dimanche 27 septembre 2020

Phạm Công Luận - Lời tiễn biệt thầy Nhật Tiến

 


Tin buồn lại đến khi biết tin nhà văn Nhật Tiến giã biệt cõi đời, chỉ sau cô Đỗ Phương Khanh hơn hai tuần. Riêng tôi, cảm thấy mình như vừa mất đi người thân. 

Thế hệ 6X ở miền Nam sẽ không quên bộ tuần báo Thiếu Nhi do thầy chủ biên, in ấn đẹp, bài vở thiết thực và tính giáo dục đậm đà. Cũng không quên cuốn sách “Thềm hoang” của thầy mà học trò trung học Đệ nhất cấp đã phải thuyết trình trước lớp. 

Tôi vẫn nhớ nhiều chi tiết cuốn sách đặc sắc “Thuở mơ làm văn sĩ”, gần như là hồi ký mà thầy kể về thời học trò tập tành làm báo ở Hà Nội. Cuốn sách này đã thúc giục tôi đi vào con đường làm báo sau này. Những cuốn sách đó, cùng cuốn “Những người áo trắng”, vở kịch “Người kéo màn”, khi gặp nhau, thầy đều tặng cho vợ chồng tôi, luôn ghi trang trọng: “Tặng cô chú….”, dù chúng tôi chỉ ở tuổi con của thầy.

Hoàng Hải Vân - Học trò dùng điện thoại trong lớp để làm gì ?


Tất nhiên là để chơi rồi, dù người lớn bảo phải dùng để học. Điện thoại ở đây là smartphone, dùng nó người lớn chúng ta không “thông minh” bằng những đứa trẻ. Các bề trên ở Bộ Giáo dục càng không “thông minh” bằng các em.

Giáo dục phổ thông là giáo dục cưỡng bức (ở ta cưỡng bức đến cấp 2). Mà cái gì cưỡng bức thì không được thập phần vui vẻ. Hầu hết người lớn chúng ta hồi học phổ thông từng rất vui khi ở trường có việc gì đó được thầy cho nghỉ một buổi hay được tan học sớm.

Tôi đã từng lén chơi croix zéro với mấy đứa ngồi bên cạnh từ năm học lớp 2, rất thú vị. Giờ mà có cái smartphone thì có hàng trăm thứ để chơi. Thầy kiểm soát được không ? Mơ đi ! Lại còn giải thích các em chỉ được dùng nếu thầy cho phép, thầy mà cho phép thì thầy còn đứng trên lớp làm gì nữa !

Nguyễn Thông - Những ông bình vôi


Sinh thời, cụ Phan Khôi là người cương trực, thấy gì không nên không phải, trái tai gai mắt, cụ phê thẳng thừng. Chứng kiến đám quan chức, lãnh đạo ăn hại, chỉ ồn ào màu mè nhưng rỗng tuếch, cụ gọi họ là ông bình vôi.

Cụ viết : “Nhà tôi, hồi bà nội tôi còn sống, có cái bình vôi hạng sang ấy. Mỗi khi mua vôi ở chợ về, bà tôi ngồi tỉ mỉ lấy cái chìa quệt vôi nhét vào miệng nó, gọi là “cho Ông Bình ăn”. Và lâu lâu lại tắp thêm vào cái miệng nó một lần, hóa nên cái miệng càng ngày càng chêu vêu ra…

Tóm lại, cái bình vôi, vì nó sống lâu ngày, lòng nó đặc cứng, miệng nó bít lại, ngồi cú rũ trên trang hoặc trên tường thành, cũng như pho tượng đất hoặc gỗ không nói năng, không nhúc nhích, thì người ta tôn thờ sùng bái mà gọi bằng “Ông”. (Giai phẩm mùa thu, 1956).

