vendredi 16 décembre 2016

Biển Đông : Bắc Kinh biện hộ cho việc quân sự hóa Trường Sa


Đá Gạc Ma, ảnh vệ tinh của AMTI.
(Le Monde 16/12/2016) Bảy đảo nhân tạo do Trung Quốc đào đắp ở quần đảo Trường Sa ngày càng giống các căn cứ quân sự hơn tại Biển Đông : những khẩu đại bác phòng không có thể nhắm bắn phi cơ, các hỏa tiễn hay máy bay không người lái được nhìn thấy liên tục trong những hình ảnh vệ tinh mới nhất do cơ quan Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (Asia Maritime Transparency Initiative – AMTI) công bố hôm 13/12.

Những bức ảnh vệ tinh của đơn vị tư vấn Mỹ cho thấy các cấu trúc hình lục giác được gia cố. Bố trí tại các địa điểm chiến lược, chúng có khả năng đe dọa tất cả những phương tiện đến gần ba đảo nhân tạo, trên đó có các phi đạo và những bãi bồi nhỏ hơn. Một số thiết trí quân sự bị phát hiện trước đây đã bị chôn dưới đất. 


Từ đầu tháng Tám, AMTI đã nhận diện ba phi đạo trên Đá Xu Bi (Subi), Đá Vành Khăn (Mischief) và Đá Chữ Thập (Fiery Cross), và nay chúng đã đi vào hoạt động. Các nhà kho được gia cố sắp tới có thể chứa đến 24 phi cơ tiêm kích trên mỗi đảo, tức tổng cộng 72 phi cơ.

Các cáo buộc mới này trái ngược hẳn với bài phát biểu của Tập Cận Bình hồi tháng 9/2015 bên cạnh tổng thống Barack Obama, cam kết « Trung Quốc không có ý định quân sự hóa Biển Đông ». Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 15/12 cho rằng « việc triển khai các thiết bị quân sự để phòng thủ đối với các công trình xây dựng cho mục đích dân sự » này là « hợp pháp ». Trên mạng Vi Bác, bộ này còn nói thêm : « Nếu ai đó dùng vũ lực đe dọa trước cửa nhà bạn, chuẩn bị một chiếc ná chẳng phải là chuyện bình thường hay sao ? »

Đối với Wang Peng thuộc trường đại học Phục Đán ở Thượng Hải, đây là « một dấu hiệu cảnh báo cho Donald Trump », người đã viết trên Twitter tố cáo « phức hợp quân sự » Trung Quốc tại Biển Đông, nơi mà Trung Quốc và các nước láng giềng Đông Nam Á có yêu sách chủ quyền. Ông ta nói với chúng tôi, các đảo nhân tạo này giúp Bắc Kinh « kiểm soát toàn bộ Biển Đông, răn đe các nước thù địch và phát triển các hoạt động quân sự ».

« Hoàn toàn không có cơ sở pháp lý »

Bắc Kinh đã đi được một quãng đường dài từ khi chiếm đóng bảy rạn san hô ở Trường Sa trong những năm 1980-1990, để lập nên các trạm khí tượng và hải dương học. Bốn đảo trong số này nằm trong hải phận quốc tế, ba đảo còn lại trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Việc chuyển đổi thực sự thành đảo nhân tạo bắt đầu từ năm 2013, dưới thời Tập Cận Bình. Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Malaysia chiếm đóng khoảng mười lăm đảo nhỏ khác ở Trường Sa, cũng đều được trang bị. Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye khi xem xét đơn kiện của Philippines hôm 12/7 đã kết luận rằng yêu sách hầu hết Biển Đông của Bắc Kinh là « không hề có cơ sở pháp lý », và các hoạt động của Trung Quốc tại vùng này đã vi phạm chủ quyền của Philippines, làm trầm trọng thêm những bất đồng.

Các chuyên gia được AMTI đặt câu hỏi đã nhận định, các đảo nhân tạo Trung Quốc với các phi đạo, kho đạn và nhiên liệu cũng như các trại lính, có thể hôm trước hôm sau nhanh chóng được « quân sự hóa » ; và như vậy mọi lời hứa của Bắc Kinh là láo khoét. Chúng khiến cho Trung Quốc có thể thường xuyên tuần tra trên không phận Trường Sa, hoặc cho trú đóng một đoàn tàu tuần duyên.

Tầm quan trọng của các đảo nhân tạo quân sự hóa ? Giúp giám sát rộng rãi hơn và thống trị ngày càng mạnh mẽ Biển Đông, vùng biển mà Bắc Kinh coi là thiết yếu cho an ninh của mình. Bởi vì chính tại đây, ở đảo Hải Nam, che giấu một căn cứ tàu ngầm nguyên tử, có thể phóng các hỏa tiễn ra ngoài khơi xa mà không bị phát hiện.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.