mardi 27 décembre 2011

Bắc Triều Tiên : Phía sau « mặt tiền » Bình Nhưỡng, dân quê đang đói kém

Chủ tịch một hợp tác xã nông nghiệp ở BTT.

(AFP) Bắc Triều Tiên đang chuẩn bị cho một tang lễ vĩ đại của cố lãnh tụ Kim Jong Il, nhưng người dân ở thôn quê đang đói khổ - các nhà quan sát nhấn mạnh. 

Xung quanh cái xác của lãnh tụ được đặt trong một quan tài kính, tại một lăng mộ ở Bình Nhưỡng, từ một tuần qua truyền hình của chế độ chiếu cảnh nhiều người lũ lượt đến viếng – những thành viên của giai cấp được ưu đãi, có vẻ được nuôi dưỡng đầy đủ và ăn mặc tử tế.

Nhưng bên ngoài phạm vi các máy quay phim vốn hầu như toàn tập trung vào thủ đô, nhiều người dân Bắc Triều Tiên (BTT) ở các thành phố nhỏ hơn đang phải sống trong tình trạng quẫn bách. Theo các nhân viên hoạt động nhân đạo và những người tị nạn đã trốn được khỏi nước này, người dân không đủ ăn, thậm chí có nguy cơ chết đói.

Hệ thống phân phối thực phẩm tập trung đã bị sụp đổ và thời tiết xấu làm cho nhiều vụ mùa thất bát, khiến BTT rất lệ thuộc vào viện trợ từ bên ngoài.Yeom Kwang Jin, đang sống lưu vong tại Hàn Quốc và là người trợ giúp cho các đồng hương tị nạn từ phương bắc, giải thích : « Việc phân phối thực phẩm tại Bình Nhưỡng không thể so sánh với phần còn lại của đất nước, vì đây là « tủ kính trưng bày » của BTT. Tại Bình Nhưỡng, người dân nhận được một ít lương thực, còn ở những nơi khác, việc phân phối đã hoàn toàn bị ngưng lại. Dân chúng phải xoay qua thị trường chợ đen để sống sót ».

Dưới sự cai trị của Kim Jong Il, nạn đói khủng khiếp đã giết hại nhiều trăm ngàn người BTT trong những năm 90, trong khi nước này tập trung tiền của cho việc triển khai bom nguyên tử. Ngày nay cũng thế, thực phẩm luôn thiếu thốn.

Lee Hae Young, người phụ trách Hiệp hội những người tị nạn BTT kể lại : « Không một ai có thể ăn ngày ba bữa. Người dân xoay sở bằng mọi cách để có được ít nhất một bữa ăn trong ngày. Phân nửa số bạn bè của tôi còn ở lại bên đó, hoặc đã chết đói, hoặc gần như là tàn phế, không còn có cái răng nào ».

Theo Liên Hiệp Quốc, có sáu triệu người, tức một phần tư dân số BTT, đang cần khẩn cấp viện trợ lương thực. Jonathan Dumont của Chương trình Lương thực Thế giới đã đến BTT trong năm nay. Ông nhìn thấy một em bé bốn tuổi yếu sức cho đến nỗi không đứng lên được, và các em học sinh bảy tuổi do ăn đói nên không còn hơi sức để chơi đùa với nhau ngoài trời. Ông cho biết : « Tiêu chuẩn thức ăn hàng ngày đã bị giảm xuống còn vài củ khoai tây cho mỗi người, tức chỉ bằng một phần ba so với trước đây ».

Trẻ em Bắc Triều Tiên.
Good Friends, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Seoul khẳng định rằng nhiều người dân thôn quê chỉ ăn toàn cỏ được nấu chín, nghiền nhuyễn. Nhưng trẻ em thường không thể tiêu hóa nổi các loại cỏ dại và rơm – được trộn với bắp khi nào có được bắp – và đôi khi bị chết vì thế.

Dân chúng còn phải chịu đựng việc thiếu thốn phương tiện sưởi ấm, điều này trở thành ác mộng trong mùa đông khắc nghiệt của BTT. Một người tị nạn đang phụ trách các chương trình của Đài phát thanh mở dành cho BTT, có trụ sở tại Hàn Quốc, cho biết : « Điện chỉ có trong vòng hai tiếng đồng hồ mỗi ngày tại Bình Nhưỡng, còn ở các địa phương khác thì hoàn toàn không có điện ». Người dân có khi phải đem cả các đồ vật bằng gỗ trong nhà ra làm củi sưởi.

Trong thập niên 60, quốc gia BTT cộng sản đã từng giàu có hơn người láng giềng tư bản chủ nghĩa ở phương nam, nhưng rồi đã suy sụp trong thập niên 90, khi ông anh Liên Xô sụp đổ. Ngày nay, tổng sản phẩm nội địa tính trên đầu người ở BTT thấp hơn người anh em phương nam đến 20 lần - Hàn Quốc tăng trưởng gần như không ngừng nghỉ từ sau Thế chiến thứ hai.

Năm 2009, chính quyền BTT đã đột ngột cho đổi tiền, nhưng việc này trở thành thảm họa, làm cho người dân lại nghèo thêm. Tuy nhiên chế độ vẫn duy trì được nhờ một chính sách đàn áp hung bạo, dẫn đến việc giam giữ 200.000 người bị cho là chống đối, trong các trại tập trung « khủng khiếp » - theo Amnesty International (Ân xá Quốc tế), trong thập kỷ vừa qua. Tổ chức này khẳng định, những người tù phải ăn thịt chuột cống, thậm chí các loại hạt tìm được trong phân súc vật.

Hoàn toàn tương phản với các tấm ảnh chính thức, những hình ảnh lọt được ra ngoài BTT cho thấy các khó khăn của những con người cùng khổ bị bỏ quên ở những nơi đèo heo hút gió. Trong một băng video quay lén vào năm 2010, do một nhà báo tình nguyện BTT làm việc cho tạp chí Nhật Rimjingang thực hiện, người ta thấy một phụ nữ 23 tuổi, gầy như que tăm, đang nhổ cỏ. Khi được hỏi hàng ngày ăn gì, cô trả lời : « Không có gì cả ». Các xác không hồn của cô gái được tìm thấy vài tháng sau đó – theo tờ báo trên.

lundi 26 décembre 2011

Bắc Triều Tiên, đất nước không internet

« Bình Nhưỡng từ chối cho 200 lao động Bắc Triều Tiên bị kẹt ở Libya trở về nước, vì sợ họ sẽ loan truyền thông tin về cái chết của Mouammar Kadhafi và phong trào Mùa xuân Ả Rập ». Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta đã khẳng định như thế ngày 27/10/2011 trước báo chí Hàn Quốc, nhân vòng công du châu Á của ông (theo tin AFP). Một chuyện có vẻ khó tin trong thế kỷ 21 !

Tổ chức Phóng viên Không biên giới ghi nhận những trường hợp kết nối internet đầu tiên từ quốc gia khép kín này vào đầu năm 2011. Tuy nhiên đây là ưu tiên dành cho một số viên chức cao cấp của chế độ, và các nhà ngoại giao nước ngoài.

Vì vậy cũng dễ hiểu khi người dân Bắc Triều Tiên không biết gì về tình hình thế giới. Những người đào thoát được sang Hàn Quốc cho biết, qua những cuộn băng video phim Hàn Quốc nhập lậu được bán lén lút, họ mới biết cuộc sống của những người anh em phương nam ở xứ « tư bản dẫy chết » ấy ra sao.

Sau đây là bài báo « Bình Nhưỡng đã khóa kín không gian ảo như thế nào ? » đăng trên tờ báo Shindonga xuất bản tại Seoul, được Le Courrier International dịch lại (các tựa nhỏ trong bài là của người dịch).

Vào tháng 6/2006, một cuộc họp khẩn được tổ chức tại cơ quan an ninh Bắc Triều Tiên (BTT). Đó là do một người sử dụng trang web Nae nara (Tổ Quốc) -Trung tâm tin học đầu tiên của BTT - đã có sáng kiến kêu gọi tham gia một sự kiện thể thao mừng kỷ niệm 10 năm ngày thành lập trang này, và đã có 300 người trả lời sẽ tham dự. Chính quyền cho điều này là nguy hiểm, vì tất cả các cuộc hội họp không phép đều bị cấm. Hơn nữa, sân vận động liên quan chỉ cách trụ sở đảng có 10 phút đi bộ. Lực lượng an ninh đã giải tán cuộc tập họp này, và hủy bỏ buổi lễ. Sau đó là một cuộc thanh lọc toàn bộ không gian ảo ở BTT.

Mạng internet BTT giống như mạng nội bộ intranet hơn là internet, vì khép kín với thế giới bên ngoài. Kể từ thời điểm đó, toàn bộ các quán cà phê internet bị đóng cửa, chỉ có các định chế nhà nước và các công ty mới có thể truy cập được internet. Thực ra, việc thanh trừng này không thực sự làm những người sử dụng internet tại BTT ngạc nhiên. Họ vẫn nghi ngại là chính quyền khó thể dung thứ cho những trao đổi trên mạng. Nhưng các biện pháp trừng phạt đã diễn ra sớm hơn dự tính.

