lundi 17 septembre 2012

Phỏng vấn tác giả Bia mộ - « Đảo gu-lắc » made in China


Tác giả Dương Kế Thăng và tác phẩm "Bia mộ" bản tiếng Hoa.
(Marianne 8-14/09/2012) Trận đói khủng khiếp trong chiến dịch Đại nhảy vọt đã làm cho 36 triệu người chết. Nhà sử học, nhà báo Dương Kế Thằng (Yang Jisheng) đã dành 15 năm trời sưu tầm, nghiên cứu để viết ra tác phẩm “Bia mộ” nói về thảm kịch này. Tuần báo Marianne đã tiếp xúc với tác giả tại Bắc Kinh.

Năm 1960, Mao Trạch Đông rất được giới trí thức cấp tiến phương Tây hâm mộ. Cùng thời gian đó, tại Trung Quốc đã diễn ra nạn đói khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại. Khoảng 30 đến 40 triệu người Trung Quốc, và cũng có thể lên đến trên 50 triệu người, đã chết đói mà thế giới hoàn toàn không biết đến. Đó là hậu quả của chiến dịch công nghiệp hóa thô thiển và cưỡng bức tập thể hóa ruộng đất được gọi là “Bước Đại nhảy vọt”.

Năm mươi năm đã trôi qua. Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn cố xóa đi trong hồi ức của đất nước thời kỳ mà Đảng phải cùng gánh trách nhiệm với Mao. Nhưng một nhà sử học Trung Quốc đã chọn lựa tiến hành một cuộc điều tra nghiêm túc về thảm kịch trên. 

Dương Kế Thằng không phải là một nhà ly khai, cũng không phải là một nhà hoạt động chính trị. Xuất thân từ một gia đình nông dân, ông biết được những gì xảy ra xung quanh Đại nhảy vọt và nạn đói tiếp theo sau đó. Năm 19 tuổi, khi cha mình bị chết đói, ông vẫn nhiệt tình phục vụ cho Đảng, và còn sáng tác một bài thơ ca ngợi chiến dịch Đại nhảy vọt. Nhiều năm sau đó, khi trở thành nhà báo, ông mới nghi ngờ, đặt ra những câu hỏi về nguyên nhân thực sự đã gây ra cái chết của người cha.

Các tiểu tướng Hồng vệ binh trong Cách mạng Văn hóa.
Marianne : Ông sống ở Bắc Kinh. Ông có lo ngại sau khi cuốn sách của ông được xuất bản tại Hồng Kông năm 2008 không ? Ông có thể ra nước ngoài để nói chuyện về tác phẩm của mình ?

Dương Kế Thằng : Tôi không bị một áp lực nào hết, và tôi thường xuyên được mời nói chuyện tại các trường đại học Hồng Kông và Mỹ

Từ khi ra mắt đến nay, cuốn sách đã được đón nhận như thế nào ?

Bia mộ đã nhận được nhiều giải thưởng. Cuốn sách được ông Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo, nhà ly khai Trung Quốc được giải thưởng Nobel hòa bình năm 2010) khen ngợi và đã được hàng trăm bài báo trên báo chí quốc tế đề cập đến. Chúng tôi đã tái bản đến lần thứ tư tại Hồng Kông.

Ông nói về công chúng ở Hồng Kông, Đài Loan hoặc Hoa Kỳ, nhưng còn công chúng Trung Quốc thì sao ? Cho dù bị kiểm duyệt, nhưng sách của ông có đến được với độc giả ở Trung Quốc hay không ? Phản ứng của họ ra sao ?

Đối với những độc giả đã tìm cách đọc được, thì 99% trong số họ cho đây là một tác phẩm quan trọng. Chỉ có một thiểu số rất nhỏ người đọc không tin vào những gì mình đã đọc được. Cuốn sách được tạp chí bán chính thức của cơ quan nghiên cứu lịch sử hiện đại cởi mở đón nhận, so sánh với tác phẩm Đảo gu-lắc của Soljenitsyne. 

