Những người ủng hộ ba blogger bị xét xử. Ảnh: clbnbtd.info |
(Tổng hợp) Báo chí Pháp đã đưa tin rộng rãi trên mạng về phiên tòa xử ba blogger Việt Nam tại Sài Gòn hôm nay 24/09/2012, từ các nhật báo lớn phát hành toàn quốc cho đến các tờ báo địa phương, các trang web của các đài phát thanh, truyền hình. Chỉ cần gõ từ khóa « vietnam bloggeur » lên Google là đã có được rất nhiều kết quả. Tuy với nhiều tựa đề khác nhau, nhưng nội dung hầu hết đều đưa lại bản tin của hãng thông tấn Pháp AFP.
Trang web của Bộ Ngoại giao Pháp vào khoảng 13 giờ (giờ Paris) đăng thông cáo :
Nước Pháp vô cùng lấy làm tiếc về bản án được tuyên hôm nay, thứ Hai 24/09/2012 tại Thành phố Hồ Chí Minh dành cho ba blogger Việt Nam : ông Nguyễn Văn Hải, bà Tạ Phong Tần và ông Phan Thanh Hải, bị phạt lần lượt là 12 năm, 10 năm và 4 năm tù giam vì các quan điểm mà họ tin rằng có thể tự do bày tỏ.
Nước Pháp xin nhắc lại, Pháp luôn gắn bó với sự tôn trọng quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, kể cả trên internet, tại mọi nơi trên thế giới.
Bản tin của AFP hôm nay, được hầu hết các báo đăng lại :
Ba blogger Việt Nam, trong đó có một người được Tổng thống Mỹ Barack Obama công khai ủng hộ, hôm nay đã bị tòa án Thành phố Hồ Chí Minh tuyên án từ 4 đến 12 năm tù giam vì tội tuyên truyền chống Nhà nước.
Người nổi tiếng nhất là ông Nguyễn Văn Hải, đã bị kết án hai năm rưỡi tù giam hồi tháng 9/2008 vì tội trốn thuế, phải nhận bản án nặng nhất là 12 năm tù và 5 năm quản chế.
Bà Tạ Phong Tần, cựu công an mà người mẹ đã tự thiêu vào tháng Bảy, đã bị kết án 10 năm tù và 3 năm quản chế. Ông Phan Thanh Hải, người duy nhất nhận tội trong phiên tòa chỉ kéo dài có vài giờ sáng nay, được bản án khoan hồng nhất là 4 năm tù và 3 năm quản chế.
Ông Nguyễn Văn Hải, bút danh Điếu Cày tự biện hộ : « Tôi chưa bao giờ chống lại Nhà nước, tôi chỉ bất bình trước những bất công, tham nhũng và độc tài của một số cá nhân không thể đại diện cho Nhà nước ». Ông tuyên bố : « Công dân có quyền tự do ngôn luận », trước khi âm thanh được truyền qua gian phòng kế cận dành cho các nhà báo và nhà ngoại giao bị cúp đi.
Thẩm phán Nguyễn Phi Long cho rằng các bị cáo đã « lợi dụng sự nổi tiếng trên internet để đưa lên những bài viết phá hoại, bôi đen lãnh đạo, chỉ trích Đảng (…) phá hủy niềm tin của nhân dân vào Nhà nước. Tội phạm của họ rất nặng nề, với ý định chống Nhà nước rất rõ, và phải bị trừng phạt nghiêm khắc ».
Tội danh tuyên truyền chống Nhà nước và mưu toan lật đổ chế độ thường được sử dụng để kết án các nhà ly khai, trong một đất nước mà đảng Cộng sản cấm đoán mọi tranh luận về chính trị.
Ba blogger trên với khung hình phạt có thể lên đến 20 năm tù, bị lên án là đã cho đăng các bài viết mang tính chính trị trên trang web bị cấm là « Câu lạc bộ nhà báo tự do », cũng như các bài trên blog riêng tố cáo nạn tham nhũng, bất công và chính sách ngoại giao của Hà Nội.
Theo một phóng viên của AFP, hàng trăm công an đã bao quanh khuôn viên tòa án. Không thấy những người ủng hộ ba blogger trên xuất hiện, tuy nhiên blog Dân Làm Báo khẳng định nhiều người đã bị lực lượng an ninh ngăn trở đến gần khu vực.
Blog nổi tiếng này vốn vừa bị Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tỏ ý muốn trừng phạt vì « vu khống », đã đăng những hình ảnh các nhà hoạt động mang những băng-rôn đòi trả tự do cho những người yêu nước. Trang này cũng cho biết có ít nhất 7 người đã bị bắt. Công an không muốn đưa ra lời bình luận.
Phiên tòa đã bị hoãn lại nhiều lần, đặc biệt vào tháng Tám sau khi mẹ của bà Tần tự thiêu trước một trụ sở cơ quan nhà nước để phản đối việc giam giữ con bà.
Tổng thống Mỹ hồi tháng Năm đã nêu ra trường hợp ông Nguyễn Văn Hải tức Điếu Cày. Ông tuyên bố : « Chúng ta không nên quên các nhà báo như blogger Điếu Cày, mà việc ông bị bắt năm 2008 trùng hợp với đợt trấn áp các nhà báo công dân ở Việt Nam ».
Các tổ chức bảo vệ nhân quyền, trong đó có Human Rights Watch và Amnesty International đã nhiều lần đòi hỏi Hà Nội trả tự do cho ba blogger trên.
