dimanche 30 juin 2019

Đặng Sinh - Đặc khu kinh tế



Đưa nạn nhân ra khỏi khu nhà sập, 24/06/2019.

Tôi vội vã rời Sihanoukville, nơi mà theo trí nhớ của cha tôi khoảng gần 40 năm trước là một làng chài yên bình với biển xanh và cát trắng ở phía Nam Campuchia.
Lúc ngồi ở phòng chờ, anh tài xế thông báo cho tôi biết vụ một công trình cao ốc đang xây dựng được 8 tầng vừa đổ sập.
- "Có ít nhất 30 người bị vùi lấp, cả người Campuchia và người Trung Quốc", anh tài xế thông báo cho tôi sau khi hóng hớt từ hiện trường về với 3 tấm ảnh chụp bằng điện thoại.
Ngay trên bờ biển vịnh Thái Lan, nơi cách xa Trung Quốc hàng ngàn cây số, tôi vẫn cứ ngỡ như lạc vào nơi nào đó kiểu như một thành phố của người Trung Hoa. Thật kỳ lạ, khắp nơi là người Trung Quốc, biển quảng cáo 100% chữ Trung Quốc; đến cả những tờ rơi dán trên tường tole các công trình cũng là chữ Trung Quốc. Chữ Trung Quốc áp đảo cả chữ Campuchia trên các biển quảng cáo, còn chữ Latin thì vô cùng hiếm hoi.

Ngô Nhân Dụng - Hai tin vui buồn cho Tập Cận Bình



Từ đầu Tháng Sáu, Huawei lại mua được các bộ phận của Mỹ nhờ các luật sư đã mách cho các công ty Mỹ biết rằng các chi nhánh của họ vẫn được phép bán hàng cho Huawei, nếu tất cả được chế tạo ở ngoại quốc. Trong hình, gian hàng Huawei tại triển lãm Ces Asia 2019 ở Thượng Hải hôm 11 Tháng Sáu, 2019. (Hình: Hector Retamal/AFP/Getty Images)
(Người Việt 25/06/2019) Tập Cận Bình sẽ gặp Donald Trump cuối tuần này nhân hội nghị G-20 của 20 nước kinh tế mạnh nhất. Trước khi Tập gặp Trump, có một tin vui và một tin buồn. Tin vui là công ty Huawei vẫn mua được “chip” của các hãng Mỹ dù chính phủ Trump đã có lệnh cấm từ Tháng Năm, 2019. Tin buồn là dân tiêu thụ trong nước Tàu giảm chi tiêu. Tập sẽ nhớ đến cả hai tin vui buồn này khi nói chuyện với Trump ở Osaka.

Không ai hy vọng cuộc hội kiến sẽ đưa tới kết quả ngoạn mục nào, vì mối bất đồng quá lớn. Cộng Sản Trung Quốc muốn Mỹ ngưng đánh thuế quan và ngưng cấm vận các món kỹ thuật cao để các công ty như Huawei vẫn sống mạnh. Thứ Bảy vừa qua, báo Nhân Dân ở Bắc Kinh còn đặt điều kiện chỉ tiếp tục nói chuyện thương mại nếu Mỹ bỏ hết không đánh thuế trên hàng nhập cảng từ nước Tàu nữa.

Ngược lại, Mỹ đòi Trung Cộng mở cửa rộng hơn cho doanh nghiệp nước ngoài, tôn trọng bản quyền sáng chế các món kỹ thuật tiên tiến và ngưng trợ cấp các doanh nghiệp nhà nước để cạnh tranh bất cân xứng với các xí nghiệp Mỹ. Đòi điều kiện sau cùng này chẳng khác nào yêu cầu Trung Cộng thôi không còn là Cộng Sản nữa.

vendredi 28 juin 2019

Mỹ đòi Cam Bốt điều tra việc Trung Quốc vào Sihanoukville để né thuế

Cảng Sihanoukville, Cam Bốt. Ảnh chụp ngày 14/12/2018.