Dù bị cấm, sách vẫn được in lậu và bán lén lút, hoặc là những người Trung Quốc khi đi Hồng Kông đã mua và mang về Hoa lục. Một số khi về đến đại lục đã bị kiểm soát, nếu cuốn sách được tìm thấy trong hành lý của họ thì sẽ bị tịch thu. Có thể tìm mua được ở Vân Nam, Tân Cương hay trên đường phố, tại quầy của những người bán hàng lưu động. Internet cũng là một kênh phân phối rất mạnh. Tôi ước lượng có khoảng 100.000 bản sách đang được lưu hành tại Trung Quốc.

Việc một cuốn sách như sách của ông lại được so sánh với Đảo gu-lắc trên một tạp chí chính thức ở Bắc Kinh có vẻ khó tin…Trong trường hợp này, vì sao tác phẩm lại bị cấm ?

Chính Đảng Cộng sản Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về tình trạng đáng buồn này. Trong khi đang nắm quyền, Đảng từ chối việc nghiên cứu cặn kẽ về thời kỳ này của lịch sử. Vẫn có những công nhận về mặt chính thức, không hoàn toàn chối bỏ, nhưng lại khác biệt hiển nhiên so với các nhà sử học, về hai điểm quan trọng.

Trước hết là số người chết trong nạn đói khủng khiếp đó. Theo con số chính thức thì đã có 20 triệu người Trung Quốc chết đói, còn theo ước tính của các nhà nghiên cứu thì tối thiểu là 30 triệu cho đến trên 50 triệu. Tôi thì ước lượng số người chết đói là 36 triệu. 

Điểm khác biệt thứ hai là về nguyên nhân của nạn đói. Đối với chính quyền Bắc Kinh, nguyên nhân chính là do ba năm liên tiếp bị thiên tai, tiếp theo là áp lực của Liên Xô lên Trung Quốc, và cuối cùng mới đến một ít sai lầm chính trị.

Nhưng theo các nhà nghiên cứu thì thời tiết trong ba năm xảy ra nạn đói đều bình thường. Nguyên nhân chủ yếu là từ chính trị, và lý do của các quyết định tai hại này là tính độc tài của chế độ.

Nạn đói vĩ đại trong lịch sử Trung Quốc,  mà Đảng Cộng sản vẫn muốn chối bỏ trách nhiệm.
Ông nói là Đảng phải nhìn thẳng vào lịch sử để trút bỏ gánh nặng trên vai. Làm thế nào có thể như thế được ?

Nếu Đảng đối mặt với lịch sử và trách nhiệm của mình trong trận đói khủng khiếp, thì điều đó có thể giúp được Đảng trong việc cải cách và chấm dứt hoàn toàn với chủ nghĩa độc đoán, để hướng về dân chủ.

Các nhà lãnh đạo trong Ủy ban thường trực và Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc có đọc cuốn sách của ông chưa ? Liệu tác phẩm có gây ảnh hưởng đối với Đảng, có nghĩa là đối với tương lai đất nước ?

Tôi không biết các nhà lãnh đạo cấp cao nhất có được phản hồi về công trình của tôi hay không. Nhưng ngoài kiểm duyệt ra, việc tôi không phải chịu nhiều áp lực cho thấy ít nhiều về thái độ của nhà cầm quyền.

Thái độ này có thể giải thích cho việc ông được hưởng ít nhiều tự do ?

Vâng, nhưng khoảng không gian tự do này có thể nhanh chóng biến mất, vì không có quy định nào rõ ràng cả.

Điều này tùy thuộc vào những diễn tiến và sự lựa chọn trong tương lai của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Theo ông thì trong tương lai gần Trung Quốc sẽ đi theo hướng nào ?

