mardi 21 août 2012

Ngân hàng ACB: Không bị ảnh hưởng vì vụ Nguyễn Đức Kiên

Bài đăng : Thứ ba 21 Tháng Tám 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 21 Tháng Tám 2012 
Sự kiện ông Nguyễn Đức Kiên, một nhân vật nổi tiếng là nắm cổ phần tại nhiều ngân hàng bị bắt, đồng thời ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á châu (ACB), một ngân hàng cổ phần lớn của Việt Nam, được công an mời đến làm việc, đã gây xôn xao dư luận rất lớn.

Hãng tin Pháp AFP cho biết, hôm nay 21/08/2012 Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nguyễn Văn Bình đã xuất hiện trên truyền hình để trẩn an dư luận. Ông đảm bảo rằng Ngân hàng Nhà nuớc đã có những biện pháp để đảm bảo thanh khoản cho ACB và các ngân hàng khác, trong trường hợp người gởi rút tiền hàng loạt.

Trả lời RFI Việt ngữ, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á châu đã khẳng định là, trong một môi trường không ổn định như Việt Nam, ngân hàng luôn có những phương án đối phó trong những trường hợp khủng hoảng.
Ông Nguyễn Thanh Toại - Việt Nam
21/08/2012
by Thụy My
More
 http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120821-ngan-hang-acb-khong-bi-anh-huong-vi-vu-nguyen-duc-kien

Chiếc huy chương Olympic bí mật của Tây Tạng

Choyangkyi (ngoài cùng bên phải) trên bục nhận huy chương cạnh hai VĐV Nga, 11/08/12

(Courrier International 17/08/2012) Đối với Trung Quốc, cô tên là Qieyang Shenjie (đọc theo âm Hán Việt là Thiết Dương Thập Thư). Nhưng đối với người Tây Tạng đang vui mừng với chiếc huy chương Olympic đầu tiên, thì cô vẫn là Choyangkyi, theo tiếng Tây Tạng. Một bài thơ đã nói lên lòng tự hào của họ.

Trong bảng tổng kết huy chương thế vận, thì vị trí thứ ba của Qieyang Shenjie trong cuộc tranh tài đi bộ nữ 20 km vào ngày 11/8 vừa qua, là một trong 23 chiếc huy chương đồng của đoàn Trung Quốc. Nhưng trên bục nhận giải, bên cạnh hai vận động viên Nga giải nhất và nhì, nụ cười rạng rỡ của Choyangkyi cũng đã nói lên một câu chuyện khác. 

Đó là chuyện một nữ vận động viên Tây Tạng đầu tiên tham gia Thế vận hội, là câu chuyện của một cô gái vùng Amdo – một trong ba khu vực Tây Tạng truyền thống – sinh ra tại tỉnh Thanh Hải (LND : Amdo là nơi Đức Đạt Lai Lạt Ma và Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 đã sinh ra). Tuy chỉ đoạt huy chương đồng, nhưng cô đã phá kỷ lục châu Á.

Cộng đồng người Tây Tạng hiện diện đông đảo dọc theo đường đua ở Luân Đôn, ngay lập tức đã đòi hỏi chiếc huy chương này. Niềm vui òa vỡ trên internet và các mạng xã hội. Courrier International xin giới thiệu cho độc giả bản dịch độc quyền một bài thơ nói lên lòng tự hào và vinh dự của người Tây Tạng trước chiếc huy chương do Choyangkyi mang lại.

Trong lúc những vụ tự thiêu của những người Tây Tạng đã hy sinh mạng sống để phản kháng bàn tay sắt của Trung Quốc, vẫn tiếp tục diễn ra trong một sự gần như là thờ ơ, Choyangkyi đã giúp cho họ được tiếp tục ngẩng cao đầu.

Vinh danh Choyangkyi, người Tây Tạng đầu tiên tại Thế vận hội

Ai đó đã gọi em, em không để ý
Em không băn khoăn họ nói những gì
Em đã ghi vào lịch sử Tây Tạng
Một kỷ lục mới tuyệt vời, Choyangkyi !

Thời tiết ở đó hôm nay ra sao ?
Tâm trạng em hôm nay thế nào ?
Tất cả những người anh em trên hai bán cầu
Đều dõi theo em mà lòng nôn nao

Em phải mang lá cờ một đại quốc
Nhưng em giương ngọn cờ Tây Tạng thân yêu
Ngọn cờ một dân tộc thông minh quả cảm
Tôi mãnh liệt cầu xin đất trời phù hộ em

Từ bên này sang bên kia sân vận động
Em có thấy ngọn cờ mang hình sư tử? (lá cờ Tây Tạng, bị cấm tại Trung Quốc, được các cổ động viên giơ cao trong suốt cuộc đua)
Trong suốt hành trình em tham dự
Bao nhiêu vệ tinh và báo chí dõi theo

Dù em là thành viên đoàn Trung Quốc
Dù không nói em là người Tây Tạng
Nụ cười rạng rỡ của em suốt đường đua
Vẫn là đặc trưng của người Tây Tạng

Ngày mà em mang về chiến thắng
Là ngày vinh danh lịch sử Tây Tạng
Chiếc huy chương em giành được hôm nay
Giúp người Tây Tạng lại ngẩng cao đầu

Chiến thắng em: hào quang mặt trời Tây Tạng
Nụ cười em: đường đi người Tây Tạng
Chiến công em là chiến công Tây Tạng
Và tôi mong tương lai em tràn đầy ánh sáng

Viết trong ngập tràn hạnh phúc ngày 11/08/2012 sau khi Choyangkyi giành được huy chương đồng tại Olympic Luân Đôn

Shitsang Jangnyu 

Nguyên bản bài thơ tiếng Tây Tạng: (vì dịch hai lần từ tiếng Tây Tạng sang tiếng Pháp rồi Việt, và Thụy My cũng không phải nhà thơ, nên xin các cao thủ lượng thứ cho. Đa tạ!)
http://www.sangdhor.com/blog_c.aspid?=8290&a=234343111

dimanche 19 août 2012

Nhà đầu tư Trung Quốc bị Bắc Triều Tiên lừa đảo


Jang Sung Taek và Hồ Cẩm Đào tại Bắc Kinh ngày 17/08/12.
(Le Monde 19/08/2012) Vụ tập đoàn mỏ Xiyang của Trung Quốc bị các đối tác Bắc Triều Tiên lừa đảo chắc chắn là không phải là kiểu quảng cáo mà ông Jang Sung Taek, nhân vật số hai của chế độ Bình Nhưỡng viếng thăm Bắc Kinh kể từ hôm thứ Hai 13/8 mong muốn nghe nói đến trong chuyến công du của mình.

Người đứng đầu Đảng Lao Động Bắc Triều Tiên hôm thứ Sáu 17/8 đã hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Bắc Kinh. Được tờ nhật báo kinh tế Trung Quốc 21Century Business Herald đăng lên trước đó một hôm, tiết lộ về cách cư xử tồi tệ của “chủ nhà” Bắc Triều Tiên đối với các nhân viên Trung Quốc của tập đoàn trên, cũng như thái độ của chính quyền địa phương, đã gây tiếng vang rộng rãi trong giới blogger Trung Quốc.

samedi 18 août 2012

TS Nguyễn Xuân Diện : "Không phải ai cũng thích nghe sự thật"

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện
Bài đăng : Thứ bảy 18 Tháng Tám 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 18 Tháng Tám 2012 

Vừa qua Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã ra quyết định xử phạt hành chính đề ngày 06/08/2012 đối với tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, một blogger nổi tiếng của Việt Nam, thường tường thuật tin tức về các cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây hấn tại Biển Đông, cũng như bênh vực những người dân bị áp bức.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện
 
18/08/2012
 
 
Lý do đưa là vì blogger này đã « lợi dụng trang thông tin điện tử cá nhân để cung cấp thông tin gây phương hại đến trật tự an toàn xã hội ». Theo quyết định trên thì tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện bị buộc phải nộp phạt bảy triệu rưỡi đồng Việt Nam trong thời hạn 10 ngày, nếu không sẽ bị cưỡng chế. Trên mạng, nhiều người đã bày tỏ bức xúc và kêu gọi đóng góp giúp tiến sĩ Diện nộp phạt.

Trả lời RFI Việt ngữ qua điện thoại viễn liên, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện đã cho biết rõ hơn về sự kiện này.

RFI : Thưa tiến sĩ, ông đã từng bị cơ quan chức năng mời làm việc vì các bài viết trên blog ?

TS Nguyễn Xuân Diện : Quyết định xử phạt là họ dựa theo biên bản vi phạm hành chính số 169, căn cứ vào biên bản làm việc số 168. Trong ngày 12/7 đoàn thanh tra đã đưa ra ba bài viết trên trang blog cá nhân của tôi.