Cho đến lúc đó, chính quyền BTT vẫn cố gắng phát triển kỹ thuật mới này, nhiều hơn là người ta nghĩ. Mong ước được đứng ngang tầm với phần còn lại của thế giới, và nỗi lo ngại thay đổi, là hai cực của thế lưỡng nan tại quốc gia khép kín. Trong trường hợp xung đột lợi ích, luôn luôn an ninh của chế độ phải được đặt lên hàng đầu. Việc phát triển kỹ thuật thông tin cũng giống như một tảng băng, người ta đi trên đó mà không biết nó có vững chắc hay không.

Ngược dòng thời gian

Chiếc máy tính đầu tiên xuất hiện tại BTT vào năm 1982, được sản xuất với các linh kiện nhập từ Nhật. Năm 1983, các trung tâm nghiên cứu tin học đầu tiên đã ra đời, tại trường Khoa học Quốc gia, và đại học Kim Chaek. Hai năm sau, khoa tin học được thành lập tại Bình Nhưỡng và Hamhung. Đại học Kim Il Sung có được trung tâm tin học vào năm 1986. Tháng 10/1990  Trung tâm Tin học BTT, một tòa nhà hiện đại có diện tích 23.000m2 được khai trương tại Bình Nhưỡng. Và kể từ 1992 trong sách giáo khoa môn toán cấp trung học có dành một chương cho chương trình tin học.

Việc thành lập Nae nara vào năm 1996 và trung tâm Kwangmyong (Ánh Sáng) – trang mạng của Cơ quanTuyên truyền Khoa học Kỹ thuật - một năm sau đó, là một bước ngoặt trong lịch sử internet của BTT. Sau một thời kỳ lúng túng, mạng lưới đã nhanh chóng phát triển từ năm 2000, đặc biệt là những trao đổi trên mạng, cho đến năm 2006, khi cơ quan an ninh quốc gia can thiệp.

Các tin nhắn trao đổi qua lại tất nhiên có thể được cơ quan chức năng kiểm tra, nhưng các cuộc thảo luận trên mạng đã hấp dẫn các thanh niên BTT. Họ thấy đây là một cách để thoát khỏi cuộc sống đơn điệu thường ngày, và nhất là cơ hội để gặp được một tâm hồn đồng điệu khác phái.

Đương nhiên những công dân mạng đầu tiên của BTT có xuất thân từ tầng lớp được ưu đãi. Chiếc máy vi tính nhanh chóng trở thành một dấu hiệu của sự giàu sang, sau tivi và xe đạp, và góp phần vào việc phát triển internet tại nước này. Các diễn đàn thảo luận của nhiều trang mạng thu hút nhiều người sử dụng mong muốn chia sẻ các thông tin, nhất là về tin học. Các trang thương mại xuất hiện. Đã có thể đọc được trên mạng các tờ báo Rodong Sinmun, Pyongyang Sinmun và xem kết quả các trận thi đấu thể thao. Mạng internet hạn chế này cũng đã sinh ra một thế hệ hacker (*), và các quán cà phê internet xuất hiện tại các thành phố lớn vào đầu những năm 2000. Kim Hung Gwang, cựu giáo sư tin học tị nạn tại Hàn Quốc từ năm 2004 cho biết « việc truyền thông tin rất chậm và bấp bênh ». BTT từ đó đến nay đã tái cơ cấu hạ tầng để cải thiện chất lượng đường truyền.

Tháng 9/2007, BTT được Tổ chức cấp phát số hiệu internet ICANN (Internet Corporation for Assigned Names and Numbers) cho phép sử dụng đuôi okp làm tên miền cấp cao nhất dành cho BTT. Có nhiều ngàn địa chỉ tại BTT, tất nhiên là những định chế chính thức, nhưng cũng có cả các công ty có làm ăn với nước ngoài. Một số trường học có trang web riêng, và sinh viên các trường đại học Kim Il Sung hay Kim Chaek có thể theo dõi các bài giảng trên mạng. Nhất là Kim Chaek - thánh địa của giảng dạy khoa học tại nước này – được tin học hóa rất nhiều, với một thư viện điện tử gồm các tác phẩm của Kim Il Sung và Kim Jong Il, các thông cáo của trường, các bài báo khoa học, sách giáo khoa. Nhân viên của trường bắt đầu một ngày làm việc bằng cách tham khảo trang web.

Việc hình thành các trang web BTT thường phức tạp chứ không như người ta nghĩ, vì có nhiều quản trị viên mạng tài năng so với số lượng trang web hiện hữu. Người BTT không hề biết đến Google cũng như Yahoo ! Các trang web dành cho việc giáo dục và của Cơ quan Tuyên truyền Khoa học Kỹ thuật cho phép tìm kiếm tài liệu, nhưng các tài liệu này không tham khảo được trên mạng. Các tài liệu hiếm hoi xem được chỉ dành cho một thiểu số người có mật mã truy cập.

Máy vi tính: Gian nan cho người sử dụng

Các máy vi tính thường được trang bị Pentium III hay IV, được bán trong các cửa hàng nhà nước với giá rất cao. Đa số người dân chuộng việc mua lại máy cũ từ Trung Quốc, thường là mang nhãn hiệu Hàn Quốc như Samsung, LG hay Sambo. Một số máy nhập lậu vào vẫn còn lưu giữ các dữ liệu của người sử dụng trước đó. Một máy tính cũ giá 150 đến 250 đô la, trong khi ngân sách cả năm của một hộ gia đình trung lưu chỉ có từ 400 đến 500 đô la.

Mua máy vi tính là một việc, còn lắp đặt máy lại là chuyện khác. Cần phải có giấy phép chính thức, mà giấy phép này rất khó xin. Trước tiên phải trình biên nhận chứng minh máy được mua một cách hợp pháp. Sau đó chiếc máy phải được đưa đi « chặn sóng » - từ khi chính quyền nhận ra được việc vệ tinh có thể định vị được máy. Cuối cùng là được cấp giấy chứng nhận đăng ký, một khi đĩa cứng đã được cơ quan kiểm duyệt kiểm tra xong.

Theo những người tị nạn BTT, thì thời gian gần đây kỷ luật có bị lơi lỏng. Người ta có thể xin được mọi thứ giấy cần thiết nếu chịu chi hối lộ. Có điều vẫn có khả năng bị kiểm tra đột xuất, một việc vẫn thường diễn ra ở BTT. Nếu tìm thấy một tài liệu « có vấn đề » trong máy, có thể bị xử lý hình sự.

Dù vậy, ngày càng có nhiều gia đình BTT muốn trang bị máy tính. Vào đầu năm 2010, có khoảng 200.000 hộ ở Bình Nhưỡng có máy vi tính – dân số thủ đô BTT khoảng ba triệu rưỡi người. Chiếc máy được sử dụng chủ yếu vào việc chơi game hoặc xem phim, từ khi chính quyền cấm cá nhân truy cập internet kể từ năm 2006.

Ngày nay chỉ có các máy tính được đăng ký của các tổ chức nhà nước hay các doanh nghiệp mới truy cập được vào mạng. Cũng từ đó, các hoạt động trong không gian ảo BTT hết sức nghèo nàn. Nhưng dù sao cũng vẫn có sự hiện diện của các cư dân mạng, trong đất nước khép kín và cô lập vốn nổi tiếng là một địa ngục này, nơi mà người dân phải chạy trốn nạn đói.

(*) : Theo tổ chức Phóng viên Không biên giới, Bình Nhưỡng có hẳn một đội ngũ hacker trẻ chuyên phá hoại các trang web thù địch hay để trộm thông tin. Còn New York Times cho biết, ngày 04/08/2011 cảnh sát Hàn Quốc đã bắt giữ 5 người đã tổ chức ra mạng lưới 30 hacker trẻ, chuyên khai thác các sơ hở của các game online Hàn Quốc như Lineage, Dungeon, Fighter. Trong một năm rưỡi gần đây, nhóm hacker trên đã kiếm được 6 triệu đô la, 55% số tiền này vào túi chính quyền Bình Nhưỡng.


vendredi 23 décembre 2011

Kim Jong Il : Hai triệu người chết đói và một phút mặc niệm tại Liên Hiệp Quốc

Một phút mặc niệm dành cho Kim Jong Il tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc !!! Dù Chủ tịch Đại hội đồng cho biết chỉ là vấn đề nghi thức, nhưng người ta cũng không khỏi ngậm ngùi khi nhớ đến số phận của hai triệu người dân Bắc Triều Tiên đã chết đói.

Nhà báo, nhà văn Pháp Hugus Serraf và cũng là một blogger đã rất ngạc nhiên, khi hoài công tìm kiếm trên báo chí Pháp - cả báo in lẫn báo mạng – không hề thấy được một dòng nào nói tốt về ông Kim Jong Il ! Thật đáng kinh ngạc, vì xưa nay hiếm có một nhà độc tài nào bị « bạc đãi » như thế.

