samedi 17 août 2024

Dương Quốc Chính - Tương lai nào cho Bangladesh?

Để đánh giá tình hình Bangladesh không hề đơn giản.

Chính phủ của bà Hasina rõ ràng là có uy tín và chính danh khi được bầu lên vào những ngày đầu. Uy tín của bà còn đến từ nguồn gốc là con gái của vị cha già lập quốc, giống hệt bà Aung San Suu Kyi của Miến Điện, sau khi người cha bị ám sát sau đảo chính.

Tuy nhiên, bà và cha mình vốn chịu ơn của Ấn Độ trong việc dựng nước và điều hành đất nước nên bị phụ thuộc quá nhiều vào nước này, dẫn tới sự bất mãn của phe quốc gia đối lập là đảng BNP. Ngoài ra, do dùng các biện pháp cứng rắn, bắt bớ phe đối lập và gian lận bầu cử để duy trì quyền lực, đã biến bà Hasina thành kẻ độc tài.

Tuy độc tài đã bị lật đổ, nhưng chưa chắc Bangladesh đã trở nên dân chủ hơn, bởi vì nước này vốn chỉ có hai đảng lớn. Thủ tướng lâm thời chỉ có quyền tổ chức bầu cử theo hiến pháp Bangladesh, nên khả năng lớn là đảng BNP của bà Zia mới được tha tù sẽ có lợi thế quay lại chính trường, hoặc có thể sẽ có một liên minh với các đảng Hồi giáo (có thể cực đoan).

Đảng của bà Hasina tuy thiên tả nhưng lại là thế tục, phi tôn giáo, đảng dân tộc BNP lại bao gồm các đảng Hồi giáo. Vì thế nên các nước phương tây lại lo ngại rằng có thể Bangladesh lại biến thành một quốc gia Hồi giáo, hoặc rơi vào tay Trung Quốc. Thì nền dân chủ có thể lại mù mịt hơn chính phủ độc tài Hasina thân Ấn Độ.

Biết đâu dân Bangladesh tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa. Kiểu như Afghanistan, đánh đuổi Mỹ và chế độ thân Mỹ để giành độc lập rồi rơi vào Hồi giáo cực đoan thần quyền còn nhục hơn xưa!

Mọi sự vẫn chỉ là phỏng đoán, hy vọng là người dân Bangladesh sẽ có lựa chọn sáng suốt để bầu được chính phủ dân chủ thực sự, chứ dân Afghanistan thì vốn không được bầu tự do với chính quyền Taliban. Tóm lại thì nền dân chủ chỉ thực sự ổn định, bền vững khi dân trí chính trị đủ cao.

Có một sự kỳ lạ là mấy nước gần nhau này toàn có lãnh tụ chính trị là nữ và con ông cháu cha (cỡ cha già dân tộc). Như bà Gandhi, bà Zia, bà Hasina, bà Aung San Suu Kyi. Ấn Độ đỡ bạo loạn nhất, nhưng cả mấy nước đều có những năm đầu thoát thuộc địa thì theo xã hội chủ nghĩa, đâm ra nát. Hình như mỗi Pakistan không giống. Mình chưa tìm hiểu kỹ về Pakistan.

Có một điểm chung nữa là các nước này đều có bạo loạn, đảo chính đẫm máu và thay đổi chính phủ vào giai đoạn 90-91 (cộng sản Đông Âu và Liên Xô sụp đổ), nên mô hình xã hội chủ nghĩa của họ cũng bị lật đổ theo.

Ông bố bà Hasina cũng xã hội chủ nghĩa nha. Nhà Gandhi cũng xã nghĩa.

DƯƠNG QUỐC CHÍNH 17.08.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.