Bài viết thứ nhất là của tác giả Lê Hiếu Đằng : « Bầu cử chưa dân chủ, đại biểu Quốc hội không đủ trình độ » đăng ngày 21/11/2011 trên blog cá nhân của tôi. Bài này tôi lấy lại từ trang của đài RFI. Thứ hai là bài « Biểu tình là ý thức tự nhiên trước đồng loại », đăng trên blog cá nhân của tôi ngày 24/11/2011. Tác giả của bài này là Nguyễn Sĩ Phương, tôi lấy lại từ báo Sài Gòn Tiếp Thị điện tử. Bài thứ ba là bài về cuộc biểu tình ngày Chủ nhật 27/11/2011, đăng tải trên blog của tôi ngày 24/11/2011.

Ngoài hai bài của các tác giả Lê Hiếu Đằng và Nguyễn Sĩ Phương, thì bài về cuộc biểu tình ngày Chủ nhật 27/11/2011 là tôi tập hợp các tin trên các trang thông tin điện tử để đưa ra thông báo là có một cuộc biểu tình ngày 27/11. Cuộc biểu tình này nhằm mục đích ủng hộ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất với Quốc hội soạn thảo và ban hành Luật Biểu tình.

Bài này đăng ngày 24/11. Nhưng đến ngày thứ Bảy 26/11, lúc ấy khoảng ba giờ chiều, tôi đang dự một hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng Con người tổ chức tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, thì cơ quan công an Hà Nội đã cho người ra bắt và áp giải tôi, đưa về trụ sở số 6 phố Quang Trung quận Hà Đông để thẩm vấn. Và cuối buổi làm việc thì phó thủ trưởng của cơ quan an ninh điều tra là ông Ban đã đề nghị với tôi là gỡ bỏ bài đó ra khỏi blog. Tôi cũng vui vẻ chấp nhận và đã gỡ bài ra khỏi trang blog cá nhân của tôi trước khi sự kiện đó diễn ra.

Sở Thông tin Truyền thông, mà ở đây là đoàn thanh tra đã lấy lý do là bài về cuộc biểu tình ngày Chủ nhật 27/11 này để quy chụp cho tôi việc « lợi dụng trang thông tin điện tử cá nhân để cung cấp thông tin gây phương hại đến trật tự an toàn xã hội ». Thế nhưng trong các buổi làm việc với đoàn thanh tra, thì họ không xuất trình được bất cứ một tài liệu gì hoặc chứng cứ gì để chứng minh rằng tôi đã lợi dụng trang thông tin điện tử, và việc « lợi dụng » đó đã gây phương hại đến trật tự an toàn xã hội.

Thế nên tôi kết luận là cái biên bản xử phạt cũng như quyết định xử phạt là một văn bản vu khống, và quy chụp cho tôi.

RFI : Như vậy ông có ý định hoặc khiếu nại, hoặc khởi kiện cái quyết định mà ông cho là bất hợp lý này không ạ ?

Chắc chắn là tôi sẽ sử dụng quyền khiếu nại hoặc khởi kiện của tôi đối với quyết định xử phạt hành chính này. Và khiếu nại hay khởi kiện thì chúng tôi sẽ tham vấn ý kiến của luật sư chúng tôi. Thế nhưng có lẽ là chúng tôi sẽ chọn hình thức khiếu nại, bởi vì chúng tôi đã hiểu rất rõ về việc thực thi pháp luật, và hoạt động của tòa án, các cơ quan bảo vệ pháp luật ở Việt Nam rồi. Cho nên việc khởi kiện thì chúng tôi nghĩ tất nhiên các cơ quan nhà nước này sẽ bênh vực cho nhau.

Năm ngoái chúng tôi đã kiện Đài truyền hình Hà Nội về việc vu khống các nhân sĩ trí thức về việc đi biểu tình, nói rằng đây là các thế lực thù địch, phản động. Thế nhưng quả bóng đá từ sân nọ sang sân kia, từ chân người nọ đến chân người kia, cuối cùng thì vụ kiện đó cũng chẳng đi đến đâu cả.

Cho nên có lẽ là tôi không khởi kiện. Và nếu không khởi kiện, không phải là tôi không sử dụng hết quyền của mình, mà để bày tỏ một thái độ dứt khoát là tôi không còn tin tưởng gì nơi các cơ quan thực thi pháp luật ở Việt Nam, cũng như của Hà Nội này nữa.

RFI : Hôm 5/6 ông đã gởi đơn khiếu nại cách làm việc của chính đoàn thanh tra Sở Thông tin Truyền thông Hà Nội, nhưng cơ quan này có trả lời chưa ?

Vâng, họ đã trả lời. Bởi vì người trả lời là ông Phó giám đốc của Sở Thông tin Truyền thông – ông Dương Kỳ Lân – và văn bản đó lại được soạn bởi ông chánh thanh tra Nguyễn Văn Minh. Ông Nguyễn Văn Minh ký nháy vào bản trả lời đó. Tất nhiên họ nói là họ làm đúng !

Như vậy thì chúng ta quá hiểu rõ về việc thực thi pháp luật của các cơ quan công quyền ở Hà Nội.

RFI : Thưa tiến sĩ, trong quyết định xử phạt mới đây có ghi là ông có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện, nhưng phải đóng phạt cái đã, thì ông định thế nào ?

Cái này chúng tôi cũng sẽ xin ý kiến của luật sư, hoặc tham vấn ý kiến của những người khác. Tôi đang cân nhắc về vấn đề đó. Thế nhưng từ hôm qua, khi trang thông tin điện tử Ba Sàm đăng cái quyết định xử phạt đối với tôi, thì đã nhận được một sự bức xúc lớn của cư dân mạng ở Việt Nam trong và ngoài nước. Người ta muốn tổ chức một cuộc biểu tình ở trụ sở của Sở Thông tin Truyền thông, số 185 Giảng Võ, Hà Nội ; và muốn kêu gọi giúp đỡ cho tôi có chi phí để có thể nộp phạt bảy triệu rưỡi theo cái quyết định đó. Hiện nay chúng tôi vẫn đang trong quá trình xử lý thông tin và cân nhắc.

RFI : Hành động này mang ý nghĩa tinh thần nhiều hơn phải không ạ ?

Chúng tôi cho rằng nó mang ý nghĩa tinh thần rất lớn. Bởi vì như chúng ta đã biết, việc viết blog cũng như hoạt động của blogger ở Việt Nam rất là bất trắc, nhiều rủi ro. Và đã có biết bao những vụ như thế. Ngay như ba blogger ở Sài Gòn hiện nay cũng đang chuẩn bị phải ra tòa, mặc dù thời gian giam hãm đã vượt quá quy định rồi.

Chúng tôi muốn nói rằng là, giới blogger đã phản ánh những gì mà báo chí nhà nước chưa phản ánh hết được. Nhiều câu chuyện, vấn đề, sự kiện và nhiều trăn trở về những gì xảy ra trong lòng xã hội Việt Nam, báo chí chính thống chưa mô tả hết được, chưa phản ánh hết được, thì giới blogger sẽ làm cái việc bù đắp cho những thiếu vắng đó về mặt thông tin.

Tất nhiên khi đã nói động đến những sự thật, thì không phải sự thật nào cũng là ngọt ngào, mà có những sự thật chua chát, và không phải ai cũng thích nghe sự thật cả. Vì vậy cho nên họ có rất nhiều rủi ro và hơn lúc nào hết, cộng đồng blogger ở Việt Nam cũng nên có một sự tương thân tương ái lẫn nhau. Để làm sao các blog cá nhân, tức là những trang nhật ký cá nhân của mình có thể đến được với bạn đọc, đến được và chia sẻ được với mọi người.

RFI : Như vậy ông chấp nhận những nguy hiểm khi viết blog ?

Nói chung tôi là một blogger có một blog rất chừng mực, phải chăng, có tiếng nói trung thực, nhanh nhạy và ôn hòa. Chúng tôi nghĩ rằng chỉ có hai vấn đề trong blog. Một là thể hiện ý chí của dân tộc Việt Nam trước họa ngoại xâm, ở đây là giặc phương Bắc, tức Trung Quốc. Thứ hai là nói lên sự thật, bênh vực những người dân nghèo khổ, để sao cho tiếng nói, tâm tư nguyện vọng của họ đến được với nhiều người. Thế thôi.

Chứ chúng tôi hoàn toàn không có mục đích gì khác ảnh hưởng đến giới lãnh đạo, cũng như đến các chính sách của nhà nước, của chính phủ. Blog của tôi chỉ chừng mực như vậy thôi, đã tự giới hạn trong mức độ nhất định như vậy. Thế mà mức độ thấp nhất như thế mà giới lãnh đạo, giới cầm quyền của Hà Nội vẫn không chấp nhận được, thì tôi cho rằng là việc cất lên tiếng nói của sự thật, tiếng nói cá nhân của mình sẽ gặp khó khăn.

