mardi 14 août 2012

Phổ cập tin học và tiếng Anh: Động lực giúp phát triển

Bài đăng : Thứ ba 14 Tháng Tám 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 14 Tháng Tám 2012 
 
Vừa qua tiến sĩ Lê Trường Tùng, hiệu trưởng trường đại học FPT đã đề nghị phát động phong trào được gọi là « Bình dân học vụ 2.0 », với mục đích không chỉ phố cập văn hóa mà còn về tin học và tiếng Anh.

RFI Việt ngữ đã đặt câu hỏi với tiến sĩ Lê Trường Tùng xung quanh vấn đề trên.

RFI : Kính chào tiến sĩ Lê Trường Tùng. Thưa ông, ông có thể giải thích vì sao gọi là « Bình dân học vụ 2.0 », và vì sao ông muốn phát động phong trào này?

TS Lê Trường Tùng _ Việt Nam
 
14/08/2012
by Thụy My
 
 
TS Lê Trường Tùng : Bởi vì vào năm 1946 đã có một đợt bình dân học vụ được phát động, nhưng khi đấy mục tiêu của nó chỉ nhằm làm thế nào để tăng tỉ lệ dân biết đọc biết viết. Tôi dùng từ « Bình dân học vụ 2.0 » vì nghĩ rằng kiến thức tin học và tiếng Anh bây giờ cần phải là những tri thức mang tính chất bình dân - những kỹ năng bình dân mà mọi người dân cần phải biết. Còn « 2.0» vì xem như đợt bình dân học vụ trước đây là 1.0, thì bây giờ là 2.0.

Chúng tôi nghĩ rằng đây là những kỹ năng mà các công dân bình thường cần phải có. Thực ra trước đây khoảng 50 năm thì chỉ cần biết chữ là đã đủ, và thậm chí có thể nằm trong tầng lớp tinh hoa của xã hội rồi. Trong bối cảnh phát triển, trong trào lưu toàn cầu hóa hiện nay, thì biết đọc biết viết chưa đủ.

Nếu chỉ biết đọc biết viết không thôi, thì còn rất nhiều những khía cạnh khác mà nếu không nắm được sẽ hạn chế rất lớn đến việc tận hưởng các dịch vụ xã hội, cũng như phát huy vai trò của cá nhân. Thì hai kỹ năng rất quan trọng ngoài biết đọc biết viết, là công nghệ thông tin – biết sử dụng các phương tiện máy tính, và một kỹ năng cũng rất quan trọng nữa là tiếng Anh.

Tiếng Anh là ngôn ngữ hiện nay được sử dụng ở rất nhiều nước trên thế giới, là ngôn ngữ thông dụng nhất, được dùng ở nhiều nước nhất. Và những nguồn thông tin, chẳng hạn như trên internet, thì thông tin bằng tiếng Anh cũng nhiều nhất. Cho nên nếu không biết tiếng Anh là một rào cản hết sức lớn. Không chỉ đơn thuần là chuyện hội nhập quốc tế ở quy mô từng cá nhân, quy mô của Việt Nam, mà thực ra nó hạn chế rất lớn đến sự phát triển của từng người, và bản thân từng cá nhân cũng không tận hưởng được những dịch vụ xã hội mà hiện tại đang được triển khai trên nền tiếng Anh.

Chúng tôi nghĩ rằng ở Việt Nam hiện nay thì công nghệ thông tin cũng được phổ biến tương đối rộng. Tiếng Anh cũng được học, nhưng thực ra chưa thành một phong trào sôi động. Và cũng không có một cái mốc để đến thời điểm đấy, việc biết tiếng Anh, biết tin học phải thành một thứ phổ cập – được hiểu theo cái nghĩa là những công dân trong độ tuổi nhất định nào đấy, thì cần phải nắm được những kiến thức này.

Tôi nghĩ rằng gọi là phong trào, vì thực ra giải quyết vấn đề này có nhiều cách thức khác nhau. Giống như trước đây hồi năm 45-46 khi phát huy phong trào bình dân học vụ, người biết nhiều dạy lại người biết ít, vân vân và vân vân. Thì chỉ trong thời gian rất ngắn, chưa đến một năm, tỉ lệ người biết đọc biết viết đã tăng lên đáng kể. Nếu Việt Nam triển khai cái này một cách nhanh chóng, hiệu quả thì cũng phải dưới dạng như một phong trào, để huy động tất cả các lực lượng xã hội vào việc này thì mới đạt được kết quả mong muốn.

RFI : Như vậy theo ông phải tổ chức phong trào này như thế nào ?

Việc này phải được tổ chức ở quy mô xã hội. Mà biết đọc biết viết thì dễ rồi. Thực ra Việt Nam vẫn đang là một trong những nước đang có tỉ lệ biết đọc biết viết lớn : trên 95%. Biết tin học cũng không quá khó. Hiện nay internet đã được nối đến tất cả các trường phổ thông ở Việt Nam rồi. Máy tính càng ngày càng rẻ, các thiết bị khác cũng mang tính năng xử lý thông tin, các điện thoại thông minh giá vài trăm ngàn thì ở Việt Nam cũng có thể trang bị. Và thực ra thì máy tính có thể tự học được, hoặc là người nọ dạy người kia, thì cái này cũng có thể triển khai trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên tiếng Anh đang là một việc mà tôi muốn nhấn mạnh. Hiện nay Việt Nam đang trở thành một vùng trũng so với các nước trong khu vực về tiếng Anh. Tôi nói là vùng trũng vì mặt bằng tiếng Anh của các nước xung quanh Việt Nam như là Philippines, Singapore, Malaysia, Thái Lan, kể cả Campuchia vân vân đều hơn Việt Nam một mức. Tức là tiếng Anh ở các nước đó đã trở thành công cụ, thành ngôn ngữ được sử dụng thường ngày của dân chúng.

Có nhiều lý do khác nhau, và mỗi nước có một chiến lược khác nhau để đạt được mục tiêu đấy. Nhưng cũng do cách thức, các bước đi khác nhau, và hiện nay nhìn lại, Việt Nam thực sự đang là một vùng trũng về tiếng Anh trong khu vực.

Đây là một rào cản cực kỳ lớn, và để giải quyết chuyện này không dễ một chút nào cả. Phải có một kế hoạch quy mô lớn, tác động đến tất cả các trường phổ thông, đến các chương trình đào tạo. Thậm chí là phải mạnh dạn và nhanh chóng dạy một số môn bằng tiếng Anh, chứ không đơn thuần chỉ học tiếng Anh như là một môn học nữa. Rồi những phương tiện thông tin báo chí khác, thì nhiều khi cũng phải xuất bản thêm nhiều tờ báo bằng tiếng Anh, v.v…Để cuối cùng làm thế nào những người có trình độ văn hóa phổ thông – hiểu theo nghĩa là hết được bậc phổ thông trung học – thì đã sử dụng tiếng Anh như là một công cụ.

Vấn đề này sẽ phải cần một chiến dịch lớn và kéo dài. Thời gian tôi nghĩ nếu rất nhanh cũng phải độ năm, bảy năm. Nhưng nếu không bắt đầu một cách rốt ráo thì tình trạng này có thể sẽ được cải thiện một chút, nhưng Việt Nam vẫn là chỗ trũng về tiếng Anh trong khu vực, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của Việt Nam trong tương lai, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

RFI : Dạ còn tiếng Pháp thì sao ạ ?

Tiếng Pháp là ngoại ngữ thứ hai. Tiếng Pháp, tiếng Hoa và một số tiếng khác, chúng tôi nghĩ cũng rất quan trọng. Và đối với sinh viên học đại học chẳng hạn, thì về nguyên tắc sẽ phải học ngoại ngữ thứ hai. Nhưng mà tiếng Anh là tiếng mà người nào cũng cần phải biết.

RFI : Ông nói là phổ cập tin học thì dễ, nhưng có lẽ trong lớp trẻ thôi, còn lớp người 40, 50 tuổi thì nhiều người vẫn gặp khó khăn trong việc sử dụng công cụ tin học ?

Thực ra rào cản đó là trở ngại về mặt tâm lý thôi, giống như hiện tượng dị ứng với những cái mới. Chứ còn về mặt khó khăn thì không khó. Tức là từ không biết đến biết, chỉ bỏ ra rất ít công sức. Nó khác hẳn so với học một ngoại ngữ, từ không biết gì cho đến biết, tức là phổ cập thực sự. Tôi nói không khó là để so sánh với vấn đề phổ cập một ngoại ngữ, để ngoại ngữ đấy trở thành một công cụ sử dụng quốc gia.

RFI : Theo tiến sĩ thì mục tiêu giáo dục phổ thông bắt buộc là nên đến cấp lớp nào ?

Hiện nay ở Việt Nam phổ cập bắt buộc là hết lớp 5, tức là hết tiểu học. Tuy nhiên ở một số địa phương mà có điều kiện kinh tế phát triển như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thì mục tiêu đang đặt ra là phổ cập đến hết lớp 9. Còn các tỉnh khác thì tùy theo điều kiện kinh tế xã hội mà mục tiêu này có thể đặt thời gian muộn hơn. Nhưng đến một lúc nào đấy, thì mục tiêu trung học trình độ 9 năm phải là một cơ sở văn hóa chung để phổ cập cho tất cả các đối tượng nằm trong độ tuổi quy định.

RFI : Nói về giáo dục thì vô cùng, nhưng theo tiến sĩ thì Việt Nam cần phải cải tiến những gì ?

Hiện nay đang có những hội nghị, diễn đàn, bàn về vấn đề rất lớn là làm thế nào trong những năm tới tiến hành đổi mới cơ bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam. Cơ bản tức là phải đụng đến cội rễ của vấn đề, còn toàn diện là tất cả những gì liên quan đến lãnh vực giáo dục đào tạo đều phải đụng đến hết. Cuối năm nay sẽ có những nghị quyết của Nhà nước về vấn đề này.

Tuy nhiên trong lịch sử Việt Nam có một số cuộc cải cách không phải cái nào cũng mang lại hiệu quả mong muốn. Đây đang là một dịp mà có nhiều ý kiến khác nhau, cần phải làm thế nào để sự đổi mới là đổi mới thực sự. Chứ không đơn thuần là những thay đổi mang tính chắp vá của những cái mà có thể trước đây mình làm tốt trong những thời điểm lịch sử, nhưng đến nay không còn phù hợp nữa.

RFI : Đúng là vấn đề giáo dục hết sức quan trọng với tất cả các quốc gia…

Vấn đề giáo dục quan trọng thật, vì tương lai của Việt Nam, chúng tôi vẫn nghĩ nó phụ thuộc rất lớn vào vấn đề mình phát triển giáo dục như thế nào. Đã qua cái thời mà sức mạnh quốc gia được quyết định bởi tiềm năng quân sự. Cũng đã qua cái thời mà sức mạnh quốc gia được quyết định bởi tài nguyên, sức mạnh kinh tế mà mình có thể gặt hái được từ tự nhiên. Và khi mà chuyển sang nền kinh tế tri thức, nền kinh tế định hướng dịch vụ, thì sức mạnh quốc gia, trong một chừng mực nhất định, được quyết định rất lớn bởi việc mình có một nguồn nhân lực được đào tạo tốt.

