jeudi 24 octobre 2024

Lưu Trọng Văn - Cuối 2025 sẽ không còn nhà dột nát ?


Chính phủ cam kết đến 31.12.2025 dân nghèo sẽ không còn phải sống trong những căn nhà quá tồi tàn. Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Ban này do chính thủ tướng đứng đầu. Trong ban lãnh đạo có cả phó thủ tướng trực, chủ tịch Mặt trận, thống đốc Ngân hàng, bộ trưởng Bộ Xây Dựng…

Như vậy rõ ràng ban này có thực quyền chứ không phải lập ra hình thức khoa trương.

Hoàng Nguyên Vũ - Fan u mê : “Bằng chỉ là tấm giấy, nhân cách sư phụ là mãi mãi”


Hiện thông tin về việc ông Vương Tấn Việt, tức Thích Chân Quang đang dừng lại ở: “thu hồi bằng tiến sĩ, bằng đại học không hợp pháp”.

Điều này không sai. Những bằng này “không hợp pháp” chứ chưa có kết luận nó giả. Không hợp pháp vì ông Việt chưa từng thi tốt nghiệp cấp 3, nên việc học lên cử nhân, thạc sĩ hay tiến sĩ đương nhiên là “không hợp pháp”.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc, dù bằng tiến sĩ và đại học của ông ta đang là “không hợp pháp”, nhưng bằng cấp 3 chắc chắn là giả. Mà sử dụng bằng giả trong trường hợp này chắc chắn là rất nghiêm trọng.

Võ Xuân Sơn - Bằng tiến sĩ giả


Câu chuyện ông Vương Tấn Việt (Thích Chân Quang) lấy bằng tiến sĩ khi bằng tốt nghiệp cấp III là giả, làm cho nhiều người đặt vấn đề về quy trình đào tạo tiến sĩ của Đại học Luật Hà Nội.

Thế nhưng, tôi biết chắc, rằng Vương Tấn Việt không phải người đầu tiên có cái bằng như vậy.

Hồi đó, có một bác sĩ giả, và được phong chức Trưởng khoa của một bệnh viện lớn tại TPHCM. Những ai biết về chuyên môn, làm việc với ông ấy, đều có ngay cảm nhận, rằng ông ấy không phải bác sĩ. Các bạn cùng học với tôi, khi ra trường được phân công về khoa của ông ấy. Chỉ chừng sau một tháng làm việc, đã nói với tôi rằng họ nghi ông này không phải bác sĩ.

Lê Thanh Phong - Bệnh viện công ế khách


Cũng cái vòng luẩn quẩn.

Khi bệnh viện công thiếu bác sĩ giỏi, cơ sở vật chất thiếu thốn thì bệnh nhân lên tuyến trên hoặc khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế tư nhân, bệnh viện công lại ế khách.

Bệnh viện tư mở ra nhiều, cơ sở vật chất, máy móc thiết bị được trang bị đầy đủ, thu hút nhiều bác sĩ giỏi. Còn bệnh viện công - theo Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Tân Mạc Hồng Nhủ -  trang thiết bị cần thiết còn thiếu như: Máy gây mê, máy phẫu thuật nội soi, máy sinh hóa. Một số trang thiết bị bị hư hỏng sửa chữa nhiều lần, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chẩn đoán và điều trị bệnh nhân. Ế khách là phải.

Văn Công Hùng - Ghi chép ngày 24.10.2024

Tin sáng

1. Khổ chưa? "Áp lực quá, dân Hàn đi xem bói để xin lời khuyên về nghề nghiệp, tìm kiếm vận may"- Thế mà dân Việt phải ào ào sang làm thuê, kiếm tiền nuôi nhà nuôi nước.

Cũng Hàn Quốc: "Sợ dân thiếu kim chi, Hàn Quốc phải xả kho dự trữ cải thảo"- Rất là vì dân ạ, dù thiếu kim chi chắc chắn không chết.

