vendredi 23 décembre 2016

Bắc Kinh tước đoạt thêm một đồng minh ngoại giao của Đài Loan



Ngoại trưởng Đài Loan Lý Thái Duy (giữa) trong cuộc họp báo sau khi Sao Tomé cắt quan hệ ngày 21/12/2016.

(Le Monde 22/12/2016) Quốc gia Sao Tomé-et-Principe hôm thứ Tư 21/12 đã công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Ba tuần sau cuộc điện đàm giữa tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn và tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump, Trung Quốc hôm thứ Tư 21/12 đã trừng phạt Đài Loan bằng cách cướp mất một trong những đồng minh ngoại giao hiếm hoi là Sao Tomé-et-Principe, Nhà nước nhỏ bé nằm ngoài khơi Tây Phi.


Quốc gia gần đây nhất quay mặt với Đài Bắc là Gambia, đã cắt đứt quan hệ với Trung Hoa Dân Quốc – tên chính thức của Đài Loan – vào năm 2013, nhưng chỉ mới công nhận Trung Quốc cộng sản hồi tháng Ba. Bắc Kinh tỏ ra thận trọng nhằm lèo lái tổng thống Mã Anh Cửu thuộc Quốc Dân Đảng - người tiền nhiệm của bà Thái vốn thân Trung Quốc, chủ trương « đình chiến ngoại giao » với Bắc Kinh. Sau chiến thắng trong kỳ bầu cử tổng thống của bà Thái Anh Văn và đảng Dân Tiến hồi tháng Giêng, việc Trung Quốc lập quan hệ ngoại giao với Gambia được coi là lời cảnh báo đầu tiên dành cho tổng thống tương lai bị tố cáo là « chủ trương độc lập ».

Tại Bắc Kinh, tờ Global Times, cơ quan báo chí duy nhất được phép bình luận về chính sách đối ngoại, trong bài xã luận hôm 21/12 hoan nghênh việc cắt đứt quan hệ trên, cho đây là sự  « trừng phạt đối với việc bà Thái từ chối công nhận thỏa thuận 1992 » - tức thỏa thuận ngầm giữa Quốc Dân Đảng và đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) giúp đôi bên xích lại gần hơn, qua việc nhìn nhận chỉ có một nước Trung Hoa, mà mỗi bên diễn dịch theo một cách. « Đây cũng là câu trả lời cho thái độ sai lầm của ông Trump về vấn đề Đài Loan » - tờ báo là phát ngôn viên hung hăng của ĐCSTQ nhấn mạnh.

Ngoại giao chi phiếu

Chính phủ Đài Loan ngay sau thông báo chính thức của Sao Tomé-et-Principe đã tuyên bố chấm dứt mọi quan hệ với Nhà nước này « nhân danh phẩm cách quốc gia ». Đài Bắc lấy làm tiếc là chính quyền nước cựu thuộc địa Bồ Đào Nha đã « chơi trò cạnh tranh giữa đôi bên eo biển Đài Loan, và chọn lựa kẻ đặt cược nhiều nhẩt ». « Các đòi hỏi tham lam » của Sao Tomé – từ ngữ của ngoại trưởng Đài Loan Lý Thái Duy (David Lee) được báo chí Đài Bắc dẫn lại – vào khoảng 100 đến 200 triệu đô la. Trong khi Đài Loan, với mong muốn là một quốc gia dân chủ kiểu mẫu, từ chối trò chơi « ngoại giao chi phiếu » vốn phổ biến cho đến những năm 2000. Một quan chức cao cấp của bộ Ngoại giao ở Đài Bắc hồi tháng 10 đã thổ lộ : « Ngân quỹ của chúng tôi đặt dưới sự kiểm soát của Quốc hội, và cộng đồng quốc tế quan sát thấy rằng người ta không bỏ tiền ra mua một đất nước ».

Từ khi bà Thái Anh Văn nhậm chức vào tháng Năm, tân chính phủ Đài Loan dần dà mất đi một trong những đồng minh nhỏ bé nhất. Trung Quốc ban đầu chỉ bí mật làm áp lực, hạn chế luồng du khách và ngưng các thông tin liên lạc chính thức, vì ngại rằng Đài Loan sẽ nhân đó đóng vai nạn nhân. Cuộc gọi của bà Thái được ông Donald Trump chấp nhận bất chấp các thủ tục thông thường, và việc tổng thống tân cử Mỹ qua Twitter đặt lại vấn đề về chính sách « Một nước Trung Hoa », đã thay đổi thế cờ, khiến Bắc Kinh công khai tỏ thái độ cho phù hợp với dư luận trong nước.

Bà Thái Anh Văn hôm thứ Ba 20/12 đã bắt đầu gióng lên hồi chuông báo động. Nhân một hội nghị tại trụ sở đảng Dân Tiến, bà đã kêu gọi « tình liên đới vượt ra ngoài đảng phái » chống lại sự can thiệp của « các thế lực nước ngoài », tức Trung Quốc. Ngoài việc mất Gambia và Sao Tomé, tổng thống Đài Loan còn nêu ra vụ đối đầu của người tiền nhiệm hồi tháng 11 : được mời đến dự một hội thảo ở Malaysia, Mã Anh Cửu đã không được giới thiệu là « cựu tổng thống Trung Hoa Dân Quốc » để không làm phật ý Bắc Kinh. Bà Thái cảnh báo, Đài Loan phải đối phó với « thách thức ngoại giao lớn lao », trong bối cảnh « có những thay đổi lớn về tình hình quốc tế ».

Đối với chuyên gia Canada Michael Cole, đòn rờ-ve ngoại giao mới nhất đánh vào Đài Bắc cần được nhìn một cách tương đối. Khi được hỏi về quan hệ ngoại giao thực tế giữa Đài Loan và Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước châu Âu, ông Cole nói : « Các mối quan hệ chính thức - và với các đồng minh ngoại giao nhỏ bé đôi khi chỉ nhằm lợi dụng - trên thực tế ít quan trọng bằng những quan hệ không chính thức nhưng mang tính xây dựng, mà Đài Loan vẫn duy trì với các nước lớn. Thậm chí đây còn là dịp để các quan chức Đài Bắc tập trung vào việc xúc tiến quan hệ tốt đẹp hơn với các quốc gia mà họ cần đến ».

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.