Xin chân thành cảm ơn tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện ở Hà Nội đã nhận trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ.

http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120818-ts-nguyen-xuan-dien-khong-phai-ai-cung-thich-nghe-su-that

150 nhà hoạt động Nhật sẽ đến Senkaku/Điếu Ngư

Tàu tuần duyên Nhật giám sát tàu của nhóm người Hoa đến gần Senkaku, 15/08/12.
Bài đăng : Thứ bảy 18 Tháng Tám 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 18 Tháng Tám 2012 

Theo AFP, từ hôm qua 17/08/2012, khoảng 150 người Nhật trong đó có cả các dân biểu và những nhà hoạt động có khuynh hướng dân tộc, đã sẵn sàng đi thuyền đến Senkaku /Điếu Ngư, quần đảo tranh chấp đang gây sóng gió trong quan hệ Nhật - Trung.

Các nhà hoạt động này có thể sử dụng đến 20 chiếc tàu để đi từ đảo Ishigaki đến Senkaku/Điếu Ngư, quần đảo hiện đang do Tokyo quản lý nhưng bị Bắc Kinh và Đài Loan đòi hỏi chủ quyền. Đoàn tàu dự kiến sẽ lên đường vào tối hôm nay, một ngày sau khi Nhật Bản chuẩn bị trục xuất 14 người Trung Quốc đã đi tàu từ Hồng Kông đến quần đảo tranh chấp.

Chính phủ Nhật cho phép đổ bộ lên bất kỳ đảo nào trong quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nhưng các nhà tổ chức đã từ chối, và nhóm 150 người Nhật này chỉ đi đến gần quần đảo.

Trước việc những người Trung Quốc đổ bộ lên Senkaku/Điếu Ngư hôm thứ Tư 15/08/2012, các nhà tổ chức chuyến đi cuối tuần này cho biết có thể họ sẽ tổ chức một buổi lễ gọn nhẹ ở trên tàu, thả neo ở gần quần đảo.

Ông Yasushi Watanabe, thuộc nhóm theo chủ nghĩa dân tộc Gambare Nippon, nói với AFP là có 8 dân biểu và 16 chính khách địa phương sẽ có mặt trên tàu. Chuyến đi này nhằm tái khẳng định chủ quyền của Nhật Bản tại Senkaku/Điếu Ngư.

Ông Watanabe cho biết : « Hai năm trước đây, khi chiếc tàu cá Trung Quốc đâm vào tàu tuần duyên Nhật Bản, chúng tôi đã quyết định bắt đầu tổ chức các chuyến đi như thế này đến quần đảo Senkaku, vì lợi ích của nước Nhật. Chúng tôi không thể để mặc họ muốn làm gì thì làm ». 

Xin nhắc lại, hôm thứ Tư 14 người Hoa đã từ Hồng Kông mang theo cờ Trung Quốc và Đài Loan đổ bộ lên Senkaku/Điếu Ngư. Tokyo đã nhanh chóng trục xuất tất cả những người Hoa trên.

Bắc Kinh yêu cầu Tokyo chấm dứt ngay các hành động vi phạm chủ quyền 

Hôm nay Trung Quốc đã lên tiếng yêu cầu Nhật Bản « ngưng ngay lập tức các hành động xâm hại đến chủ quyền lãnh thổ ». Lời tuyên bố này được đưa ra sau khi có tin một nhóm người Nhật có ý định đi thuyền đến Senkaku/Điếu Ngư tối nay.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nhấn mạnh : « Trung Quốc nhắc lại rằng tất cả các hành động đơn phương của Nhật Bản liên quan đến các đảo là bất hợp pháp và vô giá trị ». 

tags: Châu Á - Nhật Bản
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120818-khoang-150-nha-hoat-dong-nhat-ban-se-den-senkaku-dieu-ngu 

Syria tăng cường không kích sau khi Liên Hiệp Quốc chỉ định tân đặc sứ

Một người lính nổi dậy trước đạn pháo từ xe tăng quân chính phủ ở Alep, 18/08/12.
Thứ bảy 18 Tháng Tám 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 18 Tháng Tám 2012 

Quân đội chính phủ Syria hôm nay 18/08/2012 đã dồn dập tấn công nhiều cứ địa của quân nổi dậy, nhất là ở phía Bắc, sau khi nhà ngoại giao Algérie Lakhdar Brahimi vừa được bổ nhiệm làm nhà hòa giải quốc tế mới cho cuộc xung đột.

Theo Tổ chức Quan sát Nhân quyền tại Syria (OSDH), thì huyện Azaz của tỉnh Alep hôm nay đã chịu đựng các trận không tập của chế độ Damas. Thành phố nổi dậy có 70 ngàn dân, nằm gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, hôm thứ Tư 15/8 cũng đã là mục tiêu không kích của máy bay quân chính phủ, làm cho gần 40 người chết.

Còn tại Alep vốn là nơi diễn ra các trận đánh từ một tháng qua, hôm nay nhiều khu phố cũng đã bị dội bom. Thành phố Hirak thuộc tỉnh Deraa ở miền Nam bị bắn pháo dữ dội, cũng như tại Homs ở miền Trung, nơi phe nổi dậy vẫn đang kiểm soát nhiều khu phố. Nhìn chung trên toàn quốc hôm qua có 129 người thiệt mạng.

OSDH cho biết, hôm qua hơn 40 xác chết vô thừa nhận đã được phát hiện tại Damas, hơn 65 xác khác tại Qatana cách thủ đô 20 km. Những người này đã bị hành quyết, nhưng không rõ là thường dân hay quân nổi dậy, và OSDH đòi hỏi mở điều tra.

Bạo lực tiếp diễn trong khi tân đặc sứ của Liên Hiệp Quốc và Liên đoàn Ả Rập, ông Lakhdar Brahimi vừa được bổ nhiệm hôm qua. Cựu Ngoại trưởng Algérie 78 tuổi thay chân ông Kofi Annan, sau khi Hội đồng Bảo an quyết định chấm dứt nhiệm vụ của các quan sát viên, phụ trách giám sát một cuộc ngưng bắn vốn chưa bao giờ diễn ra. Tân đặc sứ đã bày tỏ là ông không mấy tin vào cơ hội sẽ giúp chấm dứt được cuộc chiến, nhưng ông sẽ làm hết sức mình.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon đã kêu gọi quốc tế ủng hộ ông Brahimi một cách « mạnh mẽ, rõ ràng và hợp nhất ». Trong khi đó các cường quốc vẫn tiếp tục chia rẽ về hồ sơ Syria.

Trung Quốc và Nga, đồng minh của Damas, cùng với Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu, vốn đòi hỏi ông Bachar Al Assad phải ra đi, đều hứa hẹn sẽ hỗ trợ cho ông Brahimi.

Nga, quốc gia ủng hộ chế độ Damas tích cực nhất, hôm nay bác bỏ đề nghị lập vùng cấm bay như ở Libya trước đây. Còn hôm qua, một hội nghị các cường quốc tại Liên Hiệp Quốc về vấn đề Syria do Nga đề xuất đã bị các nước phương Tây tẩy chay, chỉ có Trung Quốc đăng ký tham dự nên cuối cùng phải hủy. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói rằng Hoa Kỳ « không chắc hiểu được mục đích của cuộc hội nghị này. Không nên tổ chức họp chỉ để họp (…) mà cần góp phần giúp chấm dứt cuộc chiến đẫm máu ở Syria ».

tags: Quốc tế - Syria - Theo dòng thời sự
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120818-syria-tang-cuong-khong-kich-sau-khi-lien-hiep-quoc-chi-dinh-tan-dac-su 

Lượng khí thải CO2 của Mỹ giảm đáng kinh ngạc

Khai thác than đá
Bài đăng : Thứ bảy 18 Tháng Tám 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 18 Tháng Tám 2012 

Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) hôm qua 17/08/2012 cho biết, lượng khí dioxit cacbon thải ra của Mỹ đã giảm xuống một cách ngoạn mục trong năm 2011, và tiếp tục giảm trong quý I năm 2012. Cơ quan này cũng nhận xét, Hoa Kỳ tiêu thụ khí thiên nhiên nhiều hơn là than đá.

Sự sụt giảm đáng ngạc nhiên của quốc gia thải khí CO2 đứng thứ nhì thế giới diễn ra trong lúc Hoa Kỳ vẫn chưa có các quy định nhằm hạn chế hiện tượng hâm nóng khí hậu. Tuy nhiên vẫn chưa thể biết được đây chỉ là hiện tượng tạm thời, hay là khởi đầu của khuynh hướng giảm khí thải một cách đáng kể.

