(Ngô
Nhân Dụng) - Ông Donald Trump chắc không
vui: Vì ông hô hoán tăng thuế nhập cảng hàng Tàu, số hàng Trung Quốc bán sang
Mỹ đã tăng thêm gần hai tỉ Mỹ kim trong Tháng Mười Một vừa qua, tăng 5.4% so
với Tháng Mười và hơn 8% so với Tháng Mười Một năm ngoái. Các công ty Mỹ như
Wal-Mart, với hơn 90% hàng là “ma dze in
China,” đã đặt mua gấp. Bây giờ một chiếc tàu thủy của công ty Ðan Mạch
Emma Maersk mà Wal-Mart thuê bao có thể đi từ Trung Quốc sang tới Mỹ chỉ mất
năm ngày, chở theo 15.000 thùng chứa lớn (công, container). Mỗi chiếc Emma
Maersk có 11 cái cần cẩu; hoạt động cùng một lúc sẽ bốc gỡ hàng trong 2 tiếng
đồng hồ là xong. Trong Tháng Mười Hai và Tháng Giêng sang năm, hàng hóa Tàu sẽ
còn ào ạt qua Mỹ. Vì không ai biết sau khi ông Trump nhậm chức thuế sẽ tăng lên
bao nhiêu!
Có ai đoán trước
được Donald Trump sẽ làm gì hay không? Không ai đoán nổi! Ngay các nước đồng
minh cố cựu của Mỹ trong khối NATO và Nhật Bản, Nam Hàn cũng vẫn còn đang chờ
coi ông làm gì! Và một nhà kinh doanh như ông cũng biết sẽ được lợi thế nếu cứ
để cho bên kia họ lờ mờ không biết mình sắp làm gì.
Một người đang
băn khoăn phỏng đoán là ông Tập Cận Bình. Suốt một năm tranh cử, ông Trump đã “chửi” Trung Cộng hết nước hết cái.
Người Tàu nghe đã quen rồi, vì các ứng cử viên tổng thống Mỹ mấy chục năm nay
vẫn dùng món võ này để giành phiếu. Bill Clinton, George W. Bush, cho tới
Barack Obama đều đả kích Trung Cộng khi tranh cử; lúc nhậm chức đều dịu giọng
lại. Nhưng không ai có thể đoán Donald Trump sẽ theo gót những người tiền nhiệm
hay không.
Tháng Sáu vừa qua
ông Trump nói: “Không thể chấp nhận cho
Trung Quốc tiếp tục hãm hiếp nước ta.” Bắc Kinh phải tức ứa máu khi Trump
điện thoại trực tiếp với bà Thái Anh Văn, tổng thống Ðài Loan. Thay vì giải
thích và tự bào chữa, ông ta còn tấn công thêm, “tweet” kể tội Trung Cộng, nhắc đến cả những “căn cứ quân sự khổng lồ” ở vùng biển Ðông Nam Á. Ấy thế mà Tập Cận
Bình vẫn im thin thít, nhịn như nàng dâu nhịn mẹ chồng! Cho tới nay các báo đài
Trung Cộng không hề nhắc gì đến chuyện ông Trump cà kê với bà Thái, các quan
chức trên dưới nín thinh sau khi lời phát biểu của Ngoại Trưởng Vương Nghị cũng
biến mất dù ông ta chỉ chế nhạo bà Thái.
