jeudi 25 août 2016

Brazil bắt đầu thủ tục truất phế tổng thống Dilma Rousseff

Toàn cảnh phiên luận tội tổng thống Dilma Rousseff, 25/08/2016.
Phát thanh RFI ngày 25.08.2016


Hôm nay 25/08/2016 bắt đầu phiên luận tội nhằm truất phế nữ tổng thống Brazil, đang bị tạm ngưng chức từ ba tháng qua do cáo buộc đã gian dối trong chi tiêu công. Hai năm sau khi tái đắc cử và sau nhiều cuộc biểu tình phản đối quy mô, bà vẫn cho rằng mình là nạn nhân của một vụ án chính trị.

Đây là giai đoạn cuối của tiến trình truất phế, diễn ra tại Thượng viện, với các nhân chứng ủng hộ và chống đối bà Dilma Rousseff.  Thứ Hai tới nữ tổng thống đầu tiên của Brazil sẽ xuất hiện trước 81 thượng nghị sĩ để tự biện hộ, nhưng các đối thủ của bà tin chắc sẽ có trên 54 phiếu cần thiết để buộc tội. 

Một công dân Pháp bị nghi ngờ đã sát hại một người Anh tại Úc

Phát thanh RFI ngày 25.08.2016


Tại Úc, một người Pháp mà danh tính chưa được tiết lộ, hiện đang bị câu lưu vì nghi ngờ đã đâm chết một du khách Anh tại Queensland hôm thứ Ba 23/08/2016, vừa tấn công vừa hô « Allah Akhbar ». Sau nhiều giờ điều tra, cảnh sát cho biết ít có khả năng đây là một vụ khủng bố.

Vụ giết người xảy ra trước mắt khoảng ba chục người gồm khách đến chơi, nhân viên và khách trọ, tại nhà trọ thanh niên Home Hill ở phía bắc Queensland. Nạn nhân, Mia Ayliffe-Chung đến vùng này để làm việc trên những cánh đồng mía, vì tại Úc nếu muốn được gia hạn visa với giấy phép lao động, thì phải làm việc trong lãnh vực nông nghiệp ba tháng.

mercredi 24 août 2016

Chủ tịch nước Việt Nam mong quốc tế giúp duy trì hòa bình tại Biển Đông


Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang ngày 24/08/2016 kêu gọi hợp tác quốc tế để duy trì hòa bình tại Biển Đông, nhằm chận đứng tham vọng lãnh thổ của Bằc Kinh, tại vùng biển đang được nhiều nước tranh chấp trong đó có Việt Nam.
« Chúng tôi rất ủng hộ sự hợp tác của Pháp và các quốc gia khác trong tiến trình duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực và tại Biển Đông ». Chủ tịch nước Việt Nam tuyên bố như trên, trong cuộc phỏng vấn hiếm hoi dành cho hãng tin Pháp AFP, trước chuyến viếng thăm của tổng thống Pháp François Hollande vào đầu tháng Chín. Ông Trần Đại Quang nói thêm, đó là vấn đề « đảm bảo an ninh, tự do hàng hải và hàng không ».

Cam Bốt lại đòi ASEAN không nêu vấn đề Biển Đông


Quốc hội Cam Bốt sẽ kiến nghị với các viên chức ASEAN gỡ bỏ đoạn nói về tranh chấp Biển Đông trong thông cáo chung sắp tới của Liên minh Nghị viện ASEAN (AIPA). Báo The Cambodia Daily hôm nay 24/08/2016 dẫn lời một dân biểu Cam Bốt xác nhận như trên. Đây là hành động mà các nhà phân tích và nhà ngoại giao cho rằng sẽ đe dọa thêm sự gắn kết giữa các nước trong khu vực.
Ông Cheam Yeap, dân biểu đảng Nhân dân Cam Bốt (CPP) cầm quyền hôm qua cho biết Quốc hội nước này sẽ đề nghị ban lãnh đạo Liên minh Nghị viện ASEAN (AIPA) bỏ đi một đoạn nói về cuộc xung đột Biển Đông, trong bản tuyên bố chung dự kiến đưa ra trong cuộc họp cuối tháng Chín tại Vientiane, vì « đất nước chúng ta không liên quan ».

Hàng loạt dữ liệu tàu ngầm Pháp Scorpène bị tiết lộ

Tàu ngầm Scorpene đầu tiên của Hải quân Ấn Độ. Ảnh chụp tại Mumbai, ngày 06/04/2016.

