lundi 24 juillet 2017

Biển Đông : Việt Nam ngưng khoan dầu sau khi bị Trung Quốc đe dọa tấn công (video)



Tuần tra ở Trường Sa. Ảnh AFP

(Chuyên gia Bill Hayton, BBC News 24/07/2017) Việt Nam có thể đã phải ngưng hoạt động thăm dò khí đốt tại vùng biển bị Trung Quốc tranh chấp trên Biển Đông, sau khi bị Bắc Kinh đe dọa mạnh mẽ.
Một nguồn tin từ ngành công nghiệp dầu khí ở Đông Nam Á nói với BBC là Repsol, công ty Tây Ban Nha thực hiện dự án này, đã nhận được lệnh rời khỏi khu vực. Sự kiện này xảy ra chỉ vài ngày sau khi khẳng định được sự hiện diện một mỏ khí lớn.
Thông tin trên đây trùng hợp với một nguồn tin ngoại giao Việt Nam.
Theo nguồn tin từ ngành dầu khí, các lãnh đạo Repsol tuần trước đã được chính phủ Hà Nội thông báo là Trung Quốc đã đe dọa tấn công các căn cứ của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa nếu không ngưng khoan dầu khí.
Trung Quốc yêu sách hầu như toàn bộ Biển Đông, kể cả những rạn san hô và đảo nhỏ được các nước khác đòi hỏi chủ quyền.
Nguồn: UNCLOS, CIA
Việc khoan dầu đã khởi đầu từ tháng trước, tại một vùng biển khoảng 400 km (250 hải lý) ở ngoài khơi vùng duyên hải đông nam Việt Nam. Người Việt gọi đây là lô 136-03, và đã cho một công ty tên là Talisman-Vietnam, một chi nhánh của Repsol thuê lại.
Còn Trung Quốc gọi là Vạn An Bắc 21 (Wanan Bei-21) và dùng vùng thềm lục địa này cho một công ty khác thuê. Cụ thể là công ty nào thì còn chưa rõ. Năm 2015, Bắc Kinh đem bán quyền khai thác cho một công ty niêm yết ở Hồng Kông mang tên Brightoil, nhưng mới đây công ty này đã đính chính. Được biết hai trong số các giám đốc của Brightoil là cán bộ cao cấp của đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Ảnh AFP
Talisman-Vietnam trước đây trực thuộc công ty Talisman của Canada, nhưng từ năm 2015 trở thành một chi nhánh tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha.
Một nhà phân tích không muốn nêu tên nhận định Repsol đã chi ra khoảng 300 triệu đô la để khai thác khu vực cho đến nay. Thế nên đây là một ngạc nhiên cho các nhà quan sát, khi Việt Nam phải lùi bước nhanh như vậy.
Năm 2014, các tàu tuần duyên và các tàu chiến khác của Trung Quốc và Việt Nam đã đối đầu tại vùng phía bắc Biển Đông, gần quần đảo Hoàng Sa. Từ đó đến nay, hai nước đều cố gắng tránh các vụ đụng độ.
Ảnh: FB Lê Nguyễn Hương Trà
Trích ý kiến của một số chuyên gia trên Twitter :
Lyle Morris (nhà phân tích của RAND Corporation về chính sách đối ngoại Trung Quốc và an ninh châu Á-Thái Bình Dương) : Việt Nam đã ngưng khoan dầu tại vùng đặc quyền kinh tế của mình sau khi « Trung Quốc đe dọa tấn công các căn cứ của Việt Nam tại Trường Sa ». Wow. Việc cưỡng bức thô bạo như vậy sẽ còn được dung thứ bao lâu nữa ? 
Ely Ratner (chuyên gia về Trung Quốc, Hội đồng Đối ngoại Mỹ, Washington DC) : Thêm một dữ liệu hữu ích nhưng gây thất vọng, giúp trả lời câu hỏi : một trật tự do Trung Quốc lãnh đạo sẽ ra sao tại châu Á.
Peter Dutton (giám đốc Viện nghiên cứu hàng hải Trung Quốc, thuộc trường Hải quân Hoa Kỳ - trả lời Ely Ratner) : Lô này cũng là nguồn gốc của tranh chấp dai dẳng. Nhưng sau phán quyết trọng tài, rõ ràng là nó thuộc quyền của Việt Nam. 
Peter Dutton : Bản đồ lớn cho thấy lô 136 tranh chấp là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa mở rộng của Việt Nam. Tòa Trọng tài đã công nhận điều đó.
Ashley Townshend (nhà nghiên cứu, giảng viên USSC ở Sydney) : Tấn công tiền đồn của Việt Nam sẽ là một bước leo thang mạnh mẽ của Trung Quốc. Tôi không nghi ngờ gì về mối đe dọa, nhưng chắc chắn điều này nói lên rất nhiều về những quan ngại của Hà Nội.
Tham khảo thông tin từ các nhà báo trên mạng xã hội Việt Nam :
Ảnh: FB Lê Nguyễn Hương Trà
Huy Đức (23/07/2017) : REPSOL CÓ THỂ PHẢI NGƯNG HAI MŨI KHOAN Ở BÃI TƯ CHÍNH 136/3