Theo số liệu chính thức của EIA, việc thải khí cacbon có liên quan đến tiêu thụ năng lượng sụt giảm 2,4% từ 2010 đến 2011. Trong quý I/2012, lượng khí thải CO2 giảm gần 8% so với cùng kỳ năm 2011, đạt mức thấp nhất kể từ năm 1992. EIA giải thích, mùa đông không lạnh lắm khiến nhu cầu sưởi ấm giảm.

Nểu EIA cho rằng « khó thể rút ra được kết luận » từ năm này sang năm khác, thì việc sử dụng khí thiên nhiên tăng cao so với than đá, và việc cải thiện hiệu quả năng lượng đối với xe hơi, có thể có tác động về lâu về dài.

Trong quý đầu năm nay, lượng khí thải CO2 từ than đá - nguồn năng lượng « bẩn » nhất – đã xuống thấp nhất tính từ năm 1983, vì khí thiên nhiên ngày càng được dùng nhiều hơn do giá rẻ. Thải ra CO2 ít hơn cacbon, khí thiên nhiên đang trở nên phổ biến, dù kỹ thuật khai thác khí này vẫn bị chỉ trích là gây hại cho lớp nước ngầm.

Cơ quan Thông tin Năng lượng cho rằng lượng khí thải CO2 của Mỹ vào năm 2020 sẽ thấp hơn so với năm 2005, ngay cả trong trường hợp không có quy định hạn chế nào khác được đưa ra, ngoài quy định về khí thải cho xe hơi.

Tổng thống Barack Obama đã hứa hẹn sẽ giảm lượng khí CO2 thải ra, nhưng chưa chắc sẽ được Quốc hội Mỹ đồng tình. Phe Cộng Hòa cho rằng các biện pháp hạn chế khí thải quá tốn kém. Trên bình diện quốc tế, các thương thảo cũng đi vào ngõ cụt, vì Trung Quốc, nước thải khí CO2 nhiều nhất thế giới luôn từ chối các hiệp ước không có lợi cho Bắc Kinh.

tags: Hâm nóng khí hậu - Hoa Kỳ - Môi trường - Năng lượng - Quốc tế
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120818-luong-khi-thai-co2-cua-my-giam-dang-kinh-ngac 

Nam Phi bắt đầu điều tra về vụ thảm sát Marikana

Gia đình các nạn nhân phản đối cảnh sát.
Bài đăng : Thứ bảy 18 Tháng Tám 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 18 Tháng Tám 2012 

Cuộc điều tra đầu tiên đã được mở ra hôm nay 18/08/2012 để xác định trách nhiệm của cảnh sát trong vụ bắn vào các thợ mỏ ở Marikana đình công hôm thứ Năm 16/8 làm cho 34 người chết. Trong khi đó cả nước Nam Phi đang đặt ra câu hỏi về các nguyên nhân sâu xa của xã hội, đã dẫn đến thảm kịch trên đây.

Sáng nay 18/08/2012, các chuyên gia của cơ quan thanh tra cảnh sát đã đến mỏ bạch kim do công ty Lonmin khai thác ở miền đông bắc. Các chuyên gia này có nhiệm vụ xác định xem việc cảnh sát nổ súng làm 34 người chết và 78 người bị thương, có tương xứng với sự đe dọa của các thợ mỏ như ban giám đốc cảnh sát đã khẳng định hay không.

Bên cạnh đó cảnh sát cũng mở một cuộc điều tra nội bộ. Còn Tổng thống Jacob Zuma hôm qua loan báo sẽ thành lập một ủy ban điều tra rộng rãi để làm sáng tỏ sự kiện. Nhiều gia đình vẫn đang tìm kiếm người thân, không biết có bị chết, bị thương hay nằm trong số khoảng 500 người bị bắt sau vụ bạo động.

Theo nhiều nhà quan sát, thì trách nhiệm trước mắt vừa từ phía cảnh sát, thiếu thốn trang bị và không được chuẩn bị cho tình hình, vừa từ phía những người đình công, trang bị vũ khí và sử dụng bạo động. Người ta cũng chỉ trích các công đoàn đã bất lực trong việc kiểm soát đình công.

Sâu xa hơn nữa, chính phủ Nam Phi cũng tỏ ra không có năng lực giải quyết các cuộc khủng hoảng tương tự, và nhất là cải thiện điều kiện làm việc của giai cấp công nhân, 18 năm sau khi chế độ apartheid chấm dứt.

tags: Nam Phi - Quốc tế - Theo dòng thời sự
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120818-nam-phi-bat-dau-dieu-tra-ve-vu-tham-sat-marikana

vendredi 17 août 2012

Blogger Nguyễn Xuân Diện: Sở Thông tin Truyền thông Hà Nội đã quy chụp và vu khống tôi

TS Nguyễn Xuân Diện trong một cuộc biểu tình phản đối TQ gây hấn ở Biển Đông.
Bài đăng : Thứ sáu 17 Tháng Tám 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 17 Tháng Tám 2012 
 
Sau nhiều lần tìm cách gây trở ngại, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã ra quyết định xử phạt hành chính đề ngày 06/08/2012 đối với tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, một blogger nổi tiếng của Việt Nam, vì đã « lợi dụng trang thông tin điện tử cá nhân để cung cấp thông tin gây phương hại đến trật tự an toàn xã hội ». Sự kiện này đã gây phản ứng mạnh mẽ từ cư dân mạng cũng như những người viết blog.

Theo quyết định trên thì tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện bị buộc phải nộp phạt bảy triệu rưỡi đồng Việt Nam trong thời hạn 10 ngày, nếu không sẽ bị cưỡng chế. Trên blog của mình, tiến sĩ Diện cho biết sẽ khiếu nại hoặc khởi kiện quyết định trên.

Blog Nguyễn Xuân Diện có số lượng người truy cập rất đông. Trong những đợt biểu tình phản đối thái độ hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông, blog này thường xuyên tường thuật trực tiếp các diễn biến. Bên cạnh đó, còn cập nhật rất nhanh tình hình các vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng, Văn Giang…những thông tin mà người đọc khó thể tìm thấy trên báo chí nhà nước.

Xin nhắc lại, trước đó ngày 18/5 một nhóm người lạ mặt tự xưng là « thương binh » đã ngang nhiên xông vào Viện Nghiên cứu Hán Nôm, nơi tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện làm việc, để đòi ông phải gỡ bỏ các bài viết trên blog. Đến đầu tháng Sáu, địa chỉ blog xuandienhannom.blogspot.com hoàn toàn không truy cập được, và tiến sĩ Diện được Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội mời đến làm việc. Ngày 5/6, ông Nguyễn Xuân Diện đã gởi đơn khiếu nại cho Sở này về việc đoàn thanh tra của Sở có những hành vi theo ông là « không đúng pháp luật ».

Sự kiện blogger Nguyễn Xuân Diện bị buộc nộp phạt đã gây phản ứng mạnh mẽ trong cư dân mạng và giới blogger. Nhiều người đã đề nghị đóng góp giúp đỡ cho tiến sĩ Diện nộp phạt.

Trả lời RFI Việt ngữ, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện xác nhận là ông bác bỏ các cáo buộc đối với ông:


Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện
 
17/08/2012
 
 
Quyết định xử phạt thì tôi thấy ghi là ngày 6/8, nhưng đến tận ngày 16/8 thì tôi mới nhận được. Và trong quyết định đó ghi là ông Nguyễn Xuân Diện phải chấp hành quyết định xử phạt trong mười ngày kể từ ngày được giao quyết định. Đến giờ này có thể khẳng định là đến ngày 16/8 thì tôi mới nhận được cái quyết định xử phạt. Sở Thông tin Truyền thông không giao cho tôi tận tay, mà gửi qua đường thư thôi.

Ông nhận xét về việc xử phạt này như thế nào, có hợp lý hay không ?

Cái quyết định xử phạt của thanh tra Sở Thông tin Truyền thông là căn cứ theo biên bản làm việc vào ngày 12/7, tức là biên bản số 169. Mà cái biên bản số 169 thì có quy cho tôi vào hai hành vi vi phạm. Thứ nhất là lợi dụng trang thông tin điện tử cá nhân để cung cấp thông tin gây phương hại đến trật tự an toàn xã hội. Và thứ hai nữa là cái hành vi gọi là cản trở, gây khó khăn cho hoạt động thanh tra.

Trong biên bản 169 thì tôi đã ghi rõ trong đó là « Tôi phản đối quy chụp, vu khống trên của đoàn thanh tra đối với tôi », mà trưởng đoàn là bà Nguyễn Thị Mai Hương. Và trong quá trình làm việc thì đoàn thanh tra không hề xuất trình được bất cứ một bằng chứng nào về việc tôi lợi dụng trang thông tin điện tử cá nhân để cung cấp thông tin đã gây phương hại đến trật tự an toàn xã hội. Trong khi làm việc tôi luôn bị một số thành viên của đoàn thanh tra uy hiếp về mặt tinh thần, gây phiền phức và thô bạo.