Tờ The Australian hôm nay 24/08/2016 cho biết, tập đoàn đóng tàu Pháp DCNS là nạn nhân của vụ rò rỉ hàng loạt thông tin kỹ thuật bí mật về các tàu ngầm Scorpène đóng cho Ấn Độ. DCNS tuyên bố không loại trừ giả thiết vụ này là một phần của cuộc chiến tranh kinh tế, trong bối cảnh siêu cạnh tranh.
Tờ báo Úc khẳng định đã tham khảo được 22.400 trang tài liệu, với các chi tiết về khả năng chiến đấu của tàu ngầm Scorpène của DCNS, được thiết kế cho Hải quân Ấn Độ và nhiều chiếc đã được Malaysia, Chilê mua. Brazil cũng sẽ triển khai loại tàu ngầm này từ năm 2018.

Cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cố vấn cho bà Aung San Suu Kyi về người Rohingya

Người thiểu số Rohingya đang phải chịu đựng nhiều thảm cảnh.
Phát thanh ngày 24.08.2016


Giải Nobel hòa bình Aung San Suu Kyi hiện nắm quyền tại Miến Điện, đã nhờ cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan giúp đỡ để giải quyết cuộc xung đột liên quan đến người thiểu số Rohingya theo đạo Hồi. Chính phủ Miến Điện hôm nay 24/08/2016 loan báo như trên.

Ông Kofi Annan sẽ lãnh đạo một ủy ban mới thành lập, có nhiệm vụ « tìm ra những giải pháp bền vững cho các vấn đề phức tạp và tế nhị tại bang Rakhine », vùng đất ở tây bắc Miến Điện nơi người Rohingya sinh sống. « Dự báo xung đột », « hỗ trợ nhân đạo », « hòa giải » là những biện pháp nằm trong chương trình của ủy ban này. 

Thái Lan lại rúng động với vụ đánh bom mới ở miền Nam

Cảnh sau vụ nổ trước khách sạn Southern ở Pattani, cực nam Thái Lan, ngày 24/08/2016.

Lại thêm một vụ nổ bom mới ở Thái Lan : một chiếc xe gài chất nổ khuya hôm qua 23/08/2016 đã nổ tung trước một khách sạn ở thành phố Pattani ở vùng cực nam, gần biên giới Malaysia.
Một phong trào nổi dậy đòi ly khai từ nhiều thập kỷ qua tung hoành tại vùng đất mà đa số dân là người Hồi giáo. Khoảng 7.000 người cả đạo Phật lẫn đạo Hồi đã bị thiệt mạng trong những vụ bạo động liên quan đến phong trào này kể từ năm 2004. Vụ tấn công mới nhất này xảy ra sau 13 vụ đánh bom cách đây hai tuần.

Bắc Triều Tiên bắn hỏa tiễn đạn đạo từ tàu ngầm

Hỏa tiễn bắn đi từ tàu ngầm Bắc Triều Tiên.
Phát thanh RFI ngày 24.08.2016

Hôm nay 24/08/2016 vào lúc 5h30 địa phuơng, Bắc Triều Tiên đã bắn đi một hỏa tiễn đạn đạo từ một tàu ngầm. Theo quân đội Hàn Quốc, hỏa tiễn này đã bay được 500 km trước khi rơi xuống Biển Nhật Bản.

Đây là một tiến bộ đáng kể của chế độ Kim Jong Un về năng lực hỏa tiễn đạn đạo, được cho là phản ứng của Bình Nhưỡng trước đợt tập trận Mỹ-Hàn quy mô đang diễn ra.

mardi 23 août 2016

Tòa án Khmer Đỏ xét xử các vụ cưỡng bức kết hôn tập thể

Những người phụ nữ đến dự phiên tòa xử tội ác Khmer Đỏ tại Phnom Penh, 23/08/2016.

Tòa án Liên Hiệp Quốc xét xử tội ác Khmer Đỏ tại Cam Bốt hôm nay 23/08/2016 xem xét đến các vụ cưỡng bức kết hôn tập thể, thường đi kèm theo hãm hiếp – một đề tài vẫn bị coi là cấm kỵ, gần bốn mươi năm sau.
Hàng mấy chục ngàn người cả nam lẫn nữ đã bị buộc phải kết đôi theo chỉ định, trong các đám cưới tập thể, trong khuôn khổ kế hoạch kích thích sinh sản của Khmer Đỏ.

Khủng bố Bangkok : Phiên tòa bị dời lại vì thiếu phiên dịch

Quân cảnh canh gác tại tòa án quân sự Bangkok sau khi hai nghi can được đưa đến ngày 23/08/2016.

Tòa án quân sự Thái Lan ngày 23/08/2016 loan báo dời ngày xử hai nghi can trong vụ khủng bố Bangkok tháng 08/2015, vì không có thông dịch viên tiếng Duy Ngô Nhĩ.
Ngay trong ngày xét xử đầu tiên, thẩm phán cho biết phiên tòa được dời sang ngày 15/09/2016, mặc dù sáng ngày 23/08/2016, hai nghi can người Duy Ngô Nhĩ là Yusufu Mieraili và Bilal Mohammed đã được dẫn giải ra trước tòa. Thẩm phán nêu lý do không đủ thời gian tìm một phiên dịch mới, trong khi thông dịch viên trước đây đã bỏ trốn từ tháng 06/2016.

