Khoảng năm 1972 - 1973, qua những người bạn trường Pháp, Vương biết tài tử thần tượng Pháp Alain Delon. Anh chàng chuyên xuất hiện trên thảm đỏ với các tài danh như Sophia Lauren, Romy Schneider, Brigitte Bardot... khiến người hâm mộ các nữ tài tử kia phải ghen tức!
Những năm ấy bom đạn chiến tranh rền vang rền Miền Nam nhưng không khí tại Sài Gòn vẫn tưng bừng văn hóa, văn nghệ, học thuật rất khai phóng và, đương nhiên, đa nguyên.
Vương gặp trong đô thành những thanh niên bừng lửa giận ra sức bảo vệ nền Tự do, những thanh niên cần cù dùi mài chuyên môn chờ ngày đất nước thanh bình góp phần phục hồi đổ vỡ và phát triển quê hương. Những thanh niên buồn nôn trước sự đời phi lý nên nghiêng về bỏ mặc mọi chuyện thời sự, và những thanh niên ủng hộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam...
Vài năm sau, cái cộng đồng đó sẽ chứng kiến không khí tưng bừng khai phóng ấy được thay đổi hoàn toàn. Lúc ấy niềm vui Nam Bắc đại sum họp đang át chế những cảm xúc khác, người ta dễ chấp nhận tình trạng chỉ có một con đường hướng tới chủ nghĩa cộng sản thông qua xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa. Ngọn tinh kỳ chỉ về hướng ấy, triệu bước chân rầm rập đi, triệu bàn tay vỗ nhịp...
Không khí ấy khiến một vị giáo sư Sài Gòn, người từng nhiệt thành ủng hộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam, trầm ngâm. Tác giả “Phạm Duy Đã Chết Như Thế Nào” dần dần thông cảm với Phạm Duy hơn, hay nói cách khác, tự vấn lại các cơ sở kiến thức nền và lập luận trong tập ông viết để diễn thuyết trước giới sinh viên Văn khoa Sài Gòn ngày 6-6-1971. Ngày ấy, một trong những lý do, theo ông giáo sư ấy, khiến Phạm Duy đã chết là vì Phạm Duy đã bỏ kháng chiến.
Sau năm 1975, một trong các câu hỏi dằn vặt ông là: Nền văn hóa, văn nghệ, học thuật cách mạng có dành chỗ cho tính hoài nghi khoa học không? Không có tính hoài nghi khoa học, có nền khoa học không?
Vương đang là sinh viên trường Đại học Khoa học Sài Gòn, ngôi trường về sau được đổi tên trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh. Lúc đó các trường đại học đang trong đợt học chính trị để chuẩn bị mở lại lại sau một năm đóng của vì sự kiện lớn 1975. Sinh viên được tổ chức theo khoa, theo tổ, một tổ khoảng mưới lăm, hai chục sinh viên.
Một ngày kia, không nhớ vì sao tên các diễn viên Alain Delon cùng với Romy Schneider, Sophia Loren được nêu lên. Một cán bộ khoa chính trị, người được tăng cường từ Miền Bắc (Bên Thắng Cuộc) để hướng dẫn các buổi thảo luận, dặn anh em tổ trưởng tổ phó tổ thảo luận trả lời không biết Alain Delon là ai nếu được hỏi tới.
Sau đó, người nêu vấn đề “Phạm Duy Đã Chết Như Thế Nào” hỏi riêng có phải thiệt Vương không biết tài tử Alain Delon! Ông thêm, tôi không tin anh không biết! Nghe Vương trả lời lý do, ông nói: “Anh có thể khen hay chê nền điện ảnh Pháp, nhưng không thể không biết Alain Delon. Nói thế, người ta nghĩ mình dốt!”
Và ông tâm sự...
"Điều tai hại hơn là anh biết mà nói mình không biết. Vì sợ, vì nể, vì bất kỳ cái gì đi nữa thì điều này hại hơn cái dốt nhiều!”
"Chúng ta làm được điều vĩ đại: thắng Pháp, buộc Mỹ rút quân. Chúng ta cho rằng mình đủ sức làm mọi việc! Tôi e rằng tư tưởng đó khiến mình u mê, sai lầm sẽ xảy ra! Sẽ có những sai lầm lớn..."
Giáo sư Nguyễn Trọng Văn của trường đại học Văn Khoa Sài Gòn, con người trung thực và quyết liệt, đã khuất hơn mười năm. Đọc tin Alain Delon mất vài hôm trước, Vương vẩn vơ nhớ lại chuyện xưa.
Bài viết này được hoàn tất khi sáng nay được tin ông Võ Tòng Xuân ra đi. Vị giáo sư Lúa đậm người này, sau giờ làm việc chung, thường dẫn Vương ăn tại các tiệm ăn ngon, bình dân của Cần Thơ, Long Xuyên, Sài Gòn...
LÊ HỌC LÃNH VÂN 19.08.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.