Điều này đã được tôi nêu rõ trong khiếu nại gởi giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Hà Nội ngày mùng 5 tháng 6 năm 2012. Và tôi có ký vào phần viết đó, còn phần chữ ký của người vi phạm thì tôi không ký. Như vậy là tôi đã không thừa nhận cái biên bản này, và không thừa nhận cái lỗi mà đoàn thanh tra của Sở Thông tin Truyền thông đã quy chụp và vu khống cho tôi.

Xin rất cám ơn tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện.

tags: Dân chủ - Internet - Pháp luật - Việt Nam
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120817-blogger-nguyen-xuan-dien-bi-phat-tien-vi-%C2%AB-loi-dung-internet-%C2%BB 
 
 

Nga : Pussy Riot bị án hai năm cải tạo về tội "côn đồ"


Biểu tình tại Vacxava ngày 17/08/12 đòi trả tự do cho Pussy Riot.
Bài đăng : Thứ sáu 17 Tháng Tám 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 17 Tháng Tám 2012 
 
Ba cô gái thành viên của nhóm nhạc punk Nga Pussy Riot hôm nay 17/08/2012 đã bị tòa án Khamovnitcheski ở Matxcơva tuyên án hai năm cải tạo vì tội danh "côn đồ". Họ đã hát một bài hát trong nhà thờ để chống lại ông Putin. Phiên tòa này đã gây phản ứng rộng lớn ở tầm quốc tế.

Nhiều cuộc biểu tình dự kiến diễn ra không chỉ ở nước Nga mà còn tại nhiều thành phố trên thế giới, từ Vacxava, Paris cho đến Sydney, New York. Nhiều nghệ sĩ tên tuổi như Paul McCartney, Madonna, Sting, Yoko Ono đã lên tiếng ủng hộ Pussy Riot.

Thẩm phán Marina Syrova đã dựa theo hầu như toàn bộ các lý lẽ luận tội của công tố viên, từng đòi phạt ba năm cải tạo lao động đối với các cô Nadejda Tolokonnikova, 22 tuổi; Ekaterina Samoutsevitch, 30 tuổi; và Maria Alekhina, 24 tuổi, vì tội « côn đồ » và « kích động hận thù tôn giáo ».

Ba cô gái trên hôm 21/2 đã hát « bài hát cầu nguyện » tại giáo đường Chúa Cứu Thế ở Matxcơva, cầu xin Đức Mẹ « xua ông Putin ra khỏi quyền lực ».

Tòa nhấn mạnh là các bị cáo không tỏ ra « hối lỗi », và họ đã « vi phạm trật tự công cộng », « xúc phạm đến niềm tin tôn giáo của các tín đồ », trong khi luật sư của Pussy Riot yêu cầu tha bổng. Được biết án phạt tối đa dành cho tội « côn đồ » là bảy năm cải tạo lao động.

Ở bên ngoài tòa án, một lực lượng cảnh sát hùng hậu được huy động, rào sắt được dựng lên khắp nơi để ngăn cản mọi cuộc tụ họp đông người. Nhà đối lập Serguei Oudaltsov, lãnh đạo Mặt trận cánh tả đã bị cảnh sát bắt lên xe khi toan vượt rào cản. Hai cảm tình viên khác của Pussy Riot, một người trùm kín đầu và người kia mang biểu ngữ, cũng đã bị câu lưu.

Vụ án này đã gây chia rẽ trầm trọng xã hội Nga. Nhiều tu sĩ và tín đồ Chính thống giáo tố cáo Pussy Riot làm uế tạp chốn thiêng liêng, chống lại Giáo hội. Nhưng những người khác kể cả trong Chính thống giáo cho rằng việc bắt giam và truy tố các cô gái này là quá đáng so với sự việc. Những người có khuynh hướng dân tộc và tôn giáo cực đoan biểu tình trước tòa hôm nay, một người nói : « Tôi muốn Pussy và những người ủng hộ sẽ bị thiêu đốt ở hỏa ngục ». Bên cạnh đó, hàng trăm người biểu tình khác hô to : « Trả tự do cho Pussy Riot !», « Trả tự do cho các tù nhân chính trị ! »

Phiên tòa diễn ra vào thời điểm Tổng thống Vladimir Putin quay lại điện Kremlin được hơn 100 ngày. Ông Putin đã tăng cường kiểm soát xã hội công dân để đối phó với phong trào chống đối ông. Theo thăm dò của viện Levada, tỉ lệ người ủng hộ ông Putin nay đã xuống ở mức 48%, thấp nhất kể từ năm 2000.

Trước những tai tiếng quanh vụ Pussy Riot, ông Putin mới đây đã phát biểu rằng nên khoan hồng với các bị cáo. Nhưng Pussy Riot cho biết sẽ không xin ông Putin ân xá, và luật sư của các cô nói rằng sẽ kháng án không chỉ ở Nga mà còn tại các định chế quốc tế.

tags: Chính trị - Dân chủ - Nga - Pháp luật - Quốc tế
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120817-nga-pussy-riot-bi-ket-toi-%C2%AB-pha-hoai-%C2%BB 
 

WikiLeaks : Anh Quốc và Ecuador thương lượng về vụ Julian Assange

Trước ĐSQ Ecuador ở Luân Đôn, ngày 17/08/2012.
Bài đăng : Thứ sáu 17 Tháng Tám 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 17 Tháng Tám 2012 
 
Các nhà ngoại giao Anh và Ecuador hôm nay 17/08/2012, tiếp tục thương thảo để tìm ra một lối thoát cho vụ Julian Assange, đang bị Anh quyết tâm dẫn độ sang Thụy Điển. Ông Assange hiện trú ẩn trong đại sứ quán Ecuador ở Luân Đôn, và số phận người sáng lập WikiLeaks vẫn bất định mặc dù đã được Quito cho tị nạn.

Khoảng hai chục cảnh sát Anh tiếp tục canh gác trước tòa nhà đại sứ quán Ecuador, đã trở thành một nhà tù tiện nghi cho ông Assange kể từ ngày 19/6 đến nay. Hai chiếc xe cảnh sát đậu thường trực gần đó, bên cạnh là những người ủng hộ Julian Assange ngủ qua đêm tại chỗ để canh chừng.

Nếu ông Assange phiêu lưu ra khỏi khuôn viên tòa đại sứ, ngay lập tức ông sẽ bị bắt giữ theo lệnh truy nã của Thụy Điển liên quan đến một vụ cáo buộc hãm hiếp và tấn công tình dục, mà ông vẫn chối bỏ. Tuy vậy ông vẫn có thể liều lĩnh xuất hiện để phát biểu công khai vào Chủ nhật tới « vào lúc 14 giờ GMT, trước đại sứ quán », đúng hai tháng sau ngày ông chạy vào đây ẩn náu.

Hôm qua ngay sau khi Quito tuyên bố cho Julian Assange được tị nạn chính trị, Luân Đôn đã cảnh báo là sẽ không cấp giấy thông hành, và việc ông được tị nạn không làm thay đổi gì đối với thủ tục dẫn độ. Tuy vậy Ngoại trưởng Anh William Hague hiện có vẻ không muốn dùng đến biện pháp cho cảnh sát xâm nhập vào tòa đại sứ, mà theo ông đã được đạo luật năm 1987 của Anh cho phép.

Trước thái độ không khoan nhượng của Anh, Ecuador tìm sự ủng hộ nơi các nước Nam Mỹ. Quito đã mời các Ngoại trưởng thuộc Liên hiệp các quốc gia Nam Mỹ (Unasur) họp tại Guayaquil Chủ nhật tới để xem xét tình hình. Ecuator cũng tính đến việc đưa vấn đề ra Tòa án Công Lý Quốc tế (CIJ). Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Anh nói rằng sẽ làm việc với Ecuador để tìm cách giải quyết êm đẹp.

Báo chí Anh hôm nay đưa ra nhiều kịch bản cho việc đào thoát của ông Assange, trong trường hợp không có được giải pháp ngoại giao. Nếu trốn đi bằng xe hơi của đại sứ quán, thì ông vẫn có thể bị bắt ở sân bay. Còn nếu trốn trong một container đóng dấu « ngoại giao » ? Một cựu bộ trưởng Nigeria đã từng bị bắt trong hoàn cảnh tương tự, hơn nữa vẫn phải bị chiếu X quang.

