mercredi 28 décembre 2016

Thế giới đang bị « Putin hóa »


Ông Vladimir Putin tại hội nghị G8 năm 2013, khi Nga chưa bị trục xuất khỏi khối này.
(L’Obs 24/12/2016) Đối với chuyên gia địa chính trị  Pháp François Heisbourg, với việc Aleppo thất thủ và sự can thiệp của điện Kremlin vào bầu cử Mỹ, nước Nga nay đang áp đặt quy luật của mình trên trường quốc tế.

 

Aleppo thất thủ do có sự can thiệp ồ ạt của quân đội Nga, phải chăng đây là biểu tượng cho hiện tượng được gọi là « Putin hóa » thế giới ?

 

Vâng, trừ một điều : sự tử đạo của Aleppo không phải là một sự kiện tối quan trọng đối với tất cả. Tất nhiên tại các nước Ả Rập và tại Pháp đây là bi kịch, do mối liên hệ lịch sử của đất nước chúng ta đối với vùng Cận Đông, nhưng ở những nơi khác hồi kết bi thảm này không có cùng tiếng vang. Có nghĩa là, cùng với việc Aleppo thất thủ, sự can thiệp của Kremlin vào cuộc bầu cử Mỹ và việc tại châu Âu nổi lên các lãnh đạo mị dân thân Nga, người ta cảm thấy rõ có một dạng « Putin hóa » thế giới đang diễn ra.

Chính xác điều này là thế nào ?

 

Là rất nhiều thứ. Quá trình « Putin hóa » trước hết là sự khẳng định hẳn hòi rằng, trong một thế giới như hiện nay, chiến tranh có thể là việc tiếp tục chính sách bằng các phương tiện khác – theo công thức của lý thuyết gia quân sự người Phổ Clausewitz. Khi được theo đuổi nghiêm túc, chiến tranh tỏ ra là một công cụ hiệu quả, cho phép đạt được các mục tiêu chính trị tương ứng với các phương tiện quân sự được huy động.

 

Tất nhiên ông Putin không phát minh ra khái niệm về quan hệ quốc tế này, nhưng đã mang lại cho nó tính thời sự và sức mạnh đáng nể, trong khi châu Âu đã quên lãng từ nhiều thập niên. Khác với những người tiền nhiệm Liên Xô cũ vốn chuộng bạo lực tối đa trong mọi hoàn cảnh, ông chủ điện Kremlin sử dụng công cụ quân sự một cách thận trọng, luôn tương ứng với mục tiêu chính trị. Ông ta có thể huy động đến 50.000 quân sang Syria, nhưng « chỉ » đưa qua có 5.000.

Quân Assad trong thành phố Aleppo bị bom Nga tàn phá, 13/12/2016.

Nhưng phần lớn thành phố Aleppo đã bị không quân Nga san bằng…

 

Vâng, trong những tháng gần đây Putin đã tăng mạnh hỏa lực vì muốn chiếm Aleppo trước khi tân chính quyền Mỹ lên nắm quyền vào cuối tháng Giêng. Với việc thích ứng lực lượng với mục tiêu mới, ông ta đã thành công. « Chiến thắng » này – đương nhiên đây không phải là một nhận định đạo đức cũng chẳng phải bảo vệ quan điểm của Kremlin, nhưng đơn thuần về « kỹ thuật » - lại càng nổi bật hơn vì cùng lúc đó, liên minh do Mỹ lãnh đạo dậm chân tại chỗ ở Mossoul, Irak.

 

Làm thế nào ông Vladimir Putin đã giành được chiến công ấy ?

 

Tháng 2/2007, trong hội nghị an ninh ở Munchen, Putin đã cao giọng tuyên bố : Nga đang quay lại và không nên coi thường. Chẳng có mấy ai tin ông ta. Tuy nhiên trong vòng mười năm sau, ông đã biết chuyển đổi Nhà nước Nga thành một Nhà nước linh hoạt về chiến lược, có khả năng đưa ra các quyết định mạnh mẽ và nhanh chóng thực hiện.

 

Cuộc chiến tranh Gruzia năm 2008 đã là một sự khởi động không mấy thuyết phục vì quân đội Nga có nhiều sai sót. Nhưng việc sáp nhập Crimée sáu năm sau đó thì rất ngoạn mục. Vài tiếng đồng hồ sau khi người đồng minh Ukraina là tổng thống Ianoukovitch bị truất phế, Putin đã âm thầm cho triển khai hàng ngàn « những người áo xanh » bí mật (đoàn quân không quân hiệu quân hàm –ND), sáp nhập bán đảo này bằng một tốc độ kinh hồn. Sự linh hoạt ấy giúp cho Nga, mà tổng sản phẩm nội địa không vượt qua được Tây Ban Nha,  lại quay về với trung tâm  bàn cờ thế giới.

 

Còn có một yếu tố khác cho việc tái xuất hiện này : Putin đã biến tính chất khó lường thành một tài sản chính trị. Khái niệm này có trong các tài liệu quân sự Nga, trong đó nói rằng cần phải làm mọi cách để đối thủ không thể nào biết được nỗ lực sắp tới của Nga là gì. Về ngắn hạn, đó là một chiến thuật rất hiệu quả, như chúng ta đã thấy. Nhưng đương nhiên trong dài hạn, có thể làm cô lập một đất nước tiến lên bằng cách giấu mặt, và như thế không ai có thể tin tưởng được.