Hoa Kỳ hôm nay 28/06/2019 đòi Cam Bốt phải mở điều tra về đặc khu kinh tế Sihanoukville do Bắc Kinh đầu tư, sau khi phát hiện các thủ đoạn của các công ty Trung Quốc tại đây để tránh né mức thuế đánh vào các mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ.

Bà Emily Zeeberg, phát ngôn viên đại sứ quán Mỹ, nói với hãng tin Reuters : « Hoa Kỳ sẽ truy lùng ráo riết các vụ hàng Trung Quốc đội lốt để tránh thuế, và sử dụng mọi công cụ pháp lý sẵn có để răn đe những vụ vi phạm luật thuế quan và thương mại của Mỹ », gồm các hình phạt dân sự, hình sự và các hành động thực thi pháp luật khác.

Bà nói thêm : « Chúng tôi kêu gọi chính phủ Cam Bốt xem xét kỹ càng việc quản lý và tuân thủ pháp luật ở đặc khu Sihanoukville ». 

Bầu cử sơ bộ đảng Dân Chủ : Nữ ứng viên da đen nổi bật khi tranh luận

Bà Kamala Harris chiếm thế thượng phong trước hai nhân vật kỳ cựu Joe Biden và Bernie Sanders trong cuộc tranh luận ngày27/06/2019 tại Miami.

Cuộc tranh luận thứ hai giữa các ứng cử viên Dân Chủ đã diễn ra tối qua, 27/06/2019, ở Miami, với hai khuôn mặt có nhiều triển vọng nhất theo các cuộc thăm dò: cựu phó tổng thống Joe Biden và thượng nghị sĩ Bernie Sanders. Người ta chờ đợi một cuộc song đấu giữa hai chính khách ở tuổi 70 này, nhưng rốt cuộc nữ thượng nghị sĩ da đen Kamala Harris đã vượt qua họ, trở thành nhân vật sáng giá nhất. 

Từ Miami, thông tín viên Anne Corpet tường thuật :

« Kamala Harris đã nổi bật lên trong số đông các ứng cử viên Dân Chủ ồn ào. Khi các đối thủ lạc đề, lúng túng hồi lâu, thì chính bà đã mang lại sự yên tĩnh, với lời nhắc nhở đanh gọn : « Này, các vị có biết không, nước Mỹ không muốn thấy một cuộc chiến đấu giữa những người đói khát, mà muốn biết làm thế nào người ta mang thức ăn đến cho họ ».

Chiến hạm Canada bị tiêm kích Trung Quốc quấy nhiễu trên Biển Hoa Đông

Chiến hạm HMCS Regina (FFH334) của Canada. Ảnh minh họa.

Bộ Quốc phòng Canada hôm 27/06/2019 thông báo, hai chiến hạm của nước này, khi di chuyển tại hải phận quốc tế ở Biển Hoa Đông, hồi đầu tuần đã bị hai máy bay tiêm kích của Trung Quốc bám sát ở cao độ rất thấp. Một trực thăng của Hải quân Canada còn bị một tàu đánh cá Trung Quốc chiếu tia laser vào. 

Theo phát ngôn viên bộ Quốc phòng Canada, một tuần sau khi đi qua eo biển Đài Loan, chiến hạm NCSM Regina và tàu hộ tống Asterix, hôm thứ Hai 24/6 đang hướng về phía Bắc Triều Tiên, thì « hai chiếc Su-30 của Trung Quốc tiến gần ở khoảng cách chỉ có 300 mét và độ cao 30 mét ». 

Thông cáo nhấn mạnh : « Cho dù chiến hạm Canada luôn bị tàu chiến và máy bay của quân đội Trung Quốc theo bén gót sau khi thăm Việt Nam, nhưng đây là lần đầu tiên bị áp sát như thế ». Được biết hai chiếc tàu Hải quân Canada sau khi thăm cảng Cam Ranh của Việt Nam, tiếp tục đến Đông Bắc Á, góp phần vào nỗ lực răn đe mọi vi phạm lệnh cấm vận Bình Nhưỡng.

Nhật hoàng tiếp tổng thống Pháp và phu nhân

Nhật hoàng Naruhito và hoàng hậu tiếp tổng thống Pháp E. Macron và phu nhân tại Tokyo ngày 27/06/2019.

