Sáng Sài Gòn mát mẻ, chạy từ nhà đến Phú Nhuận có vài kilomet cà phê mà đi tới gần 1 tiếng. Các ngã tư, đặc biệt ngã ba kẹt cứng xe cộ, kẹt kinh hoàng.
Tại ngã ba Nguyễn Văn Đậu - Phan Đăng Lưu xe sắp hàng dằng dặc, lạ! Cha đi sau quát mình “Chạy đi”, tui nói cảnh sát giao thông kìa, chả lè lưỡi cười trừ! Mất gần tiếng lết về nhà, lên mạng thấy bà con than quá trời, cả thành phố kẹt xe.
Từ khi Nghị định 168 có hiệu lực, mức phạt rất cao, ai cũng rét. Thấy đèn đỏ ngó trước ngó sau mới liều quẹo phải. Đó là cái bẫy, giăng giăng lâu nay nhưng cảnh sát giao thông rất ít phạt.
Ví dụ ngã ba Kha Vạn Cân - Đường số 2 (Thủ Đức), chỗ này thường kẹt xe, cảnh sát giao thông luôn có mặt nhưng vẫn cho bà con quẹo phải vô tư, thậm chí ngó lơ để xe leo lề cho nhanh, khỏi kẹt xe. Giờ đến đó đừng có giỡn, coi chừng mất toi 4-6 triệu, mà chấp hành nghiêm thì kẹt xe kinh hoàng.
Nhà chức trách đưa ra mức phạt cao ngất, cao quá mức thu nhập của dân, làm cuộc sống vốn đã căng thẳng, càng bức bối. Cứ ra đường là sợ hãi bủa vây. Sợ quá!
Tui biết mục đích phạt cao để lập lại trật tự giao thông (bấy lâu nay buông lỏng?), xây dựng văn hóa giao thông… Nhưng để làm được vậy phải tùy tình hình thực tế. TPHCM với hơn 9,3 triệu dân, có hơn 1 triệu ô tô, gần 8,5 triệu xe máy, chưa tính xe vãng lai. Trong khi đó, mật độ đường giao thông ở thành phố hiện chỉ đạt khoảng 2,44 km mỗi km2, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn 10-13 km mỗi km2 khiến nhiều tuyến đường trở nên quá tải. Vậy sao không cho phép xe máy được quẹo phải?
Siết luật để xây dựng văn hóa giao thông là đúng đắn, nhưng để luật đi vào đời sống phải tiên lượng được mọi vấn đề phát sinh. Ví dụ, ai đảm bảo các trụ đèn giao thông ở thành phố này luôn hoạt động tốt, nếu nó “đỏ” liên tục thì xử lý sao?
Vấn đề khác, Nghị định 176/2024 cho phép công an được chi hỗ trợ cá nhân cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông. Mức chi không quá 10 % số tiền xử phạt vi phạm, và tối đa 5 triệu đồng/vụ việc.
Trên mạng xã hội đùa dai, sẽ đẻ nghề mới việc nhẹ lương cao. Mà thiệt vậy, nhà tui ở gần ngã tư Phan Văn Trị - Phạm Văn Đồng, cứ đến giờ cao điểm sáng, chiều tối, xách máy ra quay, có hàng ngàn xe vi phạm, liệu có được trả tiền hoa hồng và ai xử lý nổi số lượng lớn như vậy? Quy định này rất dễ bị lạm dụng và biến tướng.
Xây dựng văn hóa giao thông là quá trình lâu dài, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó phải có hạ tầng giao thông tốt mới tạo điều kiện cho dân chấp hành nghiêm. Ngay với cả lực lượng thực thi pháp luật nữa, phải nghiêm minh, minh bạch, rõ ràng, để người bị phạt tâm phục khẩu phục, tôn trọng.
Nói cho vui vậy thôi, người ta xếp hàng thì mình cũng xếp hàng dằng dặc còn hơn bị phạt, bởi thành phố này đã kẹt xe lâu nay rồi chứ đâu phải chỉ “ùn ứ”.
Cần nhớ, kẹt xe gây thiệt hại kinh tế rất lớn.
Nhưng có điều này người dân khẩn khoản cầu mong cơ quan chức năng lắp nhanh tín hiệu giao thông cho phép quẹo phải ở những ngã 3, ngã 4 có thể quẹo cho dân nhờ.
Viết tới đây, ngó ra ngã tư Phan Văn Trị - Phạm Văn Đồng, thấy xe cộ kẹt cứng ngắc, xếp hàng dằng dặc, chả muốn đi đâu!LƯU NHI DŨ 10.01.2025
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.