Lấy ví dụ trường hợp của đồng chí Fidel Castro. Sau bốn thập kỷ ngự trị, Fidel cuối cùng cũng đã giao quyền lại cho ông em, và không ít người cũng đã nhìn nhận một số mặt tốt của cựu lãnh tụ Cuba. Ngay cả đối với Saddam Hussein của Irak hay Mouammar Kadhafi của Libya, cũng có những ý kiến biện hộ cho rằng ừ thì các nhà độc tài này có tàn bạo thật, nhưng dù sao cũng có làm được việc này, việc nọ…

(Đối với người viết bài này, thì Kadhafi so ra cũng vẫn còn « khiêm tốn » hơn ông Kim Jong Il. Trong cuộc đảo chánh năm 1969, đại úy Kadhafi đã tự thăng cấp cho mình lên thẳng đại tá…nhưng sau đó vẫn ở chức này cho đến cuối đời, không thèm tự nhảy lên cấp tướng làm gì. Còn Kim Jong Il thản nhiên phong cho ông con mới hăm mấy tuổi, chưa hề xông pha chiến trận, thành đại tướng bốn sao. Thế mới oách !)

Phút mặc niệm bị tẩy chay

Tối 22/12 (theo giờ Paris) Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc dành một phút mặc niệm cho cố lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Il, qua đời hôm thứ Bảy 17/12 ở tuổi 69. Ông Nassir Abdulaziz Al Nasser, Chủ tịch Đại hội đồng cho biết đó là do yêu cầu của phái bộ Bắc Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc và ông đã chấp nhận, nói rằng, đây chỉ là vấn đề nghi thức.

Vào lúc 15 giờ - giờ địa phương New York (tức 20 giờ GMT ngày 22/12, hay 3 giờ sáng ngày 23/12 nếu tính theo giờ Việt Nam) ông Nasser tuyên bố : « Nhiệm vụ đáng buồn của tôi là tưởng niệm ông Kim Jong Il », sau đó kể ra những chức vụ của cố lãnh tụ Bắc Triều Tiên, rồi yêu cầu các đại biểu đứng dậy mặc niệm.

Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức, nói chung là tất cả các nước Liên hiệp châu Âu đã tẩy chay phút mặc niệm này. Các nhà ngoại giao của những nước này nói rõ, Hội đồng Bảo an đã từ chối phút thủ tục trên, và họ cho rằng đây là một hành động không phù hợp, đối với một nhân vật đã gây ra cái chết cho hàng triệu đồng bào mình. Theo ghi nhận của AFP, có chưa đến một phần ba trong số 193 quốc gia thành viên tham dự. Một nhà ngoại giao châu Á thổ lộ, phút mặc niệm này là giây phút khó chịu nhất mà họ phải chịu đựng. Mỗi người đến ký vào sổ phân ưu của phái bộ Bắc Triều Tiên đều bị quay phim, do đó một số nhà ngoại giao và nhà báo đã từ chối ký để tránh việc hình ảnh của họ sau đó bị lợi dụng để tuyên truyền.

Cũng xin nói thêm, trước đó vào ngày 19/12, như thường lệ hàng năm, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết lên án tình hình nhân quyền tại Bắc Triều Tiên, chỉ vài giờ sau khi tin tức về cái chết của ông Kim Jong Il được công bố. Có đến 123/193 phiếu thuận, 51 vắng mặt, và chỉ có 16 phiếu chống - trong đó có lá phiếu của Trung Quốc.

Liên Hiệp Quốc đã cố gắng kêu gọi viện trợ lương thực cho Bình Nhưỡng, nhưng chỉ tìm kiếm được có 20% trong số 218 triệu đô la cần huy động mà thôi. Các nước lo ngại thực phẩm viện trợ rơi vào tay các viên chức tham nhũng, dành để nuôi quân đội, hoặc tích trữ cho dịp mừng 100 năm ngày sinh của cố lãnh tụ Kim Il Sung (cha của Kim Jong Il) vào năm 2012 sắp tới.

Hai triệu người chết vì nạn đói kinh hoàng

Ai đã xem qua những hình ảnh người dân Bắc Triều Tiên chết đói, thì khó thể quên được những ấn tượng kinh hoàng ấy. Người viết bài đã có dịp coi một phim tài liệu chiếu trên truyền hình Pháp - một bộ phim hiếm hoi được những người cộng sự tại chỗ quay lén, những người này phải trả giá bằng tính mạng của họ nếu bị phát hiện.

Vì phim xem đã lâu, không còn nhớ rõ chi tiết, nhưng đầy dẫy trong phim là hình ảnh những con người gầy còm đói kém, đói trơ cả hốc mắt, còn trong các trại tập trung thì chỉ thấy những bộ xương vật vờ đi lại…Ở nông thôn, người ta phải ăn cả cỏ, cả rễ cây để mong sống sót, thậm chí – chuyện khó tin nhưng có thật, cả thịt người !

Ống kính quay phim chiếu thẳng vào bức vẽ của một em bé gái Bắc Triều Tiên, vẽ một mẹt hàng ngoài chợ cóc, trên đó bày bán những tảng thịt đã thâm tím, những cánh tay người chết. Người còn sống phải tồn tại cái đã ! Trẻ thơ không biết nói dối, trong các tác phẩm của em bé này có những cảnh bạo lực giữa người với người, cảnh xử tử…và tất cả các nhân vật trong tranh đều là những con người chỉ còn da bọc xương, không có ai phốp pháp như người kế tục của lãnh tụ kính yêu cả.

Có bao nhiêu người dân Bắc Triều Tiên đã chết đói trong thời kỳ từ 1994 đến 1998 ? Con số chính thức chỉ là 220.000, nhưng theo nhiều tổ chức phi chính phủ thì lên đến trên ba triệu người. Nhiều người chọn con số khiêm tốn hơn là hai triệu. Nạn đói không chỉ do một loạt thiên tai như lụt lội, hạn hán, nhưng chủ yếu là do bị đứt nguồn viện trợ khi Liên Xô bị sụp đổ, và Bắc Kinh bình thường hóa quan hệ với Seoul. Đất đai bị thâm canh quá lố cần nhiều phân bón, thuốc trừ sâu, trong khi nguồn hàng này cũng như nguồn dầu lửa được hai nước anh em bán với giá hữu nghị không còn nữa.

Vào năm 2005, Chương trình Lương thực Thế giới (PAM) ước lượng phân nửa dân số Bắc Triều Tiên đói ăn, và hơn một phần ba dân số bị suy dinh dưỡng, gần 40% số trẻ em chậm lớn. Từ năm 1993 đến 2008, tỉ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh tử vong tăng vọt lên 30%.

Một em bé suy dinh dưỡng tại bênh viện ở Haeju
Kim Jong Il số đỏ

Lại một lần nữa so sánh với cái chết thê thảm của hai nhà độc tài Saddam Hussein và Mouammar Kadhafi, thì Kim Jong Il quả thật là có « chân mệnh đế vương » như các truyền thuyết mà Bình Nhưỡng đã vẽ ra. Chỉ trong vòng 24 giờ, năm triệu người dân đã đến viếng (trên tổng dân số 24 triệu), xác được đặt trong quan tài kính, bao quanh là một rừng hoa thu hải đường và cũng có thể được ướp xác để nhân dân được chiêm ngưỡng như các nhà độc tài cộng sản khác…Chưa nói đến phút mặc niệm tại Liên Hiệp Quốc !

Cũng theo « truyền thuyết » do hãng thông tấn Bắc Triều Tiên KCNA đưa ra, thì khi lãnh tụ qua đời, bão tuyết đã nổi lên trên đỉnh núi thiêng. Một con hạc Mãn Châu đã bay quanh bức tượng của Kim Jong Il ba vòng, sau đó đậu lại trên một nhành cây, đầu cúi xuống thật lâu, rồi mới bay về hướng Bình Nhưỡng…

Ông Kim Jong Il « đang sống bỗng chuyển sang từ trần » vào thời điểm các tuần báo Pháp ra số đúp để nghỉ lễ nên không kịp đề cập, chỉ đưa tin trên mạng. Sau Tết dương lịch, thì sự kiện đã qua, có thể ông sẽ được yên ổn ở nơi chín suối, ít ai « bới móc » chăng.

Nhưng linh hồn ông liệu có yên ổn ? Là nhà sưu tập xe hơi Mercedes và rượu ngon các loại, ông mang theo được gì về « bên ấy » ? Con người chỉ xơi những hạt gạo đồng nhất về kích cỡ và màu sắc được lựa từng hạt, nấu bằng nước suối nguồn và củi chọn lọc, có bao giờ nghĩ đến những người dân đen khốn khổ phải chết vì đói, hoặc phải ăn thịt người chết để sống sót ?

Không biết nói gì thêm, chỉ có thể nghĩ đến một từ : « phi nhân » !

mercredi 21 décembre 2011

Những giọt nước mắt siêu thực của người Bắc Triều Tiên


Họ khóc kể, nắm tay đập xuống đất kêu gào, có vẻ như tuyệt vọng khi mất đi người lãnh đạo. Những hình ảnh chiếu trên kênh truyền hình nhà nước Bắc Triều Tiên cho thấy nỗi đau buồn của người dân khi Kim Jong Il qua đời ; dưới con mắt người phương Tây thì họ thật ngoan như đàn cừu, nếu không muốn nói là khôi hài – theo như Pierre Rigoulot, chuyên gia về các chế độ cộng sản, tác giả cuốn « Bắc Triều Tiên, Nhà nước lưu manh ».