Chỉ còn cách Ecuador cấp cho ông Assange tư cách ngoại giao hay đại diện tại Liên Hiệp Quốc. Nhưng vì đã có lệnh dẫn độ, Quito vẫn phải tôn trọng luật pháp Anh, và Scotland Yard đã từng bắt giữ nhiều nhà ngoại giao như thế.

tags: Anh - Ecuador - Ngoại giao - Pháp luật - Quốc tế - Theo dòng thời sự - WikiLeaks
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120817-wikileaks-julian-assange-van-o-trong-dai-su-quan-ecuador-tai-anh-thuong-luong-tiep-0 
 

Nam Phi bàng hoàng trước vụ thảm sát ở mỏ Marikana

Cảnh sát Nam Phi đối mặt với các phụ nữ phản đối vụ thảm sát, 17/08/2012.
Bài đăng : Thứ sáu 17 Tháng Tám 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 17 Tháng Tám 2012 
 
Cả nước Nam Phi hôm nay 17/08/2012 vẫn đang bị sốc trước vụ thảm sát chưa từng xảy ra kể từ khi chế độ phân biệt chủng tộc chấm dứt từ năm 1994. Có ít nhất 34 thợ mỏ đình công đã bị thiệt mạng khi cảnh sát tấn công vào mỏ bạch kim Lonmin ở Marikana hôm qua.

Chiều qua cảnh sát đã bắn vào một nhóm thợ mỏ đình công vũ trang liềm hái, gậy gộc, thanh sắt và súng. Những người thợ này ngưng làm việc từ ngày 10/8, đòi tăng lương gấp ba. Họ đã từ chối giải tán, sau khi bác bỏ tối hậu thư của ban giám đốc mỏ, buộc phải quay lại làm việc nếu không sẽ bị sa thải.

Giám đốc cảnh sát quốc gia Nam Phi, Riay Phiyega cho biết trong cuộc họp báo hôm nay: « Tổng số người chết là 34, với hơn 78 người bị thương, 259 người bị bắt do nhiều lý do khác nhau : bạo động, sát nhân, mưu toan giết người, tập họp trái phép, mang vũ khí trái phép… ». Ông Phiyega biện minh : « Các nhóm thợ đình công đã hướng về phía cảnh sát nổ súng và đe dọa bằng các loại vũ khí nguy hiểm. Cảnh sát buộc lòng phải tự vệ ». 

Sáng nay địa điểm xảy ra thảm kịch vẫn được các xe bọc sắt của cảnh sát phong tỏa, trực thăng bay vần vũ, và cách đó 500 m khoảng hai ngàn người tụ tập lại trong bầu không khí yên tĩnh nhưng đầy căng thẳng. Đằng xa, vài trăm phụ nữ hát những bài hát của thời kỳ đấu tranh chống lại chế độ apartheid, với các biểu ngữ : « Cảnh sát hãy ngưng giết hại chồng con chúng tôi ».Trong khi danh sách các nạn nhân vẫn chưa được công bố, một số phụ nữ khóc lóc đi tìm chồng hoặc anh em trai bị mất tích từ hôm trước.

Tình hình trầm trọng cho đến nỗi Tổng thống Jacob Zuma đã phải rời hội nghị thượng đỉnh các nước khu vực ở Mozambique để bay về hôm nay. Tất cả các báo đài Nam Phi đều đưa sự kiện « thảm sát ở Marikana » lên trang nhất hoặc đầu bản tin truyền thanh, truyền hình.

Trong một đất nước mà ký ức về những cuộc chiến đấu chống lại chế độ phân biệt chủng tộc vẫn còn hiện diện khắp nơi, hình ảnh cảnh sát bắn vào những người đình công có vũ trang, đã làm sống dậy những vết thương chưa lành. Nhật báo The Times có số phát hành lớn ghi nhận những hình ảnh của thảm kịch đã được truyền đi khắp thế giới, dường như thuộc về một Nam Phi của quá khứ.

tags: Bạo động - Nam Phi - Quốc tế - Theo dòng thời sự
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120817-nam-phi-bang-hoang-truoc-vu-tham-sat-o-mo-marikana 
 

jeudi 16 août 2012

Tranh chấp đất đai ở Can Lộc, Hà Tĩnh : Cán bộ bị dân đánh "trọng thương"

Bài đăng : Thứ năm 16 Tháng Tám 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 16 Tháng Tám 2012 
 
Hàng trăm người dân xã Yên Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh tối 14 rạng sáng 15/08/2012 đã bao vây trụ sở ủy ban xã, đập phá đồ đạc và đánh trọng thương hai cán bộ. AFP dẫn nguồn tin từ báo chí trong nước hôm nay cho biết như trên, và nhận định rằng nguyên nhân là do trưng thu đất đai.

Hãng tin Pháp trích bản tin của báo Thanh Niên nói rằng bạo động đã xảy ra sau vụ bắt giữ anh Đặng Văn Công, một thanh niên 27 tuổi, có nguyên nhân sâu xa từ tranh chấp đất đai. Theo tờ báo, ngày 29/06/2012 anh Công và người anh ruột đã dùng máy đào, xúc đất tại khu vực sân bóng cũ “thuộc địa phận xã Yên Lộc quản lý”. Bị chính quyền ngăn trở, hai anh em đã phản ứng lại, sau đó anh Công bị bắt giam và khởi tố.

Chiều 14/08/2012, hàng trăm người dân bao vây phòng làm việc của chủ tịch và phó chủ tịch xã, yêu cầu thả ngay anh Công. Đến tối thì họ cắt điện trụ sở xã, đánh trọng thương hai cán bộ xã trên phải nhập viện, ngoài ra có bốn cán bộ huyện và bốn công an viên bị thương. Chính quyền đã mở điều tra về vụ này.

Theo AFP, các vụ tranh chấp đất biến thành bạo động ngày càng nhiều tại Việt Nam, nơi mà toàn bộ đất đai thuộc sở hữu Nhà nước. Có đến 70% số vụ kiện tụng liên quan đến đất đai.

Một người thân cận với các viên chức Can Lộc
 
16/08/2012
 
 
Chính quyền khẳng định có bồi thường cho dân cư bị di dời, nhưng thường thì người dân không nhận được bao nhiêu do hệ thống hành chánh tham nhũng. Trả lời RFI Việt ngữ, một người thạo tin thân cận với các viên chức Can Lộc, Hà Tĩnh không muốn nói tên, cho biết :

"Sự việc hàng trăm người dân đã bao vây trụ sở ủy ban nhân dân xã Yên Lộc của huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, xảy ra bắt đầu từ khoảng 15 giờ chiều 14/8, khi người dân kéo hàng loạt đến trụ sở này, đòi đập phá cơ sở vật chất của ủy ban, rồi đánh người, đồng thời giam hai chủ tịch và phó chủ tịch của xã vào phòng làm việc. Họ yêu cầu phải thả người trong gia đình họ ra, thì mới tha cho những cán bộ đứng đầu xã này.

Nguyên nhân như thế này. Trước đó, sáng 14/8 công an huyện đã bắt Đặng Văn Công, 27 tuổi ở thôn Tràng Sơn xã Yên Lộc, vì lý do anh này chống người thi hành công vụ và khai thác đất đai trái phép. Người dân kéo đến trụ sở xã vì họ nghĩ rằng việc bắt người là trái phép, không đúng quy định. Vì vậy họ bắt cán bộ xã phải trực tiếp gọi điện cho công an huyện đòi thả người. Nếu không họ sẽ hành hung và đập phá cơ sở vật chất của ủy ban xã.

Dân rất đông, trụ sở xã bị đập tan tành luôn, giống như một cái chợ, như bãi chiến trường. 

RFI: Nguyên nhân sâu xa có phải là vấn đề đất đai không?

Yên Lộc là nơi rất nhạy cảm, cả làng đều theo Thiên Chúa giáo. Theo như chính quyền địa phương và công an huyện thì đối tượng Công và anh trai khai thác đất trái phép tại sân bóng của ủy ban xã. 
Vì vậy xã mới lập đoàn kiểm tra xuống đề nghị phải dừng ngay việc khai thác đất, thì họ chống lại các cán bộ ở đây, dùng đất đá ném lại. Ngay lập tức việc này được trình báo lên đảng ủy, ủy ban huyện, đồng thời đề nghị công an vào cuộc. Thì ngay chiều hôm đó công an đã đi bắt hai đối tượng này và ra lệnh khởi tố. 

Gia đình họ đến xã đòi phải giao người, nhưng xã nói việc này liên quan đến pháp luật, không thể làm được. Thì họ lại gọi những người anh em, dân trong làng xóm, đặc biệt là thanh niên đến xã, nói là người gây ra chuyện chính là ông chủ tịch và phó chủ tịch, thì phải trị hai ông này trước đã. 

Sự việc xảy ra từ 15 giờ ngày 14 cho đến 4 giờ sáng ngày 15 – hôm qua đấy. Họ bao vây và đến 7 giờ tối ngày 15 thì tắt điện toàn bộ khu vực nhà, và nhốt hai cán bộ xã vào trong phòng, bắt phải cầm điện thoại gọi trực tiếp cho ông trưởng công an huyện đề nghị thả người, nếu không thả người thì họ sẽ đánh.