Trước khi đến Osaka dự hội nghị thượng đỉnh G20, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và phu nhân đã được tân Nhật hoàng Naruhito và hoàng hậu Masako mời dự tiệc trưa tại Hoàng cung ở trung tâm Tokyo hôm qua 27/06/2019. Ông Macron là nguyên thủ ngoại quốc thứ hai, sau tổng thống Mỹ Donald Trump được Nhật hoàng Naruhito tiếp kể từ khi lên ngôi. 

Bữa tiệc có khoảng 30 người tham dự, trong đó có sáu công chúa Nhật và ngoại trưởng Pháp. Đoàn đại biểu Pháp tặng cho Nhật hoàng  một chiếc quạt bằng lụa tơ tằm được nghệ nhân Anne Hoguet vẽ hoa, còn hoàng hậu nhận món quà là chiếc túi xách hiệu Dior. Thông tín viên RFI tại Tokyo, Frédéric Charles cho biết báo chí Nhật tỏ ra thú vị với chuyến thăm của hai vợ chồng tổng thống Pháp :

« Cặp vợ chồng tổng thống Pháp thu hút người Nhật với chuyện tình của họ, và khoảng cách tuổi tác đến 25 năm. Trong một đất nước rất cổ điển về hôn nhân, người Nhật coi đây là một điều hết sức mới mẻ.

Nguyên tử Iran : Trump bỗng hòa dịu, Teheran vẫn cứng rắn

Báo chí Iran ngày 25/06/2019 chạy tít lớn về lệnh trừng phạt mới của Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm nay 28/06/2019 tại Osaka tỏ ra hòa hoãn, nói rằng « không có gì phải gấp gáp » trong việc giải quyết căng thẳng với Iran. Thái độ này ngược hẳn với một loạt cuộc đấu khẩu mới đây giữa đôi bên. Hôm qua, Teheran cảnh báo Mỹ « đừng ảo tưởng về một cuộc chiến nhanh gọn », và cho rằng cuộc họp hôm nay tại Vienna giữa các nước ký kết hiệp ước nguyên tử Iran là « cơ hội cuối cùng » để cứu vãn hiệp định.

Anh, Pháp, Đức thúc giục Iran không nên phạm « sai lầm » là vi phạm các cam kết. Nhưng theo thông tín viên Siavosh Ghazi ở Teheran, chế độ Hồi giáo Iran vẫn tỏ ra cứng rắn :

« Iran vẫn khăng khăng giữ nguyên quan điểm của mình, bác bỏ những lời cảnh báo của châu Âu. 

Tin vắn 28.06.2019



(AFP)Duterte dọa bỏ tù những ai đòi truất phế

Tổng thống  Philippines Rodrigo Duterte hôm nay 28/06/2019 đe dọa sẽ tống giam tất cả « bọn ngu » dám đòi truất phế ông. 

Sau vụ một tàu Trung Quốc tông chìm rồi bỏ mặc 22 ngư dân Philippines tại Bãi Cỏ Rong, Duterte bị đả kích dữ dội vì thái độ lấy lòng Bắc Kinh. Một số muốn tiến hành thủ tục truất phế ông vì vi hiến : Hiến pháp buộc chính phủ phải bảo vệ tài nguyên biển. 

jeudi 27 juin 2019

Bắc Kinh giở đủ trò để ngăn các nhà báo đến Tân Cương

Cổng chào đang được xây dựng của một trại cải tạo mang danh "trung tâm dạy nghề" ở Dabancheng, Tân Cương.

Dàn dựng ra tai nạn giao thông, giả dạng du khách…Tại Tân Cương, chính quyền đã huy động trí tưởng tượng tối đa để ngăn trở không cho các nhà báo quốc tế đến điều tra về các trại cải tạo người Duy Ngô Nhĩ.

Trung Quốc bị Liên Hiệp Quốc tố cáo đã bắt một triệu người Duy Ngô Nhĩ đi cải tạo, còn Bắc Kinh biện minh rằng đó là những « trung tâm huấn nghệ » nhằm phòng ngừa Hồi giáo cực đoan.