Riêng ông Trump
cũng đủ làm Tập Cận Bình nhức đầu rồi, lại thêm các chính khách Cộng Hòa khác
cũng nhập cuộc vì họ không thể ngồi yên cho mình ông Trump múa. Nghị Sĩ Marco
Rubio (Cộng Hòa, Florida) mới đề nghị một dự luật nhắm trừng phạt Trung Cộng
bành trướng ở Biển Ðông. Dự luật Rubio muốn “bất
cứ người Trung Quốc nào” dính vào những căn cứ quân sự dựng trên tất cả các
hòn đảo trong vùng biển Ðông Nam Á phải bị cấm du hành qua Mỹ và sai áp tài
sản! Nói như vậy là bao trùm tất cả các nhà thầu xây cất, các công ty và ngư
phủ Trung Quốc vào đánh cá ở vùng đang tranh chấp, và cả những quan chức cho
tới lính hải quân vẫn đi tuần trong vùng này, ai cũng có thể bị “cấm vận!” Ðòn “trừng phạt” này đã được sử dụng với Nam Phi, Iran, với Nga, và
hiệu quả tuy kín đáo nhưng cũng tác động trên quan chức các xứ đó.
Dự luật của ông
Marco Rubio chưa chắc đã được Thượng Viện đem ra bàn, nhưng là một cách “mách kế!” Lên làm tổng thống ông Trump
có thể áp dụng đòn “cấm vận” này! Xưa
nay, mỗi lần có đại biểu nào trong Quốc Hội Mỹ đưa ra một nghị quyết đả Trung
Cộng là Bắc Kinh làm ầm lên phản đối. Nhưng lần này thì, ba ngày sau họ vẫn im,
chắc còn chờ coi chính ông Trump động thủ.
Nhưng Tập Cận
Bình sẽ nhịn đến bao giờ?
Ít nhất là 12
tháng. Dù ông Trump làm gì chăng nữa, tới Tháng Mười năm 2017 đảng Cộng Sản
Trung Quốc cũng họp đại hội, năm năm một lần. Tập Cận Bình đang lo củng cố địa
vị trong đảng, hy vọng sau đại hội thứ 19 sẽ nắm toàn quyền, thực hiện các
chính sách cải tổ đã hứa từ ba năm nay mà chưa làm gì được. Từ nay tới đó, Tập
Cận Bình sẽ cố nhẫn nhịn, không để một xáo trộn nào bùng lên trong mối bang giao
giữa hai nước kinh tế lớn nhất hoàn cầu với những quan hệ chằng chịt khó gỡ!
Lý do chính là vì
địa vị của Tập Cận Bình vẫn còn mong manh. Mặc dù ông đã sử dụng đòn “đánh tham nhũng” loại bỏ rất nhiều đối
thủ, đàn em của Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Ðào nhưng sẽ phải làm sao đưa thêm
người của mình vào giới lãnh đạo. Trong kỳ đại hội sắp tới, 11 trong số 25 ủy
viên Bộ Chính Trị sẽ đến tuổi 65 phải về hưu. Quan trọng nhất là thay thế 5
trong số 7 bô lão ở ban Thường Vụ, chỉ còn Tập Cận Bình và Lý Khắc Trường chắc
chắn ngồi lại. Trong 350 người thuộc Ban Chấp Hành Trung Ương, được đôn lên từ
thời họ Giang và họ Hồ, sẽ có khoảng 90 người phải rút lui, hơn một phần tư.
Theo tạp chí The Economist thì hiện nay Tập Cận Bình
mới nắm chắc được một phần mười số thành viên Trung Ương Ðảng. Từ nay tới Tháng
Mười năm tới, Bình sẽ lo xếp đặt sao để chiếm được đa số trong 2,300 đảng viên
sẽ dự đại hội. Nhưng việc đề cử các đại biểu này không nằm trọn trong tay ông
chủ tịch. Những quan chức địa phương, từ cấp quận lên đến tỉnh không phải ai
cũng sẽ ngoan ngoãn nghe lệnh ông. Ðó là chưa kể các đơn vị quân đội và giám
đốc các doanh nghiệp nhà nước. Chương trình cải tổ cơ cấu kinh tế của họ Tập đã
trì trệ mấy năm nay cũng vì đụng vào quyền lợi của các quan lớn địa phương và
nồi cơm vàng của đám cán bộ xí nghiệp quốc doanh! Trung ương cứ ra lệnh, nhưng
bên dưới không nhúc nhích cũng đành chịu. Họ có thể nêu ra hàng trăm nỗi khó
khăn, hàng ngàn mối lo xã hội bất ổn! Ngay trong nhóm bảy người ban Thường Vụ
Bộ Chính Trị, Tập Cận Bình cũng chưa nắm hết; vẫn phải cho đàn em viết bài
(giấu tên thật) đả kích các chính sách cho vay nợ quá nhiều của nhà nước, tức
đâm sau lưng ông Thủ Tướng Lý Khắc Trường!