Đánh xong họ mới lôi hai ông này ra ngoài sân bóng đánh tiếp, đánh ngất rồi lại xối nước vào người hai ông cán bộ này và đánh tiếp nữa. Nhưng lúc ấy thì cha đạo đã xuất hiện, và ông đề nghị người dân là phải thật bình tĩnh, không được làm những việc như thế nữa, thì dân mới dừng lại. Nếu mà không có cha thì chắc chắn dân còn tiếp tục. 

Sau đó hai ông chủ tịch và phó chủ tịch được chuyển lên bệnh viện tỉnh phẫu thuật mặt cũng như khâu vết thương trên đầu. Tình trạng của hai bệnh nhân này: bị chấn thương đầu, mắt, lưng, chân tay và chảy máu đầu, phải khâu rất nhiều mũi, cần theo dõi chấn thương sọ não. Ngoài ra còn có ông trưởng công an huyện và một số cán bộ nữa cũng bị dân đánh. Ông Trần Văn Sơn, trưởng công an huyện bị một số vết thương ở mặt, đầu, lưng, và hiện đang nằm ở bệnh viện đa khoa huyện Can Lộc.

Theo như lệnh khởi tố của công an huyện – ban đầu họ cứ khởi tố việc chống người thi hành công vụ cái đã. Còn sự việc sau đó thế nào, cụ thể ra sao thì hai ông đi nằm viện rồi, và những cán bộ lãnh đạo hàng đầu của huyện cũng nằm viện luôn cho nên việc đó hơi khó để truy tìm nguyên nhân cụ thể như thế nào".

tags: Bạo động - Pháp luật - TEST CARROUSEL VIET - Việt Nam - Đất đai
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120816-tranh-chap-dat-o-ha-tinh-nhieu-can-bo-bi-dan-danh-trong-thuong 
 

Syria tạm thời bị loại khỏi thế giới Hồi giáo, chiến sự tiếp diễn

Các lãnh đạo Hồi giáo tại hội nghị Mecca, ngày 16/08/12.
Bài đăng : Thứ năm 16 Tháng Tám 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 16 Tháng Tám 2012 

Các trận đánh và không kích tiếp diễn tại Syria hôm nay 16/08/2012, sau khi các quốc gia Hồi giáo trong phiên họp đặc biệt tại Mecca, Ả Rập Xê Út, đã quyết định tạm ngưng tư cách thành viên của Syria trong Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OCI). Quyết định này nhằm cô lập chế độ Damas, bị Liên Hiệp Quốc lên án là đã phạm tội ác chiến tranh.

Sau 18 tháng phong trào phản kháng bị đàn áp đã dần trở thành đấu tranh quân sự, với hơn 23 ngàn người chết, các nhà lãnh đạo Hồi giáo đã thỏa thuận về “sự cần thiết phải chấm dứt ngay bạo lực ở Syria và ngưng tư cách thành viên của nước này trong OCI”. Iran, đồng minh thân thiết của Syria là nước duy nhất trong số 57 thành viên của OCI, tổ chức đại diện cho một tỉ rưỡi người Hồi giáo trên thế giới, đã phản đối.

Hoa Kỳ lên tiếng hoan nghênh quyết định trên, cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy “chế độ Bachar Al Assad ngày càng bị cô lập, ngược lại ủng hộ ngày càng rộng lớn đối với nhân dân Syria, và cuộc đấu tranh cho một Nhà nước dân chủ”.

Tại chỗ, quân chính phủ và quân nổi dậy tiếp tục chiến đấu nhằm giành quyền kiểm soát thành phố Alep mang tính chiến lược, là nơi diễn ra các trận đánh từ gần tháng qua. Các cuộc cuộc không tập của quân chính phủ hôm nay đã làm cho trên 30 người chết, các cửa hàng bánh mì đóng cửa và thức ăn trở nên hiếm hoi. Nhìn chung trên toàn quốc hôm nay có 70 người thiệt mạng trong đó có 42 thường dân.

Bạo lực tại Syria có nguy cơ lan sang nước láng giềng Liban. Tại đây hàng chục người Syria đã bị những người chiite vũ trang bắt cóc, đòi phải trả tự do cho những người Liban cùng tín ngưỡng đang là con tin ở Syria. Những người biểu tình chiite hôm qua đã đập phá tài sản của người Syria, phong tỏa đường đến sân bay Beyrouth. Năm vương quốc vùng Vịnh đã kêu gọi các công dân mình rời khỏi Liban ngay lập tức.

Tại Genève, một báo cáo mới của Ủy ban điều tra Liên Hiệp Quốc đã lên án lực lượng chính phủ Syria và các dân quân thân chính phủ đã phạm tội ác chống nhân loại, trong đó có các vụ giết người và tra tấn. Báo cáo cho rằng phe đối lập cũng phạm tội ác chiến tranh, nhưng ở mức độ nhẹ hơn.

Còn tại New York, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc họp lại hôm nay nhằm thảo luận về việc chính thức chấm dứt nhiệm vụ của các quan sát viên tại Syria, mà thời hạn sẽ kết thúc vào Chủ nhật tới. Các cường quốc vẫn chia rẽ về biện pháp chấm dứt cuộc khủng hoảng Syria. Trong trường hợp lạc quan nhất, thì 15 thành viên của Hội đồng sẽ phải thỏa thuận duy trì văn phòng liên lạc tại Damas, để hỗ trợ cho các nhà hòa giải tương lai của Liên Hiệp Quốc sẽ thay chân ông Kofi Annan.

Cũng trong hôm nay, nhân chuyến viếng thăm Bắc Kinh, đặc sứ Syria Bouthaina Chaabane đã hoan nghênh việc Nga và Trung Quốc ngăn trở mọi nghị quyết của Hội đồng Bảo an lên án Syria. Tuy nhiên Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã kêu gọi các bên tham chiến tại Syria “nhanh chóng tiến hành ngưng bắn để chấm dứt bạo động và khởi đầu đối thoại chính trị”. 

Về phía Pháp, Ngoại trưởng Laurent Fabius trong vòng công du khu vực, đã tuyên bố: “Quan điểm của Pháp rẩt rõ ràng: chúng tôi coi Bachar Al Assad là đao phủ của nhân dân ông ta, ông Assad cần phải ra đi càng sớm càng tốt”. Tuy vậy ông Fabius vẫn bác bỏ việc vũ trang cho phe nổi dậy.

tags: Chính trị - Quân sự - Quốc tế - Syria - Theo dòng thời sự
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120816-syria-bi-tam-thoi-loai-khoi-the-gioi-hoi-giao-trung-quoc-keu-goi-ngung-ban 

Ecuador cho phép người sáng lập WikiLeaks được tị nạn chính trị

Cảnh sát Anh canh gác trước ĐSQ Ecuador ở Luân Đôn, ngày 16/08/12.
Bài đăng : Thứ năm 16 Tháng Tám 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 16 Tháng Tám 2012 

Hôm nay 16/08/2012, Ecuador loan báo chấp nhận cho người sáng lập WikiLeaks, ông Julian Assange tị nạn chính trị. Ông Assange hiện đang trú ẩn trong đại sứ quán Ecuador ở Luân Đôn từ hai tháng qua. Tuy nhiên chính quyền Anh vẫn khẳng định quyết tâm buộc dẫn độ ông Assange.

Vài phút sau thông báo của Quito, Bộ Ngoại giao Anh tuyên bố Luân Đôn “thất vọng” trước quyết định của Ecuado, nhưng điều này “không thay đổi được gì cả”. Về phần ông Assange, trước các nhân viên đại sứ quá, đã chào mừng “chiến thắng quan trọng”, nhưng nói thêm là “nay thì mọi việc có thể trở nên căng thẳng hơn”.

Trước khi tin chính thức chấp thuận cho tị nạn được đưa ra, Ngoại trưởng Ecuador, ông Ricardo Patino lên án việc chính quyền Anh đe dọa cho tấn công vào đại sứ quán nước này tại Luân Đôn nếu Ecuador không giao nộp Julian Assange. Ông khẳng định “Ecuador cực lực phản đối sự hăm dọa trắng trợn này”. Phía WikiLeaks thì tố cáo một sự đe dọa “bất xứng” “vi phạm chưa từng thấy đối với quyền của người xin tị nạn”.

Tư pháp Anh đã bật đèn xanh cho việc dẫn độ ông Julian Assange sang Thụy Điển để xét xử về tội hiếp dâm và tấn công tình dục. Hôm qua, Bộ Ngoại giao Anh cho biết là Anh quốc “kiên quyết” dẫn độ ông Assange.

Ông Julian Assange, 41 tuổi, quốc tịch Úc, từ ngày 19/06 đã trốn vào đại sứ quán Ecuador ở Luân Đôn và đưa đơn xin tị nạn chính trị, để tránh bị dẫn độ sang Thụy Điển, nơi ông bị buộc hai tội danh trên. Người sáng lập WikiLeaks sợ rằng sau đó ông sẽ bị chuyển giao cho Hoa Kỳ để xét xử vì tội gián điệp, do trang web của ông đã tiết lộ 250.000 bức điện mật ngoại giao của Mỹ.