Tôi khó thể hình dung ra được một sự tiến triển về mặt chính trị. Đặc thù của hệ thống Trung Quốc là tình trạng ban phát ân huệ cho người thân. Trung Quốc ngày nay là một sự kết hợp giữa quyền lực chính trị và chủ nghĩa tư bản, hậu quả của cải cách kinh tế mà không có cải cách Nhà nước. Thế thì làm thế nào có tiến triển được ? Khó lắm.

Rất khó thực hiện được một sự thay đổi về chính trị, tuy nhiên điều này lại rất cần thiết. Tình hình xã hội hết sức căng thẳng. Mỗi ngày tạp chí của chúng tôi đều nhận được nhiều thư khiếu kiện của những nạn nhân bị xử sự bất công, và các vụ nổi dậy vẫn diễn ra thường xuyên trên đất nước. Đối với chính quyền, giữ nguyên trạng không phải là một lựa chọn.

Trên cánh đồng tập thể
Ông từng là phóng viên của Tân Hoa Xã. Trong khi thu thập tài liệu nghiên cứu, ông đã từng được sự hỗ trợ của các đồng nghiệp nhà báo được quyền tham khảo các tài liệu lưu trữ. Báo chí Trung Quốc đã đón nhận tác phẩm như thế nào ?

Tân Hoa Xã không phải là một khối thống nhất. Một số tuân theo đường hướng chính thức, ca ngợi vinh quang của Đảng. Số khác chỉ trích nhiều về những vấn đề xã hội. Thế nhưng khả năng duy nhất họ có được để biểu lộ chính kiến, là đưa được một tài liệu nội bộ đến cấp lãnh đạo, gợi được chú ý, mà điều này rất đáng thất vọng. Một khi đã về hưu, như trường hợp của tôi, các nhà báo mới được tự do hơn. Đó là những người đã giúp đỡ tôi.

Nhất là có một đồng nghiệp cũ đã giúp tôi rất nhiều trong việc nghiên cứu. Ông ấy đã đọc cuốn sách khi xuất bản. Là một người liêm chính, ông hỗ trợ tôi trong công việc ; nhưng do rất mao-ít, nên ông cho rằng việc làm của tôi là có hại cho Đảng. Bị giằng xé giữa lương tâm về lịch sử và ý thức hệ được giáo dục xưa nay, ông ấy rất đau khổ.

Ông là đảng viên Cộng sản, vậy ông luôn là người mác-xít ?

Không. Tôi đã ra khỏi Đảng, khi thấy rằng nếu có những yếu tố nhân bản nơi Marx, thì trước hết đó là những ý tưởng được đánh dấu bởi tinh thần hệ thống, với những yếu tố không tưởng. Marx cuốn hút vì ông đứng ngay về phía giai cấp công nhân. Đó là một quan điểm đúng đắn về đạo đức. Người ta có thể tiếp tục nghiên cứu Marx. Nhưng việc áp dụng chủ nghĩa Marx thì có vấn đề vì các yếu tố nguy hiểm, như việc xóa bỏ sở hữu tư nhân. Cách áp dụng của Lênin đã tạo ra một dạng chủ nghĩa chuyên chế, dẫn đến thất bại của nhiều nhà nước.

Nhân viên một khách sạn ở Bắc Kinh xây dựng lò nấu sắt trong Đại nhảy vọt.
Ở Trung Quốc đã áp dụng thế nào ?

Tại Trung Quốc người ta thường tự hỏi đâu là ranh giới giữa Đảng và nhân dân, cứ như là có một cuộc chiến giữa chính quyền và xã hội, trong đó chính quyền là người tấn công còn nhân dân thì tự vệ. Vấn đề là ở Trung Quốc trận tuyến phòng vệ của người dân không hề hiện hữu. Chính quyền xuyên thấu toàn bộ xã hội. Về lịch sử thì độc tài là đặc trưng của hệ thống đế quốc, còn với Đảng, cái cách ý thức hệ được ghép với quyền lực đã cho phép với tay ra không hạn định.

