jeudi 6 décembre 2012

Tám mươi chuyên gia quốc tế về Tây Tạng gởi kiến nghị cho Tập Cận Bình

Bài đăng : Thứ năm 06 Tháng Mười Hai 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 06 Tháng Mười Hai 2012 

Trước những sự kiện bi thảm đang diễn ra tại Tây Tạng, 80 nhà nghiên cứu về Tây Tạng tại nhiều trường đại học trên khắp thế giới đã gởi kiến nghị lên tân Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình, bày tỏ mối quan ngại sâu sắc. Bản kiến nghị được lan truyền trên mạng hôm nay 06/12/2012 nhấn mạnh, ngôn ngữ và nền văn minh Tây Tạng là một bộ phận của nền văn minh nhân loại cần được gìn giữ.

Cộng đồng các nhà khoa học về Tây Tạng ghi nhận trong những thập kỷ qua đã có nhiều trường học được xây dựng tại các khu vực Tây Tạng. Tuy nhiên trong nhiều năm qua chính quyền Trung Quốc đã áp dụng những biện pháp mới nhằm bãi bỏ hoặc hạn chế việc sử dụng tiếng Tây Tạng làm ngôn ngữ để giảng dạy tại khu vực người Tây Tạng. Chẳng hạn việc buộc phải giảng dạy bằng tiếng Hoa thay cho tiếng Tây Tạng, hay thay thế sách giáo khoa Tây Tạng bằng sách tiếng Hoa.

Những biện pháp trên đây được tiến hành bất chấp các nghiên cứu trên thế giới cũng như thống kê chính thức của Trung Quốc cho thấy, học sinh trung học đạt được kết quả tốt hơn nếu được học các môn khoa học bằng tiếng mẹ đẻ. Hậu quả là từ vài năm qua tại khu tự trị Tây Tạng, dù giữ những chức vụ cao trong các cơ quan nhà nước hay lãnh vực tư nhân, học sinh Tây Tạng chỉ biết rất hời hợt về ngôn ngữ và nền văn minh của dân tộc mình.


Bản kiến nghị nêu rõ, người dân Tây Tạng tại tỉnh Thanh Hải đã nhiều lần biểu tình một cách hòa bình, kiến nghị, gởi thư ngỏ…để phản đối « Kế hoạch trung và dài hạn về cải cách và phát triển giáo dục ở Thanh Hải (2010-2020) ». Khát khao mong muốn được duy trì tiếng Tây Tạng là ngôn ngữ giảng dạy và thông tin, theo các chuyên gia quốc tế, là phù hợp với điều 4 Hiến pháp Trung Quốc.

Cộng đồng các nhà nghiên cứu về Tây Tạng tố cáo, hàng mấy chục người Tây Tạng đủ mọi lứa tuổi, nam cũng như nữ, ni sư cũng như thế tục đã dùng đến phương cách tự thiêu từ một năm qua. Nhiều người trong số này trước khi qua đời đã hô to các khẩu hiệu đòi Bắc Kinh phải tôn trọng ngôn ngữ và văn minh Tây Tạng.

Với tư cách các chuyên gia về ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo Tây Tạng, kiến nghị bày tỏ mối quan ngại trước các biện pháp của Bắc Kinh có thể hủy diệt một nền văn minh độc đáo, đã góp phần tạo nên sự phong phú của văn minh nhân loại. Tiếng Tây Tạng, một ngôn ngữ cổ xưa đang được giảng dạy trên nhiều trường đại học trên thế giới lại đang bị gạt ra ngoài lề, và nền văn hóa Tây Tạng có nguy cơ bị tiêu diệt.

Kiến nghị nhấn mạnh, đó là lý do khiến cộng đồng các nhà khoa học quốc tế phải gởi thư tập thể đến ban lãnh đạo mới của Trung Quốc, với hy vọng Bắc Kinh sẽ lắng nghe nguyện vọng của người dân Tây Tạng, cùng với họ tìm ra những giải pháp hòa bình cho vấn đề ngôn ngữ và văn hóa Tây Tạng, thay vì sử dụng đến vũ lực.

Bản kiến nghị trên đây được gởi kèm danh sách 80 nhà nghiên cứu làm việc tại các trường đại học danh tiếng của Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Đức, Ý, Bỉ, Áo, Hà Lan, Na Uy, Đan Mạch, Cộng hòa Sec, Hungary, Ba Lan, Canada và Úc.

tags: Châu Á - Giáo dục - Quốc tế - Tây Tạng - Trung Quốc - Văn hóa - Xã hội
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20121206-tam-muoi-chuyen-gia-quoc-te-ve-tay-tang-goi-kien-nghi-cho-tap-can-binh 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.