Khi đi xe trên một con đường dẫn đến một trong những trại cải tạo loại này, mà các phóng viên của hãng tin Pháp AFP đã chứng kiến một cảnh tượng « siêu thực ». Một xe vận tải nhẹ chạy với tốc độ rùa bò về phía một chiếc xe đang đậu trên lề đường, rồi dừng lại khi còn cách vài…milimét để giả làm một vụ đụng xe.

Chỉ trong vài phút, « tai nạn » này đã thu hút một đám đông hiếu kỳ khiến giao thông phải ngưng lại. Mục tiêu của công an đã đạt được : lối vào trại cải tạo đã bị tắc.

Lực lượng hải quân giấu mặt của Trung Quốc trên Biển Đông

Một tàu của ngư dân Việt Nam đánh bắt ở Hoàng Sa bị tàu Trung Quốc tấn công, cướp phá.

Quần đảo Trường Sa hiện có năm bên yêu sách chủ quyền, là nơi nóng bỏng nhất trên Biển Đông. Chuyên gia Gregory Poling, giám đốc Asia Maritime Transparency Initiative trong bài viết « Hải quân giấu mặt của Trung Quốc » đăng trên báo Foreign Policy hôm 25/06/2019 khẳng định, các bằng chứng cho thấy những tàu được cho là tàu đánh cá Trung Quốc ở quần đảo tranh chấp này là một phần của lực lượng dân quân biển mở rộng của Bắc Kinh.

Một số nhà phân tích tiếp tục nghi ngờ về sự hiện diện và các hoạt động của dân quân biển. Số khác, đặc biệt là có liên hệ với các định chế Trung Quốc và báo chí Nhà nước, tìm cách trưng ra những hình ảnh vệ tinh đã được cắt xén một cách nghệ thuật, chỉ sử dụng những dữ liệu có lợi cho mình, hoặc đơn giản là làm ngơ trước thực tế, tấn công vào những ai đưa ra bằng chứng về các hoạt động của dân quân biển.

Điều này không gây ngạc nhiên vì mục đích dùng đến dân quân biển là tấn công ở mức thấp hơn quân đội chính quy, làm phức tạp thêm sự đối phó của các bên khác - trong trường hợp này là Việt Nam, Philippines, Malaysia, Đài Loan cũng như Hoa Kỳ - qua việc giấu mặt sau lớp vỏ dân sự. Nhờ đó Bắc Kinh có thể chối bỏ mọi bằng chứng của các hành vi hung hăng trên biển. Tuy nhiên những bằng chứng này tự nó đã nói lên tất cả.

Biển Đông : Hải quân Mỹ cân nhắc trở lại căn cứ vịnh Subic

Ảnh tư liệu: Vịnh Subic và căn cứ hải quân Mỹ. Ảnh chụp năm 1990.

Hải quân Hoa Kỳ đang cân nhắc việc quay lại căn cứ cũ ở vịnh Subic, Philippines, nơi trước đây từng là cơ sở hậu cần cho quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, để phục vụ cho hạm đội Mỹ hoạt động ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Tờ Star and Stripes hôm 26/06/2019 cho biết như trên.

Nhà máy đóng tàu Hanjin Shipyard ở vịnh Subic đã được rao bán sau khi chủ sở hữu là Hanjin Philippines tuyên bố phá sản, với số nợ 900 triệu đô la. Ngay lập tức có hai công ty Trung Quốc muốn mua lại. Theo Star and Stripes, chính phủ Mỹ hiện đang xem xét khả năng thuê sử dụng cơ sở lớn thứ năm trên thế giới này làm nơi sửa chữa và bảo trì tàu chiến, đồng thời tránh để cảng này rơi vào tay Trung Quốc.

Một thuyền trưởng về hưu của Hải quân Mỹ nói với tờ báo, đây là « cơ hội bằng vàng để quay lại vịnh Subic » sau gần 30 năm vắng bóng. Trong thập niên 40, khi Hoa Kỳ và Philippines thương lượng về quan hệ liên minh, Trung Quốc chưa phải là mối đe dọa trên biển. Vào thời đó, chưa ai dự báo được các hành động hung hăng của Bắc Kinh nhằm bành trướng tại Biển Đông như hiện nay.