Ở Việt Nam thì có nguồn nhân lực, nhưng vẫn đang ở dạng tiềm năng nhiều hơn. Cho nên nếu mà chuyển nguồn nhân lực đang có thành nguồn nhân lực được đào tạo tốt, thì đấy sẽ là động lực, là tiền đề để Việt Nam có thể phát triển nhanh trong những năm tới.

RFI : Theo ông thì Việt Nam đã đầu tư đầy đủ vào giáo dục chưa, và đầu tư đó có hiệu quả không?

Chúng tôi nghĩ Việt Nam là một trong những quốc gia mà phần trăm chi cho giáo dục là lớn. Mà ngay ở Pháp thì đầu tư ngân sách cho giáo dục chắc cũng chỉ trên 10% trong tổng chi ngân sách của Nhà nước. Thì con số Việt Nam đầu tư riêng cho giáo dục đã khoảng 20% ngân sách. Những phần khác đầu tư cho y tế, an ninh quốc phòng, cho các dịch vụ xã hội khác nữa.

Thực ra mà nói, Việt Nam nếu so với các nước trong khu vực Đông Nam Á thôi thì chắc chỉ thua mỗi Thái Lan về tỉ lệ ngân sách dành để đầu tư cho giáo dục. Nhưng chất lượng hệ thống giáo dục nói chung vẫn đang còn quá nhiều vấn đề không được xã hội hài lòng.

Cái này tôi nghĩ có lẽ có cả hai lý do. Lý do thứ nhất, nhiều khi đầu tư không hiệu quả. Bởi vì đầu tư bao nhiêu cho giáo dục đại học, bao nhiêu cho phổ thông, cho nhà trẻ, mẫu giáo ; cái nào dành cho phát triển sách giáo khoa v.v…ở Việt Nam thì chỗ nào cũng có những vấn đề nhất định. Cho nên tiền của Nhà nước nhiều khi sử dụng không được hiệu quả cho lắm. Có những việc cần làm thì chưa chắc đã được đầu tư một cách thỏa đáng. Có những việc không đáng làm thì có khi tiền lại nằm ở đấy, hoặc là làm mà không được kết quả như ý muốn.

Nhưng khía cạnh thứ hai nữa, để đầu tư vào hệ thống giáo dục phải là đầu tư từ nhiều thành phần, chứ không đơn thuần chỉ đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Việc thu hút đầu tư cho giáo dục từ những nguồn ngoài ngân sách Nhà nước thì hiện nay Việt Nam chỉ mới làm ở một mức độ nhất định. Chẳng hạn như trong lãnh vực giáo dục đại học, thì tỉ lệ sinh viên trường tư hiện nay mới chiếm khoảng độ 14%. So với các nước xung quanh, đây là một tỉ lệ rất thấp.

Trong thời gian tới thực ra cũng rất khó thể tăng phần trăm ngân sách cho giáo dục. Tuy nhiên vấn đề làm thế nào để thu hút được các thành phần ngoài Nhà nước, trong đấy có cả các nhà đầu tư nước ngoài, các thành phần kinh tế khác đầu tư vào giáo dục, thì đó là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng.

RFI : Xin rất cám ơn tiến sĩ Lê Trường Tùng, hiệu trưởng trường đại học FPT, đã vui lòng dành thì giờ trả lời phỏng vấn của RFI hôm nay.
 

lundi 13 août 2012

Tham vọng của Trung Quốc đe dọa đồng thuận ASEAN

Một trường tư dạy tiếng Hoa ở Phnom Penh
Bài đăng : Thứ hai 13 Tháng Tám 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 13 Tháng Tám 2012 
 
Cam Bốt, Lào và Miến Điện, ba thành viên nghèo của Hiệp hội các nước Đông Nam Á - ASEAN - đang là đối tượng ve vãn của Trung Quốc. Do hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận toàn khối, ASEAN khó có thể có được tiếng nói chung trên các vấn đề có tranh chấp với Trung Quốc, nếu một thành viên ASEAN chiều theo ý Bắc Kinh.

Việc Trung Quốc trở nên thân thiết hơn với Cam Bốt, một trong những nước nghèo nhất khu vực, là một thách thức cho sự đồng thuận giữa các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Philippines và Việt Nam hiện đang bị dấn vào cuộc tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh tại Biển Đông.

Đầu tư của Trung Quốc vào Cam Bốt đã đạt 1,55 tỉ euro, hơn gấp đôi so với tổng số đầu tư của các nước ASEAN (gồm Việt Nam, Lào, Cam Bốt, Thái Lan, Miến Điện, Philippines, Indonesia, Malaysia, Singapore và Brunei) vào đây.

Bà Bonnie Glaser, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington nhấn mạnh : « Trong khi các món tiền cho vay và các dự án cơ sở hạ tầng của Bắc Kinh làm lợi cho khu vực, thì tâm lý thù địch lại tăng lên. Người ta lo ngại bị lệ thuộc quá mức vào Trung Quốc, cũng như nguy cơ chịu thiệt thòi nếu bị gây áp lực về kinh tế ».

Ngành du lịch Cam Bốt hy vọng thu hút được một triệu khách Trung Quốc mỗi năm từ nay cho đến năm 2020. Trong quý I năm nay, đã có 151.887 du khách Trung Quốc đến Cam Bốt, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng Trung Quốc : Đã có 40.000 người Cam Bốt đăng ký học các trường dạy tiếng Hoa, trong khi dân các nước láng giềng hầu hết đều chuộng tiếng Anh. Một người đang học tiếng Hoa ở một trường tư cho rằng « học tiếng Hoa thiết thực hơn tiếng Anh, vì nhu cầu nhiều hơn và Trung Quốc có quan hệ tốt với Cam Bốt, như vậy sẽ có nhiều người Trung Quốc đến đây làm ăn ».

Việc Trung Quốc ve vãn Cam Bốt cùng với Lào và Miến Điện, hai nước nghèo khác của ASEAN, giúp Bắc Kinh dù chỉ có tư cách khách mời trong khối này, có thể ngăn trở các quyết định của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, vì khối này hoạt động dựa trên nguyên tắc đồng thuận chung.

Tháng trước, Hội nghị Thượng đỉnh của các Ngoại trưởng ASEAN đã kết thúc mà không ra được thông cáo chung – một sự kiện lần đầu tiên xảy ra kể từ 45 năm qua. Theo Manila, đó là do Bắc Kinh đã thúc đẩy Phnom Penh bác bỏ hết tất cả những câu, từ liên quan đến việc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Còn theo các nhà ngoại giao ASEAN, thì Lào và Miến Điện rất có thể cũng đã ủng hộ thái độ của Cam Bốt.

Gần đây Trung Quốc đã bắt đầu tranh giành ảnh hưởng truyền thống của Việt Nam tại Lào, bằng cách xây dựng nhiều đường sá, cầu cống và sân vận động. Bắc Kinh cũng dành học bổng cho hàng trăm sinh viên Lào để theo học miễn phí tại các trường đại học Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Trung Quốc còn tăng đầu tư vào lãnh vực dầu khí tại Miến Điện, cho dù các nước phương Tây đã ngưng đa số các biện pháp trừng phạt Rangoon để làm giảm bớt ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Việc chia rẽ các nước ASEAN nhằm phục vụ cho chiến lược của Trung Quốc, luôn tìm cách thương lượng song phương với các đối thủ tại Biển Đông, nhờ đó Bắc Kinh luôn ở cái thế của kẻ mạnh, và khiến Washington phải đứng ngoài lề.

Trong khi đó, Hoa Kỳ bị thu hút trước sự tăng trưởng kinh tế tại khu vực, với chiến lược « xoay trục », đã xích gần lại nhiều nước ASEAN, đặc biệt là Việt Nam và Philippines, qua việc ký kết các hiệp ước hợp tác quân sự, giúp các nước này mạnh mẽ hơn trong tranh chấp lãnh thổ trước Trung Quốc.

tags: ASEAN - Biển Đông - Cam Bốt - Châu Á - Kinh tế - Trung Quốc
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120813-tham-vong-cua-trung-quoc-de-doa-su-dong-thuan-cua-cac-nuoc-asean 
 

Đài Loan sẽ tập trận bắn đạn thật tại đảo Ba Bình- Trường Sa

Đảo Ba Bình của Việt Nam bị Đài Loan chiếm đóng
Bài đăng : Thứ hai 13 Tháng Tám 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 13 Tháng Tám 2012 
 
Lực lượng tuần duyên Đài Loan, hôm qua 12/08/2012, cho biết sẽ tiến hành tập trận bắn đạn thật tại đảo Ba Bình trong tháng Chín, với các loại đại bác và súng cối mới có tầm bắn xa hơn. Đây là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam thuộc quần đảo Trường Sa, bị Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan ngày nay) dùng danh nghĩa giải giáp tàn quân Nhật để chiếm đóng vào năm 1947. Hành động này có nguy cơ gây thêm căng thẳng trong tình hình hiện nay.

Theo tờ United Evening News của Đài Loan, cuộc tập trận trên đây sử dụng pháo 40 ly và súng cối 120 ly loại mới. Kiểu súng cối 120 ly này có tấm bắn đến 6,1 km so với loại đang được lực lượng tuần duyên Đài Loan sử dụng hiện nay chỉ có tầm bắn 4,1 km. Tờ báo cho biết nhiều dân biểu Đài Loan sẽ đến quan sát.
AFP nhận định, Biển Đông giàu tài nguyên và là đường giao thương hàng hải quan trọng, hiện đang là điểm nóng với một loạt các tranh chấp về chủ quyền giữa Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.

Việt Nam vừa qua đã phản đối mạnh mẽ khi tuần rồi Đài Bắc đưa đến đảo Ba Bình các loại vũ khí mới để chuẩn bị tập trận. Ngoại trưởng Đài Loan đáp lại bằng tuyên bố : « Đảo Thái Bình (tên Đài Loan đặt cho đảo Ba Bình) là một trong các hòn đảo tại khu vực đã được Đài Loan quản lý từ lâu. Chủ quyền của Đài Loan là không thể tranh cãi ».

Ngoại trừ Brunei, tất cả các bên đang đòi hỏi chủ quyền đều có quân đóng tại quần đảo Trường Sa gồm trên 100 đảo nhỏ, đảo đá ngầm và đảo san hô, trải ra trên vùng biển rộng lớn nhưng tổng diện tích đất không đầy năm cây số vuông.

Tình hình tại Biển Đông trong tháng qua càng thêm căng thẳng, khi Bắc Kinh loan báo việc thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa và đội quân đồn trú tại đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm vào năm 1974, khiến Hoa Kỳ đã phải lên tiếng.

tags: Biển Đông - Châu Á - Quân sự - Trường Sa - Đài Loan
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120813-dai-loan-se-tap-tran-ban-dan-that-tai-dao-ba-binh 
 

Đông Nam Á : Mỗi năm 15 000 người chết vì ô nhiễm

Một đường phố Bắc Kinh đầy bụi khói
Bài đăng : Thứ hai 13 Tháng Tám 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 13 Tháng Tám 2012 
 
Theo một công trình nghiên cứu được Nature Climate Change công bố hôm qua 12/08/2012, hàng năm có gần 15.000 người chết tại Đông Nam Á vì nạn ô nhiễm do cháy rừng và đốt đồng.