Người ta có thể không hiểu nổi, nhưng coi chừng, ngoài khía cạnh điên rồ và lố bịch, còn có những thứ khác nữa - Pierre Rigoulot giải thích. Phía sau nỗi u sầu đầy ấn tượng có vẻ như là diễn hơi quá, « có một sự chân thành thực sự ».

Sức mạnh của tập thể

Người dân Bắc Triều Tiên có thể có những cảm xúc cá nhân. Nhưng sự ganh đua cũng đóng một vai trò trong đất nước luôn vinh danh « sức mạnh tập thể ». Chuyên gia Pierre Rigoulot khẳng định : « Khi ở trong một đám đông đang khóc lóc, thì người ta cũng bị thúc đẩy phải biểu hiện sự đau khổ của mình ».

Nhưng nếu có một phần chân thật trong những xen gợi nhớ đến các cảnh tượng khi Mao Trạch Đông hay Staline qua đời, sự đau buồn của người Bắc Triều Tiên cũng là từ bản chất của chế độ. Bởi vì Bình Nhưỡng đã « hầu như thành công trong việc đạt đến một Nhà nước toàn trị ». Thế nên « Nếu như không bày tỏ nỗi đau thương, thì cũng giống như không chứng tỏ sự trung thành với chế độ ». Điều này có thể gây nguy hiểm, trong một đất nước đang còn hơn một chục trại tập trung và nhiều trại khác nhỏ hơn ở các địa phương.

Họ phải chứng tỏ là « cùng quan điểm »

Trong một chế độ như thế, công dân cần phải chứng tỏ là mình « cùng đứng chung một phía». Và « Người ta không chỉ đòi hỏi bạn phải phục tùng, mà còn phải chứng minh là bạn nhiệt tình muốn được phục tùng». Nhìn chung, các hình ảnh này cho thấy bộ mặt của chế độ Bình Nhưỡng. Pierre Rigoulot nhận xét: « Bắc Triều Tiên hoàn toàn là một loại bảo tàng, qua đó có thể thấy được một Liên Xô thời kỳ Staline trong thập niên 30 là như thế nào».

(Lược dịch từ đài Europe 1)

Nước mắt cá sấu khóc lãnh tụ ? Không, thành quả tuyên truyền nhồi sọ !

Đám đông bi lụy đau thương, những người đàn ông, đàn bà quỳ sụp xuống, mắt đẫm lệ…Khi cái tin Kim Jong Il qua đời được loan đi, người dân Bắc Triều Tiên vật vã khóc thương lãnh tụ. Họ diễn kịch chăng ? Theo Christian Delporte, giáo sư lịch sử đương đại và chuyên gia về truyền thông chính trị, thì đó là hệ quả trực tiếp từ chính sách tuyên truyền nhồi sọ của chế độ. 

Dưới con mắt của người phương Tây, thì những giọt nước mắt của người dẫn chương trình truyền hình Bắc Triều Tiên khi loan báo cái chết của ông Kim Jong Il chỉ làm cho người ta cảm thấy buồn cười mà thôi. 

Tuy vậy, vẫn có thể nghĩ đó là những giọt lệ thành thật. Đó cũng là cốt lõi của tuyên truyền : gò chặt lại những suy nghĩ của cá nhân trong một thế giới huyễn hoặc do chế độ tạo tác ra. Tại Bắc Triều Tiên, phương pháp trên lại càng hiệu quả hơn, vì đất nước này hoàn toàn khép kín, không hề có sự tiếp xúc nào với bên ngoài.

Tuyên truyền nhồi sọ

Bình Nhưỡng không áp dụng kiểu tuyên truyền cổ điển, mà là một chính sách tuyên truyền nhồi sọ có một không hai, với các đặc điểm rất riêng. 

Điểm đầu tiên là niềm tin ý thức. Cá nhân bị kẹt giữa hai gọng kềm là những từ ngữ, để trói buộc, và các hình ảnh, để gây ấn tượng. Từ ngữ là những ngôn từ thuộc loại hô khẩu hiệu kiểu Staline, như là «vinh quang cách mạng », « tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội ». Còn hình ảnh thì cổ vũ cho tập thể, trật tự và kỷ luật. Những cảnh như hàng trăm binh sĩ đứng nghiêm dàn chào, các bí thư Đảng xếp hàng trước lá cờ tổ quốc khổng lồ có bề dài hàng chục mét, bề rộng cả ba chục mét, trên đó có chân dung Kim Jong Il…được thiết kế với mục đích đè bẹp lên trí não con người.

Một phần của công tác tuyên truyền loại này do báo chí Bắc Triều Tiên đảm đương. Các bản tin thời sự trên truyền hình ngày nào cũng giống ngày nào, thuật lại rất cụ thể về các sự kiện và hành vi nghĩa cử của Chủ tịch nước hay của chính phủ.

Thứ hai, việc tuyên truyền hàng loạt kiểu Bắc Triều Tiên chối bỏ sự hiện hữu của con người với tính cách cá biệt của họ. Suy nghĩ cá nhân không hiện diện ở đây, như ẩn ý từ những bức tranh hoành tráng sống động, nơi mà đám đông những cá nhân tập hợp lại thành một. Từ khi còn là trẻ em cho đến khi chết đi, người dân Bắc Triều Tiên lớn dần trong khuôn khổ những cấu trúc của đảng, trong đó cá nhân không hiện hữu.

Một đặc điểm nữa rất đặc thù của chế độ Bắc Triều Tiên, dựa trên tầm vóc của chiến tranh lạnh gắn liền với công tác tuyên truyền « thành trì bị bao vây». Quần chúng được huy động để chống lại kẻ thù, được chỉ rõ ra là « chủ nghĩa đế quốc ». Do đó mà các cuộc diễu binh được tiến hành cùng khắp, phô trương đủ loại vũ khí chiến tranh.

Cuối cùng, Bình Nhưỡng thực hiện tuyên truyền cho việc kế vị cha truyền con nối. Khắp nơi trong cả nước là những bức chân dung khổng lồ của ông Kim Il Sung, người cha, và Kim Jong Il, người con, đôi khi cả hai đang tay trong tay. Lãnh tụ được thần thánh hóa cho đến nỗi chỉ có thể gọi bằng kính ngữ. Những bức tượng của Kim Jong Il ngự trị từ thành phố này qua làng xã nọ, được kính cẩn gọi là « Lãnh tụ vĩ đại », « Vầng thái dương của dân tộc », « Vĩ nhân trong chốn loài người mà trước nay Thiên đình chưa hề sản sinh ra được ».

Tuyên truyền có thể thấy nhan nhản khắp nơi tại Bắc Triều Tiên. Mỗi người dân đều đeo huy hiệu có hình lãnh tụ. Toàn bộ các ngành nghệ thuật đều tập trung ca tụng chủ nghĩa xã hội, và những người khách du lịch hiếm hoi được yêu cầu phải « căn » khung hình một cách đúng đắn khi chụp ảnh các công trình, nếu không muốn bị hải quan tịch thu và tiêu hủy.

Tuyên truyền và các công cụ mới

Sẽ là một sai lầm nếu coi Kim Jong Il là một tên điên hay là một thằng đần. Ngược lại, ông ta có nhiều kiến thức trong lãnh vực truyền thông. Khi chỉ mới là người phụ tá cho cha, chính Kim Jong Il là người quyết định nội dung các chương trình truyền hình.

Khi đã lên nắm quyền, Kim Jong Il hiểu rằng internet có thể rất hữu ích, và khoe là nắm vững được nó. Vì thế mà các trang web tuyên truyền đã được lập ra, loan tải những hình ảnh, các bản tiểu sử đã được tô vẽ, và kể lể tỉ mỉ về những chuyến vi hành của lãnh tụ. Việc truy cập internet hầu như là chuyện không tưởng đối với toàn bộ dân chúng Bắc Triều Tiên, các trang mạng này chủ yếu hướng ra nước ngoài, với mục đích chứng tỏ đất nước đang tiến triển.

Trên thực tế, Bắc Triều Tiên là một thế giới cộng sản độc đoán, gần như là Trung Quốc thời Mao Trạch Đông, hay Liên Xô thời kỳ Staline. Dù vậy Liên Xô của Staline vẫn còn cho phép người dân chuyển dịch đôi chút, còn Bắc Triều Tiên thì không, tuy chế độ vẫn chối cãi là không bị cô lập, trưng ra hình ảnh những chuyến đi nước ngoài của các bộ trưởng.