Cho nên, từ nay
đến Tháng Mười năm tới, Tập Cận Bình không muốn bất cứ biến cố nào xẩy ra có
thể làm giảm bớt uy tín và địa vị của mình!
Nhưng Tập Cận
Bình cũng có thể muốn xuất hiện như một “người
hùng dân tộc” bằng cách biểu diễn những màn đối đầu quyết liệt với Donald
Trump! Cứ chuẩn bị sẵn sàng, hễ Trump đưa ra một đòn nào bèn trả đũa ngay lập
tức, ăn miếng trả miếng!
Một nỗi khó khăn
nhất là chưa thể tiên đoán Trump sẽ làm gì! Cũng không biết Trump sẽ đánh thật
hay chỉ đánh nhứ! Hơn nữa, trên mặt kinh tế, bất cứ cuộc tranh hùng nào cũng
nguy cho nước Tàu trước khi làm hại được nước Mỹ. Một cuộc đụng độ kinh tế sẽ
ảnh hưởng nhanh chóng và lan rộng khắp nước Tàu, trong khi ảnh hưởng vào nước
Mỹ chậm hơn và nhẹ hơn. Dân Mỹ có thể chấp nhận một cuộc đấu kinh tế vì số hàng
bán sang nước Tàu đứng hàng thứ ba, trong khi nước Mỹ là khách hàng lớn nhất của
Tàu. Các công ty Mỹ đầu tư bên Tàu sử dụng 1 triệu 600 ngàn công nhân, chưa kể
hàng chục triệu người Tàu làm những thứ hàng bán sang Mỹ. Trong khi đó chỉ có
100 ngàn người Mỹ làm cho các công ty Tàu, và dưới 200 ngàn công nhân khác có
liên hệ. Những món hàng Mỹ bán sang Tầu đều thuộc loại tối tân, sử dụng máy móc
tự động nhiều hơn công nhân, nếu ngưng bán cũng không gây xáo trộn lớn.
Ðiều ông Tập Cận
Bình lo lắng nhất là, nếu có chiến tranh kinh tế thì người dân Trung Quốc sẽ
oán trách cả đảng Cộng sản, trước khi nước Mỹ khó chịu vì hàng nhập cảng lên
giá!
Nếu có đụng độ
quân sự, ai cũng biết Không Quân và Hải Quân Trung Quốc chưa thể đọ sức với Mỹ.
Trung Cộng chưa đủ sức trong một cuộc chiến tranh toàn diện với Mỹ. Chưa hết,
còn lực lượng của các đồng minh của Mỹ trong vùng Á Ðông, từ Nhật Bản, Nam Hàn
đến Australia. Nếu không dám đánh lớn thì cũng không thể đối đầu lâu dài trong
các vụ xung đột nhỏ vì chỉ để lộ thế yếu của mình.
Tóm lại, đấu với
Mỹ chỉ có hại, dù trên mặt trận kinh tế hay quân sự! Cho nên, nước đi tốt nhất
của Tập Cận Bình bây giờ là nhẫn nhịn. Ít nhất, cho tới sau ngày đại hội đảng
thứ 19, năm 2018 sẽ tính sau. Hơn nữa, Tập Cận Bình có hy vọng Donald Trump là
một doanh nhân, tuy nói hùng hổ nhưng sẽ tính toán lợi hại. Kinh tế Mỹ và Tàu
đang ràng buộc với nhau và với hàng trăm nước khác, không ai muốn “gây chiến” làm cho kinh tế cả thế giới
sụp đổ!