 

Việc « Putin hóa » thế giới, cũng là một quan niệm về quan hệ quốc tế…

 

Vâng, một quan niệm bất chấp mọi đạo đức, trừ một thứ : chủ quyền tuyệt đối của quốc gia. Đó là quan điểm của luật gia Carl Schmitt, người mà trong thập niên 30 đã chính thức hóa cơ sở pháp lý cho chủ nghĩa quốc xã. Theo ông Schmitt, việc bảo vệ Nhà nước là nguồn gốc cho mọi luật pháp và biện minh cho mọi thay đổi, mọi sự diễn dịch luật pháp. Luật pháp này cuối cùng sẽ phải nhường chỗ cho Nhà nước. « Putin hóa » là sự trỗi dậy của một thế giới kiểu Schmitt. Và từ bỏ những gì dựa trên các nguyên tắc chung đã giúp cho « cộng đồng quốc tế » - quan điểm đang bị trở thành xưa cũ - hoạt động.

 

Luôn có căng thẳng giữa chủ quyền quốc gia và chủ nghĩa quốc tế. Nhưng Nga ngày nay bác bỏ hoàn toàn quan điểm thứ hai. Đó là lý do khiến Nga vừa rút ra khỏi Tòa án Hình sự Quốc tế, theo chân các quốc gia toàn trị khác như Gambia vốn nổi tiếng là tồi tệ chẳng hạn…Trung Quốc cũng chia sẻ quan điểm này. Trong khi chúng ta, những người châu Âu, giống như những tộc người sắp tuyệt chủng, vẫn tiếp tục tin vào sức mạnh của luật pháp quốc tế và chủ nghĩa đa phương…Dưới sự thúc đẩy của hiện tượng « Putin hóa », chúng ta phải không ngừng thích ứng, nếu không muốn nói là xem lại quan niệm này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp báo cuối năm ngày 23/12/2016.

Putin cũng phổ biến một tầm nhìn nào đó về xã hội

 

Vâng, chủ nghĩa Putin là một hệ thống giá trị : một thứ chủ nghĩa bảo thủ có khuynh hướng phản động. Nói cho nhanh gọn, đó là « Manif pour tous » (LMPT, là một tập hợp các hiệp hội chống lại đạo luật cho phép hôn nhân đồng giới tại Pháp – ND). Theo phiên bản Putin, vấn đề tình dục là đơn giản, tín ngưỡng là Cơ Đốc giáo và có liên hệ chặt chẽ với Nhà nước.

 

Quan niệm này thu hút một bộ phận dân chúng phương Tây đang cảm thấy bị chóng mặt trước những thay đổi nhanh chóng của xã hội chúng ta. Nó cũng giúp Nga liên kết với các Nhà nước hết sức bảo thủ, kỳ thị người đồng tính, nhất là ở châu Phi ; tạo thành đa số ở Liên Hiệp Quốc.

 

Về phía các nhà dân túy châu Âu và Mỹ, như Farage (chính khách Anh, người sáng lập đảng Vì Vương quốc Anh độc lập tức UKIP, cổ vũ kịch liệt cho việc Anh ra khỏi Liên hiệp Châu Âu – ND) hay Trump, những người kkhông thực sự là phản động về mặt đạo đức, họ tự cho là ủng hộ Putin vì một lý do khác : để « chứng minh » ý định làm đảo lộn trật tự, chấm dứt nguyên trạng, vi phạm các nguyên tắc đã được xác lập.

 

« Putin hóa » còn là việc nối dài một dạng lãnh đạo đặc thù

 

Vâng, tôi gọi là « chủ nghĩa toàn trị mới », một mô hình đã gây náo động ở Hungary với ông Orban, tại Ba Lan hay tại Thổ Nhĩ Kỳ. « Toàn trị », bởi vì đó là một quyền lực không thực sự quan tâm đến, nơi mà Quốc hội dần dần trở thành bù nhìn, một quyền lực chỉ xoay quanh một con người duy nhất hay một nhóm nhỏ trung thành ; và là nơi mà mọi sáng kiến quan trọng, trong bất kỳ lãnh vực nào, đều không thể được thực hiện nếu không được Nhà nước bật đèn xanh. « Mới », vì quyền lực này đã hòa nhập công nghệ thông tin vào việc quản trị phòng vệ và tấn công. Không gian mạng và truyền hình bị giám sát chặt chẽ.

 

Thêm vào đó là điều mà tôi cho là quan trọng nhất : chủ nghĩa Putin, còn là lòng ái quốc, một tình yêu thường là cực đoan dưới dạng chủ nghĩa dân tộc. Chủ nghĩa này dựa trên những câu chuyện sai lạc trong đó người ta đóng vai nạn nhân. Theo đó, các chính sách phương Tây là nguyên nhân của mọi sự tệ hại ở Nga. Chủ đề này, được các nước khác sử dụng lại, như nước Đức trong thập niên 20. Đó là khuôn mẫu có thể dẫn đến mọi cuộc phiêu lưu, mọi hiểm nguy.

 

Tại đất nước chúng ta, câu chuyện đáng xấu hổ này gây được tác động. Một bộ phận cử tri có cảm giác đã bị mất quyền kiểm soát trước toàn cầu hóa, có nghĩa là những nhân tố khác, nạn nhập cư, những công nhân Trung Quốc lương thấp, các công ty đa quốc gia, hay Bruxelles. Thế nên khát vọng tái kiểm soát đã được biểu hiện, như vụ Brexit chẳng hạn. Trong trào lưu thế giới này, ông Putin, vốn tạo cho người ta cảm giác là ông nắm quyền chủ động về số phận đất nước, đã trở thành một hình mẫu thu hút, thậm chí trên phạm vi toàn cầu.

Chuyên gia địa chính trị François Heisbourg là cố vấn đặc biệt của Quỹ nghiên cứu chiến lược, tác giả cuốn « Câu chuyện bí mật, sự khai sinh một thế giới hiện đại » (NXB Stock, 2015).

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.