Cái chết của ông Kim Jong Il liệu có thay đổi được gì hay không ? Trước hết, chúng ta không có lý do gì để tin vào điều đó cả. Một cuộc nổi dậy của nhân dân kiểu như Mùa xuân Ả Rập có vẻ như không thể hình dung nổi, vì cần có sự hiện diện của ý thức cá nhân trước đã. Ngược lại, qua các chuyến viếng thăm Trung Quốc của các lãnh đạo Bắc Triều Tiên gần đây để nghiên cứu về mô hình kinh tế, có thể đoán rằng đã có một sự tiến triển. Và cũng có thể là tất yếu kinh tế sẽ giúp Bình Nhưỡng thoát ra khỏi tình trạng bị cô lập.

(Dịch từ tuần báo Le Nouvel Observateur)

lundi 19 décembre 2011

Kim Jong Il : Có thể bạn chưa biết…

Nếu các tờ báo phương Tây dành những từ hết sức trân trọng cho cố Tổng thống Cộng hòa Séc, Vaclev Havel vừa mới mất, thì lãnh tụ Bắc Triều Tiên cũng vừa theo chân lại không có được cái hân hạnh này.

Thử điểm qua một số tựa - Le Monde : « Một bạo chúa qua đời, căng thẳng đe dọa châu Á », Marianne : « Kim Jong Il : Cái chết của một tên hề sầu não ». Còn trên báo mạng Slate.fr : « Đồng chí Kim (Jong Il) đã chết, đồng chí Kim (Jong Un) vạn tuế ! ».

Năm chục danh hiệu chính thức

Đài RTL cho biết, ông Kim Jong Il được gọi bằng khoảng năm chục danh hiệu khác nhau. Trên lăng tẩm, nơi an nghỉ cuối cùng của lãnh tụ, người ta có thể đọc « Đức Ngài », « Lãnh tụ kính yêu », « Cha già dân tộc », « Vầng dương cộng sản tương lai », « Ngôi sao dẫn đường cho thế kỷ 21 », « Hiện thân đẹp đẽ nhất của tình yêu thương đồng chí », hoặc là « Lãnh tụ kính mến, là hiện thân hoàn hảo của một vị lãnh tụ ».

Theo bản tiểu sử chính thức của Kim Jong Il, thì ngày lãnh tụ vĩ đại sinh ra trên núi Paektu, một tảng băng lớn trên đỉnh núi đã phát ra một âm thanh kỳ lạ. Sau đó tảng băng bị nứt rạn, từ đó tỏa ra một cầu vồng đôi bảy màu, rồi trên bầu trời cao xuất hiện một ngôi sao thật sáng !

Nhà sưu tập xe Mercedes

Có lẽ vì « đẻ bọc điều » như thế nên lãnh tụ nổi tiếng là chỉ thích đi Mercedes thôi. Cũng phải thông cảm cho ngài vì lãnh tụ hơi bị yếu tim, sợ máy bay nên di chuyển toàn bằng xe lửa và xe hơi, cả hai loại phương tiện này luôn là loại bọc thép chống đạn thật dày.

Cho dù các sản phẩm sang trọng của châu Âu bị Liên Hiệp Quốc cấm xuất sang Bắc Triều Tiên, Kim Jong Il vẫn mua được những chiếc xe ưa thích như thường, chủ yếu là đi vòng qua ngả người anh em Bắc Kinh. Sau khi chiếc Maybach bị thất sủng năm 2009, nhà độc tài đã tậu thêm hai chiếc Mercedes S600 Pullman Guard hoàn toàn được trang trí theo gu riêng, có giá khoảng 1,4 triệu đô la một chiếc. 

Kim Jong Il có hẳn một bộ sưu tập cá nhân xe hơi Mercedes trị giá khoảng 20 triệu đô la. Những kẻ xấu miệng cho rằng hẳn lãnh tụ phải xơi bớt tí chút trong số tiền 80 triệu đô la viện trợ thực phẩm từ các tổ chức quốc tế vào đầu thập kỷ này. Kim chủ tịch cũng đã hào phóng tặng cho các cán bộ cao cấp nhất ít nhất 160 chiếc Mercedes nữa.

Một số sở thích của « vầng dương cộng sản »

Kim Jong Il rất thích các loại rượu : Whisky, Cognac, sâm-banh, Bordeaux…Hầm rượu của ông ta có trên 20.000 chai rượu quý. Lãnh tụ thích xơi cá sống, trứng cá muối nhập từ Iran, súp cá mập và …thịt chó. Cao chưa đến mét rưỡi, nên Kim Jong Il luôn mang giày đế cao. Rất sợ bệnh, ông đòi hỏi những người khách phải mang găng tay và có giấy chứng nhận sức khỏe.

Cho dù đề cao dân tộc chủ nghĩa, Kim Jong Il không tin tưởng vào bác sĩ Bắc Triều Tiên, và thường xuyên mời các bác sĩ Pháp khám chữa bệnh cho mình. Để bảo đảm an ninh cá nhân, lãnh tụ kính yêu cho xây một hầm trú ẩn chống bom  nguyên tử và luôn mang theo bên mình một khẩu súng lục, hoặc đặt dưới gối, hoặc cất trong hộp đựng găng của xe hơi. Ông cũng có một « chuyên gia nếm » thức ăn, phòng ngừa bị đầu độc.

Bảy truyền thuyết về Kim Jong Il

1) Truyền thuyết thứ nhất: Thiên đình đã chào mừng sự ra đời của lãnh tụ vĩ đại, như đã nói ở trên.
http://news.bbc.co.uk/2/hi/asia-pacific/1907197.stm

2) Truyền thuyết thứ hai: Kim Jong Il ăn loại gạo tuyển công phu nhất thế giới

Rất kén ăn, lãnh tụ kính yêu đã giao phó cho một nhóm phụ nữ nhiệm vụ vinh quang là lựa từng hạt gạo một trong số gạo chọn lọc dành riêng cho ông ta, để có được những hạt cùng y một cỡ, có cùng một tông màu. Những hạt gạo này được nấu với nước từ nguồn suối cũng của riêng Kim Jong Il, và chỉ được sử dụng duy nhất loại củi được đốn từ đỉnh Paektu.

3) “Sáng tạo” ra hamburger:

Vào năm 2000, chủ tịch Bắc Triều Tiên đã có sáng kiến chế ra một loại thức ăn rẻ và lành mạnh cho sinh viên. Đó là một loại bánh mì sandwich có kẹp thịt, ăn kèm với khoai tây chiên, và công thức này của lãnh tụ kính yêu sau đó đã được sản xuất công nghiệp hàng loạt. Món ăn mới này mang tên “gogigyopbbang”, có nghĩa là “bánh mì cặp có thịt”. “Gogigyopbbang” giống hamburger như hai anh em sinh đôi, tuy báo chí Bình Nhưỡng vẫn chỉ trích các loại fast food, còn coca cola bị bêu riếu là “nước hầm cầu của tư bản Mỹ”.
http://www.redorbit.com/news/oddities/70622/north_korean_leader_claims_he_invented_hamburgers/index.html

4) Cứu vớt nhân dân khỏi nạn đói nhờ loài thỏ khổng lồ:

Năm 2007, Karl Szmolinsky, một nhà chăn nuôi thỏ ở Berlin đã rất bất ngờ khi được đại sứ quán Bắc Triều Tiên liên hệ. Trước đó vài tháng, Szmolinsky đã được báo chí đưa lên trang nhất nhờ chú thỏ Robert của ông – một giống thỏ xám khổng lồ của Đức – đạt tới trọng lượng kỷ lục là 10,5 kg. 

Thế mà lãnh tụ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên vừa nảy ra ý tưởng hay ho để chấm dứt nạn đói trên đất nước: xây dựng một trang trại nuôi giống thỏ khổng lồ. Karl Szmolinsky đã bán được 12 chú thỏ “khủng” cho Bắc Triều Tiên. Không ai biết số phận những chú thỏ này sau đó ra sao. Còn nạn đói, thì vẫn tiếp tục hoành hành.

5) Khám phá bí mật trẻ mãi không già:
Trong một bài viết mô tả chân dung Kim Jong Il năm 2006, nhà báo Clifford Coonan của tờ The Independent cho biết một trong những bí quyết để giữ gìn nhan sắc của ông ta: lãnh tụ thường xuyên được truyền máu của các thiếu nữ còn trinh.
 http://www.independent.co.uk/news/world/asia/kim-jong-il-the-tyrant-with-a-passion-for-wine-women-and-the-bomb-421016.html

6) Cầu thủ chơi gôn siêu hạng:
Năm 2004, nhân một trận đấu gôn giữa thanh niên hai miền nam bắc, báo chí Bình Nhưỡng cho biết lãnh tụ kính yêu hẳn là gôn thủ xuất sắc nhất thế giới. Mới chập chững vào sân, ngài đã đi được nhiều đường banh siêu hạng, đạt được số điểm mà theo lý thuyết, chưa có người chơi gôn nào trên toàn cầu với tới nổi.
http://www.worldtribune.com/worldtribune/WTARC/2004/ea_nkorea_06_16.html

7) Nhà sản xuất điện ảnh: Rất mê điện ảnh, Kim Jong Il có đến 20.000 băng đĩa phim các loại, và đặc biệt yêu thích ba bộ phim: Ngày thứ Sáu 13, Rambo, và Godzilla. Để giúp ngành điện ảnh nước nhà phát triển, nhà độc tài đã cho… bắt cóc đạo diễn Hàn Quốc Shin Sang Ok vào năm 1978, và buộc ông này phải thực hiện một phiên bản bộ phim khủng long Gozilla theo kiểu xô-viết!
http://www.guardian.co.uk/film/2003/apr/04/artsfeatures1

Thủ tướng Thái Lan sẽ gặp bà Aung San Suu Kyi

Bài đăng : Thứ bảy 17 Tháng Mười Hai 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 17 Tháng Mười Hai 2011 
 
Ngày 17/12/11Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra cho biết trong chuyến viếng thăm Miến Điện vào tuần tới, bà sẽ gặp gỡ lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi, vốn đã chính thức quay lại chính trường từ khi đảng của bà tái đăng ký hoạt động.