Các trường hợp tử vong là do các cơn đau tim và bệnh phổi xảy ra liên tục cùng với độ ozone cao, và việc phải hít vào các phân tử cực nhỏ từ các trận cháy do nông dân đốt rừng hoặc đốt đồng. Khi trời hanh khô, ngọn lửa có thể lan tràn ở những nơi có vỉa than bùn, và tiếp tục cháy trong nhiều tháng không thể kiểm soát nổi.

Một đội ngũ các nhà nghiên cứu do Miriam Marlier thuộc trường đại học Columbia ở New York điều hành, đã so sánh mức độ ozone và các phân tử nhỏ trong không khí, sau các trận hỏa hoạn ở Đông Nam Á từ 1997 đến 2006. Các phân tử này có đường kính dưới 2,5 micromet, có thể lọt vào phổi một cách dễ dàng.
Mức độ ô nhiễm tăng cao trong những năm có hiện tượng El Nino gây mưa lũ tại vùng duyên hải nhiệt đới phía đông Thái Bình Dương, tức tại Trung và Nam Mỹ, và nạn hạn hán tại vùng duyên hải đông phương.

Trong thời gian được nghiên cứu kể trên, có ba lần El Nino xuất hiện, trong đó hiện tượng xảy ra vào năm 1997-1998 được xem là nặng nề nhất trong thế kỷ 20. Khi ấy lượng phân tử do lửa đốt đồng gây ra có thể cao gấp 50 lần so với lúc có hiện tượng La Nina – một hiện tượng trái ngược với El Nino, làm bờ tây Thái Bình Dương có độ ẩm rất cao.

Trong thời kỳ mạnh nhất, lượng các phân tử nhỏ trong suốt 200 ngày đã vượt quá tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới. Nếu tính toàn bộ 540 triệu dân trong khu vực, thì nạn ô nhiễm này đã làm tăng 2% số lượng tử vong ở người lớn do các vấn đề tim mạch, tức tăng thêm 10.800 người chết hàng năm. Còn mức ozone tăng cũng làm tăng thêm 4.100 trường hợp tử vong.

Tầng ozone tạo thành một tấm chắn các tia tử ngoại trong bầu khí quyển, nhưng tại mặt đất thì lại kích thích bộ máy hô hấp, gây nghẹt thở, ho và các cơn đau ngực đối với người già hay những người nhạy cảm. Theo một số nhà nghiên cứu, thì hiện tượng hâm nóng khí hậu có thể làm tăng tác động của El Nino.

tags: Châu Á - Môi trường - Ô nhiễm - Theo dòng thời sự
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120813-o-nhiem-giet-hai-15-ngan-nguoi-dong-nam-a-hang-nam 
 

Dượng rể của Kim Jong Un đi Trung Quốc để bàn về hai đặc khu kinh tế

Ông Jang Song Thaek lúc vừa đến phi trường Bắc Kinh
Bài đăng : Thứ hai 13 Tháng Tám 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 13 Tháng Tám 2012 
 
Ông Jang Song Thaek, dượng rể của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, hôm nay 13/08/2012, lên đường đi Trung Quốc để bàn bạc về việc cùng triển khai hai đặc khu kinh tế. Hãng thông tấn chính thức KCNA của Bắc Triều Tiên cho biết như trên.

Phái đoàn Bắc Triều Tiên do ông Jang Song Thaek dẫn đầu, sẽ tiến hành vòng đàm phán thứ ba về Khu thương mại Rason, và hai đặc khu kinh tế Hwanggumphyong, Wihwado.
Ông Jang Song Thaek là chồng bà Kim Kyong Hui, em cố lãnh tụ Kim Jong Il, và theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap thì ông Jang làm Phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Bắc Triều Tiên.

Bình Nhưỡng và Bắc Kinh đang hợp tác phát triển hai đặc khu kinh tế Hwanggumphyong và Wihwado trên hai cù lao ở cửa sông Áp Lục, biên giới hai nước. Hồi tháng Sáu, Bình Nhưỡng loan báo người ngoại quốc sẽ được miễn thị thực nhập cảnh vào đặc khu kinh tế mới nằm gần bờ tây, đồng thời được miễn thuế.

Hãng tin Yonhap hồi tháng Hai cho biết Trung Quốc sẽ đầu tư khoảng 3 tỉ đô la để triển khai một khu mậu dịch tự do quanh cảng Rason ở miền đông bắc, gần biên giới Nga – Trung.

Quốc gia cộng sản nghèo khổ cố gắng vực dậy nền kinh tế, thông qua đầu tư nước ngoài vào các đặc khu. Trung Quốc, đồng minh chủ chốt của Bắc Triều Tiên đã nhiều lần khuyến khích Bình Nhưỡng mở cửa.
Bắc Triều Tiên ngày càng lệ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc, do vẫn bị quốc tế cấm vận vì chương trình nguyên tử của nước này.

tags: Bắc Triều Tiên - Châu Á - Kinh tế - Theo dòng thời sự - Trung Quốc
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120813-duong-re-cua-kim-jong-un-di-trung-quoc-de-ban-ve-hai-dac-khu-kinh-te 
 

Philippines lo ngại dịch bệnh sau lũ lụt

Ba chú cẩu nạn nhân lũ lụt ở Manila
Bài đăng : Thứ hai 13 Tháng Tám 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 13 Tháng Tám 2012
 
Sau trận lũ lụt đã làm cho 92 người chết, hiện nay 80% diện tích thủ đô Philippines vẫn đang chìm ngập trong nước. Có 3,4 triệu người bị ảnh hưởng, trong đó nửa triệu người phải tạm trú tại các trường học và nhà thờ, trong các điều kiện vệ sinh tồi tệ khiến chính quyền lo ngại dịch bệnh bùng phát, và hôm nay 13/08/2012? lại có thêm một trận bão mới đe dọa. 
 
Từ Manila, thông tín viên Gabriel Kahn gởi về bài tường trình :

« Tại Laguna ở ngoại vi Manila hôm Chủ nhật, nước vẫn lên cao đến giữa đùi. Các trường học tạm nghỉ, nhưng cuộc sống lại bắt đầu? dù phải lội trong nước lụt. Nhiều thành phố khác vẫn còn bị ngập, và những nơi nào nước đã rút thì bị tràn ngập bởi hàng trăm tấn rác rưởi do dòng nước lũ mang đến.

Trong hy vọng phòng ngừa được các loại dịch bệnh, chính quyền Philippines thông báo sẽ phân phát miễn phí các loại thuốc trị bệnh xoắn trùng. Đây là một bệnh nhiễm trùng chết người, mầm bệnh đến từ nước tiểu của chuột cống bị hòa lẫn trong nước.

Chính quyền Philippines cũng lo ngại về những trường hợp sốt siêu vi, một dạng sốt rét cực độc. Chính phủ đã kêu gọi dân chúng khi đến các nhà thuốc tư nhân nên mua các loại thuốc gốc (générique) thay vì các thuốc men đặc chế, để tiết kiệm.

Hơn nửa triệu người vẫn đang tiếp tục ở các trại tạm cư. Trong khi đó, một cơn bão nhiệt đới mới đang tiến gần Philippines, trận bão này đã được đặt tên là Helen ».

tags: Châu Á - Philippines - Theo dòng thời sự - Thiên tai - Xã hội
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120813-philippines-lo-ngai-dich-benh-sau-lu-lut

dimanche 12 août 2012

Lưu Á Châu, tướng Trung Quốc ngưỡng mộ Mỹ


Tướng Lưu Á Châu
(Le Monde 11/08/2012) Việc Lưu Á Châu (Liu Yazhou) được Hồ Cẩm Đào phong tướng cùng với năm sĩ quan cao cấp khác vào cuối tháng Bảy đã gây chú ý. Hiện là chính ủy trường đại học Quốc phòng ở Bắc Kinh, ông Lưu Á Châu, 60 tuổi, là một quân nhân đặc biệt. 

Là tác giả một số tiểu thuyết chiến tranh và tiểu luận quân sự đã gặt hái ít nhiều thành công, trong một loạt bài báo được tạp chí Hồng Kông Phoenix đăng tải năm 2010, ông đã ca ngợi hệ thống Mỹ : « Bí mật thành công của Hoa Kỳ không phải là Wall Street hay thung lũng Silicon, mà là một Nhà nước pháp quyền và hệ thống hỗ trợ cho Nhà nước pháp quyền…Dân chủ là một nhiệm vụ khẩn cấp, nếu không thì sẽ không có sự trỗi dậy bền vững ». Ngược lại, một hệ thống « ngăn trở các công dân tự do biểu đạt ý kiến và tự do hóa tối đa sáng tạo…chắc chắn đang tiêu vong ».

Một tạp chí khác của Hồng Kông hồi năm 2009 đã trích đăng một đoạn trong bài diễn văn của Lưu Á Châu, trong đó ông tán đồng việc hai tướng lãnh đã từ chối điều xe tăng đến tàn sát những người biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn năm 1989.

Nhưng vị tướng chủ trương dân chủ cũng là một người nhiệt thành theo chủ nghĩa dân tộc : ông đã nhiều lần lên án Nhật Bản trong các bài viết của mình. Và ông là người viết lời tựa cho tác phẩm của đại tá dân tộc chủ nghĩa Lưu Minh Phúc (Liu Mingfu), « Giấc mơ Trung Quốc » trở thành một đại cường. 

Nhà Trung Quốc học Michel Bonnin ở Bắc Kinh nhận xét : « Đó là một người theo chủ nghĩa dân tộc theo truyền thống 4 tháng Năm (năm 1919, một phong trào ái quốc cấp tiến chống Nhật), tin rằng cần phải hiện đại hóa Trung Quốc không chỉ về khoa học kỹ thuật, mà còn về ý thức hệ ».

Nhất là Lưu Á Châu còn là một taizi (thái tử, tức « hoàng tử đỏ ») không phải loại tầm thường. Bố vợ của ông chính là Lý Tiên Niệm (Li Xiannan), Chủ tịch nước từ 1983 đến 1988, còn cha ông là Lưu Kiến Đức (Liu Jiande), cựu phó chính ủy Lan Châu, nên mới có thể mạnh miệng.

Hồ Tinh Đẩu (Hu Xingdou), thuộc Viện Kỹ thuật Bắc Kinh cho rằng: “Lưu Á Châu đúng là một quân nhân hiện đại, có ý thức dân chủ. Những phát biểu mạnh bạo và các yêu sách chính trị của ông rất khác biệt so với các quân nhân khác, mang lại một hình ảnh mới cho giới quân sự Trung Quốc. Nhưng một quân nhân cấp thấp nào khác nếu nói y như ông thì chắc đã bị đàn áp rồi ». 