Nguyễn Ngọc Chu - Không thể theo luật của kẻ mạnh

 


PHẢI ĐỐI XỬ VỚI VÕ SƯ TIẾN SĨ PHẠM ĐÌNH QUÝ THEO LUẬT PHÁP CHỨ KHÔNG THỂ THEO LUẬT CỦA KẺ MẠNH

1. TINH THẦN THƯỢNG VÕ

Dân tộc Việt Nam chiến thắng được giặc ngoại xâm là một phần rất lớn nhờ vào khả năng võ thuật và tinh thần thượng võ. Nhờ võ thuật mà quân sĩ trở nên thiện chiến, góp phần tiêu diệt kẻ thù trong chiến trận.

Tinh thần thượng võ nuôi dưỡng tính không khuất phục và trượng nghĩa. Trượng nghĩa là giúp kẻ yếu trước bạo ngược của kẻ mạnh. Không khuất phục trước giặc ngoại xâm mạnh đã góp phần bảo toàn dân tộc trước sự cai trị ngàn năm của giặc phương Bắc.

samedi 26 septembre 2020

Đoàn Khắc Xuyên - Hội chứng cái rốn


Chính khách Việt Nam  - tạm gọi cho sang vì thực ra họ đóng vai gì là do đảng phân công cả - thường mắc một số hội chứng, lặp đi lặp lại. 

Đầu tiên là hội chứng mơ mộng: Sống ở những thành phố kinh niên kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm thường xuyên báo động đỏ năm này qua năm khác, nhưng lúc nào cũng “mơ tiên” trở thành Paris với Singapore. 

Có lẽ đúng như dân mạng hay đùa: Mơ không mất tiền, tội gì không mơ? Nhưng kể cả có tốn tiền, thậm chí rất nhiều tiền như đường sắt Cát Linh - Hà Đông hay tình trạng ngập nước đường Nguyễn Hữu Cảnh ở Saigon thì những giấc mơ tiên vẫn cứ gác đi gác lại mãi.

Đoàn Bảo Châu - Vậy thực chất là cái gì?


Đã có nhiều tướng lĩnh quân đội, công an, bác sĩ với học vị học hàm ngất ngưởng. Những cán bộ đảng viên xuất hiện trên báo chí cách mạng như những tấm gương cao cả, chói lọi nhưng rồi lại giống như những ngôi sao sa, tắt lịm trong bầu trời đen đặc của tội lỗi.

Vậy điều ấy nói lên cái gì?

Nó nói lên rằng sự hư hỏng là cả một hệ thống. Chỉ có đồng chí chưa bị lộ là chưa phơi bày bản chất thôi.

Anh Tuấn - Ăn đơn, ăn kép trên lưng người bệnh ở Bạch Mai


Vụ án Bạch Mai, sẽ được nhắc nhiều, như một điển hình về tiêu cực của ngành y, khi người từng đứng đầu một bệnh viện lớn tuyến trung ương đã bị bắt.

Họ ăn đơn, ăn kép, ăn dày, ăn tất, ăn cả đất xung quanh. Và sau tất cả, người bệnh oằn lưng để gánh mọi chi phí, để tạo nên miếng ăn đó.

Vì sao gọi là ăn đơn, ăn kép?

Trần Thị Sánh - Căm giận bọn bất lương


Càng nghĩ, càng thấy căm giận bọn bất lương, bọn khốn nạn ở bệnh viện Bạch Mai và nhiều bệnh viện khác. Họ đã cố tình thổi giá thiết bị y tế lên 4 -5 lần để ăn chênh lệch, và trắng trợn đè lưng người bệnh thu phí cao gấp 4-5 lần giá thật.

Cách đây 5 năm, cháu mình bỗng nhiên bị mắc viêm não Nhật Bản giữa cái tuổi đẹp nhất của một đời người (18 tuổi). Và sau hơn một tháng nằm cấp cứu tại bệnh viện Bạch Mai, cháu đã ra đi mãi mãi.

Vậy mà bệnh viện thu của nhà cháu hơn 300 triệu đồng, trong đó có những khoản thu rất vô lý, rất cao như tiền đấm lưng, xoay người và nhiều khoản dịch vụ khác.

Vũ Đức Tâm - Người dân còn biết tin ai ?


Tham nhũng và bắt bớ tham nhũng thì là chuyện thường không có gì lạ. Vấn đề là ông này không phải là người thường mà là một người ưu tú nổi bật trong những người ưu tú.

