Đó là câu nói của chị Thu Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao, kiêm Chủ nhiệm Ủy Ban về Người Việt Nam ở Nước Ngoài. Tôi định không có bình luận gì, nhưng thấy lấn cấn, nên phải viết vài dòng gọi là ghi chú.
Câu nói đó của chị lúc nào cũng đúng. Bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu, kể cả ở trong nước Việt Nam, cũng có những người có định kiến và họ không "mở lòng". Thành ra, câu nói đó lúc nào cũng đúng. Và, vì lúc nào cũng đúng nên nó thừa.
Làm quan chức lớn ắt phải có những phát ngôn mang tính thông thái (wisdom), hay nếu không thông thái, thì cũng có thể trích dẫn được (quotable). Còn cái câu lúc nào cũng đúng đó thì phải nói là rất khó trích dẫn để nhớ.
Chị nói: "[...] Một bộ phận bà con vẫn chưa tiếp cận được nguồn thông tin chính thống về tình hình đất nước, chưa có nhận thức đúng, đủ, kịp thời về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước." Tôi thấy phát ngôn này hơi bậy nè.
Bà con ở ngoài này, nếu họ quan tâm đến quê hương, thì họ có nhiều thông tin hơn những gì báo chí do Nhà nước kiểm soát cung cấp. Chị có để ý là cứ mỗi lần có thay đổi nhân sự ở trong nước thì bà con ngoài này đã biết trước khi báo chí đưa tin cả tháng trời. Họ thậm chí còn biết những chuyện "thâm cung bí sử" do chính những bà con trong nước chuyển ra. Chẳng hạn như làm sao bà con trong nước đọc được tác phẩm của Vũ Thư Hiên, Tô Hải, Trần Đĩnh, Lê Phú Khải, v.v... nhưng bà con ngoài này thì đọc lâu rồi.
Chị có vẻ xem thường bà con ở hải ngoại.
Một nghịch lý tồn tại bấy lâu nay: Những thông tin mà báo chí Nhà nước cung cấp thì bà con không muốn nghe/đọc (vì nó nhàm), nhưng những gì bà con muốn biết thì báo chí nhà nước không đưa. Đó là một sự "lệch pha" giữa bà con ở hải ngoại và những người như chị.
Định kiến? Định kiến gì thì chị không nói ra, nhưng bà con kiều bào ở hải ngoại có thể hiểu. Đó là những gì xảy ra trong quá khứ (mất mát, thù hận, đày đọa, xung đột) khiến cho bà con phải rời quê cha đất tổ. "Lệ xóa cho anh được không những kỷ niệm đắng / Lời nói yêu thương ngày xưa có trở về tìm".
Mượn cách nói của chị, bà con ngoài này cũng có thể nói như vầy: "Một 'bộ phận' bà con ở trong nước vẫn chưa mở lòng và xóa bỏ định kiến". Không tin? Hãy xem những phát ngôn đầy hận thù, hằn học, cay đắng của các dư luận viên thì biết. Hay mới nhứt là báo chí nhà nước gọi việc bà con bên Gia Nã Đại giúp đồng hương bên Thái Lan và Nam Dương tái định cư ở Gia Nã Đại là "buôn người". Hết sức bậy bạ.
Sẵn đây, bàn một chút về chuyện chọn chữ. Là người làm trong ngành ngoại giao, công chúng kỳ vọng chị ấy có vốn chữ nghĩa kha khá. Thế nhưng trong thực tế thì có lẽ không phải như kỳ vọng. Chị nói "Một bộ phận nhỏ kiều bào". Vấn đề ở đây là danh từ "Bộ phận". Danh từ đó có thích hợp khi đề cập đến một cộng đồng bà con? Bà con chúng ta, dù họ chưa "mở lòng", là đồng bào ruột thịt, chớ có phải là máy móc gì đâu mà gọi là "bộ phận"? Tại sao không nói là "Một số bà con kiều bào" cho dễ hiểu mà phải dùng đến ngôn ngữ "China hóa" như vậy.
Một lời khuyên cho chị Hằng nè: Lời nói rất quan trọng. Lời nói là sức mạnh. Lời nói có sức mạnh xoa dịu những 'kỷ niệm đắng', nhưng lời nói cũng có thể làm cho bà con và chị xa rời hơn. Nên "lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Lại nhớ đến Bài Không Tên Số Năm:
'Lời em nói sẽ còn mãi đấy,
Chuyện mai sau xin gởi trên tay'.
NGUYỄN VĂN TUẤN 21.08.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.