Đáng ngạc nhiên hơn nữa, người anh em của Lưu Á Châu là Lưu Á Vĩ (Liu Yawei) chính là giám đốc chương trình Trung Quốc của nhóm tư vấn Mỹ Carter Center, nhà Trung Quốc học tài giỏi chuyên nghiên cứu về bầu cử ở nông thôn. Ông Lưu Á Vĩ đã viết một bài phân tích dài trên tạp chí China Elections and Governance Review do ông phụ trách, số tháng 4/2010, về ngõ cụt của “mô hình Trung Quốc”, và sự cần thiết phải dân chủ hóa.

Việc Lưu Á Châu được thăng cấp tướng là một dấu hiệu tốt, theo như ông Lý Thành (Cheng Li), chuyên gia về chuyển giao hòa bình tại Trung Quốc ở Brookings Institution, Hoa Kỳ : « Lưu Á Châu là một lãnh đạo rất có năng lực, dường như đều được Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình cùng ủng hộ. Việc này cộng với sự kiện vừa được phong tướng sẽ làm cho ông ta trở thành khuôn mặt chủ chốt tại Bộ Tổng tham mưu trong những năm tới, đặc biệt trên mặt trận ý thức hệ và chính trị. Sự kết hợp giữa chủ trương dân chủ và khuynh hướng dân tộc là một trong những điểm rất thu hút dưới mắt công chúng Trung Quốc ngày nay ». 

Mời đọc thêm: 

samedi 11 août 2012

Trung Quốc : Đảng nhất định không « buông » quân đội

Diễu binh tại một căn cứ  hải quân ở Hồng Kông nhân ngày thành lập quân đội TQ 1/8.

(Le Monde 11/08/2012) Từ cuối tháng Bảy, các nhà lãnh đạo Trung Quốc họp tại Bắc Đới Hà, một thành phố biển nằm không xa Bắc Kinh, để tiến hành vòng thương lượng quan trọng cuối cùng trước khi bước vào Đại hội lần thứ 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ diễn ra vào tháng Mười, khi đa số trong ban lãnh đạo sẽ rời chức vụ.

Bên cạnh việc thay mới Ban thường vụ Bộ Chính trị - cơ quan tối cao của Đảng, và dưới nữa là Bộ Chính trị, cơ cấu sắp tới của Quân ủy Trung ương cũng là một trong những chủ đề được bàn bạc. Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc do Đảng kiểm soát qua hệ thống lãnh đạo song đôi, gồm các chính ủy và một ban lãnh đạo (Quân ủy Trung ương), hiện do Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào kiêm Chủ tịch Quân ủy Trung ương chỉ đạo.

Phó chủ tịch Quân ủy là Tập Cận Bình, người được chỉ định lên thay ông Hồ Cẩm Đào sau đại hội tháng Mười. Các ông Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình là hai ủy viên thường vụ Bộ Chính trị duy nhất có chân trong Quân ủy, một vị trí đảm bảo ưu thế tuyệt đối so với bảy vị « hoàng đế » khác trong ban lãnh đạo. Đến nỗi mà theo gương Đặng Tiểu Bình rồi Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào sẽ giữ lại chiếc ghế Chủ tịch Quân ủy một hay hai năm, cho dù Tập Cận Bình đã lên nắm chức Tổng bí thư. Mục đích là gì ? Để tiếp tục theo dõi di sản chính trị của mình.

Đề tài được lặp đi lặp lại là việc « quốc hữu hóa » quân đội - tức quân đội phục vụ đất nước và Hiến pháp chứ không phải phục vụ Đảng, được một số cán bộ quân đội và giới dân chủ đòi hỏi - trở nên vô cùng nhạy cảm trong thời kỳ chuyển tiếp. Một nhà báo Trung Quốc đã phải trả giá mới học được điều đó.

Đội quân 2,3 triệu người

Yu Chen, biên tập viên chính của bộ phận điều tra thuộc Nam Phương đô thị báo ở Quảng Đông, một trong những tờ báo có khuynh hướng tự do nhất tại Trung Quốc, đã phải từ nhiệm hồi tháng Năm sau khi mục của ông trên mạng Vi Bác đưa lên thông điệp như sau : « Nếu phải xem Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc là thuộc về Đảng Cộng sản, thì nhân dân cần phải thành lập một quân đội khác ! ». 

Yu Chen công nhận sự kiện này (với Le Monde) nhưng không muốn nói thêm chi tiết.

Không phải là vô tình khi thông điệp trên đánh trúng điểm nhạy cảm nhất. Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình là hai thành viên dân sự duy nhất của Quân ủy Trung ương, trong đó Bộ trưởng Quốc phòng là tướng Lương Quang Liệt chỉ là một ủy viên. Số còn lại đều thuộc giới quân sự. Thế nhưng cần phải thay thế 7/12 thành viên hiện nay sau đại hội. 

Quân đội với 2,3 triệu người có những toan tính chính trị riêng của mình. Chẳng hạn Đoàn Thanh niên Cộng sản, xuất thân của Hồ Cẩm Đào và những người thân cận, không có chân trong đó. Thế nên ông Tổng bí thư phải xây dựng một lực lượng trung thành của riêng mình trong quân đội, bằng cách thăng cấp cho những người chủ chốt. Trong khi đó quân đội có một số lượng quan trọng các « hoàng tử đỏ » (con cái các nhà lão thành cách mạng). Cùng là « con giòng cháu giống », họ có thể liên kết lại những nhóm nhỏ với tham vọng đôi khi quá mức – như đã thấy trong trường hợp Bạc Hy Lai.

Nhà trí thức Hu Xingdou nói với Le Monde : « Lăng-xê những con ông cháu cha này là điều cần thiết (cho một nhà lãnh đạo) nhằm đảm bảo có được sự ủng hộ của thế hệ trước và củng cố quyền hành. Những sự thu xếp trong Quân ủy là với mục đích đảm bảo việc Đảng tiếp tục lãnh đạo quân đội. Sự chọn lựa các ứng viên tùy thuộc vào sự cân bằng giữa các phe nhóm lẫn cảm tình của các lãnh đạo. Bắc Triều Tiên theo hệ thống cha truyền con nối, còn Trung Quốc thì kế tục theo tập thể, trong số hàng trăm gia đình có máu mặt ». 

Không khí phê bình

Hồi tháng Ba, báo chí Hồng Kông đã loan tải các rắc rối mà tướng Chương Thấm Sanh (Zhang Qinsheng) gặp phải, nhân vật mà có lúc đã từng được cho là sẽ lên làm Tổng tham mưu trưởng quân đội. Ông đã bày tỏ sự ủng hộ việc « phi chính trị hóa », và gây ồn ào nhân một buổi tiệc mừng Tết âm lịch có sự hiện diện của Hồ Cẩm Đào, về những « thủ đoạn » chi phối trong sự thăng tiến ở Quân ủy. 

Vị tướng này vẫn ở nguyên vị trí, nhưng cơ hội bước vào cơ quan quyền lực cao nhất coi như tiêu tùng. Tuy vậy vấn đề vẫn nóng bỏng : « Việc Bộ trưởng Quốc phòng tương lai có được cho giữ một chức vụ như là Phó chủ tịch Quân ủy trung ương hay không, là một trong những câu hỏi quan trọng về cơ cấu ». Một quan sát viên ngoại quốc chuyên về quân sự Trung Quốc giải thích như trên. Nhà quan sát này không chờ đợi một thay đổi lớn nào về cơ cấu, trong không khí phê bình ở quân đội hiện nay.

Phải nói rằng bối cảnh chính trị hiện giờ là đặc biệt tế nhị : xì-căng-đan Bạc Hy Lai đã khiến quyền lực đang tập trung quanh bộ tứ « Hồ Ôn Tập Lý » (Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo và hai người kế tục là Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường). Và thời gian chuyển giao thế hệ đang đến gần cũng làm tái sinh hy vọng về dân chủ hóa phần nào, dưới sự kiểm soát của chế độ. Cách đây vài năm còn là đề tài cấm kỵ, nay sự cần thiết phải « cải cách chính trị » tại Trung Quốc đang ngày càng được nhiều người ủng hộ.

Nhưng các đấu đá kịch liệt trong nội bộ cũng đang làm sôi bỏng Đảng Cộng sản Trung Quốc : nhất thiết đây không phải là thời điểm để Đảng buông lơi « thương cán tử » - quân đội là bảo đảm duy nhất cho việc nắm vững quyền lực. 

Bây giờ là lúc phải tỏ lòng trung thành tuyệt đối với chế độ. Thông điệp trên đã được đưa ra nhân kỷ niệm 85 năm ngày thành lập quân đội Trung Quốc 1/8. Những hoàng tử đỏ « quậy » nhất đã tỏ ra ngoan ngoãn hơn – chẳng hạn như tướng Lưu Nguyên, con của cựu Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ và là người tổ chức chiến dịch chống tham nhũng trong quân đội, từng gây tiếng vang rất lớn.

Mời đọc lại:

vendredi 10 août 2012

Một phụ nữ Trung Quốc được tha khỏi trại cải tạo nhờ cư dân mạng phản đối

Bà Đường Tuệ và áp-phích tìm con lúc con gái mới mất tích.
Bài đăng : Thứ sáu 10 Tháng Tám 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 10 Tháng Tám 2012 
Một phụ nữ Trung Quốc bị bắt đi cải tạo lao động vì đòi tăng án phạt đối với bảy người đàn ông đã buộc con gái bà phải hành nghề mại dâm, hôm nay 10/08/2012 đã được trả tự do, sau khi cư dân mạng đã đồng loạt lên tiếng ủng hộ bà. Hãng tin Pháp AFP dẫn nguồn tin từ báo chí Trung Quốc cho biết như trên.

Bà Đường Tuệ (Tang Hui) đã bị phạt 18 tháng « cải tạo lao động », sau khi đã nhiều lần đến bên ngoài trụ sở chính quyền địa phương, kịch liệt phản đối bản án dành cho các thủ phạm mà bà cho là khoan hồng. Bà còn tố cáo công an thành phố Vĩnh Châu  thuộc tỉnh Hồ Nam  đã giả mạo các bằng chứng để bảy bị cáo trên được hưởng án nhẹ hơn.

Tân Hoa Xã cho biết, vào tháng 10/2006 con gái của bà Đường Tuệ mới 11 tuổi đã bị bảy người đàn ông bắt cóc và cưỡng hiếp, rồi buộc phải bán dâm. Hai tháng sau cô bé mới được giải cứu, sau khi đã phải tiếp khách hơn 100 lần.

Việc bà Đường Tuệ bị bắt đi cải tạo đã gây nên một làn sóng phẫn nộ trong dư luận Trung Quốc, đặc biệt là trên mạng. Hàng ngàn người cũng đã chỉ trích chế độ cải tạo lao động vốn thường dành cho các nhà ly khai, và đòi hỏi cần có sự cải cách.

