trận
chiến Hoàng Sa đẫm máu năm 1974 (nay quần đảo này do Trung Quốc kiểm
soát), và sự đối đầu trên biển cách đây ba năm do Trung Quốc cho kéo một
giàn khoan đến vùng biển Hoàng Sa. Việt Nam có thể trông cậy vào sự hỗ
trợ của Ấn Độ và Nhật Bản nếu cần.
Do vậy Việt Nam vẫn tiến hành xác
quyết chủ quyền các đảo nhỏ của mình và khoan dầu tại các khu vực có thể
bị dính vào “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc vẽ ra để yêu sách chủ quyền
tại Biển Đông. Bắc Kinh rất bực tức – một tướng Trung Quốc đã bỏ ngang
chuyến thăm Hà Nội vào tháng trước – nhưng Việt Nam có đủ quyết tâm và
sự hỗ trợ để đương cự.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.