mercredi 14 décembre 2016

Ngoại giao thời Donald Trump : Tất cả đều đảo lộn



Hoa Kỳ sẽ thu mình lại, chỉ chú tâm đến những lợi ích trước mắt ??? Dạng chủ nghĩa cô lập mới này là khả năng có thể diễn ra trong nền ngoại giao của Donald Trump.

Tuy nhiên thứ trưởng ngoại giao Antony Blinken đã cảnh báo những ảo tưởng về một trật tự thế giới như thế. Hơn nữa, khó lòng xích gần lại với Nga mà vẫn « chiếu tướng » Iran, trong lúc hai nước này đang nhanh chóng áp đặt trật tự của họ tại Trung Đông. Cũng là một nghịch lý, khi đả kích Trung Quốc mà lại xé bỏ TPP, hiệp định tự do mậu dịch với các nước Thái Bình Dương – một sự từ bỏ đã giúp cho Bắc Kinh rộng tay hành động tại khu vực.

(Le Monde 15/12/2016) Đối với Nga, Trung Quốc hay Iran, tổng thống Mỹ tương lai tỏ rõ ý định tách biệt hẳn với những người tiền nhiệm.


Một tổng thống không hề có kinh nghiệm, không cần tham khảo ý kiến của bộ Ngoại giao trong những cuộc tiếp xúc đầu tiên với các nhà lãnh đạo nước ngoài. Một ngoại trưởng – còn phải chờ Thượng viện chuẩn y – trong suốt một thập niên qua vẫn tiến hành những hoạt động ngoại giao ngầm, khi lãnh đạo một tập đoàn dầu khí hùng mạnh nhất thế giới. Một cố vấn an ninh quốc gia đã chính trị hóa ngành tình báo của nước mình. Tất cả những yếu tố đều có sẵn để Donald Trump, Rex Tillerson và Michael Flynn khởi động một chính sách đối ngoại Mỹ hoàn toàn đảo lộn.

Trong chiến dịch tranh cử, tổng thống Hoa Kỳ tương lai thứ 45 đã giữ khoảng cách với các nguyên tắc của đảng Cộng Hòa hiện nay về đối ngoại, với chủ nghĩa thực dụng và tân bảo thủ. Tuy vậy ông không đề nghị được một chính sách thay thế nào thỏa đáng, và các quan điểm đôi khi khác nhau trong cùng một ê-kíp của ông cũng khiến người ta thêm mù mờ. Lấy lại các chủ đề thường xuyên được nêu ra từ ba thập niên qua, ông Trump đã bảo vệ một quan điểm về thế giới, trong đó Hoa Kỳ được coi như nạn nhân của một chính quyền bất tài, và chính sách nói một đằng làm một nẻo trong chính trị và kinh tế của các đại cường – Trung Quốc ngày nay cũng như Nhật Bản trước kia.

Hung hăng trước Bắc Kinh

Đây là một dạng chủ nghĩa thực dụng mới, tiến đến việc bênh vực cho chủ nghĩa bảo hộ, và cắt đứt với chủ trương tự do mậu dịch mà cho đến nay vẫn là trung tâm của phe Cộng Hòa. Ngoài ra, chiến dịch tranh cử cũng gây ấn tượng trước sự thay đổi đột ngột của cử tri của đảng Cộng Hòa sang phía quan điểm của ông Trump. Cũng những cử tri này đã hài lòng đón nhận những dấu hiệu đầu tiên của chủ nghĩa can thiệp kinh tế nhà nước tại tiểu bang Indiana, nơi công ty Carrier đã chấp nhận giảm bớt kế hoạch di dời quy mô, đổi lấy việc được giảm mạnh các khoản đóng góp.

Có lẽ  ý định thay đổi tương quan lực lượng với Trung Quốc đã thúc đẩy ông Trump có hành động gây đảo lộn đầu tiên : cuộc điện đàm hôm 2/12 với tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, từ sáng kiến của bà Thái. Đây là sự kiện chưa từng thấy kể từ năm 1979, đi ngược với luận điểm « Một nước Trung Hoa » của Bắc Kinh, mà Washington từng chấp nhận như cái giá phải trả cho việc bình thường hóa.

Hôm 11/12, nhân trả lời phỏng vấn kênh truyền hình bảo thủ Fox News, ông Trump lại quay lại chủ đề này và còn nhấn mạnh thêm về tính chính danh của cuộc trò chuyện trên. Ông tuyên bố : « Tôi hoàn toàn hiểu rõ vè chính sách ‘Một nước Trung Hoa’. Nhưng tôi không hiểu vì sao chúng ta phải gắn với chính sách đó, trừ phi chúng ta đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc liên quan đến những thứ khác, kể cả thương mại ».

Khó thể nào rõ ràng hơn thế ! Đối với tổng thống tân cử - vốn cũng đã chỉ trích « pháo đài khổng lồ ngay giữa Biển Đông » do Bắc Kinh dựng lên, bất chấp phản đối của các nước láng giềng ; và sự kiện Trung Quốc « không hỗ trợ » Hoa Kỳ về vấn đề nguyên tử Bắc Triều Tiên, thì tất cả phương cách đều có vẻ chính đáng, trong khuôn khổ một cuộc thương lượng tổng thể.