Hơn nữa, cho tới
nay ông Trump vẫn thân thiện. Sau khi đắc cử, được Tập Cận Bình điện thoại chúc
mừng, ông Trump đã tuyên bố tin tưởng rằng hai người sẽ có “mối quan hệ chặt chẽ nhất” để hai nước cùng tiến lên.
Tuần qua, tổng
thống Mỹ tân cử lại đưa ra một tín hiệu đẹp: Sẽ bổ nhiệm một vị đại sứ mới ở
Bắc Kinh, một người vốn được coi là một “bạn
thân của Trung Quốc!” Ông Terry Branstad từng làm thống đốc tiểu bang Iowa
sáu nhiệm kỳ, đã đi thăm Trung Quốc bảy lần, lần chót mới đây, sau khi ông
Trump đắc cử. Branstad đã gặp Tập Cận Bình lần đầu năm 1985 khi Tập chỉ là một
viên chức đi Mỹ khảo sát nông nghiệp tại Iowa. Năm 2011, Branstad sang Tàu,
được Tập Cận Bình đang làm phó chủ tịch tiếp chuyện 45 phút năm sau lại tiếp
đón Bình tại dinh thống đốc Iowa! Branstad đã ủng hộ Trump khi tranh cử, giúp
ông thắng bà Clinton với tỉ số 51% trên 42% tại Iowa, một tiểu bang then chốt.
Nghe tin ông
Branstad được đề nghị làm đại sứ, Bộ Ngoại Giao Trung Cộng hoan nghênh nồng
nhiệt. Nếu ông Trump có định “gây chiến” về
thương mại, ông cựu thống đốc Iowa có thể can ông “giơ cao đánh sẽ.” Vì tiểu bang Iowa vẫn bán bắp và đậu nành qua Tàu,
mỗi năm thu được 6 đến 7 tỉ Mỹ kim. Bắc Kinh sẽ yên lòng vì biết ông Ðại Sứ
Branstad có thể nói chuyện trực tiếp với vị tổng thống Mỹ tương lai mà không
cần qua Bộ Ngoại Giao. Ý kiến của Tập Cận Bình có thể truyền đến tai ông Trump
bất cứ lúc nào, không cần nhờ những tay lóp bi như Alston & Bird với ông
Bob Dole, mà Ðài Loan đã trả gần 200 ngàn đô la để vận động cho một cú điện
thoại 10 phút!
Cứ như thế thì
Tập Cận Bình không lo ngại gì mà không im lặng chờ đợi, không lo đối đầu với
Donald Trump mà chú tâm giành giật uy quyền với các đồng chí cộng sản của mình,
chờ ngày đại hội thứ 19. Ðối phó với Mỹ là chuyện lâu dài, uy quyền ở nước Tàu
thì trong năm năm nữa sẽ hết, cần được củng cố gấp!
Nhưng nếu Trump
nói và làm quá đáng khi vào Tòa Bạch Ốc thì sao? Theo kinh nghiệm, ông Trump có
nói gì thì sẽ có ông phó tổng thống nói lại, không sao cả! Nếu ông Trump làm gì
thì sẽ có giới kinh doanh phản ứng và Quốc Hội Mỹ sẽ can thiệp làm dịu bớt. Tức
là khó xảy ra những biến cố lớn ngoài tầm kiểm soát.
Quan trọng nhất
là tất cả những xung đột nho nhỏ, nếu xảy ra, sẽ được che kín không cho dân
chúng Trung Quốc được nghe! Thử hỏi hiện giờ có bao nhiêu người Tàu lục địa
biết ông Trump đã nói điện thoại với bà Thái Anh Văn?
NGÔ NHÂN DỤNG (Bài đăng trên
Người Việt ngày 09.12.2016)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.