Dù sáng 30-4-1975, Tổng thống Dương Văn Minh đã yêu cầu binh sĩ Việt Nam Cộng hòa “ngưng nổ súng", vẫn còn trận cuối cùng dữ dội, đến tận trưa, chiều ngày 30-4 ở Sài Gòn: cửa ô Bảy Hiền - Lăng Cha Cả, sát bên Ông Tạ.
Tiếng bom đạn liên tục dội lên ở khu vực này từ rạng sáng 30-4. Dân Ông Tạ báo nhau: “Ở Bảy Hiền, Lăng Cha Cả đánh nhau lớn lắm”. Như một số gia đình khu này, ba tôi chuẩn bị cho mỗi người trong gia đình một ba lô với đầy đủ những gì cần cho một cuộc di tản đến nơi an toàn hơn. Một thói quen thời chiến tranh của nhiều gia đình miền Nam. Tôi lúc ấy 13 tuổi cũng có một cái - dù vai bên trái đã trúng miểng đạn từ chiều 29-4.
Lực lượng chủ yếu của Quân Giải phóng tấn công vào đây là Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) và Trung đoàn xe tăng 273. Trong đó có một chiến sĩ sau này là nhà văn Bảo Ninh, tác giả cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Nỗi buồn chiến tranh”. Lúc ấy, ông là lính trinh sát của Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 24 và đã viết rất chi tiết trong bài ký “Đêm cuối cùng ngày đầu tiên”: “Mãi tới 14 giờ 30, quân ta mới dứt điểm được ổ đề kháng cuối cùng ở góc phía Tây phi trường”. “Nỗi buồn chiến tranh” trong ông hẳn cũng có nỗi buồn của trận chiến nơi đây?