Ông Nguyễn Quốc Anh là Phó giáo sư tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng Lao động, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện lớn nhất nước.

Ông Anh lại đã từng là bác sĩ quân y tham gia chiến trường, là thương binh hạng 2/4. Tất nhiên ông Anh là đảng viên. Trong giới y tế ông Anh là một người nổi tiếng...

Tạ Duy Anh - Con số thất bại


Ông Nguyễn Đức Chung có thể đau một chút chứ chẳng nên buồn, khi ông bị bãi nhiệm bằng con số nhất trí tuyệt đối. Nhưng nếu ông bật cười thì cũng dễ hiểu và không hề có gì là kịch.

Ông tham gia vào canh bạc mà mọi thứ luật ngầm đều đã biết từ đầu, được chính ông chấp nhận và cổ súy. Người ta cũng nhất trí bầu ông với số phiếu tuyệt đối đấy thôi. Và chính ông cũng lấy con số đó để hãnh diện với thiên hạ về tài năng và phẩm hạnh!

Hồi đó, đang đà thắng lợi toàn diện, nếu ông gây sức ép để có thêm vài cuộc bầu nữa, ví dụ bầu ông là ứng cử viên giải Nobel vì Hòa Bình, bầu ông là vị tướng công an tài giỏi nhất, bầu ông là thị trưởng sẽ đi vào lịch sử vàng son, bầu ông thêm một lần anh hùng, thì cũng sẽ 100% cúi rạp nhất trí.

Nguyễn Ngọc Chu - Nỗi sợ hãi tranh cử


1. THÌ HÓA RA VẪN CÓ “TỰ ỨNG CỬ VÀ ĐỀ CỬ VÀO CHỨC CHỦ TỊCH UBND TP HÀ NỘI”?

Nhiều tháng trước, trong xã hội đã lan tin là ông Chu Ngọc Anh được Bộ Chính Trị (BCT) điều về làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố (UBND TP) Hà Nội. Ông Chu Ngọc Anh đang là Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ mà BCT điều đi nhận công tác mới không cần biết đến ý kiến của Quốc Hội.

Các đại biểu Quốc Hội ít hôm nữa phải làm cái điều không đẹp mặt tí nào, khi phải bỏ phiếu bãi nhiệm ông Chu Ngọc Anh khỏi cái chức bộ trưởng - mà ông ấy đã rũ bỏ trên thực tế. Ngày 25/9/2020 Hội đồng Nhân dân Thành phố (HĐND TP) Hà Nội đã họp để hình thức hóa quyết định của BCT, điều chuyển ông Chu Ngọc Anh làm Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Lưu Trọng Văn - Đặc sản nịnh ở Bắc Ninh

Đào Hồng Lan (49 tuổi, quê ở Hải Dương), ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bắc Ninh, vừa được bầu giữ chức bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Nếu chỉ đọc thông tin trên cùng tiểu sử em Lan là thứ trưởng Bộ Lao động và Thương binh Xã hội, thì thấy Bắc Ninh có một bí thư trẻ triển vọng đổi mới, sau triều đại Nguyễn Nhân Chiến cả nhà làm quan đồi bại.

Nhưng nếu ai quan tâm vụ bí thư Chiến cùng Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh bổ nhiệm Nguyễn Nhân Chính - con trai của Chiến - làm bí thư thành phố Bắc Ninh, để rồi bị Bộ Chính trị phế truất cho về Sở Lao động và Thương binh Xã hội, ngạch của Lan.

Nguyễn Văn Miếng - Bạo lực có cứu rỗi được dân tộc này ?

 

Trong hai ngày 21 và 22/9/2020, Tòa án nhân dân TP. HCM đã đưa ra xét xử vụ án “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân và Chế tạo, tàng trữ, mua bán trái phép vật liệu nổ” quy định tại Điều 113 và 305 BLHS đối với 20 bị cáo.

Trong phần điểm danh đầu phiên tòa, thư ký đã gọi các bị cáo là ông, bà.