2. Tối qua ạ, cứ thấp thỏm mãi thế này hay sao ạ: "Động đất có độ lớn 3,7 tại Kon Plông, Kon Tum"- Hãi phết.

3. "Bị nhắc nhở vì cãi vã nhau to tiếng giữa đêm khuya, một thanh niên trong nhóm năm người đã nổ súng bắn về phía người dân"- Tèo rồi con ạ. Đã tóm được đủ 5 chú.

Mai Bá Kiếm - Có món ế đáng lo, cũng có thứ ế đáng mừng !


Đọc báo thấy nhiều mặt bằng "vị trí vàng" ở trung tâm quận 1 không cho thuê được, thì ai cũng hiểu nguyên do kinh tế suy thoái.

Nhưng đọc bài "Nhà tang lễ đầu tư hơn 10 tỉ chỉ vài lần tổ chức tang lễ rồi đóng cửa im ỉm" tôi thấy nó không là "sự kiện báo chí", tại sao Tuổi Trẻ đặt vấn đề?

Nhà tang lễ ế có thể do: "tỉ suất tử" ở Tam Kỳ thấp; hoặc hầu hết nhà dân rộng (quàn tại nhà). Đây là tin mừng cho dân Tam Kỳ, nó ế không là chỉ dấu xáo trộn về kinh tế, xã hội, trật tự, an ninh. Hơn 10 tỉ để xây nhà tang lễ có công suất 3 đám/ lượt không lãng phí như cổng chào, tượng đài.

Chương trình phát thanh RFI ngày 24.10.2024


 

mercredi 23 octobre 2024

Phúc Lai - Vụn vặt về cuộc chiến tranh của Putox ở Ukraine ngày 23/10/2024

1. Hôm rồi trên đường về nhà, con đường đông đúc đúng giờ tan tầm. Chợt để ý thấy có tiếng rên như của cháu bé nào đó, nó cứ rền rĩ ra trong khi môi trường xung quanh thật là ồn ào, gây tò mò kinh khủng.

Mãi đến một chỗ xe cộ dồn hết cả lại tôi mới nhận ra, tiếng rên phát ra từ một chiếc xe tay ga 50cc do hai cháu gái học sinh đang đi. Chiếc xe còn khá mới, và chắc chắn là một sản phẩm của Trung Quốc.

Tiếng rên này phát ra từ một hệ bánh răng phía sau pulley thứ cấp (driven pulley – trong hình) tiếng Anh gọi là “gear train.” Tùy từng xe thiết kế có thể khác nhau đôi chút, nhưng về cơ bản thì giống nhau. Hầu hết các xe scooter phổ thông đều thiết kế hệ bánh răng này là răng thẳng, do yêu cầu giảm giá thành sản phẩm, nhưng điều đó sẽ dẫn đến tiếng kêu rền rĩ.

Huỳnh Ngọc Chênh - Thể chế chính trị

Trên nền tảng thể chế chính trị con người đặt ra hiến pháp, xây dựng luật pháp. Định hướng giáo dục, thiết lập chuẩn mực đạo đức, hình thành quy trình tuyển dụng nhân sự cho bộ máy quản lý nhà nước…

Thể chế chính trị tốt thì mọi thứ hình thành trên nền tảng đó sẽ tốt đẹp.

Thể chế chính trị xấu thì mọi thứ hình thành trên đó đều chẳng ra gì, càng đi xa càng bế tắc và sẽ gây ra những đổ vỡ lớn.

Lê Xuân Nghĩa - Cầu viện Bắc Triều Tiên : Sai lầm tai hại của Putin


Việc phải cầu viện đến Triều Tiên đem quân cùng xúm với mình đánh Ukraine là sai lầm tai hại nhất của tổng thống Putin. Bởi:

1. Putin gián tiếp thừa nhận quân đội Nga hiện đang trong tình thế cạn lực. Việc huy động thêm quân ngay lúc này sẽ khiến người Nga phẫn nộ mà Putin không thể kiểm soát.