Thủ tướng Thái Lan, người sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh bốn nước hạ nguồn sông Mêkông, như vậy sẽ là Thủ tướng đầu tiên của Thái tiếp xúc với giải Nobel Hòa bình của Miến Điện. Tuyên bố trên truyền hình, bà Yingluck nhấn mạnh khi đề cập đến bà Aung San Suu Kyi: “Đó là một người phụ nữ rất ấn tượng, đã chiến đấu cho nền dân chủ”.

Thái Lan vốn là đồng minh trung thành của Miến Điện, luôn từ chối can thiệp vào các vấn đề chính trị của nước này, theo như nguyên tắc của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) là không can dự vào chuyện nội bộ của nhau.

Lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi đã trải qua thời gian dài bị tù và quản thúc kể từ năm 1990, nhưng quan hệ của bà với chính quyền đã thay đổi hẳn từ sau cuộc bầu cử tháng 11/2010. Bà được trả tự do một tuần sau đó, và chính quyền mới bắt đầu tiến hành đối thoại với bà. Liên đoàn Quốc gia Vì Dân chủ, đảng của bà Aung San Suu Kyi lại trở thành một chính đảng hợp pháp, trong vài tháng tới sẽ đưa các ứng viên ra tranh cử trong cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung.

Trong những tháng gần đây bà Aung San Suu Kyi đã trở thành nhân vật đối thoại không thể thiếu vắng của các nhà chính trị ngoại quốc khi đến thăm Miến Điện. Mới đây bà đã tiếp đón Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton, nhiều vị Bộ trưởng các nước phương Tây và đại sứ Trung Quốc ở Rangoon.

tags: Miến Điện - Thái Lan 
 
http://www.pagewash.com/////nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20111217-guh-ghbat-gunv-yna-fr-tnc-on-nhat-fna-fhh-xlv

Matxcơva : Hàng ngàn người lại biểu tình chống bầu cử gian lận

Bài đăng : Thứ bảy 17 Tháng Mười Hai 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 17 Tháng Mười Hai 2011 

Ngày 17/12/11,theo lời kêu gọi của đảng tự do Iabloko, khoảng vài ngàn người đã xuống đường tại thủ đô Matxcơva để phản đối nạn gian lận trong cuộc bầu cử Quốc hội Nga ngày 04/12/11. Đảng của ông Vladimir Putin đã chiến thắng.

Đây là cuộc biểu tình mới nhất, sau hàng loạt các cuộc xuống đường với cùng mục đích vào cuối tuần trước, đã quy tụ được hàng 50.000 người tại quảng trường Marécages ở trung tâm thủ đô Matxcơva. Cảnh sát nói rằng cuộc biểu tình lần này chỉ có khoảng 1.500 người tham gia, nhưng một phóng viên của AFP có mặt tại chỗ ước lượng số người biểu tình là khoảng 3.000.

Đảng Iabloko chỉ chiếm được 3,3% tổng số phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua, không đạt tỉ lệ cần thiết để được chia ghế trong Douma. Theo kết quả bầu cử chính thức, thì đảng Nước Nga Thống nhất của Thủ tướng Vladimir Putin, ứng viên Tổng thống tương lai, chiếm được 49,5% số phiếu.

Những người biểu tình giơ cao các biểu ngữ kêu gọi “Tẩy chay cái gọi là bầu cử”. Thủ lãnh đảng Iabloko là Grigori Iavlinski, có thể ra ứng cử trong kỳ bầu cử Tổng thống vào tháng 3/2012, trong bài diễn văn đã tố cáo “hệ thống chính trị hiện tại, dối trá và tham nhũng, chỉ phục vụ cho lợi ích của một nhóm nhỏ”. 

Song song đó, đảng Cộng sản Nga họp đại hội vào cuối tuần này để chỉ định chủ tịch của đảng là Guennadi Ziouganov làm ứng cử viên chính thức ra tranh cử Tổng thống. Được các quan sát viên cho là đối thủ chủ yếu của ông Putin, cho đến nay ông Ziouganov vẫn đứng ngoài các cuộc biểu tình, thậm chí ông còn lên án một số nhà tổ chức là được “tài phiệt Mỹ” trả tiền.

tags: Châu Âu - Nga 
 
http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/dhbp-gr/20111217-unat-atna-athbv-ynv-ovrh-gvau-b-zngkpbin-cuna-qbv-onh-ph-tvna-yna

Đến lượt Fitch đe dọa đánh sụt hạng nước Pháp

Bài đăng : Thứ bảy 17 Tháng Mười Hai 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 17 Tháng Mười Hai 2011 
 
Tối ngày 16/12/2011 cơ quan thẩm định tài chính Fitch cho biết tuy vẫn duy trì điểm tín nhiệm của nước Pháp ở hạng AAA, nhưng hạ từ viễn cảnh “ổn định” xuống “tiêu cực”.

Như vậy sau khi bị Standard & Poor dọa đánh sụt hai bậc, Pháp đang phải chịu áp lực của cả ba cơ quan thẩm định tài chính quan trọng nhất, trong bối cảnh khủng hoảng khu vực đồng euro.

Thông báo của Fitch Rating cho biết, điều này có nghĩa là Pháp có 50% nguy cơ bị đánh sụt hạng trong vòng hai năm tới. Theo Fitch, thì Pháp là nước chịu rủi ro nhiều nhất khi khủng hoảng tăng thêm, chủ yếu là do thâm hụt ngân sách và trọng lượng nợ công. Cơ quan này dự báo tăng trưởng kinh tế của Pháp trong năm 2012 từ 2,1% chỉ còn 0,7%.

Pháp cũng là quốc gia duy nhất trong số 6 nước đang ở hạng AAA bị Standard & Poor đe dọa nặng nề nhất : hôm 5/12 cơ quan thẩm định tài chính này loan báo có thể đánh sụt nước Pháp hai bậc một lượt, xuống còn AA. Về phía Moody’s, áp lực từ cơ quan này cũng tăng thêm từ cuối tháng 11. Ngày 12/12/11Moody’s cũng khẳng định sẽ xem xét lại điểm tín nhiệm của các nước khu vực đồng euro cũng như Liên hiệp châu Âu.
Ngay sau thông báo của Fitch, Bộ trưởng Kinh tế Tài chính Pháp, François Baroin đã lên tiếng ghi nhận và khẳng định chính phủ “Quyết tâm theo đuổi hoạt động nhằm phục vụ cho tăng trưởng, khả năng cạnh tranh, công ăn việc làm và giảm bớt nợ công”.

Sau khi cho rằng việc bảo vệ điểm AAA là tuyệt đối cần thiết, tuần này chính phủ Pháp bắt đầu tỏ ra có quan điểm linh hoạt hơn, đánh giá rằng việc bị đánh sụt hạng không phải là tai họa. Đó là vì viễn cảnh mất điểm tín nhiệm AAA quý báu đang có nhiều khả năng trở thành sự thực. Bên cạnh đó tối ngày 15/12/11 cơ quan thống kê Insee dự báo nước Pháp sẽ bước vào suy thoái từ quý cuối cùng của năm 2011 và tình trạng này sẽ còn tiếp tục trong năm 2012.

Theo một cuộc thăm dò dư luận của IFOP trên 851 người Pháp được công bố hôm nay, thì đa số dân Pháp tỏ ra bi quan trước viễn cảnh bị mất điểm tín nhiệm AAA. Có hai phần ba số người được hỏi ý kiến (66%) cho rằng việc này sẽ gây ra những hậu quả tai hại cho nền kinh tế Pháp, 17% còn nhận định là “rất nghiêm trọng”. Ngược lại, 7% cho rằng “chẳng có gì là trầm trọng cả”, và 25% nghĩ là tình hình thật ra sẽ không đến nỗi nào.

tags: Kinh tế - Pháp - Theo dòng thời sự 
 
http://www.pagewash.com/////nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/cunc/20111217-qra-yhbg-svgpu-qr-qbn-qnau-fhg-unat-ahbp-cunc

Bão tại Philippines : hơn 400 người chết, 100.000 người sơ tán

Bài đăng : Thứ bảy 17 Tháng Mười Hai 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 17 Tháng Mười Hai 2011
 
Trận bão Washi tràn vào Philippines làm 440 người thiệt mạng và 100.000 người phải đi sơ tán. Đảo Mindanao bị thiệt hại nặng nhất với hơn 200 người chết.