Sự hung hăng không giấu diếm đối với Bắc Kinh trái ngược hẳn với tình thần hợp tác đối với Nga, mặc cho những cáo buộc từ điều tra của tình báo Mỹ về việc tin tặc Nga cố tình can thiệp vào bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Matxcơva thì luôn luôn chối cãi.

Mong muốn tái thúc đẩy quan hệ Nga-Mỹ của ông Trump, tám năm sau thất bại của chính sách « reset » do tổng thống Dân Chủ mãn nhiệm đề xướng, dường như là điều tất yếu, do cảm tình của ông với đồng nhiệm tương lai Vladimir Putin. Ý định này được sự hỗ trợ của ông Michael Flynn, người đã dệt mối liên hệ với Matxcơva sau khi rời quân đội ; cũng như ông Rex Tillerson, người tạo dựng quan hệ giữa ExxonMobil và tập đoàn Nga Rosneff. Đây là một sự đảo lộn so với thói quen ngờ vực Matxcơva lâu nay của phe Cộng Hòa.

Sự đảo lộn thứ ba đã được một cố vấn nhiều ảnh hưởng của ông Trump, bà Kellyanne Conway nêu ra hôm thứ Hai 12/12, không nhắm vào đảng Cộng Hòa, mà vào giới ngoại giao Mỹ. Đó là việc hứa hẹn sẽ chuyển đại sứ quán Mỹ ở Israel hiện nay đặt tại Tel Aviv - như đại đa số các nước khác - sang Jérusalem. Bà Conway khẳng định : « Đó là một ưu tiên quan trọng ». Hạ viện - trong đó đảng Cộng Hòa chiếm đa số -cách đây hơn hai mươi năm đã thông qua nguyên tắc về việc chuyển dịch này, nhưng đã bị đóng băng bởi ba đời tổng thống liên tiếp, trong đó có tổng thống Cộng Hòa George W.Bush.

Việc di chuyển này, về lý thuyết chỉ có thể diễn ra sau khi giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine, và có được một thỏa thuận về tư cách của Jérusalem - mà Israel coi là thủ đô không thể chia tách của mình, trong khi người Palestine cũng mong muốn đặt thủ đô của Nhà nước tương lai tại phía đông thành phố bị sáp nhập năm 1967. Cuộc chinh phục bằng vũ lực không được luật pháp quốc tế công nhận. Một sáng kiến của Mỹ về hồ sơ này, được cánh hữu Mỹ chịu ảnh hưởng tôn giáo ủng hộ mạnh mẽ, sẽ bị coi là đứng hẳn về phía Israel.

Chủ nghĩa cô lập mới

Trong khi vận động tranh cử, ông Trump đã loan báo những đảo lộn khác đối với cuộc chiến chống hiện tượng trái đất bị hâm nóng theo hiệp ước Paris, cũng như về hồ sơ ngăn chận tham vọng nguyên tử của Iran. Trong ê-kíp ông Trump có một số kỷ lục những nhân vật chống vấn đề khí hậu. Tương tự, với những người chống đối hiệp định đã ký với Iran, như bộ trưởng Quốc phòng tương lai James Mattis – người cần phải được Quốc hội bật đèn xanh vì chỉ mới rời khỏi quân đội, hay giám đốc CIA tương lai Mike Pompeo. Nhà tỉ phú địa ốc cũng duy trì sự mập mờ trong quan hệ với NATO, đồng minh bị coi là đặc biệt tốn kém cho Hoa Kỳ.

Các đường hướng khác trái ngược hẳn với trước đây, còn là tầm nhìn về một thế giới đa cực - gồm những vùng ảnh hưởng chồng chéo, trong đó Hoa Kỳ thu mình lại, chỉ chú tâm đến những lợi ích trước mắt. Dạng chủ nghĩa cô lập mới này là khả năng có thể diễn ra trong nền ngoại giao của Donald Trump.

Tuy nhiên trong một bài viết trên trang diễn đàn của tờ New York Times hôm thứ Ba 13/12, thứ trưởng ngoại giao Antony Blinken đã cảnh báo những ảo tưởng về một trật tự thế giới như thế. Theo ông Blinken, một thế giới như vậy sẽ « không có hòa bình mà cũng chẳng ổn định », bởi vì « các cường quốc bá chủ hiếm khi tự hài lòng với những gì đang có ».

Hơn nữa, những đảo lộn mà ông Trump mong muốn không phải là không mâu thuẫn. Sẽ khó lòng xích gần lại với Nga mà vẫn « chiếu tướng » Iran, trong lúc hai nước này đang nhanh chóng áp đặt trật tự của họ tại Trung Đông. Cũng là một nghịch lý, khi đả kích Trung Quốc mà lại xé bỏ TPP, hiệp định tự do mậu dịch với các nước Thái Bình Dương – một sự từ bỏ đã giúp cho Bắc Kinh rộng tay hành động tại khu vực.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.