jeudi 18 avril 2019

Hồ sơ Nga : Nước Mỹ chờ đợi bản báo cáo Mueller được công bố

Bản báo cáo về hồ sơ Nga của công tố viên đặc biệt Robert Mueller được công bố ngày 18/04/2019.

Nước Mỹ hôm nay 18/04/2019 nóng lòng chờ đợi bản báo cáo của công tố viên đặc biệt Robert Mueller. Bộ trưởng Tư pháp William Barr chấp nhận cho công bố, dưới áp lực của phe Dân Chủ, nhưng vẫn bị chỉ trích là muốn bảo vệ ông Trump khi lược bỏ một số đoạn trong bản báo cáo.

Từ San Francisco, thông tín viên Eric de Salve tường trình :

« Bị cáo buộc bảo vệ ông Donald Trump đến cùng, bộ trưởng Tư pháp William Barr là mục tiêu của mọi chỉ trích từ phía đảng Dân Chủ đối lập. Trước hết là quyết định của ông : tổ chức một cuộc họp báo ngay trước khi công bố bản báo cáo rất được chờ đợi của ông Mueller. 

Tin vắn 18.04.2019



Nhà thờ Đức Bà Paris ngày 18/04/2019.
(AFP)Một giáo đường bằng gỗ sẽ được dựng tạm trước Nhà thờ Đức Bà Paris

Đức ông Patrick Chauvet, giám đốc Nhà thờ Đức Bà Paris - đã bị phá hủy một phần trong vụ hỏa hoạn - hôm nay 18/04/2019 thông báo một thánh đường bằng gỗ sẽ được dựng tạm tại khoảng sân trước nhà thờ, trong thời gian chờ đợi di tích nổi tiếng này được tái thiết.

Ủy ban Thế vận Quốc tế cho biết sẵn sàng tặng 500.000 euro để phục hồi Nhà thờ Đức Bà kịp Thế vận hội Paris 2014.

Nhà thờ Đức Bà, ký ức Paris sẽ hồi sinh

Quang cảnh Nhà thờ Đức Bà Paris sau trận hỏa hoạn. Ảnh chụp ngày 16/04/2019.

Chiều nay 17/04/2019 đúng 18 giờ 50, giờ mà ngọn lửa bắt đầu bốc lên ở Nhà thờ Đức Bà Paris hôm thứ Hai 15/4, chuông của tất cả các giáo đường trên nước Pháp đồng loạt đổ để tỏ tình tương thân tương ái đối với « Trái tim nước Pháp », « Thánh đường mẹ của các giáo đường ».

Người dân Paris lẫn du khách đều sững sờ chứng kiến ngôi giáo đường nguy nga nhất thủ đô, đã tồn tại trên 850 năm bốc cháy dữ dội. Tối hôm đó, những chiếc « bateau mouche », tàu chở khách tham quan dọc theo sông Seine, vẫn còn phát bài giới thiệu thường lệ, trong đó có Nhà thờ Đức Bà. Một công trình tồn tại hơn tám thế kỷ, đã chứng kiến bao nhiêu thăng trầm của lịch sử nước Pháp.

Hơn 850 năm lịch sử

Năm 1455, thánh nữ Jeanne d’Arc được minh oan tại Nhà thờ Đức Bà Paris. Hơn ba thế kỷ sau, hoàng đế Napoléon Đệ nhất chọn Vương cung Thánh đường Paris là nơi làm lễ đăng quang. Ngày 26/08/1944, tướng De Gaulle sau khi diễu hành mừng thủ đô Paris được giải phóng khỏi phát-xít Đức, đã đến Nhà thờ Đức Bà dự thánh lễ. 

mardi 16 avril 2019

Tư nhân tặng 700 triệu euro để tái thiết Nhà thờ Đức Bà Paris



Nhân viên cứu hỏa tiếp tục công việc trước Nhà thờ Đức Bà ngày 16/04/2019.

(AFP 16/04/2019) Những món tiền do các gia tộc giàu có và các công ty tư nhân hứa tặng để tái thiết Nhà thờ Đức Bà Paris bị hỏa hoạn đêm qua 15/4, cho đến chiều nay 16/04/2019 đã lên đến gần 700 triệu euro, chưa kể hiện vật.

