jeudi 4 avril 2019

Putin sẽ trị vì suốt đời như các nhà độc tài Liên Xô cũ?

Tổng thống Nga Vladimir Putin (P) tiếp tổng thống lâm thời Kazakhstan, Kassym-Jomart Tokayev tại điện Kremlin, ngày 03/04/2019.

Trong số báo đề ngày 28/03/2019, Le Monde nhận định, đối với các nhà độc tài Trung Á thuộc khối Liên Xô cũ thì không có việc từ chức. Họ « phục vụ nhân dân » cho đến phút cuối, qua đời trong lúc vẫn đương chức. Có thể kể tổng thống Uzbekistan, ông Islam Karimov hay tổng thống Turkmenistan, ông Saparmourad Niazov ; lên cầm quyền từ thời Liên bang Xô viết còn tồn tại và trị vì mãi cho đến lúc chết.

« Cha già dân tộc » của Kazakhstan 

Tổng thống Noursoultan Nazarbaiev 78 tuổi của Kazakhstan cũng cùng thời với hai đồng nhiệm đã quá cố trên. Ông Nazarbaiev giữ kỷ lục cầm quyền lâu nhất trong số tổng thống một nước Liên Xô cũ nay vẫn đương nhiệm. Nhưng ông đã gây chấn động khi loan báo từ chức hôm 19/03/2019, cho dù trên thực tế, Nazarbaiev đã thận trọng chuẩn bị để duy trì quyền lực.

Ngay hôm sau, Quốc hội Kazakhstan chỉ mất có 18 phút để thông qua việc đổi tên thủ đô Astana thành Noursoultan, tức là họ của tổng thống. Một nhân vật trung thành với ông Nazarbaiev, là Kassym-Jomart Tokaiev, chủ tịch Thượng viện, lên làm tổng thống lâm thời. Còn con gái lớn của tổng thống vừa từ nhiệm, bà Dariga Nazarbaieva lên thay chỗ ông Tokaiev, tức trở thành nhân vật thứ hai trong chính phủ. 

Đặc biệt kể từ năm 2010, ông Nazarbaiev được tặng danh hiệu « Cha già dân tộc » (yelbasy). Với danh hiệu này, Nazarbaiev trở nên bất khả xâm phạm trước mọi tố tụng, và đóng vai trò có ảnh hưởng rất lớn trong việc định ra đường hướng của đất nước. 

Tổng thống từ nhiệm còn là chủ tịch mãn đời của Hội đồng An ninh Quốc gia. Từ khi cải cách Hiến pháp năm 2017, vai trò này càng được tăng cường. Ý kiến của chủ tịch Hội đồng rất có trọng lượng, về các chính sách nhà nước hay về ứng viên cho các chức vụ chủ chốt. Cuối cùng, ông Nazarbaiev vẫn là người đứng đầu đảng cầm quyền Nour Otan.

Tránh « kịch bản Algérie »

Tất cả những điều trên khiến người ta khó thể ảo tưởng về một sự thay đổi chế độ ở Kazakhstan, quốc gia lớn thứ nhì trong khu vực – chỉ sau Nga – và cũng giàu tài nguyên dầu khí như Nga. Nhưng một sự chuyển đổi được chuẩn bị kỹ càng, sau 30 năm ngự trị của « Cha già dân tộc », dù sao cũng là sự kiện độc đáo, đặt lại vấn đề « cai trị suốt đời » tại các nước thuộc Liên bang Xô-viết trước đây. 

Trong khối các nước Liên Xô cũ, câu hỏi này không còn được đặt ra đối với ông Emomali Rahmon (tổng thống Tajikistan từ 1992, tức gần 27 năm qua), và ông Alexandre Loukachenko (tổng thống Belarus từ 1994, hơn 24 năm). Tuy nhiên, đây sẽ là vấn đề cho ông Vladimir Putin, lãnh đạo nước Nga từ 20 năm.

Ông Nazarbaiev là một tổng thống xuất sắc – ngay sau loan báo của Astana, một nhà ngoại giao Nga đã nhìn nhận như thế, và hoan nghênh sáng kiến « đã biết cách tránh được kịch bản Algérie của ông Abdelaziz Bouteflika ».

Làm thế nào tránh được một kịch bản như Algérie ? Câu hỏi này vẫn luôn ám ảnh tại Nga, nơi mà không ai tin ông chủ điện Kremlin sẽ ra đi sau khi kết thúc nhiệm kỳ thứ tư, dự kiến vào năm 2024.