Việt Nam : Một cựu luật sư bị 8 năm tù vì âm mưu phá hội nghị APEC

Cựu công chứng viên Trần Công Khải tại tòa. Ảnh của báo Thanh Niên.

Một cựu luật sư hôm nay 27/06/2019 bị tòa án Thành phố Hồ Chí Minh tuyên án 8 năm tù giam, với cáo buộc âm mưu phá hoại hội nghị APEC tại Việt Nam năm 2017, có liên quan đến một tổ chức chống cộng tại Mỹ.

Ông Trần Công Khải, 56 tuổi, nguyên là luật sư, công chứng viên Văn phòng công chứng quận 7 bị cáo buộc tham gia « Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời » do « thủ tướng » tự phong Đào Minh Quân thành lập tại Hoa Kỳ - tổ chức bị Việt Nam xếp vào loại khủng bố.

Theo cáo trạng, ông Trần Công Khải dự định tiến hành một vụ tấn công vào hội nghị thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng năm 2017, diễn đàn này có sự tham dự của tổng thống Mỹ Donald Trump, tổng thống Nga Vladimir Putin, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông còn kêu gọi tham gia một cuộc trưng cầu dân ý để bầu ông Đào Minh Quân làm tổng thống.

Bình Nhưỡng yêu cầu Seoul không can thiệp vào việc thương lượng với Mỹ

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Jong Un (T) và tổng thống Mỹ, Donald Trump, tại thượng đỉnh Hà Nội, ngày 01/03/2019.

Bình Nhưỡng hôm nay 27/06/2019 yêu cầu Seoul ngưng « can dự » vào việc thương lượng với Washington trong hồ sơ nguyên tử, và bác bỏ tuyên bố trước đó của tổng thống Hàn Quốc rằng đối thoại liên Triều đang diễn ra. Bắc Triều Tiên cũng đòi hỏi phía Mỹ có chiến lược mới trong việc thương thảo.
Hãng tin Nhà nước KCNA hôm nay dẫn tuyên bố của ông Kwon Jong Gun, quan chức cao cấp bộ Ngoại Giao Bắc Triều Tiên, khuyến cáo, « chính quyền Hàn Quốc tốt nhất nên lo việc của mình ». Ông nói rằng nếu Bình Nhưỡng muốn liên lạc với Washington thì sẽ tiến hành « qua các kênh đã có sẵn », và « Seoul không có lý do gì để can dự vào ».

Sau thất bại của cuộc gặp Trump-Kim lần thứ hai tại Hà Nội, đôi bên rất ít liên hệ với nhau. Tuy nhiên, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, người từng đóng vai trò quan trọng trong công cuộc hòa giải trên bán đảo Triều Tiên hôm qua khẳng định là khả năng tổ chức thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ ba « đang được bàn bạc trong hậu trường ». Bên cạnh đó « đang có đối thoại giữa hai miền Nam-Bắc thông qua nhiều kênh khác nhau ». 

Tin vắn 27.06.2019



(AFP)Nhân viên Hoa Vi hợp tác nghiên cứu với quân đội Trung Quốc
 
Nhiều nhân viên của tập đoàn viễn thông Hoa Vi (Huawei) đã hợp tác với quân đội Trung Quốc trong nhiều công trình nghiên cứu, theo các tài liệu mà AFP được tham khảo hôm nay 27/06/2019. 

Một công trình công bố năm 2009 cho thấy các nhân viên này đã làm việc với nhiều nhánh khác nhau của quân đội Trung Quốc. Hãng tin Bloomberg, nơi đầu tiên phát giác việc này, ước lượng có ít nhất 10 công trình liên quan, từ trí thông minh nhân tạo cho đến phân tích hình ảnh vệ tinh. Hoa Vi nói không biết về các bài báo khoa học mang tính cá nhân của nhân viên mình.