500 triệu euro từ ba gia đình giàu có

Chiếm hàng đầu là hai gia đình tỉ phú Arnault và Bettencourt. Tập đoàn hàng xa xỉ hàng đầu thế giới LVMH loan báo tặng 200 triệu euro, đồng thời sẵn sàng để « ê-kíp sáng tạo, kiến trúc và tài chính » hỗ trợ cho việc tái thiết. Gia đình Bettencourt cũng tặng 200 triệu euro, phân nửa thông qua tập đoàn L’Oréal, nửa còn lại qua quỹ của gia đình. 

lundi 15 avril 2019

Nhà thờ Đức Bà Paris chìm trong biển lửa, tháp chuông sụp đổ



Ngọn lửa đã bốc lên vào lúc 18 giờ 50 hôm nay thứ Hai 15/04/2019, bao trùm lên Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre Dame de Paris), một trong những di sản nổi tiếng nhất của thủ đô nước Pháp. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hủy bỏ buổi nói chuyện quan trọng trên truyền hình tối nay để đến tận hiện trường. Hàng trăm lính cứu hỏa đang cố gắng chữa cháy. Thụy My sẽ tiếp tục cập nhật tình hình.
Thảm họa này là tin hàng đầu trong chương trình tin tức buổi tối của nhiều nước. Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter : « Thật khủng khiếp khi nhìn thấy trận hỏa hoạn khổng lồ ở Nhà thờ Đức Bà Paris. Có thể dùng các xi-tẹc nước để dập lửa không, cần phải nhanh chóng hành động ! »

Xung quanh tin đồn về tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng



Công an canh gác trước bệnh viện Chợ Rẫy khi ông Nguyễn Phú Trọng nhập viện. Ảnh Huỳnh Phương

Theo một số nguồn tin đáng tin cậy, sức khỏe của tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hiện nay đã ổn. Thụy My xin trích lại một số thông tin và lời bình trên mạng.

Sức khỏe lãnh đạo và truyền thông lề mạng

Khi mà truyền thông nhà nước không có bất cứ thông tin nào về sức khoẻ của ngài chủ tịch nước đang công cán ở Kiên Giang - nơi Nguyễn Thanh Nghị con trai đồng chí X là chúa tỉnh thì dân chúng phải chộp thông tin lề... mạng thôi.

dimanche 14 avril 2019

Nguyễn Quang Duy - Tạ Từ Lý Tống


"Ó Đen" Lý Tống đã ra đi trong "phi vụ" cuối cùng ngày 05/04/2019.

Lý Tống với cuộc hành trình tìm tự do dài 31 tháng, 5 lần vượt ngục, qua 5 quốc gia, vượt 3.500 cây số đường bộ và bơi qua eo biển Johor Strait, vào thẳng Tòa Đại Sứ Mỹ tại Singapore xin tị nạn cộng sản.

Lý Tống với hai lần về Sài Gòn và một lần sang La Habana, Cuba rải truyền đơn kêu gọi dân chúng đứng lên lật đổ cộng sản.

Tôi gặp Lý Tống, khi anh sang Úc tạ ơn đồng bào vận động tự do cho anh vào năm 1999. Với dáng người cao lớn, mái tóc dài cuộn sau gáy, đẹp trai, hiền lành, lời nói nhỏ nhẹ, thuyết phục và đầy ắp lý tưởng tự do. 

Julian Assange, 7 năm tù túng trong 18 mét vuông

Julian Assange, người sáng lập WikiLeaks được nhìn thấy tại balcon tòa đại sứ Ecuador ở Luân Đôn. Ảnh tư liệu chụp ngày 19/05/2017.

Vụ cảnh sát Anh vào đại sứ quán Ecuador ở Luân Đôn bắt ông Julian Assange đã kết thúc một thời kỳ gần bảy năm sống cô độc của người sáng lập WikiLeaks, không ai bầu bạn, không hoạt động thể dục thể thao và thiếu ánh sáng tự nhiên.

Nhân vật người Úc 47 tuổi, mà sức khỏe cả tinh thần lẫn thể chất đã bị giảm sút trong thời gian tự giam cầm này, đã xuất hiện với vẻ yếu ớt, gương mặt mệt mỏi với bộ râu rậm rạp, bị các cảnh sát cưỡng bức ra khỏi tòa đại sứ.

Người lập ra WikiLeaks tị nạn trong tòa nhà bằng gạch đỏ nằm tại khu phố sang trọng Knightsbridge từ tháng 6/2012, để tránh bị dẫn độ sang Thụy Điển, nơi ông bị tố cáo hãm hiếp và tấn công tình dục.
Lần cuối cùng Julian Assange công khai xuất hiện là hồi tháng 5/2017, tại balcon sứ quán Ecuador, nắm tay giơ cao, sau khi tư pháp Thụy Điển ngưng truy tố.

