lundi 12 août 2024

Lê Học Lãnh Vân - Trong kiến thức không có bàn trước bàn sau

Chuyện đã lâu, mấy chục năm rồi, không nhớ chi tiết, chỉ nhớ các nét chánh…

Chiều ấy, khoảng 4 giờ, anh Nghiêm Xuân Hải gọi hỏi có biết ông Chu Phạm Ngọc Sơn không. Chốc nữa ông ấy tới nhà tôi, Vân rảnh ghé chơi.

Trước đó mấy năm tôi làm cầu nối giữa nhóm Cam Tuyền (của bác Hoàng Xuân Hãn) với thầy Chu Phạm Ngọc Sơn, nhóm Cam Tuyền trao Thầy học bổng chuyển cho một nghiên cứu sinh đang làm luận án với Tthầy tại Việt Nam.

Tôi ghé nhà anh Hải ở Lozère, ngoại ô Paris, thấy anh đang trò chuyện với giáo sư André Loupy. Phòng thí nghiệm của ông Loupy kề bên phòng thí nghiệm Sinh học Tế bào của trường đại học Orsay. Tôi thường gặp ông tại căng-tin. Một lúc sau thầy Sơn từ phòng bên đi ra.

Chắc các anh chị cùng lứa đại học Khoa học đều cảm nhận uy tín của các “Đại Sư Phụ” thời trước năm 1975. Các ông Lê Văn Thới, Nguyễn Chung Tú, Đặng Đình Áng, Phạm Hoàng Hộ thuộc bậc đó. Các thầy có uy rất lớn, không chỉ vì chức tước mà vì tác phong mô phạm và khối kiến thức chuyên ngành. Xã hội thời ấy rất trọng kiến thức, trọng giới học thuật, hàn lâm!

Thầy Chu Phạm Ngọc Sơn khá trẻ so với các vị trên nhưng vẫn được xếp vào hàng ngũ “đại sư phụ”!

Anh Hải là giáo sư Toán, ông Loupy và thầy Sơn ngành Hóa. Tôi ngành Sinh học ngồi nghe các ông bàn về một phản ứng hóa học. Đại để là phản ứng thuận nghịch, nhưng do nồng độ các chất tham gia phản ứng chênh lệch quá lớn nên sự thuận nghịch không đáng kể, về thực hành có thể xem như phản ứng một chiều. Các áp lực hóa, lý được tạo ra khiến phản ứng xảy ra thì kích thích phản ứng tiếp theo nhanh hơn. Thầy Sơn nhờ anh Hải xem công thức toán thầy đặt ra để dự đoán nồng độ sản phẩm, trong giới hạn thời gian ngắn ngủi của tiến trình phản ứng, có hợp lý không. Sự đồng quy của các ngành khoa học thể hiện rõ trong buổi bàn luận đó.

Giải quyết vấn đề Toán xong, thầy Sơn quay lại hỏi tôi có nhận vai trò phản biện khi thầy có đề tài thích hợp hướng dẫn nghiên cứu sinh. Thú thực, lúc đó còn bị khớp bởi danh tiếng quá lớn của các thầy, tôi nói em không dám đâu vì cách thầy xa quá! Thầy Sơn nói giao thiệp cá nhân thì thầy trò, còn kiến thức không có bàn trên bàn dưới! Tôi biết em từ lúc em chưa đi Pháp, giờ em vững vàng còn rụt rè gì nữa!

Khoảng chục năm sau đó, tôi có cơ hội làm việc với thầy trong Khu Công Nghệ Cao thành phố Hồ Chí Minh. Dù thích sự nghiệp xây dựng Khu Công Nghệ Cao, một số việc xảy ra khiến tôi rất do dự. Bàn luận với thầy, thầy hỏi: em có kinh nghiệm điều hành công ty, vị trí này phù hợp với em chớ? Dạ, điều hành công ty Mỹ, Tây Âu khác với điều hành công ty Việt Nam. Tâm lý nhân viên cũng khác!

Thầy nói không thoải mái thì không làm, Lãnh Vân có cá tính độc lập, giờ vô khuôn khổ làm chi, phức tạp lắm, nhiều điều em không đoán trước được và phản ứng của em sẽ bất lợi cho em. Lúc đó đâu còn đường lui! Thầy chưa điều hành công ty mà quen với các ông điều hành bên Hóa dầu cũng thấy không hạp! Thôi, Lãnh Vân thấy không thoải mái thì không làm. Mình khoa học về núp trong khoa học!

Mấy năm sau nữa, trong một lần Khu Công Nghệ Cao kỷ niệm ngày thành lập, thầy trò gặp nhau. Thầy nói, giờ thì Lãnh Vân khỏe rồi, ngon quá rồi!

Đứng với thầy giữa sân gió lộng, tôi thấy đời mình khỏe thiệt! Tự thấy hên quá, hồi đó chọn lối sống tự do chớ không đưa thân vào nhà nước! Được cái hên đó, cũng có lời thầy giúp ý!

Hôm nay, thầy mất rồi, em nhớ những tâm sự của thầy mà chắc rằng cũng là tâm sự của không ít trí thức thời Khoa Học Đại Học Đường! Thầy sống êm lành, thuận theo thời thế, nhưng đời làm việc của thầy đâu suông sẻ như ngó từ bên ngoài! Sao trong xã hội này giới trí thức mình ai cũng có tâm sự gút mắc?  

Ngày 14 tháng 8 năm 2024 này, em sẽ thắp nhang cho thầy và gởi tất cả nỗi niềm theo hương khói vĩnh viễn bay xa…

LÊ HỌC LÃNH VÂN 12.08.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.