Lô 136/03 mà các bạn nhìn thấy trên bản đồ này là nơi thuộc chủ quyền của Việt Nam: Bãi Tư Chính. Nhưng, nó cũng là nơi, đường lưỡi bò của Trung Quốc liếm qua và Bắc Kinh gọi đó là Vạn An Bắc 21. Cả VN và TQ đều coi đây là vùng "chủ quyền không thể tranh cãi" của mình. Việc Hà Nội cho Repsol khoan thăm dò ở lô 136/03 không chỉ như một dự án khai thác dầu - khí đơn thuần mà còn như để khẳng định chủ quyền của VN ở vùng biển này.

Ngày mai, thứ Hai, 24-7-2017, có thể Repsol sẽ phải ngưng mọi hoạt động ở đây vì các sức ép đến từ Trung Quốc. 

Hai mũi khoan được bắt đầu vào ngày 18-6-2017, đúng ngày Phó chủ tịch Quân ủy Trung Quốc Phạm Trường Long tới Hà Nội. Tướng Phạm Trường Long khi đó đã bỏ về, Bắc Kinh triệu hồi đại sứ, đòi đàm phán ở cấp cao và đưa gần 200 tàu xuống bãi Tư Chính, nhưng Hà Nội vẫn để Repsol duy trì các hoạt động khoan thăm dò. 

Nhưng lần này thì có vẻ như Hà Nội đang đơn độc.

PS: Bắc Kinh không chỉ gây áp lực với Hà Nội mà còn với nhiều bên liên quan. Năm 2009, cũng vì sức ép của Trung Quốc, mà BP của Anh đã phải từ bỏ hai mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh dù đã đến giai đoạn đưa vào khai thác. Dù không còn BP, PVN sau đó vẫn khai thác hai mỏ này rất hiệu quả.

Ảnh: FB Lê Nguyễn Hương Trà
Lê Nguyễn Hương Trà (22/07/2017): Sáng nay 22.7, có 14 tàu của Cảnh sát biển Vùng III được lệnh rời Vũng Tàu ra khơi. Theo tin nhận được, mấy ngày qua, lực lượng kiểm ngư Việt Nam với trên 30 tàu và các tàu chấp pháp đang căng thẳng ở khu vực quanh bãi Tư Chính (Vanguard Bank) cách Vũng Tàu 229 hải lý về phía Đông Nam; nhằm ngăn chặn không cho HYSY-760 của Trung Quốc đang cùng 40 tàu hộ tống hăm he vượt qua làn ranh đỏ vô thềm lục địa phía Nam.

Đây là nơi đang triển khai dự án khai thác dầu lô 136-3 do PetroVietNam hợp tác với Repsol của Tây Ban Nha, được cho trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. 

Như hổm có nhắc trong tin về tướng Phạm Trường Long sang thăm Hà Nội và bỏ về sớm. Trước đó, ngày 16.6, Trung Quốc lại ra thông báo về việc HY-981 sẽ hoạt động ngay gần cửa vịnh Bắc Bộ trong ba tháng. Trong khi giàn khoan này tiếp tục di chuyển xuống phía Nam, Trung Quốc đã triển khai 40 tàu hải giám và máy bay Y8 tại khu vực quanh lô 136-3. 

Các nhà quan sát nhận định, khả năng căng thẳng leo thang trong những ngày tới! 

(Clip) Tàu CSB 9001 ra khơi sáng 22.7, anh Trần Song Hải ghi lại.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.