« Thân thể ở trong lao, tinh thần ở ngoài lao »

samedi 13 avril 2019

Lưu Trọng Văn - Vì sao Phạm Nhật Vũ bị bắt ?



Ông Phạm Nhật Vũ (Ảnh của Bộ Công an cung cấp cho báo chí).

Vụ AVG hai ngài bộ trưởng Thông tin Truyền thông bị tóm vì tội vô trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng ông chủ của AVG là Nhật Vũ vẫn bình yên.

Lý do ? Vũ chỉ là nạn nhân của một cuộc tùng xẻo tiền Dân, đồng thời tỉ phú Nhật Vượng anh của Vũ đã gồng mình trả hết tiền lại cho Dân, để Dân không còn mất xu nào nữa.

Vụ này, tổng thiệt hại là anh em Vượng Vũ chịu. Xong.

Nhưng sao bây giờ lại bắt Vũ ?

Em trai người giàu nhất Việt Nam bị bắt vì cáo buộc đưa hối lộ

Một trung tâm thương mại thuộc tập đoàn Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng.


Công an Việt Nam hôm 13/04/2019 ra lệnh bắt ông Phạm Nhật Vũ, em của tỉ phú giàu nhất Việt Nam là ông Phạm Nhật Vượng, do cáo buộc đưa hối lộ.

Ông Phạm Nhật Vũ, nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (Audio Visual Global - AVG), dính líu đến xì-căng-đan nổ ra vào năm ngoái về vụ công ty MobiFone mua lại 95% cổ phần của AVG. Vụ này theo Thanh tra Chính phủ có thể gây thiệt hại cho công quỹ đến 300 triệu đô la. 

vendredi 12 avril 2019

Julian Assange bị bắt tại Anh, Mỹ đòi dẫn độ để xét xử

Ông Julian Assange trên xe cảnh sát Luân Đôn, Anh. Ảnh ngày 11/04/2019.

Người sáng lập trang web WikiLeaks, Julian Assange hôm qua 11/04/2019 đã bị bắt tại Luân Đôn, sau khi chính quyền Ecuador hủy bỏ quy chế tị nạn ngoại giao của ông. Hoa Kỳ yêu cầu dẫn độ Assange để xét xử vì đã tấn công tin học, tiết lộ 250.000 bức điện ngoại giao và nửa triệu tài liệu mật về hoạt động của quân đội Mỹ ở Irak và Afghanistan. 

Từ San Francisco, thông tín viên Eric de Salve phân tích :

"Theo tư pháp Mỹ, việc trang WikiLeaks do Julian Assange thành lập phổ biến được hàng trăm ngàn tài liệu mật là nhờ sự đồng lõa của nhân viên phân tích tin tình báo Mỹ, Bradley Manning, sau này đã chuyển giới và đổi tên thành Chelsea, bị kết án 35 năm tù hồi năm 2013. 

Kim Jong Un củng cố quyền lực tại Bắc Triều Tiên

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tại cuộc họp Ban chấp hành Trung ương đảng Lao Động Triều Tiên tại Bình Nhưỡng. Ảnh công bố ngày 09/04/2019.

Hãng tin nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA hôm nay 12/04/2019 cho biết chế độ Bình Nhưỡng đã cử ra một tân chủ tịch nước và một tân thủ tướng, đồng thời tặng thêm cho lãnh tụ Kim Jong Un một danh hiệu mới.

Ông Kim Jong Un lại tiếp tục là chủ tịch Hội đồng Nhà nước, và trở thành « đại diện tối cao của toàn thể nhân dân Triều Tiên » - một danh hiệu đã được trao vào tháng Hai nhưng cho đến nay vẫn chưa được sử dụng trong các văn bản chính thức.

Tổng thống Sudan bị quân đội lật đổ, dân muốn có chính quyền dân sự

Rừng người biểu tình phản đối một chính quyền quân đội ở Sudan, ngày 12/04/2019.

Hàng ngàn người dân Sudan hôm nay 12/04/2019 biểu tình trước bộ Quốc phòng để đòi hỏi thành lập một chính quyền dân sự, bất chấp lệnh giới nghiêm của quân đội, sau khi tổng thống Omar Hassan El Béchir bị lật đổ hôm qua. Hội đồng quân nhân hứa hẹn sẽ trao quyền lại trong vòng một tháng, đồng thời loan báo sẽ không cho dẫn độ cựu tổng thống.