Nguyễn Quang Duy - Đổi mới chính trị để hòa giải dân tộc



Hai thủ tướng Hun Sen và Lý Hiển Long tại Singapore ngày 26/07/2010.

Gần đây có hai sự kiện đáng để chúng ta suy ngẫm:

(1)      Thủ tướng Lý Hiển Long tuyên bố Hà Nội “xâm lược”, “chiếm đóng” Campuchia; và

(2)       Đại tá Hải quân Hoa Kỳ Nguyễn Từ Huấn được vinh thăng Phó Đề đốc, trở thành vị tướng thứ 4 của Quân lực Hoa Kỳ, cho biết gia đình ông gồm 7 người, nhỏ nhất chỉ 2 tuổi, bị Cộng sản xử tử trong biến cố Mậu Thân 1968.

Phép thử lòng tin chiến lược

Ngày 15/11/2018, bế mạc Thượng đỉnh ASEAN thường niên tại Singapore, Thủ tướng Lý Hiển Long chia sẻ đã đến lúc ASEAN phải chọn giữa Mỹ-Trung. ASEAN hình thành với 5 nước nhỏ vào năm 1967 nhằm chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa Cộng sản, Hà Nội chính là nỗi đe dọa của các nước này.

mardi 25 juin 2019

Anh đòi hỏi điều tra độc lập về bạo lực cảnh sát ở Hồng Kông

Cảnh sát bắn hơi cay vào người biểu tình Hồng Kông, ngày 12/06/2019.

Chính phủ Anh hôm nay 25/06/2019 yêu cầu mở điều tra độc lập về các vụ đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình Hồng Kông, đồng thời ngưng việc xuất khẩu thiết bị an ninh sang đặc khu này.

Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt tuyên bố với các nghị sĩ là ông « rất quan ngại » về tình hình Hồng Kông, cho biết đã đề nghị chính quyền đặc khu mở các cuộc điều tra nghiêm túc về các vụ bạo động đã xảy ra. Ông Hunt khẳng định sắp tới chỉ xem xét việc cấp giấy phép xuất khẩu vũ khí sau khi có kết quả điều tra.

Giấy phép được cấp gần đây nhất để xuất khẩu lựu đạn cay dùng cho việc huấn luyện cảnh sát Hồng Kông là vào tháng 07/2018, còn đạn cao su vào tháng 07/2015, trong khi việc xuất khẩu khiên cho cảnh sát chống bạo động đã bị Luân Đôn từ chối tháng 4/2019. 

Hiệp định thương mại và bảo hộ đầu tư Việt Nam-Châu Âu được ký ngày 30/6 tại Hà Nội


Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk (T), thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (G) và chủ tịch UBCA Jean-Claude Juncker tại thượng đỉnh Á-Âu, Bruxelles, Bỉ, ngày 18-19/10/2018.
Theo thông báo của Ủy ban Châu Âu đăng trên website của định chế này, Hội đồng Châu Âu, ngày hôm nay, 25/06/2019, đã chấp nhận cho ký kết với Việt Nam hiệp định tự do thương mại và hiệp định bảo hộ đầu tư. Hai văn bản này sẽ được ký kết tại Hà Nội, ngày 30/06/2019.

Các cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Liên hiệp Châu Âu (EU) được khởi động năm 2012 và hoàn tất vào ngày 02/12/2015. Chiểu theo quyết định hồi tháng 05/2017 của Tòa án Công lý Châu Âu, Ủy ban Châu Âu đã quyết định tách thành hai hiệp định riêng rẽ với các thủ tục phê chuẩn khác nhau.

Sau khi ủy viên thương mại châu Âu, bà Cecilia Malmström cùng với chủ tịch luân phiên EU ký kết, hiệp định tự do mậu dịch Việt Nam-Liên hiệp Châu Âu sẽ được trình lên tân Nghị viện Châu Âu. Văn bản này có hiệu lực sau khi Nghị viện Châu Âu thông qua. 