2. Kích hoạt một quốc gia có sức mạnh và số lượng vũ khí dồi dào đang tích lũy sẵn như Hàn Quốc tham gia hỗ trợ Ukraine tận lực. Và lúc này, rõ ràng là nó sẽ hiệu quả nhanh hơn người Nga và Triều Tiên đẻ con.

Bông Lau - Nhớ vùng chiến tranh


Ngồi trên máy bay C130 gần cả đêm. Đến 2 giờ sáng máy bay đáp xuống một căn cứ. Mình đứng ở cửa tiễn cô Đại úy West Point đồng nghiệp. Cổ phải xuống căn cứ này. Xạ thủ đưa trái đấm lên, cổ cũng đưa trái đấm và hai trái đấm cụng vào nhau, cổ mỉm cười. Đó là cách từ biệt mạnh mẽ nơi đây. Máy bay lại cất cánh mang theo một tốp lính hồi hương.

Đêm hôm trước ngồi ở phòng làm việc tới 2 giờ sáng và nghe tiếng lục cục ở phòng kế. Khi ra về đi ngang thấy một phòng còn đèn sáng, mình thò đầu vào nhìn coi còn ai ở trong phòng. Thấy không có ai nên xạ thủ tắt đèn đóng cửa rồi ra về.

Sáng hôm sau có người cho biết là cô Đại úy vào trong một phòng làm việc đóng cửa lại và nằm ngủ trên nền nhà hỏng có mền gối gì trơn trọi. Đúng là trâu bò. Dễ nể thiệt. Mình quên hỏng dặn cô ta là ở đây có chuột chạy qua lại trên sàn nhà ban đêm hic.

Văn Công Hùng - Ghi chép ngày 23.10.2024


Tin sáng

1. Vụ này rất oẳn tà roằn, rất khù khoằm, rất ngùng ngoằng, rất là... rất: "Vụ gỗ đào dưới ruộng bị công an tạm giữ: Bán đấu giá thành công với giá... 'bèo'".

"Đây là lần thứ tư cơ quan này đưa ra đấu giá số gỗ trên. Ở lần đầu, số gỗ được đưa ra tổ chức đấu giá với giá khởi điểm là 50 triệu đồng nhưng không có đơn vị, cá nhân nào tham gia. Sau nhiều lần đấu giá, số gỗ đào dưới ruộng tại huyện Sa Thầy (Kon Tum) đã được bán với giá chỉ hơn 20 triệu đồng". Tiền cá có khi quá tiền cơm, nhưng vẫn đấu giá, có hề chi?

2. "Tạm giữ khẩn cấp người giả danh công an để xin bỏ qua vi phạm giao thông"- Liều thì cũng có vài chục kiểu liều, nhưng tới cỡ này thì đúng là... ngoại hạng, là vô đối, chả ai dám so, nhà cháu thặc.

Nguyễn Đình Bổn - Trà Mi tên vậy chớ không có hiền!

Cơn bão đang hoành hành tại Philippines (đã làm chết ít nhứt 7 người) dự báo tuần sau tiếp cận Việt Nam có tên quốc tế là Trami (Trà Mi, đúng ra là Trà My, tên bão do Việt Nam đặt - dựa theo tên của một loài hoa đẹp, có nhiều màu sắc khác nhau).

Hoa trà trồng nhiều tại Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản... và các tỉnh phía Bắc Việt Nam, vì khí hậu phía Nam không hạp. Hoa tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng nhưng không hiểu cha nội nào lại đem đặt tên cho bão!

Và lịch sử của Trami bão không hiền xíu nào.

Mai Quốc Ấn -“Trở về”


Mình nghe được nhiều tiếng chim trong khoảng 5 đến 6 giờ sáng nay. Không rành về chim nên không rõ các loại khác nhau hót ra sao, nhưng nghe tiếng của chim cu cườm rất rõ xen những tiếng chim khác.