Trước đó vào hôm qua, Hội đồng quân nhân do bộ trưởng Quốc phòng Aouad Mohamed Ahmed Ibn Aouf đứng đầu tuyên bố thời kỳ chuyển tiếp kéo dài hai năm, sau đó sẽ tổ chức bầu cử. 

Tin vắn 12.04.2019



(Reuters) – Hoa Kỳ chỉ trích Việt Nam vì cấm nhập thuốc diệt cỏ glyphosate

Bộ trưởng Nông Nghiệp Mỹ Sonny Perdue hôm qua 11/04/2019 đã chỉ trích việc chính quyền Việt Nam cấm nhập hóa chất diệt cỏ glyphosate, cho rằng quyết định này « sẽ mang lại tác động tai hại cho sản xuất nông nghiệp trên thế giới »

Báo chí Việt Nam cho biết quyết định cấm nhập sẽ có hiệu lực kể từ tháng Sáu. Chất glyphosate đang là mục tiêu của hàng ngàn vụ kiện tại Mỹ vì bị cho rằng gây ung thư cho những người tiếp xúc.

jeudi 11 avril 2019

Liêu Diệc Vũ : Trung Quốc sẽ tốt đẹp hơn nếu được chia thành chục nước

Nhà văn, nhà thơ Liêu Diệc Vũ (Liao Yiwu) tại Paris ngày 02/04/2019.

Nhà thơ ly khai Liêu Diệc Vũ (Liao Yiwu), sinh năm 1958, từng bị đày ải trong goulag Trung Quốc bốn năm trời, vì đã sáng tác bài thơ « Vụ thảm sát vĩ đại », về sự kiện nhà cầm quyền Bắc Kinh điều quân đội đàn áp đẫm máu sinh viên biểu tình năm 1989. 

Ông nằm trong số trên 300 trí thức Trung Quốc ký vào bản Hiến chương 08, và đã tị nạn tại Berlin từ năm 2011. Tác phẩm « Trong đế chế của bóng tối » của ông nói về trại lao cải Trung Quốc, thường được so sánh với tiểu thuyết nổi tiếng « Quần đảo ngục tù » của nhà văn Nga Soljenitsyne.

Vào thời điểm còn hai tháng nữa là đến ngày kỷ niệm 30 năm vụ thảm sát Thiên An Môn, Liêu Diệc Vũ đã cho ra mắt tác phẩm « Những viên đạn và thuốc phiện » nói về sự kiện trên. Trả lời phỏng vấn báo Le Figaro AFP, nhà thơ ly khai đã cảnh báo nguy cơ từ chế độ độc tài Trung Quốc đối với các nền dân chủ phương Tây.

Ông có biết Vương Duy Lâm (Wang Weilin), anh sinh viên đứng chặn các xe tăng ở Thiên An Môn và hình ảnh « Tank Man » đã lan truyền khắp thế giới, giờ đây như thế nào hay không ?

mercredi 10 avril 2019

Bắc Triều Tiên họp hội nghị trung ương Đảng do "tình hình căng thẳng"

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un trong cuộc họp Ban chấp hành Trung ương đảng Lao Động Triều Tiên, Bình Nhưỡng. (Ảnh do KCNA công bố ngày 09/04/2019).

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un hôm nay 10/04/2019 triệu tập phiên họp toàn thể các ủy viên trung ương Đảng để thảo luận về « tình hình căng thẳng hiện nay ». 

Hội nghị trung ương đảng Lao Động Triều Tiên được tổ chức sau thất bại của thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ hai vào cuối tháng Hai tại Hà Nội, vào thời điểm tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đến Washington gặp tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên theo hãng tin Nhà nước KCNA thì hội nghị chỉ tập trung cho vấn đề phát triển kinh tế.

Hôm qua khi gặp gỡ các cán bộ Đảng, ông Kim đã ra lệnh cho họ phải chứng tỏ « thái độ xứng đáng của người làm cách mạng và xây dựng đất nước trong tình hình căng thẳng hiện nay, đồng thời tuân thủ chiến lược mới của Đảng ». Được biết tháng Tư năm ngoái, lãnh tụ Bắc Triều Tiên đã xác định chiến lược này là « xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa », và nói thêm việc phát triển chương trình nguyên tử đã hoàn tất. 

Bầu cử Israel : Netanyahu chuẩn bị làm thủ tướng nhiệm kỳ thứ 5

Thủ tướng mãn nhiệm Benyamin Netanyahu và phu nhân vẫy chào người hâm mộ ở Tel Aviv sau khi có kết quả bầu cử ngày 10/04/2019.