Reporters Sans Frontières (Phóng viên Không biên giới), bản tin đưa lên mạng khoảng 13g30 (giờ Paris) :
Phóng viên Không biên giới cực lực tố cáo các bản án nặng nề và bất công, từ một phiên tòa lố bịch và vội vã, trong đó quyền bào chữa không được tôn trọng.
Chính quyền muốn xử vụ này để làm gương, khiến người ta sợ hãi, phải tự kiểm duyệt. Điếu Cày và Tạ Phong Tần bị các bản án tù đặc biệt nặng nề so với các vụ án tương tự trong những tháng gần đây. Những bản án này biểu trưng cho sự bực tức của chính quyền Việt Nam, và việc tăng cường trấn áp trong bối cảnh chia rẽ trong nội bộ chế độ và các vụ tham nhũng có liên quan đến các cán bộ cao cấp, đặc biệt là Thủ tướng. Các vụ việc được các blogger và nhà báo công dân tiết lộ rõ ràng là quá phiền phức.
Một phiên tòa dưới áp lực, những người thân bị giám sát
RSF rất bất bình trước cung cách đối xử với các thân nhân bị cáo, nạn nhân của trấn áp và trả thù từ nhiều tháng qua, dẫn đến một số hành động mang tính tuyệt vọng. Mẹ của bà Tạ Phong Tần đã tự thiêu hôm 30/7 vì tuyệt vọng trước phiên tòa xử người con.
Sáng nay, vài giờ trước khi phiên tòa diễn ra, công an và lực lượng an ninh đã được huy động để ngăn trở một số người đến dự phiên xử, đặc biệt là các người thân của Điếu Cày. Con gái của ông không thể ra khỏi nhà. Vợ ông, bà Dương Thị Tân, bị triệu tập vào 7g30 sáng nay về một vụ gây rối trật tự công cộng ở Bạc Liêu hôm 16/9, mà bà đã bị bắt với người em gái của bà Tạ Phong Tần và linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh, vì đã gây « tai nạn giao thông » trong lúc họ đi bộ.
Do đã không đến trình diện theo yêu cầu, bà đã bị buộc phải lên xe thùng ngay trước tòa án, cùng với các thành viên trong gia đình bà Tạ Phong Tần là Tạ Khởi Phụng và Tạ Minh Tú cùng với nhiều blogger. Khi ra khỏi trụ sở công an vào 13g55 với con trai là Nguyễn Trí Dũng, những người mặc thường phục, có thể là nhân viên an ninh đã tấn công họ, kéo rách áo của người thanh niên. Rốt cuộc họ cũng đến được tòa án, nhưng cảnh sát không cho họ vào.
Sáng nay các cảm tình viên mang theo các biểu ngữ đã tập trung trước tòa án, hy vọng sẽ được tham dự phiên xử. Trong số này có linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh và nhà thơ Bùi Chát. Công an đã kiểm tra nhiều người biểu tình, và ngăn cản họ đến gần tòa án.
Những tiếng nói ly khai trở nên nhiễu sự
Ba blogger bị truy tố theo điều 88 Luật Hình sự, với cáo trạng mới của Viện Kiểm sát đề ngày 19/07/2012, không khác mấy với cáo trạng trước, nhằm hợp pháp hóa thời hạn tạm giam trước khi đưa ra xử. Cáo buộc được dựa trên việc đăng các bài viết trên trang mạng « Câu lạc bộ nhà báo tự do » cũng như trên các blog riêng, tố cáo nạn tham nhũng, bất công, chỉ trích chính sách ngoại giao của chính phủ.
Bị bắt ngày 19/04/2008, Điếu Cày đã bị tòa án Thành phố Hồ Chí Minh tuyên án hai năm rưỡi tù giam hôm 10/09/2008 vì tội « trốn thuế ». Trên thực tế, chính quyền Việt Nam tìm cách làm nhà ly khai này phải im tiếng, sau khi đã công khai tố cáo hành trình đuốc Olympic, đặc biệt là khi ngọn đuốc này được đưa đến Thành phố Hồ Chí Minh năm 2008, nhân Thế vận hội Bắc Kinh.
Blogger Điếu Cày cũng bị giám sát nghiêm ngặt sau khi tham gia các cuộc biểu tình chống chính sách của Trung Quốc tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào đầu năm 2008.
Sau khi thi hành xong án phạt vào tháng 10/2010, Điếu Cày vẫn tiếp tục bị giam giữ. Bản án mới này được tuyên sau khi phiên tòa xử ông đã bị liên tiếp hoãn lại.
Phan Thanh Hải bị câu lưu vào tháng 10/2010. Công an biện minh cho việc bắt ông là vì « loan truyền các thông tin sai lạc » trên blog của mình, trong đó chủ yếu ông viết về việc tranh chấp chủ quyền trên biển với Trung Quốc, và việc khai thác mỏ bauxite. Ông cũng ủng hộ các nhà ly khai Việt Nam.
Tạ Phong Tần thì tố cáo trên blog của bà nạn tham nhũng và bất công ở Việt Nam.
Việt Nam nằm trong danh sách các “Kẻ thù Internet” do Phóng viên Không biên giới lập ra. Có ít nhất 19 công dân mạng hiện đang bị giam cầm vì đã tự do phát biểu trên mạng, khiến quốc gia này trở thành nhà tù thứ hai trên thế giới dành cho các blogger và nhà ly khai trên mạng, sau Trung Quốc.