Tổng thư ký Chữ Thập Đỏ Philippines, Gwen Pang cho biết đảo Mindanao bị thiệt hại nặng nề nhất. Tại Cagayan thuộc Oro, một trong những cảng chính của đảo, có 215 người chết, và 144 người khác bị thiệt mạng tại thành phố Iligan ở gần đó. Chỉ riêng hai thành phố này đã có 375 người bị mất tích. Ngoài ra theo Cơ quan nhà nước phụ trách về vấn đề thiên tai, còn có 5 trẻ vị thành niên bị thiệt mạng do đất lở.

Đại tá Leopoldo Galon cho biết có những ngôi làng bị cuốn trôi toàn bộ ra biển vì nước lũ dâng lên rất nhanh, số nạn nhân thiệt mạng có thể lên đến hàng trăm. Ông nói thêm là chưa từng thấy những cảnh tượng như thế, và trận bão này rất có thể còn lớn hơn cả cơn bão Ondoy hay còn gọi là Ketsana đã ập vào Manila năm 2009 làm cho 464 người chết. Gần hai ngàn người bị nước lụt cuốn đi đã được các đơn vị cứu hộ của quân đội cứu được, với các phương tiện như xe tải, tàu bè hoặc trực thăng.

Những hình ảnh trên truyền hình cho thấy những xác chết phủ đầy bùn, những chiếc xe hơi nằm chồng lên nhau, những ngôi nhà bị phá hủy. Trực thăng và tàu liên tục hoạt động cứu hộ trên biển, tìm kiếm những người sống sót và vớt xác các nạn nhân. Các nhân viên cứu hộ đã cứu sống được 15 người bị cuốn trôi ra biển.

Thị trưởng Iligan cho biết đa số người dân vẫn còn đang ngủ khi nước lụt dâng lên. Bị bất ngờ vì nước lên quá nhanh – hơn 1 mét chỉ trong một tiếng đồng hồ - họ chỉ kịp trèo lên mái nhà. Kênh truyền hình GMA chiếu cảnh một gia đình thoát ra được bằng lối cửa sổ nhưng lại bị dòng nước cuốn đi.

Chính quyền Philippines nói rằng trận bão đã khiến 100.000 người phải đi sơ tán, hiện đang tạm trú tại khoảng hơn một chục địa điểm ở hai thành phố trên.

Hàng năm Philippines phải hứng chịu khoảng hai chục trận bão. Trong tháng 9/2011 hai cơn bão Nesat và Nalgae đã làm cho hàng trăm người chết.

tags: Châu Á - Philippines - Thiên tai
 
http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20111217-onb-gnv-cuvyvccvarf-tna-200-athbv-purg-in-100000-athbv-fb-gna 

vendredi 16 décembre 2011

Khi Trung Quốc hạ cánh

Tờ giấy cảnh báo đất có thể bị nhiễm độc, tại một công trình xây dựng khu vui chơi bị bỏ hoang ở ngoại ô Bắc Kinh.
Kỹ thuật khiếm khuyết, hệ thống tài chính tham nhũng, xã hội mất ổn định…Đắm mình vào một giấc mộng kinh tế từ hai mươi năm qua, Trung Quốc giờ đây khám phá mặt trái của chính sách tăng trưởng bằng mọi giá.

Ngày 23 và 24/11, Paris trải thảm đỏ đón những người bạn tốt từ Bắc Kinh và Thượng Hải. Có khoảng 100 lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc đến trụ sở Bộ Tài chính Pháp, tham gia một hội nghị do Boao Forum for Asia (Bác Ngao Á Châu Luận Đàn) – một loại diễn đàn Davos của Trung Quốc – tổ chức. Từ Tổng giám đốc tập đoàn dầu khí Sinopec cho đến công ty hàng không tư nhân Hainan Airlines, từ công nghiệp hạt nhân đến tài chính, đoàn đại biểu quan trọng này là khách mời đến tham dự các tranh luận về các vấn đề lớn trên thế giới, và được nghe những câu khen ngợi. Chủ tịch HĐQT Schneider Electric, Jean-Pascal Tricoire tuyên bố : « Hoàn toàn lô-gic và hợp pháp, nếu mai đây cường quốc kinh tế thứ nhì thế giới mua cổ phần trong các công ty của chúng tôi, điều này là một phần của sự tăng tiến trên cấp độ toàn cầu ». Tổng thống Nicolas Sarkozy cũng tổ chức tiệc mừng các vị khách danh giá này ở điện Elysée.

Nếu Pháp ve vãn Trung Quốc, thì vừa để nhận được sự hỗ trợ trong việc vực dậy khu vực đồng euro – khoảng 100 tỉ euro, vừa cũng nhằm bước vào thị trường công nghiệp và dịch vụ của nước này. Dù cơ quan thống kê nhà nước của Bắc Kinh vừa loan báo nền kinh tế có chậm lại trong quý 3/2011, tăng trưởng của Trung Quốc vẫn rất mạnh : 9,1%. Cơ quan thẩm định tài chính Fitch cảnh báo, hãy coi chừng, kết quả kinh doanh của đa số các tập đoàn lớn châu Âu lệ thuộc quá nhiều vào sự tăng trưởng của Trung Quốc. Điều gì sẽ xảy ra nếu tăng trưởng thực sự chậm lại ? Các dấu hiệu tiêu cực chồng chất. Nouriel Roubini, nhà tiên tri về kinh tế, dự báo một sự hạ cánh thô bạo vào năm 2013. Một cuộc điều tra do Bloomberg thực hiện vào tháng 9 cho thấy đa số các nhà đầu tư đều dựa vào một tỉ lệ tăng trưởng chỉ còn có 5% kể từ năm 2016. Sự thực ra sao ?

Chỉ có một điều chắc chắn là, giờ đây không còn là lúc ngây ngất trước phép lạ Trung Quốc. Tai nạn đường sắt hàng loạt, tỉ lệ tử vong đáng sợ của công nhân hầm mỏ, nạn ô nhiễm mặt đất và sông ngòi, xuất khẩu sụt giảm, bong bóng địa ốc : mỗi ngày lại bộc lộ thêm mặt trái của chính sách tăng trưởng bằng mọi giá, được Bắc Kinh theo đuổi từ khi có chủ trương Nam Tuần – mở cửa kinh tế, do Đặng Tiểu Bình đưa ra vào năm 1992. Có thể kể thêm những sai trái của các công ty Trung Quốc ở châu Phi, do tổ chức nhân quyền Human Rights Watch tố cáo, hay các vấn đề tham nhũng, bị tổ chức Minh bạch Quốc tế vạch mặt chỉ tên.

Charles-Edouard Bouée, chủ tịch phụ trách châu Á và là thành viên ban điều hành cơ quan phân tích chiến lược Roland Berger nói : « Theo giả thiết của tôi, đây là những thiệt hại đi kèm với tăng trưởng mà Hoa Kỳ đã gặp phải trong quá trình tiến lên cường quốc kinh tế, tuy nhiên không phải là một bộ phận của hình mẫu này ». Xã hội Trung Quốc khi tiến triển lại còn làm biến mất nhiều điểm đen làm xám đi bức tranh. Nhận xét này còn phải xem lại.

Giá thành sản xuất tăng lên

Dù sao thì trước mắt, có hai hiện tượng khác làm cho các nhà kinh tế phải lo ngại, đó là giá thành sản xuất tăng và dân số bị lão hóa. Lương công nhân trong 18 tháng gần đây đã tăng lên từ 20 đến 25%, và mỗi năm còn được tăng khoảng 15% theo như kế hoạch 5 năm lần thứ 12, và như thế công xưởng thế giới đang dần mất đi sức hấp dẫn về giá thấp. Tuy năng suất hàng năm tăng trung bình 7% nhưng không đủ bù đắp cho giá nhân công. Hiện tượng thứ nhất này đi kèm theo hiện tượng thứ hai : sự giảm sút số lượng « dân công » - từ dùng để chỉ người lao động nông thôn ra thành phố tìm việc làm. Patrick Artus, giám đốc nghiên cứu kinh tế của Natixis nhấn mạnh : « Thu nhập của người nông dân đã được cải thiện, khiến cho lương công nhân ít hấp dẫn hơn. Lượng người di cư về phía các tỉnh duyên hải từ 20 triệu người/ năm nay chỉ còn có 5 triệu người/ năm ».

Dưới tác động của các thay đổi này, hai hiện tượng chuyển dịch sản xuất đã làm ảnh hưởng đến kỹ nghệ Trung Quốc. Maximilien Triquigneaux, chuyên gia kiểm tra chất lượng của công ty AsiaInspection phân tích : « Đó là sự thu hẹp lại ở nội địa đối với các sản phẩm có ít giá trị tăng thêm, và dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc đối với các ngành công nghiệp cần đến lượng nhân công quan trọng và và ít kỹ năng ». Như thế, công nghiệp dệt may vốn có sản lượng hàng năm giảm đi với nhịp độ 15%, đang được chuyển dần sang Việt Nam, Indonesia và ngay cả sang Ai Cập. Còn các doanh nghiệp ở Quảng Đông, trái tim của công xưởng thế giới nằm ở vùng châu thổ Châu Giang, thì đang cố tự động hóa các nhà máy càng nhanh càng tốt để cứu vãn tình hình. Jeremy Fong, một nhà công nghiệp Hongkong có nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em tại đây cho biết « bị ảnh hưởng vì đồng nhân dân tệ tăng giá hơn là tiền lương » vì « tổng quỹ lương chỉ chiếm có 5% số chi tiêu ».