Theo kết quả kiểm 97% số phiếu cuộc bầu cử Quốc hội Israel, công bố hôm nay 10/04/2019, thủ tướng mãn nhiệm Benyamin Netanyahu hầu như chắc chắn sẽ tiếp tục giữ chức vụ này thêm một nhiệm kỳ thứ năm, trở thành thủ tướng lâu năm nhất của Israel.

Đảng Likoud của ông Netannyahu chiếm được 35 ghế, bằng với số ghế mà liên minh Xanh-Trắng (trung hữu) của ông Benny Gantz giành được. Tuy nhiên thủ tướng mãn nhiệm Netanyahu có thể quy tụ được đa số 65/120 ghế trong Quốc Hội mới. Thế nên sắp tới tổng thống Reuven Rivlin khó thể chỉ định ai khác, ngoài Benyamin Netanyahu, để lập tân chính phủ. Theo thông tín viên Guilhem Delteil từ Jerusalem, đây là chiến thắng cá nhân của ông Netanyahou :

UNESCO tặng thưởng 2 nhà báo Reuters bị tù tại Miến Điện


Thân nhân hai nhà báo Wa Lone và Kyaw Soe Oo chờ đợi trước Tòa án Tối cao Miến Điện ngày 26/03/2019.

Phát thanh ngày 10.04.2019
 
Hai nhà báo của hãng tin Reuters, Wa Lone và Kyaw Soe Oo, bị lãnh án bảy năm tù tại Miến Điện vì cáo buộc tiết lộ bí mật nhà nước, sẽ được trao giải tự do báo chí năm 2019 của UNESCO, theo thông cáo hôm nay 10/04/2019 của tổ chức Liên Hiệp Quốc có trụ sở tại Paris.

Ông Wojciech Tochman, chủ tịch hội đồng giải thưởng UNESCO cho biết : « Wa Lone và Kyaw Soe Oo là biểu tượng cho sự hồi sinh của đất nước Miến Điện sau nhiều thập niên cô lập. Hai nhà báo này bị bắt chỉ vì đưa tin về một chủ đề cấm kỵ : các tội ác đối với người Rohingya ».

Hồng Kông sửa đổi luật, cho phép dẫn độ sang Trung Quốc

Người dân Hồng Kông biểu tình phản đối chính quyền sửa đổi luật cho phép dẫn độ sang Trung Quốc, ngày 31/03/2019.

Chính quyền Hồng Kông vừa đưa ra một dự luật, theo đó trưởng đặc khu có quyền ra lệnh cho dẫn độ các nghi phạm bị Trung Quốc, Macao, Đài Loan truy lùng, cũng như các quốc gia khác hiện chưa có hiệp định dẫn độ với Hồng Kông. Tuần trước hàng ngàn người Hồng Kông đã xuống đường để phản đối.

Từ Hồng Kông, thông tín viên Florence de Changy cho biết thêm chi tiết :

« Đối với chính quyền Hồng Kông, đây là việc lấp một lỗ hổng pháp luật, bởi vì quy định dẫn độ hiện nay không áp dụng với Trung Quốc, Đài Loan, Macao. Nhưng ngược lại, những người phản đối việc sửa đổi giải thích, lỗ hổng pháp luật này là cố ý, đã được tính toán vì nhiều lý do, đặc biệt là do không bảo đảm có được một phiên tòa công bằng tại Trung Quốc.

IMF : 70% nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại trong năm nay

Giới công đoàn và đại diện các doanh nghiệp nhỏ Achentina biểu tình gần trụ sở Quốc hội đòi thay đổi chính sách kinh tế, Buenos Aires, ngày 01/04/2019.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm 09/04/2019 hạ thấp dự báo tăng trưởng của 70% nền kinh tế trên thế giới trong năm nay, do các nước phát triển nhất là khu vực đồng euro đang gặp khó khăn, và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung kéo dài. Tuy nhiên IMF vẫn hy vọng tăng trưởng sẽ tiếp tục trong năm tới.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến đạt 3,3%, giảm 0,2% so với dự báo hồi đầu năm 2019 ; so với tỉ lệ 3,6% trong năm 2018. Rất nhiều nước bị hạ dự báo tăng trưởng : Hoa Kỳ, các nước khu vực đồng euro, Anh, Nhật, Canada, châu Mỹ latinh, Trung Đông…tổng cộng chiếm 70% nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên kinh tế gia trưởng IMF, bà Gita Gopinath bác bỏ nguy cơ suy thoái toàn cầu trong ngắn hạn.