Cũng theo Tân Hoa Xã, bà Đường Tuệ được trả tự do hôm nay nhờ luật sư của bà đã kháng cáo. Chính quyền còn hứa sẽ xem xét lại vụ làm giả chứng cứ của công an, theo như tố cáo của bà.

tags: Châu Á - Pháp luật - Trung Quốc - Xã hội
 http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120810-trung-quoc-mot-phu-nu-duoc-tra-tu-do-nho-phong-trao-phan-doi-tren-internet

Tokyo cực lực phản đối vụ Tổng thống Hàn Quốc đi thăm quần đảo tranh chấp

Tổng thống Hàn Quốc thăm Dokdo/Takeshima ngày 10/08/2012.
Bài đăng : Thứ sáu 10 Tháng Tám 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 10 Tháng Tám 2012 
 
Hôm nay 10/08/2012, Nhật Bản đã triệu tập đại sứ Hàn Quốc ở Tokyo và triệu hồi đại sứ Nhật ở Seoul về nước, sau khi có thông báo về việc Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak trong cùng ngày đã đến thăm quần đảo Dokdo/ Takeshima đang được Nhật đòi hỏi chủ quyền. Đây là lần đầu tiên một nguyên thủ Hàn Quốc đến thăm quần đảo mà hai nước cùng tranh chấp từ nhiều thập kỷ.

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Koichiro Gemba khẳng định, chuyến đi của Tổng thống Hàn Quốc sẽ gây « một tác động lớn đến quan hệ song phương », và tuyên bố Tokyo sẽ đáp trả « mạnh mẽ ». Thủ tướng Yoshihiko Noda cấp tốc họp báo để tố cáo một chuyến đi "vô cùng đáng tiếc".

Theo hãng thông tấn Nhật Jiji, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak hôm nay đã đến quần đảo tại biển Nhật Bản, mà Seoul gọi là Dokdo còn Tokyo gọi là Takeshima. Quần đảo này gồm hai đảo nhỏ và khoảng 35 đảo đá ngầm, với tổng diện tích 18,7 hecta. Dân cư trên đảo chỉ có một cặp vợ chồng già. Tuy vậy Seoul cũng duy trì một đội tuần duyên nhỏ tại đây từ năm 1954.

Chuyến thăm quần đảo tranh chấp của ông Lee Myung Bak diễn ra trong lúc chỉ còn vài ngày nữa là đến dịp kỷ niệm ngày Nhật đầu hàng đồng minh, 15/08/1945, chấm dứt 35 năm chiếm đóng Triều Tiên. Truyền hình Hàn Quốc chiếu cảnh ông Lee Myung Bak khích lệ đội tuần duyên, và chụp hình kỷ niệm trước một đảo đá có sơn chữ "Lãnh thổ của Cộng hòa Triều Tiên" (tên chính thức của Hàn Quốc).

Hồi tháng Năm, lẽ ra Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan Jin  đến Tokyo để ký kết hiệp định hợp tác quân sự đầu tiên với Nhật Bản, nhưng rốt cuộc Seoul đã hoãn lại. Một nhân vật có trách nhiệm trong quân đội cho biết đó là do « ý kiến của công chúng ».

Cho dù Nhật Bản và Hàn Quốc có liên hệ chặt chẽ về kinh tế, nhưng quan hệ hai nước vẫn bị quá khứ của thời kỳ đô hộ trước đây làm ảnh hưởng. Chẳng hạn Tokyo luôn từ chối đền bù cho các phụ nữ Hàn Quốc bị buộc phải phục vụ tình dục trong thời kỳ đệ nhị thế chiến.

tags: Châu Á - Hàn Quốc - Lãnh hải - Nhật Bản
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120810-nhat-ban-phan-ung-manh-truoc-viec-tong-thong-han-quoc-di-tham-quan-dao-tranh-chap 
 

Dân Rohingya: Miến Điện mời Tổ chức Hợp tác Hồi giáo đến tìm hiểu "sự thật"

Bài đăng : Thứ sáu 10 Tháng Tám 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 10 Tháng Tám 2012 
 
Tờ báo chính thức của Miến Điện, New Light of Myanmar hôm nay 10/08/2012 cho biết, Tổng thống Thein Sein đã ngỏ lời mời Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OCI) - người vừa tố cáo nạn « thanh lọc chủng tộc » đối với người thiểu số Hồi giáo Rohingya - đến Miến Điện để thấy được « sự thật ».

Các cuộc bạo động giữa người Phật giáo vào Hồi giáo hồi tháng Sáu tại bang Rakhine đã làm cho khoảng 80 người chết, theo số liệu chính thức. Chủ nhật 5/8 vừa rồi lại có thêm bảy người khác thiệt mạng do bạo động, theo chính quyền bang này.

Tuy nhiên các tổ chức bảo vệ nhân quyền lên án lực lượng an ninh Miến Điện đã lạm dụng quyền lực, trước và sau các cuộc bạo động sắc tộc, đặc biệt là để trấn áp người Rohingya ; và cho rằng con số nạn nhân thực sự lớn hơn nhiều. Liên Hiệp Quốc cũng lo ngại cộng đồng người Hồi giáo bị đàn áp.

Đầu tháng Tám, Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OCI) Ekmeleddin Ihsanoglu đã yêu cầu thành lập một ủy ban điều tra Hồi giáo, tố cáo các vụ « thảm sát », « áp bức », « thanh lọc chủng tộc đối với người Hồi giáo Rohingya ».

Chính phủ Miến Điện đã « cực lực » bác bỏ những lời lên án trên đây, cam đoan rằng đã « kìm chế tối đa ». Tổng thống Thein Sein khẳng định « chỉ có 77 người chết » do bạo động. Trong cuộc gặp gỡ Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu hôm qua, ông Thein Sein nhấn mạnh là các sự kiện này « không liên quan gì đến vấn đề tín ngưỡng hay sắc tộc ».

Khoảng 800.000 người Rohingya, được Liên Hiệp Quốc xem là một trong những sắc dân thiểu số bị đàn áp nhiều nhất trên thế giới, hiện đang sống tại bang Rakhine. Họ không nằm trong số các nhóm thiểu số được chính quyền Naypyidaw công nhận. Nhiều người Miến Điện vẫn coi người Rohingya là người Bangladesh nhập cư bất hợp pháp, và không che giấu sự thù địch đối với họ.

Vào giữa tháng Bảy, Tổng thống Thein Sein cho rằng giải pháp duy nhất cho tương lai người Rohingya là tập trung vào các trại tị nạn, hay trục xuất.

tags: Bạo động - Châu Á - Miến Điện - Xã hội
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120810-bao-dong-sac-toc-mien-dien-moi-to-chuc-hop-tac-hoi-giao-den-tham-de-nhan-ra-%C2%AB-su-tha 
 

Một cựu đối lập thân Hồi giáo được bầu làm Chủ tịch Quốc hội Libya

Ông Mohamed Al Megaryef (giữa), tân chủ tịch Quốc hội Libya
Bài đăng : Thứ sáu 10 Tháng Tám 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 10 Tháng Tám 2012 
 
Quốc hội Libya hôm qua 09/08/2012 đã bầu ông Mohamed Al Megaryef, một nhà đối lập chế độ Kadhafi trước đây và thân cận với phe Hồi giáo làm chủ tịch. Được biết Quốc hội Libya đã được bầu ra từ ngày 7/7 nhưng đến tối qua mới chính thức được trao quyền. 
 
Ông Mohamed Al Megaryef, trước đây là lãnh đạo Mặt trận Cứu rỗi Quốc gia Libya tập hợp các nhà đối lập lưu vong, đã thắng trong vòng hai với 113 phiếu, trước đối thủ là Ali Zidane theo khuynh hướng tự do chỉ được 85 phiếu.

Sinh năm 1940 tại Benghazi, ông Mohamed Al Megaryef, có bằng cử nhân kinh tế và tiến sĩ về tài chính tại Anh, đã từng giữ các chức vụ trong chính quyền Kadhafi trong thập niên 70. Đến năm 1980, ông từ chức đại sứ Libya tại Ấn Độ để tham gia phong trào đối lập lưu vong, và cùng với các nhà ly khai khác thành lập Mặt trận Cứu rỗi Quốc gia Libya. Sau khi chế độ Kadhafi sụp đổ, đảng này lấy tên mới là Đảng Mặt trận Quốc gia, và ông Magaryef trở thành dân biểu.

Quốc hội Libya cũng bầu ra một Phó chủ tịch là Jommaa Atiga, một dân biểu độc lập của thành phố Misrata. Ông này cũng thắng trong vòng hai trước đối thủ thuộc Đảng Công lý và Xây dựng (PJC) xuất xứ từ phe Huynh đệ Hồi giáo. Trong phiên họp tới Quốc hội sẽ bầu thêm một Phó chủ tịch thứ hai.

Tối qua Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia Libya, tổ chức chính trị của phe nổi dậy đã tạm điều hành đất nước sau khi lật đổ Kadhafi, đã làm lễ trao quyền lại cho Quốc hội, đánh dấu lần đầu tiên chuyển giao quyền hành một cách hòa bình. Quốc hội mới sẽ chịu trách nhiệm lập chính phủ.

Hiện nay Quốc hội Libya có 200 thành viên, trong đó Liên minh các lực lượng quốc gia ( AFN) tập hợp 40 đảng nhỏ chiếm 39 trong số 80 ghế dành cho các đảng phái, đảng PJC đứng hàng thứ hai với 17 ghế, còn đảng của tân chủ tịch Quốc hội chỉ đứng thứ ba với 3 ghế. Số 120 ghế còn lại được dành cho các ứng viên độc lập.

Một thành viên của PJC cho rằng việc ông Megaryef được bầu làm chủ tịch Quốc hội là « một thắng lợi cho phe Hồi giáo ». Tuy nhiên một dân biểu độc lập cho biết, các đại biểu chọn lựa ông Megaryef làm chủ tịch là nhằm làm thăng bằng về mặt địa lý, chứ không dựa trên tín ngưỡng hay khuynh hướng chính trị.

tags: Chính trị - Libya - Quốc tế
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120810-mot-cuu-doi-lap-than-hoi-giao-duoc-bau-lam-chu-tich-quoc-hoi-libya 
 

Nhật Bản tăng gấp đôi thuế tiêu thụ, chuẩn bị bầu cử Quốc hội trước thời hạn

Một trung tâm thương mại ở Tokyo
Bài đăng : Thứ sáu 10 Tháng Tám 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 10 Tháng Tám 2012 
 
Thượng viện Nhật Bản hôm nay 10/08/2012 đã chuẩn y một đạo luật tăng gấp đôi thuế tiêu thụ nhằm làm giảm bớt số nợ công khổng lồ của Nhật. Đây là một thành công của Thủ tướng Yoshihiko Noda, tuy nhiên ông cũng nhượng bộ bằng cách cam kết sẽ nhanh chóng tổ chức bầu cử Quốc hội trước thời hạn.

Theo luật này thì thuế trị giá gia tăng (VAT) đánh vào đa số sản phẩm và dịch vụ tại Nhật Bản từ 5% hiện nay sẽ tăng lên 8% vào tháng 4/2014, và 10% vào tháng 10/2015. Đây là một trong những mục tiêu chủ yếu của Thủ tướng Noda, nhằm hạn chế việc tăng số nợ công hiện đang chiếm đến hơn 200% tổng sản phẩm nội địa, tỉ lệ cao nhất trong số các nước phát triển.