LHQ tố cáo Miến Điện vi phạm nhân quyền khi cắt internet

Người dân bang Arakan (hoặc Rakhine) trở về làng sau khi xung đột giữa quân đội Miến Điện và phiến quân "Quân đội Arakan" suy giảm bớt. Ảnh chụp cuối tháng 01/2019.

Việc cắt internet tại một phần lãnh thổ Miến Điện có thể coi là « vi phạm nhân quyền trầm trọng », ở khu vực mà các chiến dịch của quân đội đã làm cho hàng trăm ngàn người Rohingya phải di tản. Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc Yanghee Lee hôm nay 25/06/2019 cảnh báo như trên. 

Bà Yanghee Lee bày tỏ sự lo ngại cho các thường dân tại đây, và kêu gọi tái lập internet ngay lập tức. Theo báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc, được AFP trích dẫn, các « hoạt động truy quét của quân đội có thể là cái cớ cho việc vi phạm nhân quyền trầm trọng đối với thường dân », nêu ra các tội ác đã phạm với người Rohingya năm 2017.

Bộ Giao thông và Thông tin Miến Điện từ thứ Sáu 21/6 đã ra lệnh cho tất cả các nhà mạng phải cắt liên lạc điện thoại di động tại 9 vùng thành thị của bang Rakhine và bang Chin láng giềng, trong thời gian vô hạn định. Chính quyền nêu lý do « rối loạn trật tự xã hội và sự phối hợp các hoạt động bất hợp pháp ». 

Nga được quay lại Ủy hội Châu Âu

Ảnh minh họa : Hội đồng Nghị viện của Ủy hội Châu Âu (APCE)

Các đại biểu Nga hôm nay 25/06/2019 có thể quay lại với Hội đồng Nghị viện của Ủy hội Châu Âu (APCE theo tiếng Pháp, PACE theo tiếng Anh), sau 5 năm bị trừng phạt vì việc chiếm Crimée. Ukraina tỏ thái độ thất vọng.

Sau nhiều tiếng đồng hồ tranh cãi gay gắt kéo dài đến 1 giờ sáng, 118 nghị viên của các quốc gia thành viên Ủy Hội Châu Âu rốt cuộc đã đồng ý cho Nga gởi một đoàn đại biểu đến. Có 62 nghị viên bỏ phiếu chống, 10 vắng mặt. Như vậy ngay từ ngày mai, Nga có thể tham gia bầu tổng thư ký của tổ chức toàn châu Âu, thay cho ông Thorbjorn Jagland, người Na Uy vừa hết nhiệm kỳ. 

Hội đồng Nghị viện là một trong những tổ chức của Ủy hội Châu Âu, tập hợp 47 quốc gia với cam kết tôn trọng nhân quyền, dân chủ và Nhà nước pháp quyền. APCE có thể khuyến nghị, điều tra các chính phủ về các vấn đề trên. Các kết luận của APCE không mang tính ràng buộc.

Donald Trump sẽ gặp Tập Cận Bình bên lề G20

Tổng thống Mỹ Donald Trump (T) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh, ngày 09/11/2017.

Bên lề thượng đỉnh G20 tại Osaka (Nhật Bản) khai mạc vào thứ Sáu 28/6/2019, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ gặp gỡ nhiều nhà lãnh đạo các nước và đặc biệt là chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Một quan chức Mỹ hôm 24/06/2019 cho biết như trên.

Ông Trump sẽ trao đổi với các nhà lãnh đạo Đức, Nhật, Úc, Nga, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê Út bên lề hội nghị. Riêng cuộc gặp rất được chờ đợi với ông Tập Cận Bình sẽ diễn ra vào ngày thứ Bảy 29/06. 

Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức cao cấp Mỹ cho biết, ông Trump coi cuộc trao đổi với ông Tập là dịp để biết được quan điểm của Bắc Kinh về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Tổng thống Mỹ tỏ ra « thoải mái » về mọi khả năng sau cuộc gặp này. Một viên chức khác nói rằng tổng thống Trump « rất rõ ràng, ông muốn có những thay đổi thực sự về cơ cấu ở Trung Quốc trong một số vấn đề và một số lãnh vực, thế nhưng không có gì thay đổi cả ».