Đã hẳn ông Putin, 66 tuổi, trẻ tuổi hơn nhiều so với « tiền bối » Kazakhstan. Tổng thống Nga cũng chưa bao giờ tỏ ý đưa các cô con gái của mình lên cầm quyền. Nhưng sự « trường thọ » của ông Putin ở điện Kremlin - đứng thứ nhì chỉ sau Stalin, cũng như việc duy trì một hệ thống chính trị mà ông đã lập ra từ hai thập niên qua, và việc bảo vệ phe cánh của mình, cũng là những vấn đề tương tự như ở Astana.

Không ai tin Putin sẽ ra đi năm 2024

Nhật báo Vedomosti hôm 2103/2019 nhận định : « Việc chuẩn bị cho kịch bản ‘ra đi nhưng vẫn ở lại’ đòi hỏi rất nhiều thời gian. Tác động bất ngờ từ tổng thống Kazakhstan chỉ mang tính nhất thời, quyết định này đã được chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt lập pháp từ trước. Đây là bài học chính yếu cho nước Nga, nơi người ta tin là ông Vladimir Putin vẫn sẽ nắm giữ quyền hành sau năm 2024… ».

Nhà chính trị học Krill Rogov tán thành ý kiến trên, cho rằng « chắc chắn, bằng cách này hoặc cách khác, Putin vẫn sẽ cầm quyền sau năm 2024 ». Chuyên gia này nói với Le Monde : « Ông Putin trẻ hơn Nazarbaiev, và đối với ông ta không có thế lưỡng nan tương tự. Putin có thể có nhiều chọn lựa rộng rãi hơn ».

Đó là những chọn lựa nào ?

Sự ra đi vội vã của tổng thống Boris Eltsin năm 1999, về mặt chính thức là vì lý do sức khỏe, rõ ràng không thể là giải pháp. 

Cũng không thể diễn lại trò đổi vai. Đây là thủ đoạn cũ hồi năm 2008 - lúc đó ông Putin để "né" giới hạn hai nhiệm kỳ liên tiếp, đã đẩy ông Dimitri Medvedev lên làm tổng thống, còn Putin thay Medvedev làm thủ tướng.

Còn nếu Putin tự cho mình làm nguyên thủ của một siêu Nhà nước ? Khả năng này dường như thất bại, cho dù Matxcơva đã gây sức ép rất lớn lên Minsk, để thổi đi lớp bụi thời gian trên một thỏa thuận có từ năm 1999, dự kiến thành lập một « Liên bang Nga-Belarus » với một tổng thống duy nhất. 

Nazarbaiev đã mở ra chiếc hộp Pandore

Lãnh đạo một Hội đồng An ninh Quốc gia đầy quyền lực, theo gương ông Nazarbaiev ? Chuyên gia Rogov nhận định : « Con đường này có thể làm ông Putin thích thú, nhưng đây là một kịch bản ẩn chứa nhiều xung đột, chứ không đơn giản như trên lý thuyết. Hiện nay vẫn chưa có cơ chế nào giúp tập trung quyền lực vào tay Hội đồng An ninh. Hơn nữa việc này có thể bị tổng thống mới chống đối ».

Đối với nhà chính trị học Rogov, « kịch bản nhiều khả năng nhất » là sửa đổi Hiến pháp. Putin tái đắc cử lần gần nhất vào ngày 18/03/2018, ngay trong buổi tối hôm đó, ông chủ điện Kremlin chừng như đã gác qua một bên giả thiết này. Putin nói với báo chí : « Hiện giờ tôi chưa dự kiến một cải cách nào cả ».

Ông Rogov khẳng định : « Những sự kiện mang tính thuyết phục hoặc tình trạng khủng hoảng có thể buộc Putin thực hiện tiến trình này, cho dù trước mắt thì ông ta nói rằng sẽ không ra tái ứng cử ».

Khi tổ chức « sự ra đi giả vờ », ông Nazarbaiev đã mở tung chiếc hộp Pandore, và ví dụ này chắc chắn được điện Kremlin quan sát rất kỹ. 

Dimitri Trenin, lãnh đạo think tank Carnegie ở Matxcơva, nhận xét : « Một phiên bản của mô hình ‘tổng thống cố vấn’ như đã từng được đặt ra ở Singapore cho ông Lý Quang Diệu, cũng có thể được ông Putin sử dụng ở nước Nga ». Ông có thể chuẩn bị cho việc này, và tiếp tục nắm quyền với ít áp lực hơn, trong khi bất bình xã hội ngày càng tăng.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20190404-putin-se-theo-kich-ban-tri-vi-suot-doi-cua-cac-nha-doc-tai-lien-xo-cu

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.