Số tiền thu được sẽ dùng để xây thêm nhà trẻ, chi một phần lương hưu và chi phí y tế cho người về hưu. Trong cuộc họp báo, Thủ tướng Noda đã nói lời xin lỗi quốc dân vì việc tăng thuế vốn không có trong chương trình tranh cử, nhưng không thể tiếp tục đặt gánh nặng trên vai những người đang lao động.

Dự luật tăng thuế tiêu thụ đã được Hạ viện, nơi đảng Dân chủ Nhật Bản (PDJ, trung tả) của Thủ tướng Noda chiếm đa số, thông qua hồi tháng Sáu. Tuy nhiên tại Thượng viện, ông Noda đã phải thương lượng rất lâu với các đảng phái khác. Để có được sự ủng hộ của đảng Dân chủ Tự do (PLD, cánh hữu) và đảng Tân Komeito (cánh trung), Thủ tướng Nhật đã hứa sẽ tổ chức bầu cử Quốc hội trước thời hạn thay vì vào cuối mùa hè 2013.

Trước mắt vào tháng Chín tới, ông Noda sẽ phải nỗ lực để được bầu lại vào chức chủ tịch đảng PDJ. Điều này không dễ dàng vì nhiều đại biểu của đảng trách ông làm họ có nguy cơ mất ghế khi tăng thuế VAT, một biện pháp gây mất lòng dân.

Đảng PDJ đã giành được chiến thắng lịch sử vào năm 2009, chấm dứt hơn 50 năm ngự trị chính trường Nhật Bản của đảng PLD. Tuy nhiên uy tín ban đầu đã sứt mẻ vì đảng này không giữ được các lời hứa lúc tranh cử. Theo giáo sư Tetsuro Kato thuộc đại học Hitotsubashi, thì ông Noda ít có khả năng tái đắc cử chủ tịch đảng, và chính phủ của ông cũng khó thể kéo dài hơn các chính phủ trước.

Ông Yoshihiko Noda là Thủ tướng thứ ba thuộc đảng PDJ. Hai người tiền nhiệm là ông Yukio Hatoyama (tháng 9/2009 – tháng 6/2010) đã ra đi sau khi không giữ được lời hứa di chuyển một căn cứ quân sự Mỹ ra khỏi đảo Okinawa ; và ông Naoto Kan (tháng 6/2010 – tháng 8/2011) từ chức vì quản lý không tốt sau thảm họa Fukushima.

tags: Châu Á - Chính trị - Kinh tế - Nhật Bản
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120810-nhat-ban-tang-gap-doi-thue-tieu-thu-va-chuan-bi-bau-cu-quoc-hoi-truoc-thoi-han 
 

jeudi 9 août 2012

Trước họa xâm lăng Trung Quốc, không được xúc phạm khí phách Việt Nam!

Biểu tình chống TQ tại Hà Nội ngày 05/08/2012.
Bài đăng : Thứ năm 09 Tháng Tám 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 09 Tháng Tám 2012 
 
Như chúng tôi đã đưa tin hôm qua, ngày 06/08/2012, bảy mươi mốt nhân sĩ trí thức trong và ngoài nước đã cùng ký tên trong một lá thư ngỏ bày tỏ ý kiến trước việc Trung Quốc xâm phạm trắng trợn chủ quyền quốc gia Việt Nam, đồng thời đề nghị cải cách toàn diện về chính trị.

RFI Việt ngữ đã phỏng vấn giáo sư Tương Lai ở Thành phố Hồ Chí Minh, một trong những trí thức đã tham gia ký tên về lá thư ngỏ trên đây.

RFI : Kính chào giáo sư Tương Lai. Thưa giáo sư, các nhân sĩ trí thức đã hai lần gởi kiến nghị lên Đảng và Nhà nước Việt Nam rồi, vì sao lại có thêm lá thư ngỏ lần này ?

Giáo sư Tương Lai : Như các bạn đã biết, ngày 10/7 năm ngoái chúng tôi đã có một kiến nghị gởi Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong bản kiến nghị đó, chúng tôi nêu lên toàn diện các vấn đề đối nội, đối ngoại, mà trong đó đặc biệt làm nổi bật vấn đề gay gắt nhất là nguy cơ chủ nghĩa bành trướng Đại Hán. Trung Quốc nếu không đấu tranh quyết liệt để ngăn chận, thì họ sẽ thực hiện mưu đồ của họ.

Và thực tế sau một năm, càng ngày càng tỏ rõ những nhận định ấy là hoàn toàn chính xác. Các lực lượng hiếu chiến trong giới cầm quyền Trung Quốc đã lộ rõ bộ mặt và mưu toan xâm lược của họ. Rồi trong bản ý kiến của 14 trí thức ở nước ngoài cũng gởi Nhà nước Việt Nam ngày 8/9/2011 cũng đã trình bày toàn bộ nhận định của trí thức về bối cảnh quốc tế và những vấn đề đối nội, đối ngoại của Việt Nam. Những ý kiến của các trí thức ấy và kiến nghị của chúng tôi càng ngày càng được dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ, vì nói lên được tiếng nói thiết tha của người dân, và đặc biệt là ý chí chống xâm lược, kiên quyết đấu tranh không chịu khuất phục trước âm mưu của chủ nghĩa Đại Hán.

Trong bối cảnh sau một năm, những ngày tháng Bảy và tháng Tám vừa rồi, phải nói là những ngày nóng bỏng, khi mà Trung Quốc thực hiện những mưu toan rất trắng trợn. Họ thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa, trong đó bao gồm cả vùng lãnh hải rộng lớn, và vùng quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa – những phần đất thuộc chủ quyền Việt Nam đã được pháp lý công nhận, quốc tế ủng hộ. Rồi họ định thành lập cái Bộ chỉ huy quân sự của cái gọi là thành phố Tam Sa đó. Họ dùng cái chiến thuật lấy thịt đè người, một lúc ào ạt xua 23 nghìn chiếc tàu đánh cá, trong đó chen lẫn vào những tàu hải giám và tàu quân sự nữa, tràn ngập Biển Đông. Cái món võ lấy thịt đè người xưa kia của họ, nay lại đang được thực hiện.

Chúng tôi biết Nhà nước Việt Nam cũng có những giải pháp, và cũng có một thái độ khác hơn trước, khác hơn so với năm ngoái. Nhưng mà như thế chưa đủ. Mà chưa đủ nhất là, không biết dựa vào lòng dân, không dựa vào thế mạnh của sức mạnh nhân dân, để đấu tranh chống lại âm mưu xâm lược của giới cầm quyền hiếu chiến Trung Quốc. Chưa có những tuyên bố mạnh mẽ, khiến cho quốc tế, những người có cảm tình với cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam cũng lấy làm ngạc nhiên. Tại sao trước mưu toan quá trắng trợn và thế giới đều thấy như thế, thì thái độ của Việt Nam lại quá mềm mỏng đến thế ?

Thậm chí trong ngày kỷ niệm thành lập Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) 1/8 vừa rồi, thì những người lãnh đạo Việt Nam ở Bộ Quốc phòng lại ôm hôn vị đại biện lâm thời sứ quán Trung Quốc, và vẫn nói rằng mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc là tốt đẹp. Điều đó xúc phạm lòng tự tôn dân tộc, sự phẫn nộ của dân trước thế lực bành trướng và những hành động ngoại xâm rất rõ ràng. Việc nó chia lô gọi thầu quốc tế trên vùng biển, vùng thềm lục địa thuộc đặc quyền kinh tế Việt Nam, khác nào là nó xông vào nhà mình, lấy cái sân nhà của mình nó chia lô bán ? Thế mà ta vẫn nói là quan hệ vẫn thắm thiết ! Thắm thiết cái nỗi gì ?

Trước vấn đề ứng xử như thế, chúng tôi - những người trí thức xót xa cho vận mệnh của dân tộc - chúng tôi thấy không thể ngồi yên. Cho nên một lần nữa chúng tôi nhắc lại những kiến nghị một năm trước đây của anh em trí thức nhân sĩ trong và ngoài nước, nhắc nhở những người lãnh đạo cần quan tâm đến ý kiến, nguyện vọng của dân. Dựa vào dân để biểu tỏ cái khí phách Việt Nam, trước thái độ hung hăng và ngông nghênh của giới cầm quyền hiếu chiến Trung Quốc. Trong khi mà thời cơ quốc tế có khác so với trước nhiều. Một nước nhỏ như Philippines mà họ cũng dám có thái độ đương đầu quyết liệt.

Chúng tôi nghĩ là Nhà nước cũng đang có những sự chuẩn bị, thì điều đó chúng tôi không biết. Nhưng mà những biểu hiện ra bên ngoài, trước mắt là một thái độ không thích đáng. Và cái thái độ ấy xúc phạm đến lòng tự trọng của nhân dân, nếu vẫn cho rằng cái tình hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn bền vững. Bền vững cái nỗi gì ? Mười sáu chữ vàng cái nỗi gì, khi miệng thì nói rất hay, nhưng việc làm của họ thì sờ sờ ra đấy !

Vậy thì trong khi chuẩn bị để đối phó, các vị làm gì chúng tôi không biết. Cái gì có thể được thì hãy công bố cho dân biết đi. Đương nhiên có những vấn đề bí mật quân sự thì làm sao mà công bố. Nhưng tất cả những gì đang hiển hiện trước mắt dân, thì dân thấy băn khoăn, cảm thấy lo lắng cho vận nước.

RFI : Nhất là khi trong lịch sử Trung Quốc cũng đã nhiều lần xâm lược Việt Nam ?

Trước đây ông cha ta trong tình thế địa chính trị rất phức tạp : ở bên cạnh một nước láng giềng khổng lồ, trứng chọi với đá, thường xuyên phải chống chọi với nạn ngoại xâm phương Bắc. Thế kỷ thứ 13, thứ 15, thứ 18, rồi thế kỷ 20 với cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc do Đặng Tiểu Bình phát động. Như vậy là từ thời dựng nước đã phải chống chọi với quân Nam Hán, quân nhà Tống, rồi đến Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh, vân vân và vân vân, ông cha ta có bao giờ chịu khuất phục đâu !

Thế kỷ 13 ba lần đánh tan quân Nguyên. Vì sao làm được như thế ? Vì cả nước quyết tâm dám khắc lên tay hai chữ Sát Thát. Thế kỷ 15 tại sao mười năm chiến tranh chống quân Minh, cuối cùng quét sạch mấy chục vạn quân Minh. Thế kỷ 18 quân Thanh, và thế kỷ 20, cuộc chiến tranh biên giới. Đây là một đòn rất hiểm của Đặng Tiểu Bình, khi thế lực hiếu chiến Trung Quốc vì lợi ích dân tộc hẹp hòi của mình, không muốn thấy một Việt Nam thống nhất vững mạnh, sẽ là một lực cản cho ý đồ bành trướng về phương Nam. Cho nên đã chọc ngang mảng sườn phía Nam, dùng thế lực Pôn Pốt nhưng đã bị thất bại. Việt Nam đánh tan bọn Pôn Pốt, cứu nhân dân Campuchia ra khỏi họa diệt chủng. Điều này thì chính ông Thủ tướng Hun Sen đã nhiều lần ca ngợi.