Họ gồm 3 nữ và 17 nam: Người lớn tuổi nhất là ông Điểu Lé, sinh năm 1952, người dân tộc thiểu số S’Tiêng, người nhỏ tuổi nhất là Vũ Hoàng Nam, sinh năm 1996. Thuộc các tỉnh thành: Đồng Nai, TP. HCM, Thanh Hóa, Kiên Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, An Giang, Bình Phước và Đắk Nông. Trong số này còn có một bị cáo nữa tên Điểu A Nam, sinh năm 1986, cũng là người dân tộc thiểu số S’Tiêng.

Bông Lau - Trung đoàn 422


Khi Nhật Bản đánh lén oanh tạc Trân Châu Cảng tháng 12 năm 1941 tuyên chiến với Hoa Kỳ, đã gây phẫn nộ nơi quần chúng Mỹ. Sự kỳ thị chủng tộc không ít thì nhiều vốn đã có vào thời càng gia tăng. Người Mỹ bản xứ nghi ngờ người Nhật sống ở Hoa Kỳ nối giáo cho kẻ thù.

Tổng Thống Hoa Kỳ lúc ấy là Franklin D. Roosevelt đã ra lịnh bắt tất cả người Mỹ gốc Nhật đưa vào các trại giam hay trại tập trung (internment camp) ở miền Tây Nam Hoa Kỳ. Có khoảng 120 ngàn người thiểu số gốc Nhật sống rải rác ở miền Tây Hoa Kỳ phải bán nhà cửa và tài sản của họ để dọn vào ở trong các trại tập trung.

Trong Thế Chiến Thứ Hai dân số của người Mỹ gốc Đức và Ý nhiều hơn người Mỹ gốc Nhật, nhưng chỉ khoảng hơn 10 ngàn người bị lùa vào các trại tập trung. Lý do là vì người Đức và Ý ít bị kỳ thị hơn và bị nghi ngờ như người Nhật. Một lý do khác nữa là vì kinh tế; giới kinh doanh tài phiệt Mỹ cần công nhân gốc Đức và Ý làm việc trong các xí nghiệp nên đã vận động chính giới không cho bắt giữ người Đức và Ý đưa vào trại tập trung.

vendredi 25 septembre 2020

Nguyễn Thông - Xin can


Tôi can mấy ông bà làm báo xứ ta, có nịnh Nga nịnh Putin thì cũng một vừa hai phải thôi. Sao cứ phải hầu hạ, điếu đóm, làm thuê không công cho nó thế.

Chỉ có mỗn tay nhà văn Nga vô danh tiểu tốt đề xuất đề cử gã độc tài Putin giải thưởng hòa bình Nobel, thế là ào ào rút tít "Tổng thống Putin được đề cử giải thưởng Nobel hòa bình".

Cứ làm như giải sắp được trao tới nơi rồi !

Mạnh Kim - Đây là cách mà tiền thuế của dân được xài

 


“Tiền thuế của dân “chạy” đi đâu?” là một trong những câu hỏi bí mật nhất Việt Nam. Chẳng người dân nào có thể biết chính xác “ngân sách nhà nước”, tức tiền thuế của người dân, được dùng như thế nào và dùng vào việc gì cho “ích nước, lợi nhà”…

Đã có hàng ngàn, thậm chí hơn, bài báo nói về “lạm chi ngân sách”, “thất thoát tài sản công”, cần “thắt chặt chi tiêu trong tình hình khó khăn”… Dĩ nhiên “nói” thì chẳng cần “tiết kiệm” lời. Vấn đề là xài thì cứ mặc sức xài.

Thiếu thốn cỡ nào cũng có thể “linh động” tìm cách xài. Càng khó khăn, càng “sáng tạo” trong cách xài. Chẳng hạn vụ tỉnh ủy Quảng Bình thông báo chi hơn 2,2 tỉ đồng để mua cặp đựng tài liệu cho khách mời và đại biểu dự Đại hội Đảng bộ tỉnh.