Doanh nhân bị Bắc Kinh truy nã thỏa thuận nộp tiền cho New Zealand

Doanh nhân gốc Hoa William Yan tại New Zealand.

Một doanh nhân gốc Hoa nằm trong danh sách bị Bắc Kinh truy nã ráo riết, đã chấp nhận đóng 27,6 triệu euro để được miễn tố tội danh rửa tiền ở New Zealand. AFP hôm nay 23/08/2016 cho biết như trên.
Cảnh sát New Zealand loan báo đã tịch thu số tài sản có giá trị 42,85 triệu đô la New Zealand (27,6 triệu euro) của William Yan, 45 tuổi, trong đó có những chiếc xe hơi sang trọng, bất động sản và tài khoản ngân hàng ; và chỉ trả lại sau khi đương sự đóng tiền.

Bầu cử Mỹ : Thư điện tử và Quỹ Clinton gây rắc rối cho bà Hillary

Bà Hillary Clinton tại New York ngày 18/08/2016.


Bà Hillary Clinton, đến hôm nay 23/08/2016, vẫn đang dẫn đầu các cuộc thăm dò, két bạc thì đầy tiền : thu được 80 triệu đô la trong những tháng gần đây, hơn gấp đôi đối thủ Donald Trump. Nhưng ứng cử viên đảng Dân Chủ vẫn luôn bị ảnh hưởng bởi vụ email và nay là vụ quỹ từ thiện do cựu tổng thống Bill Clinton thành lập.
Từ Washington, thông tín viên RFI Jean-Louis Pourtet nhận định :

Venezuela : Công chức ký kiến nghị chống lại tổng thống sẽ bị sa thải

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro trong cuộc họp với các bộ trưởng ở Caracas ngày 20/08/2016.
Phát thanh RFI ngày 23.08.2016


Tổng thống Venezuela, ông Nicolas Maduro ra kỳ hạn 48 tiếng đồng hồ cho các bộ trưởng để sa thải các công chức tham gia ký vào kiến nghị đòi truất phế ông. Reuters hôm nay 23/08/2016 dẫn lời một lãnh đạo đảng Xã Hội cầm quyền cho biết như trên.

Khoảng mấy trăm công chức đã được thông báo sẽ bị sa thải vì ký vào kiến nghị tổ chức trưng cầu dân ý chống lại tổng thống. Ông Jorge Rodriguez, một lãnh đạo đảng Xã Hội cho biết : « Theo lệnh của chủ tịch đảng Nicolas Maduro, năm bộ không thể chứa chấp những người phản cách mạng, cũng như các chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan bộ, các định chế công, chính quyền địa phương. Họ có 48 giờ để ra đi ».

Thượng đỉnh Pháp-Đức-Ý tìm xung lực mới cho Châu Âu hậu Brexit

Ba lãnh đạo Pháp, Đức, Ý trên hàng không mẫu hạm Garibaldi, 22/08/2016.

« Liên Hiệp Châu Âu chưa phải đã kết thúc » sau vụ Brexit. Ông Matteo Renzi hôm qua 22/08/2016 đã tuyên bố như trên, nhân cuộc họp thượng đỉnh châu Âu thu nhỏ tại Ý. Thủ tướng Ý đã mời tổng thống Pháp François Hollande và thủ tướng Đức Angela Merkel đến thăm đảo Ventotene, nơi yên nghỉ của một trong những người sáng lập EU là Alberto Spinelli, trước buổi ăn tối làm việc trên hàng không mẫu hạm Garibaldi.
Theo đặc phái viên Domitille Piron của RFI tại Napoli, lãnh đạo ba nước Pháp, Đức, Ý muốn tiến nhanh, sau cú sốc Anh quốc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu :

Iran muốn tăng cường hợp tác với Cuba

Ngoại trưởng Cuba (phải) và đồng nhiệm Iran (trái) tại La Habana, 22/08/2016.
Phát thanh ngày 23.08.2016



Iran mong muốn vạch ra « một con đường mới » với Cuba qua việc tăng cường hợp tác với đảo quốc. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif hôm qua 22/08/2016 tuyên bố như trên, trong ngày đầu tiên của chuyến công du sáu nước châu Mỹ la-tinh.