Dưới thời Mao Trạch Đông, có Nhà nước nhưng không có xã hội, có tập thể nhưng không có cá nhân. Ví dụ cụ thể là tình trạng người nông dân dưới chế độ Mao. Họ phải chịu vô số kiểm soát, từ chế độ tem phiếu cho đến việc đi đâu cũng phải xin giấy phép, khiến cho suốt cả đời mình, người nông dân không thể đi xa khỏi cánh đồng hơn 50 km. Họ bị đóng đinh trên mảnh đất.

Hậu quả của sự cô lập này trong chiến dịch Đại nhảy vọt hết sức bi đát. Thông tin không hề đến tai, cực ít người biết được những gì đang diễn ra trên toàn quốc. Bản thân nông dân là những nạn nhân đầu tiên, cũng không ý thức được tầm cỡ của nạn đói. Khi cha tôi qua đời trong trận đói lịch sử ấy, chúng tôi vẫn coi đây là chuyện buồn riêng của gia đình. Chúng tôi không biết thảm kịch này có liên quan đến sai lầm của chế độ và các chính sách của lãnh đạo.

Khi cha ông mất đi, ông đang là cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản. Ông tin vào chủ nghĩa cộng sản và tham gia tích cực vào chiến dịch Đại nhảy vọt. Ông đã mở được mắt về thực chất của chế độ vào lúc nào ?

Đó là cả một quá trình lâu dài. Tôi nghĩ rằng yếu tố quyết định là ngày 4 tháng Sáu năm 1989 (1). Nhưng việc này bắt đầu từ trước, trong cuộc Cách mạng Văn hóa (2) mà theo tôi, đã vạch trần các cán bộ Đảng. Những lá thư tố cáo đã đập tan sự sùng bái tôi vẫn có đối với các lãnh tụ. Đó là một sự giải thoát. Cách mạng Văn hóa đã làm rung chuyển mạnh mẽ Trung Quốc và quyền lực của Đảng. 

Chính Đảng đã nhìn nhận điều trên, vì sau này đã nêu ra ba cuộc khủng hoảng do thời kỳ đó gây ra. Trước hết là khủng hoảng niềm tin đối với Đảng, thứ hai là khủng hoảng niềm tin cách mạng, và thứ ba là khủng hoảng hy vọng vào tương lai. Đối với tôi, về ngắn hạn thì Cách mạng Văn hóa là một thời kỳ khủng hoảng, nhưng về lâu về dài là một sự giải phóng.

Phiên tòa xử "Bè lũ bốn tên"
Còn Mao, ông đã ngưng coi ông ta là một vị thánh từ bao giờ ?

Dần dần từng bước một, sau khi Mao chết. Nhưng Mao Trạch Đông vẫn là nhân vật trung tâm của chế độ. Những bài diễn văn chính thức luôn cho là Mao đã phạm một số sai lầm nhưng không ảnh hưởng đến công trạng của ông ta. Còn về Cách mạng Văn hóa chẳng hạn, thì chính « Bè lũ bốn tên » (3) đã lợi dụng những sai lầm cá nhân của Mao để đưa xã hội đến tình trạng hỗn loạn, chứ Mao Trạch Đông không trực tiếp liên can. Có một sự gắn kết tư duy tập thể nhằm duy trì hình ảnh của Mao, chủ nghĩa Mao vẫn là cột trụ của chính quyền Trung Quốc.

(1) Thời điểm đàn áp đẫm máu sinh viên biểu tình ở Thiên An Môn.
(2) « Đại Cách mạng Văn hóa giai cấp vô sản » đã tàn phá Trung Quốc từ 1966 đến 1976.
(3) « Bè lũ bốn tên » tức Tứ nhân bang, gồm : Giang Thanh (vợ thứ tư của Mao, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên và Vương Hồng Văn, bị bắt và đưa ra xét xử sau khi Mao chết.

"Bia mộ": Mao Trạch Đông và nạn đói khủng khiếp nhất lịch sử nhân loại

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.