Thất bại, Đặng Tiểu Bình quay sang tấn công phía Bắc, lúc mà Việt Nam sau ngần ấy năm chiến tranh, đất nước đang kiệt quệ, y nghĩ rằng có thể khuất phục được Việt Nam. Tuy nói rằng dạy cho Việt Nam một bài học, nhưng thực ra Trung Quốc thất bại một cách nặng nề trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979. Như vậy rõ ràng là trong lịch sử, dân tộc Việt Nam chưa bao giờ chịu cúi đầu khuất phục trước thế lực phương Bắc.

Nói rằng đấy là thời kỳ phong kiến phương Bắc, còn bây giờ là xã hội chủ nghĩa Trung Quốc ? Trong nhiều bài phân tích tôi đã nói rõ, cái gọi là chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc đó không thể là một mô hình để Việt Nam noi theo được. Và người ta cũng vạch rõ, thực chất đó là một cái chủ nghĩa tư bản man rợ mang màu sắc Trung Quốc mà thôi !

Những học giả có lương tri của Trung Quốc đã từng nói rất rõ điều này. Thế mà bây giờ dựa vào chuyện đó, vẫn cứ nói về tình hữu nghị mà không quyết liệt lên án chính sách bành trướng Đại Hán, thì đấy là sự xúc phạm đến tinh thần của dân tộc. Thứ hai là những người biểu tình, những thanh niên có ý thức đối với đất nước, thì lại đàn áp, bắt bớ. Đó là chuyện không thể chấp nhận được !

RFI : Tức là phải tỏ rõ thái độ trước Trung Quốc, và bảo đảm quyền tự do dân chủ của người dân, đặc biệt là quyền bày tỏ thái độ thông qua việc biểu tình phải không ạ ?

Đúng như vậy. Bởi vì khi họ làm như thế, chính là họ kế tục truyền thống thế kỷ 13 khắc hai chữ Sát Thát lên cánh tay, truyền thống thế kỷ 15 cả nước một lòng đánh tan quân Minh. Bây giờ những di tích vẫn còn đó, ngay tại thủ đô. Cánh đồng mồ, ở đấy năm vạn quân nhà Minh đã phơi thây, và Lê Thái Tổ đã ra lệnh chôn những thây ma đó, dựng bia để nói lên lòng khoan dung của Việt Nam. Gò Đống Đa thế kỷ 18 chôn mấy chục vạn quân Thanh còn ở đấy.

Cái bài học cứu nước đó, cái khí phách anh hùng đó, người Việt Nam luôn luôn ghi nhớ. Cho nên động đến lòng yêu nước, động đến tinh thần dân tộc là động đến một cái gì nhạy cảm, có sức lan tỏa rất mạnh mẽ. Vậy thì tại sao các nhà lãnh đạo không biết khơi dậy sức mạnh đó của dân, mà lại sợ những lực lượng nào là Việt Tân nọ kia lợi dụng những cuộc biểu tình, đẩy tới những mưu toan.

Đó là thần hồn nát thần tính mà thôi, chứ những người yêu nước đủ sức dập tan tất cả những ý đồ xấu. Mỗi khi đất nước bị xâm lăng thì lòng yêu nước lại trỗi dậy, kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, lướt qua mọi khó khăn hiểm nghèo, nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước. Tại sao bây giờ các vị lại sợ những chuyện đó nhỉ ?

Sợ là sợ có bọn xấu chui vào để lũng đoạn, biến cuộc biểu tình này thành cuộc lật đổ. Nếu như vậy là mất tự tin quá lắm rồi ! Khi chúng ta có một lực lượng công an, quân đội hùng hậu như vậy, thì việc gì mà phải sợ một cái nhóm những anh là Việt Tân hay gì đó, để mà cấm nhân dân biểu tình chống Trung Quốc xâm lược. Đó là một việc làm trái khoáy. Tại sao thế kỷ 13 vua Trần có thể tổ chức được hội nghị Diên Hồng khi sơn hà nguy biến, mà bây giờ các vị không dám làm chuyện đó ?

Vừa rồi 42 nhân sĩ trí thức, trong đó có tôi, ký tên gởi cho lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị đứng ra tổ chức biểu tình. Chúng tôi sẽ đăng ký ngày biểu tình hẳn hoi, và đề nghị công an giúp chúng tôi tổ chức biểu tình chống xâm lược Trung Quốc. Nếu có những lực lượng nào định lợi dụng cuộc biểu tình đó để mà phá rối trật tự trị an, thì giúp chúng tôi tóm cổ họ lại, trị họ đi ! Nếu thật sự tin vào dân thì không việc gì phải sợ một nhúm người lợi dụng. Mà thực ra nói cho cùng, có khi đấy chính là sợ dân chăng ?

Các anh mất chính nghĩa, các anh không trong sáng nên các anh sợ dân chăng ? Vậy thì để chứng minh rằng, không, chúng tôi không sợ dân, Nhà nước này là Nhà nước của dân, do dân, vì dân, thì hãy đứng ra tổ chức biểu tình đi ! Để cho dân biểu tình phản đối thế lực xâm lược Trung Quốc. Để nói với bọn hiếu chiến Trung Quốc rằng, cái ngài chớ hòng khuất phục một dân tộc đã từng ba lần đánh tan tác quân Nguyên, nhiều lần đánh tan quân Thanh, quân Minh, quân Đặng Tiểu Bình. Thế thì tại sao không dám làm điều đó ?

Vì vậy kỳ này trong thư ngỏ, đương nhiên chúng tôi nói một cách mềm mỏng, có lý có tình, tự kiềm chế để nói cho các vị có thể nghe được, có thể chấp nhận được. Nhưng mà trong đó toát lên tấm lòng yêu nước thiết tha, và sự phẫn nộ trước bè lũ xâm lược, trước những hành động tiếp tay cho bọn xâm lược, ngăn cản nhân dân không được biểu thị lòng yêu nước. Đó chính là tinh thần của thư ngỏ.

RFI : Thưa, giáo sư có nghĩ là thư ngỏ lần này cũng sẽ bị rơi vào im lặng như những lần trước không ?

Chuyện này tôi không thể nói được vì chúng tôi không phải là các nhà lãnh đạo. Nhưng tôi nghĩ với tất cả sự kiềm chế, tất cả sự thiết tha bày tỏ ý kiến, chúng tôi đã có một thư ngỏ nói lên ý chí, nguyện vọng của chúng tôi, những người trí thức ; và chúng tôi nghĩ là đã nói lên tiếng nói của nhân dân. Bằng con đường chính thức, hợp pháp, chúng tôi gởi đến Quốc hội, Chủ tịch nước, tức là đại diện cao nhất cho một Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Chúng tôi gởi đến chính phủ, tức là cơ quan hành pháp, thực thi mọi đường lối, sách lược. Và chúng tôi gởi đến Bộ Chính trị, là cơ quan đầu não đưa ra những quyết sách.

Nếu các vị lãnh đạo thực sự có thiện chí, chứng tỏ mình là đại diện chân chính của dân, thì các vị chắc phải trả lời, dưới hình thức này hay hình thức khác. Còn nếu không trả lời, thì tự các vị đã xác lập cho mình một chỗ đứng là - không, chúng tôi chỉ nghe ý kiến của tôi thôi ! Còn ý kiến của các anh, chúng tôi không chấp nhận.

Thì cái gì phải đến sẽ đến. Cái giá phải trả cho việc quay lưng lại với nhân dân, nó đắt lắm ! Và tôi chắc rằng các vị lãnh đạo đủ thông minh để hiểu được rằng phải lựa chọn - trả một cái giá đắt thì không ai muốn ! Cho nên tôi tin rằng, với tất cả những thiện chí của chúng tôi, với tất cả sự kiềm chế của chúng tôi, thì các vị sẽ có hồi âm. Còn cách hồi âm như thế nào có lẽ còn tùy tình thế.

Nhưng chúng tôi thì vẫn thiết tha chờ đợi. Chúng tôi đầy thiện chí, nói lên tình cảm, ý chí và nguyện vọng của dân, không làm một cái gì thiếu minh bạch, thiếu công khai cả. Tất cả mọi vấn đề đặt ra rõ như ban ngày. Vậy thì các vị hãy trả lời cho chúng tôi những điều đã rõ ra như ban ngày đó.

RFI : Xin rất cảm ơn giáo sư Tương Lai ở Thành phố Hồ Chí Minh.

tags: Biển Đông - Biểu tình - Cải cách - Phỏng vấn - Trung Quốc - Việt Nam
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120809-truoc-hoa-xam-lang-cua-trung-quoc-nha-nuoc-can-dua-vao-suc-manh-cua-dan-khong-duoc 
 

mercredi 8 août 2012

Nguyễn Chí Vịnh, nhà ngoại giao phải hòa giải Hà Nội và Bắc Kinh


Thứ trưởng Quốc phòng VN Nguyễn Chí Vịnh
Việt Nam đang ở tâm điểm một khu vực mà các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đang tăng cao. Chính ông Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam đang đảm nhận nhiệm vụ khó khăn là đòi hỏi quyền lợi cho đất nước mình, trong khi vẫn thu xếp giữ quan hệ với Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ. Sau đây là phác họa chân dung một tướng lãnh đã trở thành một chính khách mưu lược - theo tác giả Greg Torode. ( LND: Bài viết này do Courrier International 06/08/2012 online dịch từ South China Morning Post, TM chỉ làm công việc chuyển ngữ).

Trong số những người thân cận với ông Nguyễn Chí Vịnh, một số xem ông là một chiến lược gia khôn khéo nhất. Điều này không phải đơn giản, trong một Việt Nam vốn không thiếu các nhà chiến lược khôn ngoan. Dù sao thì chính ở lãnh vực quan hệ quốc tế mà tướng Vịnh tiến hành các cuộc chiến: ông phải đối đầu với các lực lượng luôn thay đổi, tại một khu vực phải thường xuyên thích ứng với sức mạnh đang lên của Trung Quốc.

Tướng Vịnh ra khỏi bóng tối sau nhiều năm làm việc trong ngành tình báo quân đội, nơi ông đã phát triển một chính sách ngoại giao quân sự - một điều mới mẻ ở một định chế có truyền thống bí mật. Mục tiêu này có nghĩa, trong khi vẫn duy trì các yêu sách về chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông – nơi mà xung đột sẽ còn trầm trọng hơn (nhiều nước trong khu vực cùng tranh chấp các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa giàu tiềm năng dầu khí) – Hà Nội phải cố gắng cải thiện các mối quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ, cũng như các cường quốc khác. Ông Vịnh bền bỉ tiếp xúc với hàng chục nhân vật lãnh đạo quân sự trong khu vực và các nhà ngoại giao nước ngoài.