Mức lương ngang với phương Tây

Câu chuyện vẫn chưa chấm dứt ở đây. Trong bản báo cáo công bố vào cuối tháng 8, Boston Consulting Group dự kiến trong một thời gian ngắn, giá thành sản xuất tại Trung Quốc sẽ tiến gần với giá thành sản xuất…ở Mỹ! Các tác giả công trình nghiên cứu này viết : « Lương tăng tại Trung Quốc, sự cải thiện năng suất ở Mỹ, đồng đô la sụt giá và nhiều nhân tố khác nữa, sắp tới sẽ lấp đầy khoảng cách về giá thành giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, đối với nhiều mặt hàng tiêu thụ tại Bắc Mỹ ». Còn với châu Âu thì nhận định trên đây không có giá trị, và nếu có một sự « phi toàn cầu hóa », thì người Mỹ được hưởng lợi.

Ở thượng tầng xã hội Trung Quốc, các chức vụ quan trọng nhất được trả lương ở mức rất cao. Patrick Artus cho biết : « Ba ngàn euro/ tháng cho một kỹ sư ở Thượng Hải, và …100.000 euro/ tháng đối với một chuyên gia tính toán về tài chính và bảo hiểm ở Bắc Kinh ». Maurice Lévy, chủ tịch HĐQT Publicis nói thêm : « Một số vị trí trong lãnh vực sáng tạo hay kỹ thuật số ngày nay lương cũng cao như các nơi khác. Một vấn đề khác nữa là tỉ lệ luân chuyển ê-kíp có thể đạt đến 50% một năm ».

Lạm phát phi mã

Còn ở hạ tầng thì tiền lương cũng tăng, và người ta bèn mơ đến các tiện nghi vật chất cao hơn. Đó là trường hợp của Fang Li, 23 tuổi, một nữ công nhân ở Thâm Quyến. Cô hy vọng : « Lương mới đây đã tăng lên, và đây chỉ là khởi đầu, vì giá thực phẩm và nhà ở cũng tăng cao. Giới chủ sẽ phải tăng lương cho chúng tôi thôi ». Cũng giống như các lao động trẻ tuổi sinh ra vào thập niên 80 hay 90, cô gái gốc Hồ Nam này muốn định cư ở thành phố. Hiện cô chung phòng với năm đồng nghiệp khác, và liên tục tăng ca, có khi làm việc đến 60 giờ/ tuần. Nhờ làm thêm, cô bổ sung được thêm vào số lương tháng 2.000 nhân dân tệ (tương đương 230 euro) và tiết kiệm được một ít. Cô khẳng định : « Tôi sẽ không quay về với cha mẹ. Tôi muốn mua một căn hộ ở đây, tìm được một người chồng… »

Tình trạng lão hóa đáng báo động

Nhưng Fang Li sẽ có bao nhiêu đứa con ? Được đặt ra vào cuối thập niên 70, chính sách mỗi gia đình chỉ có một con đã được linh hoạt đôi chút : một cặp vợ chồng mà cả vợ lẫn chồng đều là con một thì sẽ được phép sinh thêm đứa con thứ hai. « Trong vòng từ ba đến năm năm tới, cần phải cho phép tất cả các cặp vợ chồng được có hai con ». Trương Nhân, một trong các phụ nữ giàu nhất Trung Quốc đã viết như vậy trên tờ China Daily, trước hôm khai mạc kỳ họp Quốc hội tại Bắc Kinh hồi tháng 3. Bà cũng muốn thu hút sự chú ý trước tình trạng lão hóa dân số. Hiện Trung Quốc có 160 triệu người trên 60 tuổi, và 10 năm tới con số này sẽ là 250 triệu người. Nhưng thời điểm sụt giảm dân số thực sự là khoảng năm 2030. Patrick Artus nhắc nhở : « Đây là thời điểm mà thế hệ mới của các trẻ em con một thế chỗ cho dân số hoạt động lúc đó đến tuổi về hưu. Dân số Trung Quốc tiếp tục tăng khoảng 1% một năm cho đến cái mốc này, nhưng sau đó sẽ giảm đi 1% mỗi năm ».

Nếu biết rằng chỉ có 350 triệu người trên tổng số 1,3 tỉ dân Trung Quốc bước chân được vào xã hội tiêu thụ, liệu Trung Quốc có già đi trước khi kịp giàu lên hay không ? Đó là câu hỏi lớn được đặt ra cho Bắc Kinh, trong lúc thế hệ lãnh đạo thứ năm - kể từ thời Mao Trạch Đông - sắp sửa lên nắm quyền. Năm tới, Tập Cận Bình sẽ trở thành Tổng bí thư Đảng thay cho Hồ Cẩm Đào, trước khi kế tục chức vụ Chủ tịch nước vào tháng 3/2013. Ông ta sẽ chuẩn bị cho đất nước bước vào năm 2023 như thế nào ? Patrick Artus dự kiến tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm đi : « Trong 10 năm tới, tăng trưởng chỉ còn khoảng 6% ». Từ giờ cho đến lúc đó, dù sao cũng cần làm quen với ý tưởng là Ấn Độ có thể trở thành một cường quốc kinh tế còn năng động hơn cả Trung Quốc.

(Dịch từ tuần báo kinh tế Challenges tuần lễ 8 -15/12/2011, có chủ đề « Khi Trung Quốc hạ cánh » gồm 8 bài viết, đây là bài đầu tiên)

Trung Quốc buộc người sử dụng blog dạng Twitter phải đăng ký tên thật

Bài đăng : Thứ sáu 16 Tháng Mười Hai 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 16 Tháng Mười Hai 2011 
 
Những người sử dụng internet muốn mở tài khoản blog dạng Twitter tại các trang mạng đăng ký ở Bắc Kinh, trong đó quan trọng nhất vẫn là Sina.com nổi tiếng về dịch vụ tiểu blog, phải dùng tên thật. Trang web chính thức của chính quyền Bắc Kinh hôm nay (16/12) cho biết như trên.

Quy định mới này liên quan đến đại đa sổ người sử dụng dịch vụ tiểu blog của Trung Quốc, vì cả ba nhà cung cấp dịch vụ lớn nhất là Sina Weibo, Netease và Sohu đều đăng ký ở Bắc Kinh. Reuters cho biết theo báo chí Hongkong, thì chính quyền Thượng Hải và Quảng Châu cũng sẽ theo chân. Người sử dụng có ba tháng để đăng ký với tên thật, nếu không sẽ có nguy cơ bị truy tố, tuy vậy họ có thể tự chọn tên dùng trên mạng.

Các tiểu blog loại Twitter luôn bị nhà cầm quyền Trung Quốc ngờ vực, vì lo ngại khả năng truyền tải những thông tin không được chính quyền kiểm soát. Dịch vụ Sina Weibo tức Vi Bác của trang mạng Sina.com, một dạng Twitter của Trung Quốc, đã từng bị nhà nước phong tỏa hồi tháng 7/2009 sau vụ nổi dậy của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, có đến 250 triệu tài khoản đăng ký.

Theo báo chí Trung Quốc thì đến cuối tháng 11, có trên 300 triệu người sử dụng dạng tiểu blog trên toàn quốc, và nhìn chung trong nửa đầu năm 2011, số người sử dụng đã tăng gấp ba. Nhờ dịch vụ này mà tuần qua cư dân nổi dậy chống trưng thu đất đai ở làng Ô Khảm thuộc miền nam Trung Quốc, có thể đưa lên mạng các hình ảnh và lời chứng về phong trào phản kháng, cũng như việc họ bị công an bao vây. Vụ hai đoàn tàu cao tốc đụng nhau ở gần Ôn Châu hồi cuối tháng 7 làm cho 40 người chết, cũng được một blogger thông báo đầu tiên. Tuy bị hạn chế ở mức 140 từ, nhưng số lượng này đối với Hán tự thì có thể diễn đạt dài hơn, rõ ràng hơn so với các ngôn ngữ dùng bảng chữ cái la-tinh.

Tháng vừa qua, chính quyền Trung Quốc đã loan báo tiến hành một chiến dịch chống lại « các thông tin sai lạc », và bắt đầu siết lại các trang mạng như Vi Bác. Bắc Kinh hy vọng kiểm soát được những lời chỉ trích trên internet, vốn khó bịt miệng hơn so với báo viết.

tags: Châu Á - Internet - Trung Quốc 
 
http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20111216-gehat-dhbp-ohbp-athbv-fh-qhat-qvpu-ih-oybt-qnat-gjvggre-cunv-qnat-xl-gra-gung