Đăng ngày 14-04-2015
Theo tạp chí The Diplomat hôm nay 14/05/2015,
Trung Quốc còn xây dựng những công trình quân sự kiên cố cả ở Hoàng Sa
chứ không chỉ tại Trường Sa. Tờ báo cho rằng các nước liên quan có phản
ứng quá chậm chạp so với tốc độ xâm lấn của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Tờ
báo viết, khi Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng gặp
gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh tuần trước, Tân Hoa Xã
đã ca ngợi « quan hệ đối tác sâu sắc » giữa hai nước. Nhưng
cách bờ biển Việt Nam 400 km, tại quần đảo Hoàng Sa, Bắc Kinh đã nhanh
chóng cho xây dựng các công trình quân sự kiên cố để áp đảo.
Các
hình ảnh vệ tinh có độ phân giải cao chụp được hôm 17/3 cho thấy đảo Phú
Lâm - bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1956 và gọi là đảo Vĩnh Hưng -
đang được mở rộng quy mô với đường băng và các công trình phục vụ cho
sân bay quân sự.
Trong 5 tháng vừa qua, phi đạo dài 2.400 m đã
được thay thế hoàn toàn bằng một đường băng mới bằng bê-tông dài 2.920
m. Bên cạnh đó là xây đường chạy mới dành cho phi cơ, mở rộng khu vực đỗ
máy bay, và cạnh đó là những tòa nhà đang được xây dựng. Công việc bồi
đắp cũng đang được tiến hành tại đây.
Cách đảo Phú Lâm 80 km về
phía đông nam, trên đảo Quang Hòa thuộc cụm Lưỡi Liềm của quần đảo Hoàng
Sa - bị Trung Quốc xâm chiếm sau trận hải chiến năm 1974 với quân đội
Việt Nam Cộng Hòa, đặt lại tên là Sâm Hàng và Quảng Kim - ảnh vệ tinh
cho thấy việc bồi đắp của Bắc Kinh đã làm tăng đến 50% diện tích hòn đảo
kể từ tháng 4/2014.
Trên đảo Quang Hòa có một đơn vị quân đội đồn
trú, bốn vòm radar, một nhà máy sản xuất bê-tông, và một cảng biển vừa
được mở rộng nhờ nạo vét và phá hủy san hô. Một con đê biển kiên cố đang
được xây dựng xung quanh các công trình bồi đắp đất. Các tòa nhà mới
cũng thấy xuất hiện gần đảo Duy Mộng - bị Trung Quốc xâm chiếm năm 1974
và gọi là đảo Tấn Khanh.
The Diplomat nhận định, trong những tuần
lễ gần đây, mọi chú ý đều hướng về quần đảo Trường Sa - nơi Trung Quốc
cho bồi đắp và xây dựng với tốc độ nhanh đến chóng mặt, tại ít nhất bảy
đảo đá ngầm và rạn san hô đang được Việt Nam, Philippines, Malaysia,
Brunei và Đài Loan đòi hỏi chủ quyền. Nhưng nếu các nước tranh chấp ở
Trường Sa chỉ có phản ứng nhẹ nhàng hoặc không tỏ thái độ trước hành
động của Bắc Kinh, thì tại Hoàng Sa, lại còn yếu ớt hơn.
Từ vài
tháng qua, đã diễn ra đối thoại hướng về quan hệ đối tác chiến lược giữa
Việt Nam và Philippines – quốc gia đang rất quan ngại trước việc Trung
Quốc kiểm soát các đảo san hô gần bờ biển nước mình. Hoa Kỳ đã dỡ bỏ một
phần cấm vận vũ khí đối với Việt Nam ; và Hà Nội đang tăng cường lực
lượng hải quân, tiếp nhận các tàu tuần tra do Nhật Bản trao tặng, mua
sáu tàu ngầm lớp kilo của Nga. Còn Manila đã mở lại căn cứ ở vịnh Subic
cho hải quân Mỹ, kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế về luật biển.
Tuy
nhiên cũng theo The Diplomat, tất cả những phản ứng trên đây có vẻ quá
chậm chạp, so với tốc độ Trung Quốc nạo vét, đào đắp đất, triển khai các
nhà máy bê-tông cơ động trên toàn khu vực Biển Đông.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20150414-bien-dong-tq-hoang-sa-truong-sa/
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.