Tuy Trung Quốc và Việt Nam đều quan tâm đến việc tăng cường hợp tác, một cuộc chiến ngôn từ dữ dội đã diễn ra, liên quan đến lợi ích trái ngược của hai nước tại Biển Đông. Chủ nghĩa quốc tế của Việt Nam tỏ ra ngày càng phức tạp. Ông Vịnh đối mặt với hiện tượng này một cách tinh tế. Chuyến viếng thăm hồi đầu tháng Sáu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta bắt đầu bằng việc thăm lại vịnh Cam Ranh, là một chuyến đi mang tính lịch sử. Cam Ranh thuộc tỉnh Khánh Hòa ở miền Trung, có vị trí chiến lược hết sức quan trọng, từng có căn cứ quân sự của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Dưới mắt ông Vịnh, chuyến công du của ông Panetta nằm trong chính sách cải thiện quan hệ giữa hai kẻ cựu thù, tiến từng bước một cách thận trọng. Hai nước đã ký kết một hiệp định hợp tác quân sự vào năm 2011.

Cho dù có nhiều căng thẳng trong những năm gần đây, nhưng vị Thứ trưởng Quốc phòng có vẻ nghiêng về phía siết chặt quan hệ quân sự Việt – Trung. Ông thổ lộ : « Hai nước đều ý thức là việc củng cố quan hệ quốc phòng giúp tránh đối đầu và xung đột ». Tuy vậy sau đó ông tái khẳng định « ý chí kiên quyết » bảo vệ chủ quyền Việt Nam, trong mục đích thiết lập một mối « quan hệ bình đẳng ». Trong những dịp khác, ông Vịnh tỏ vẻ chống đối hơn : cách đây hai năm, ông đã tuyên bố rằng Việt Nam hoàn toàn có khả năng tự vệ. Nhân một hội nghị ở Singapore năm 2011, ông đã cảnh báo trong trường hợp một trong số các đối tác leo thang thì Việt Nam « sẽ không khoanh tay đứng nhìn ».

Một vẻ ngoài trầm tĩnh

Đương nhiên là các nhà ngoại giao trong khu vực và nhà phân tích quân sự quan sát kỹ lưỡng các hành động của ông Vịnh nhằm xác định xem ông đứng về phe nào. Ông nghiêng về phía Trung Quốc nhiều hơn là Hoa Kỳ ? Khuôn mặt ông không biểu lộ gì cả. Cái nhìn chăm chú, cách diễn tả hơi đượm buồn, ông phát biểu một cách cụ thể và cẩn thận trong ngôn từ. Ông khéo léo trả lời tất cả các câu hỏi gai góc bằng sự im lặng và những cái gật, lắc nhẹ. Những điếu thuốc đốt liên tục khiến cho có thể đoán được sự căng thẳng ẩn giấu đằng sau cái vẻ trầm tĩnh bề ngoài ấy. Người ta cũng biết được rằng ông Vịnh thích các cuộc nói chuyện kéo dài xung quanh ly rượu whisky để thư giãn.

Theo một nhà ngoại giao nước ngoài, thì ông Vịnh có vẻ là một nhà tư tưởng lớn, hơn là một lãnh đạo cộng sản khó chịu. Ông sẵn sàng lật lại vấn đề trước các ý kiến nhận được, thích tính lô-gic hơn là giáo điều. Là người mưu lược, ông có thể tỏ ra thông minh, khôn khéo và biết thích ứng, trong khi vẫn không nhượng bộ bao nhiêu. Nhà ngoại giao trên ghi nhận : « Ông ta tạo ấn tượng là một người quyết đoán và chuyên nghiệp, luôn tìm cách thúc đẩy bảo vệ quyền lợi của Việt Nam ».

Màn bí mật bao trùm quanh ông Vịnh, một phần là từ Lịch sử. Năm nay 55 tuổi, ông vẫn được xem là thành phần cố cựu nhờ người cha là đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã quá cố. Đây là vị tướng đứng thứ hai ở Việt Nam, sau nhà chỉ huy quân sự đã thành lập quân đội Việt Nam là đại tướng Võ Nguyên Giáp (người chiến thắng trong trận Điện Biên Phủ năm 1954, đánh dấu sự thất bại của Pháp). Là người đứng đầu lực lượng cộng sản - tại miền Nam Việt Nam được Mỹ hỗ trợ - tướng Thanh không ngừng tranh đấu cho một cuộc chiến tranh chống Mỹ tổng lực.

Những đồn đoán về tướng Vịnh chủ yếu dựa trên những năm ông làm việc trong ngành tình báo quân đội, đặc biệt là tại Tổng cục 2. Cơ quan đáng gờm này là xuất xứ của nhiều cuộc đấu tranh tương tàn trong một bộ máy chính trị khép kín (đặc biệt khiến người ta nói đến nhiều vào cuối thập niên 90, khi một nhân vật cao cấp trong Đảng Cộng sản, từng phụ trách đảng ủy quân đội đã sử dụng để chống lại các lãnh đạo khác). Tuy ông Vịnh không còn là Tổng cục trưởng, nhưng điều làm cho một số người đặt ra câu hỏi về vai vế của ông hiện nay, là việc ông đường đường trở thành ủy viên trung ương vào năm ngoái. Sự thăng tiến này có vẻ đã chính thức hóa ảnh hưởng của ông Vịnh, và mở ra cánh cửa cho những chức vụ quan trọng hơn. Một nhà ngoại giao nước ngoài khẳng định : « Ông ấy ra khỏi bóng tối để đóng một vai trò trong đời sống chính trị. Việc ông mong muốn có những chức vụ cao hơn là điều quan trọng, về lâu dài có thể làm giảm bớt những lo ngại của những người không ưa ông ta ».

Nhân sĩ trí thức Việt Nam lại kiến nghị về Biển Đông và dân chủ

Bài đăng : Thứ tư 08 Tháng Tám 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 08 Tháng Tám 2012 
 
Trong lá thư ngỏ đề ngày 06/08/2012, các nhân sĩ trí thức năm ngoái đã hai lần gởi kiến nghị lên lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam về tình hình đất nước, nay lại bày tỏ ý kiến trước việc Trung Quốc xâm phạm trắng trợn chủ quyền quốc gia Việt Nam, đồng thời đề nghị cải cách toàn diện về chính trị.

Bảy mươi mốt người ký tên trong thư ngỏ là các nhà nghiên cứu, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng trong và ngoài nước như : giáo sư Tương Lai, các tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Nguyễn Quang A, luật gia Lê Hiếu Đằng, chuyên gia Vũ Quang Việt ở Hoa Kỳ… Các nhà trí thức này đã từng gởi kiến nghị ngày 10/07/2011 về « Bảo vệ và phát triển đất nước trong tình hình hiện nay », và ngày 08/09/2011 về việc « Cải cách toàn diện để phát triển đất nước ».

Hai bản kiến nghị trước đều có chung nhận định là Trung Quốc đã đi được những bước quan trọng trong mưu đồ bá quyền, làm Việt Nam phải khuất phục. Thư ngỏ lần này nhận xét rằng trong một năm qua Trung Quốc đã tiến thêm những bước mới xâm phạm trắng trợn chủ quyền quốc gia Việt Nam. Từ việc ngang nhiên lập đơn vị hành chính có quân đồn trú tại đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, mời thầu tại 9 lô dầu khí thuộc vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, cho đến việc ồ ạt đưa hàng đoàn tàu đánh cá và tàu bán quân sự xâm phạm Trường Sa, kể cả đe dọa gây chiến.

Các nhân sĩ hoan nghênh Luật Biển vừa được Quốc hội thông qua, và đề nghị Nhà nước công bố trước dư luận trong nước và thế giới thực trạng quan hệ Việt – Trung. Nhân dịp này Nhà nước cần giải thích về thực chất của công hàm Thủ tướng Phạm Văn Đồng gởi Thủ tướng Chu Ân Lai năm 1958 về Biển Đông để dư luận biết rõ sự thật, bên cạnh đó tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước sưu tầm, hệ thống hóa tư liệu lịch sử và pháp lý về chủ quyền biển đảo. Trước các thủ đoạn bành trướng của Trung Quốc, cần tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế và sáng suốt lựa chọn các đối tác chiến lược.

Phần thứ hai trong thư ngỏ đề nghị Nhà nước cải cách sâu sắc, toàn diện về chính trị, đặc biệt là việc sửa đổi Hiến pháp. Trong việc bảo đảm các quyền hiến định về tự do, dân chủ, các nhà trí thức đã nhấn mạnh đến quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí, quyền lập hội, quyền tự do bày tỏ thái độ chính trị thông qua các cuộc biểu tình ôn hòa. Thư ngỏ đề nghị chấm dứt các hành động trấn áp người dân biểu tình chống Trung Quốc xâm lược.

Cuối cùng các nhân sĩ ký tên trong thư bày tỏ mong mỏi các nhà lãnh đạo đất nước đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, trong tình thế hiểm nghèo hiện nay.

Trả lời RFI Việt ngữ, giáo sư Tương Lai, một trong số những trí thức ký tên vào thư ngỏ đã nhấn mạnh :


Giáo sư Tương Lai - Việt Nam
 
08/08/2012
by Thụy My
 
 
« Ở trong vị thế địa chiến lược « trứng chọi với đá » - Việt Nam ở bên cạnh một nước láng giềng quá lớn, mà giới cầm quyền của nước láng giềng ấy luôn nuôi dưỡng cái mộng bành trướng về phương Nam. Ông cha ta biết rất rõ điều đó, nên luôn luôn có kế sách mềm dẻo ngoại giao để có quan hệ hữu nghị, tránh những cuộc chiến tranh xâm lược. 

Nhưng mềm dẻo được là vì có ý chí mãnh liệt làm hậu thuẫn. Không có cái ý chí mãnh liệt đó thì không có ngoại giao mềm dẻo. Đối với kẻ thù, không có một chút mơ hồ ảo tưởng nào cả, và chính nhờ không mơ hồ mà ông cha ta mới giữ được nước cho đến bây giờ. 

Và thời kỳ ông cha ta giữ nước đó thì làm gì có bối cảnh quốc tế hỗ trợ như Việt Nam hiện nay. Bối cảnh hiện giờ thuận lợi gấp vạn lần. Việt Nam phải biết tranh thủ thuận lợi đó. Phải lôi kéo về mình những lực lượng có thể giúp mình chống lại Trung Quốc, để thoát ra khỏi cái vòng ảnh hưởng của Trung Quốc.

Cho nên trong thư ngỏ chúng tôi nói là « sáng suốt lựa chọn các đối tác chiến lược, vì lợi ích của dân tộc và phù hợp với xu thế phát triển của thời đại ». Vì dân tộc này ở trong cái thế trứng chọi đá, thì phải có khí phách. Khí phách có cứng mới đứng đầu gió !

Bây giờ sự hỗ trợ của quốc tế là rất rõ ràng, thì vấn đề làm làm sao biết tranh thủ lấy nó. Vượt qua cái lợi ích phe nhóm, vượt qua cái lợi ích cá nhân, muốn đổ bê-tông cho chiếc ghế của mình. Làm được chuyện đó, đặt được lợi ích của Tổ quốc lên trước lợi ích của cá nhân mình thì sẽ tìm ra đối sách, sẽ tìm ra được sức mạnh ». 

tags: Biển Đông - Cải cách - Chính trị - Dân chủ - Việt Nam
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120808-nhan-si-tri-thuc-viet-nam-lai-kien-nghi-ve-bien-dong-va-dan-chu