Võ Xuân Sơn - Lẳng lặng mà nghe chúng đấu nhau

 

Gần như cùng một lúc, Trường Đại học được các bảng xếp hạng đưa lên hàng đầu Việt Nam, và bệnh viện được coi là hàng đầu Việt Nam nổi cơn sóng gió.

Ở Đại học Tôn Đức Thắng, Hiệu trưởng bị cách chức, giảng viên thì bị công an “mời đi làm việc”, không rõ đang ở đâu. Còn bệnh viện Bạch Mai, thì giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng “xộ khám”. Sóng gió đang nổi lên ở hai ngành được coi là rất quan trọng của đất nước.

Tôi chắc rằng chẳng ai dám khẳng định những nhân vật đang bị “thất sủng”, hoặc sắp bị “xộ khám” ở Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU), những cựu lãnh đạo Bạch Mai mới bị bắt giam là không có tội. Ai mà chắc được điều đó chứ. Người ta chỉ có thể cảm thấy, hầu như tất cả những ai có chút chức tước, từ nhỏ nhất cỡ cửu phẩm, đến to nhất, trên cả nhất phẩm, nếu bị bắt giam, hay có gì đó lùm xùm liên quan đến tham nhũng, trộm cắp… đều khó mà được coi là oan.

Tuấn Khanh - Hoảng kinh cho cái gọi là pháp luật


Ngày 23/9, một tiến sĩ, giảng viên của trường đại học Tôn Đức Thắng bị bắt giam, thẩm vấn chờ ra tòa vì dám tố cáo bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk về việc ông này có nghi vấn đạo văn để lấy bằng tiến sĩ.

Trước đó, tiến sĩ, giảng viên Phạm Đình Quý đã gửi thư tố cáo đến cho báo chí, làm đúng luật với việc công khai danh tính và dẫn giải về việc đạo văn lấy bằng tiến sĩ của ông Bùi Văn Cường, bí thư.

Nội dung nói thẳng là ông Cường "đạo văn vì mục đích không trong sáng", được tìm thấy vào cuối tháng 8/2020 trên nhiều báo.

Mỹ-Trung kịch liệt tố cáo nhau tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc


Đăng ngày:

Tại cuộc họp về tương lai quản trị thế giới có sự hiện diện của nhiều nhà lãnh đạo các nước, ông Trương Quân nói : « Đã quá đủ ! Các vị đã gây ra lắm vấn đề trên thế giới. Trước khi tố cáo người khác, đâu là nguyên nhân của 7 triệu ca nhiễm và trên 200.000 người chết ở Hoa Kỳ ? ». Ông tố cáo Washington lan truyền « virus bóp méo thông tin », « nói láo » và « lừa dối ». Đồng nhiệm Nga Vasily Nebenzia sau đó lên tiếng ủng hộ.

Trong hội nghị do tổng thống Niger Issoufou Mahamadou chủ trì, với sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo và ngoại trưởng, đại sứ Mỹ Kelly Craft đã nhắc lại những cáo buộc của tổng thống Donald Trump hôm thứ Ba 22/09 trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Bà nói : « Tôi rất choáng, thấy xấu hổ vì Hội đồng này, cảm thấy ghê tởm về nội dung tranh luận hôm nay », và các thành viên đã chọn việc « tập trung vào hận thù chính trị thay vì các vấn đề quan trọng được đưa ra ».

Virus corona : Châu Âu kêu gọi gia tăng kiểm soát, tình hình Việt Nam trở lại bình thường


Đăng ngày:

Ủy viên châu Âu phụ trách y tế Stella Kyriakides tuyên bố : « Tất cả các Nhà nước thành viên cần triển khai các biện pháp ngay khi có nguy cơ xuất hiện các ổ dịch mới » : xét nghiệm, theo dõi, cách ly, gia tăng khả năng của các bệnh viện…

Bà nhận xét tại một số nước, tình hình hiện còn tệ hơn cả hồi đỉnh dịch tháng Ba, thêm vào đó là nguy cơ cúm mùa vào mùa đông sắp tới. Ủy viên y tế cũng cổ vũ các chính phủ châu Âu tuyên truyền thêm nơi giới trẻ, và đấu tranh chống bóp méo thông tin.