Trong cuộc họp báo trước khi hội đàm với đồng nhiệm Cuba Bruno Rodriguez, ông Zarif chủ yếu nêu ra khả năng ký các hợp đồng mới với La Habana trong kỹ nghệ, năng lượng và khoa học kỹ thuật. Ông nói : « Chúng tôi luôn đứng bên cạnh dân tộc Cuba vĩ đại, trước những bạo tàn, trừng phạt bất công ; và ngược lại ». Ông ca ngợi « sức kháng cự » của Cuba trước Hoa Kỳ.

lundi 22 août 2016

Trung Quốc trải thảm đỏ cho bà Suu Kyi để nắm chặt Miến Điện


Nhật báo Le Figaro trong bài « Trung Quốc ủng hộ bà Aung San Suu Kyi » nhận định Bắc Kinh sẽ xúc tiến cho tiến trình hòa bình giữa chính phủ Miến Điện và các nhóm nổi dậy, nhưng chủ yếu là để tân chính quyền Miến Điện không vuột khỏi vòng ảnh hưởng của Trung Quốc.
Trong năm ngày qua, Trung Quốc đã trải thảm đỏ cho cố vấn Nhà nước kiêm ngoại trưởng Miến Điện. Đến thăm theo lời mời của Bắc Kinh, bà Aung San Suu Kyi đã hội đàm với ba lãnh đạo cao cấp nhất của Trung Quốc là chủ tịch Quốc hội, thủ tướng và chủ tịch nước. Có nghĩa là rất nhiều cơ hội để bà ca ngợi tình hữu nghị gắn bó « pauk phaw » với quốc gia láng giềng khổng lồ, cho thấy « không có phát triển bền vững nếu không có hòa bình ».

dimanche 21 août 2016

Tổng thống Philippines đe dọa rút khỏi Liên Hiệp Quốc

Ông Rodrigo Duterte tại trụ sở cảnh sát quốc gia Philippines, 17/08/2016.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm nay 21/08/2016 đả kích Liên Hiệp Quốc vì đã kêu gọi chấm dứt tình trạng sát hại bừa bãi những người buôn bán ma túy. Ông Duterte đe dọa sẽ rút ra khỏi định chế quốc tế này và đề nghị những nước khác như Trung Quốc lập ra một tổ chức cạnh tranh.
Hai chuyên gia về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc tuần trước đã yêu cầu Manila ngăn chận tình trạng bạo lực liên quan đến cuộc chiến chống ma túy, mà ông Rodrigo Duterte khi tranh cử hứa hẹn sẽ diệt trừ. Hồi tháng Sáu, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon cũng đã mạnh mẽ chỉ trích ông Duterte – nhân vật đã tuyên bố sẽ giết 100.000 người và quẳng xác xuống vịnh Manila cho cá ăn.

Trung Quốc bực tức vì không đạt được tham vọng ở Thế vận hội Rio

Ngôi sao thể dục nghệ thuật Mỹ Simone Biles đoạt bốn huy chương vàng tại Rio 2016, vận động viên Trung Quốc cùng môn Wang Yan chỉ giành được một huy chương đồng.

Thế vận hội Rio de Janeiro kết thúc hôm nay, 21/08/2016. Cũng như bốn năm trước tại Luân Đôn, Hoa Kỳ dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương – một vị trí mà Bắc Kinh rất thèm muốn. Nhưng với 26 huy chương vàng cho đến lúc này, kết quả tệ hại nhất của Trung Quốc kể từ Thế vận hội Atlanta 1996 đến nay khiến dư luận trong nước giận dữ.
Từ Thượng Hải, thông tín viên RFI Angélique Forget cho biết thêm chi tiết :

Thông cáo chung Miến Điện-Trung Quốc tránh đề cập đến Biển Đông

Bà Aung San Suu Kyi trong buổi làm việc với ông Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 19/08/2016.

Cố vấn Nhà nước Miến Điện Aung San Suu Kyi kết thúc chuyến công du Trung Quốc hôm nay 21/08/2016. Thông cáo chung của đôi bên không hề nhắc đến vấn đề Biển Đông. Đây là "một thắng lợi" của Bắc Kinh, hiện đang làm mọi cách để tránh né các nhận xét tiêu cực từ các quốc gia thành viên ASEAN về vấn đề này.
Theo báo Ấn The Hindu, thông cáo chung được đưa ra sau cuộc gặp của bà Aung San Suu Kyi với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không hề đề cập đến tranh chấp Biển Đông.

Hàn Quốc : Bắc Triều Tiên có thể ám sát những người đào thoát

Ông Thae Yong Ho, nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên tại Luân Đôn đã cùng gia đình đào thoát, xuất hiện trên truyền hình Hàn Quốc ngày 18/08/2016.

Seoul hôm nay 21/08/2016 cảnh báo nguy cơ Bình Nhưỡng có thể toan ám sát những người đào tẩu, để trả đũa hiện tượng một loạt các nhân vật Bắc Triều Tiên bỏ trốn mới đây.
Một ngày trước cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn - hàng năm đều làm tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, bộ Thống nhất của Hàn Quốc nhận định có thể Bình Nhưỡng sẽ có những hành động khiêu khích.