Giữa trung tâm Sài Gòn bây giờ mà có tiếng chim là hiếm lắm. TPHCM giờ ít cây xanh ở trung tâm hơn sau nhiều đợt chặt cây làm đường, tỉa cây ngừa cây đổ mùa mưa.

Không rõ là đến sáng nay mình mới lắng lại để nghe thấy tiếng chim, hay chúng vừa quần tụ về đây nữa. Nhưng cảm giác “đã” gì đâu á!

Mai Bá Kiếm - Trả hết cho người !


Trả hết, trả hết đớ-plòm (diplome), trả pi-ếch-đi-in-lò (Ph.D. in Law), trả luôn bi-ầy Anh văn (B.A in English)…

Đại Đoàn Kết, Báo Mới, Pháp Luật, Tuần Tin Tức, Đại Biểu Nhân Dân... cùng đặt tựa bài trùng ý nhau "Ông Vương Tấn Việt thừa nhận sử dụng bằng cấp 3 bổ túc văn hóa không hợp pháp và tự nguyện nộp lại các bằng không hợp pháp".

Các báo dùng cụm từ "bằng không hợp pháp " theo "ngôn ngữ học thuật" (academic language) của Bộ Giáo dục Đào tạo, chứ không hàm hồ theo mạng xã hội là "bằng giả" hay "bằng thật học giả", dễ gây hiểu lầm là Sở Giáo dục Đào tạo TPHCM cấp "bằng cấp bổ túc văn hóa giả". Hoặc trường đại học Hà Nội và trường đại học Luật Hà Nội đã "giả bộ dạy rồi cấp bằng thật".

Nguyễn Thông - Đường quang không đi cứ đâm quàng bụi rậm


Không cần bàn về thể chế như thế nào là tốt, điểm nghẽn điểm nghiếc cho mất thì giờ, loanh quanh luẩn quẩn. Cứ banh mắt nhìn ra nước người ta rồi cứ thế mà quyết định.

Đâu xa, thì Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, thậm chí Campuchia ngay sát sạt.

Muốn như Cuba, Triều Tiên, Venezuela... cũng chẳng ai cấm.

Chương trình phát thanh RFI ngày 23.10.2024


 

mardi 22 octobre 2024

Dương Quốc Chính - Hỏi tức là trả lời

Đợt bầu chủ tịch nước vừa rồi có mấy điểm đáng lưu ý.

Thứ nhất là mình tìm kiếm suốt ngày hôm qua đến giờ mà vẫn không biết tại sao chú Tô Lâm mình lại bị bay chức chủ tịch nước?

Theo lẽ thông thường, Quốc hội chỉ có thể miễn nhiệm chủ tịch nước sau khi Trung ương đảng đồng ý cho đồng chí A nào đó thôi chức - có thể vì nguyện vọng cá nhân hoặc do bị kỷ luật (có thể do bị kỷ luật nhưng cứ lấy lý do vì nguyện vọng cá nhân). Đây chủ tịch nước vẫn đang khỏe mạnh và không thấy tin xin thôi chức?

Trương Nhân Tuấn - « Nghẽn » không phải ở Quốc hội

Ông Tô Lâm phát biểu trong phiên họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV có đoạn nói về "điểm nghẽn" và "thể chế". Nguyên văn:

"Trong ba điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực thì thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn"...

Tôi thấy nhiều người hiểu sai nội hàm của từ "thể chế". Vì vậy có những suy diễn khá xa so với những gì ông Tô Lâm muốn nói. Thể chế ở đây là "institution", hoàn toàn khác biệt với "chế độ".

Lưu Trọng Văn - Điểm nghẽn của điểm nghẽn, ai gỡ bỏ chúng ?


Tổng bí thư Tô Lâm phát biểu trước Quốc hội khi đề cập vai trò làm luật của Quốc hội như sau: “Trong ba điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”.

Vậy trước hết phải hiểu thể chế là gì?

Từ điển Luật học định nghĩa thể chế là "những quy định, luật lệ của một chế độ xã hội buộc mọi người phải tuân theo".