Theo Ngoại trưởng Ecuador, "thái độ của chính phủ Anh là không thể chấp nhận được cả về mặt chính trị lẫn luật pháp. Việc xâm nhập trái phép vào đại sứ quán Ecuador là vi phạm hiển nhiên công ước Vienna” về ngoại giao.

Phía Úc thì đã ngầm “bỏ rơi” ông Julian Assange. Bộ trưởng Tư pháp Úc Nicola Roxon tuyên bố “Rốt cuộc đây là chuyện giữa ông Assange và Ecuador”, và “ngày càng cho thấy đây là chuyện giữa Ecuador và Anh”.

Luân Đôn có thể biện minh cho sự can thiệp vào đại sứ quán với một đạo luật năm 1987, cho phép bãi bỏ quyền miễn trừ ngoại giao của một đại sứ quán trên lãnh thổ Anh quốc. Trên mạng Twitter đang có lời kêu gọi biểu tình trước đại sứ quán Ecuador, nằm tại khu Kensington sang trọng của Luân Đôn. Lực lượng cảnh sát Anh trước đại sứ quán này đã được tăng cường.

Hôm tối thứ Ba 14/08/2012, trang web của nhật báo Anh The Guardian loan báo là Tổng thống Ecuador là Rafael Correa đã quyết định cho Julian Assange được tị nạn chính trị, nhưng sau đó ông Correa đã cải chính tin trên.

Tổng thống cánh tả của Ecuador vốn thường xuyên chỉ trích Washington, đã nhiều lần khẳng định “nếu mạng sống của ông Julian Assange bị đe dọa, thì đó là một lý do để chứng minh việc cho ông tị nạn chính trị”, nhấn mạnh rằng “án tử hình cho các tội phạm chính trị vẫn đang được áp dụng tại Mỹ”.

Tuy vậy dù chính quyền Quito cho Assange được tị nạn, không có gì đảm bảo là chính quyền Luân Đôn sẽ để cho ông này được rời khỏi đất Anh. Ngoại trưởng Ecuador cho biết không loại trừ giải pháp đưa vấn đề ra trước Tòa án Tư Pháp Quốc tế (CIJ) ở La Haye.

tags: Anh - Ecuador - Quốc tế - WikiLeaks
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120816-ecuador-cho-phep-nguoi-sang-lap-wikileaks-duoc-ti-nan-chinh-tri 

Tàu Singapore bị người vượt biên buộc phải đổi hướng đi Úc

Bài đăng : Thứ năm 16 Tháng Tám 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 16 Tháng Tám 2012 
 
Hôm nay 16/08/2012, chính phủ Úc cho biết, những người vượt biên được một chiếc tàu hàng Singapore vớt lên đã buộc tàu này phải đổi hướng để đi sang Úc, nơi họ muốn xin tị nạn. AFP trích lời Bộ trưởng Nội vụ Úc Jason Clare nói rằng, chiếc tàu MV Parsifal đã tiếp nhận 67 người đi trên một chiếc tàu, bị trôi dạt từ hôm thứ Hai 13/08/2012 ngoài khơi Indonesia.

Chiếc tàu MV Parsifal tiếp tục đi đến Singapore, nhưng những người vượt biên đã trở nên “rất hung hăng”, đòi thuyền trưởng đưa họ đến đảo Christmas thuộc lãnh thổ Úc. Trả lời đài phát thanh ABC, ông Jason Clare nói thêm, thuyền trưởng đã quyết định quay tàu lại về hướng đảo Christmas. Vị thuyền trưởng đã báo cho cơ quan an ninh hàng hải Úc, nói rằng ông rất lo lắng cho an toàn của các thuyền viên.

Thủ tướng Úc Julia Gillard cho rằng nếu có vấn đề vi phạm luật ở đây, thì cần phải mở cuộc điều tra. Còn Scott Morrison, người chịu trách nhiệm về nhập cư lên án những người tị nạn đã “cướp tàu”.

Hôm thứ Hai 13/08/2012, Úc đã loan báo từ nay sẽ gởi trả tất cả các thuyền nhân đổ bộ vào bờ biển hay được vớt lên trên biển, trong khi chờ đợi hồ sơ được cứu xét. Quyết định này nhằm làm nản lòng những người từ Indonesia toan vượt biên đến Úc.

Đối với những người nhập cư, Úc là một điểm đến ít quan trọng, chỉ chiếm 2,5% số hồ sơ xin tị nạn trên thế giới năm 2011. Người vượt biên phải chịu rất nhiều rủi ro, khi chen chúc trên những chiếc thuyền hoàn toàn không thích hợp để ra khơi trong vùng biển Thái Bình Dương đầy sóng gió. Trong 10 năm qua, đã có 964 thuyền nhân , hầu hết là người Kurdistan, Iran hay Irak đã thiệt mạng, và nếu tính từ tháng 10/2009 thì đã có 604 người chết.

tags: Châu Á - Singapore - Theo dòng thời sự - Úc 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120816-tau-singapore-bi-nguoi-vuot-bien-buoc-phai-doi-huong-di-uc 
 

mardi 14 août 2012

Hoa hậu Thế giới: Clip của Vũ Hoàng My lọt vào top 5 video tuần báo Pháp L’Express


Phút đăng quang của Hoa hậu Thế giới 2011
Trên trang web của tuần báo L’Express số mới nhất 14/08/2012 có giới thiệu 5 video của các thí sinh dự thi Hoa hậu Thế giới 2012, mà theo tờ báo này là các clip nổi bật nhất. Đó là các video clip của hoa hậu Slovakia, Pháp, Tây Ban Nha, Việt Nam và Guatemala.

Kristina Krajcirova, Hoa hậu Slovakia
Tuổi: 20
Đặc điểm: Cô gái tóc vàng, chân dài có vóc dáng người mẫu, làm nổi bật dáng vẻ của mình trong một bức ảnh ghép cô mặc bikini, vương miện hoa hậu trên đầu. Nhưng với nụ cười tươi và mái tóc xõa, Kristina cho biết cô thích bơi lội, trượt tuyết, nấu ăn, và ngạc nhiên hơn cả là cô thích lau rửa chiếc xe hơi mới của mình. Một thú vui kỳ lạ khiến người ta có thể tưởng tượng tiếp.

Delphine Wespiser, Hoa hậu Pháp
Tuổi: 20
Đặc điểm: Tự hào với gốc gác Alsace, cô gái xinh đẹp tóc đỏ, thích ăn chay, đấu tranh cho quyền của loài vật và là người bảo trợ cho Cơ quan hiến máu Pháp. Trên internet, video tự giới thiệu của cô trong cuộc thi Hoa hậu Thế giới đã bị một số người mỉa mai. Lý do? Cô nói tiếng Anh chỉ tàm tạm với chất giọng Pháp rất nặng, khiến một số ngờ vực (về khả năng thành công), số khác thì cười vui.

Aranzazu Estevez Godoy, Hoa hậu Tây Ban Nha
Tuổi: 23
Đặc điểm: Đôi chân dài miên man, làn da rám nắng quần đảo Canaries, cô thiếu nữ Aranzazu biết cách làm nổi bật ưu điểm của mình. Tiếng nhạc nền điểm thêm ảnh ghép, người đẹp tham gia tranh chiếc vương miện Hoa hậu Thế giới nói là cô “lãng mạn và tích cực”. Cô mong trở thành giáo viên, nụ cười vô cùng rạng rỡ của cô, như trong những bộ phim Mỹ nhiều tập, có thể quyến rũ được các giám khảo.

Vũ Hoàng My, Hoa hậu Việt Nam
Tuổi: 27
Đặc điểm: Trang phục toàn một màu trắng như một chú chim bồ câu nhẹ nhõm, hoa hậu Việt Nam kể lại cho chúng ta câu chuyện của đất nước cô, xưa kia chìm trong chiến tranh và nay thì “đầy tự hào và an bình”. Những hình ảnh chiếu chậm, những nốt ghi-ta rời rạc thay cho nhạc nền, người đẹp yêu thích những điều đơn giản: “đọc sách, thể thao, trẻ em, loài chó, kỹ thuật và sự sáng tạo”. Chỉ có thế thôi.
Bonus: Rất thích phần trình bày như diễn viên điện ảnh ở cuối video.

Monique Georgette Aparicio Lopez, Hoa hậu Guatemala
Tuổi: 21
Đặc điểm: Ngoài các tên kép rất Pháp, Monique Georgette là một trong số hiếm hoi các hoa hậu dám để tóc ngắn – và mái tóc này rất hợp với cô! Vừa nói cô vừa hoa tay ra điệu bộ - để tự thuyết phục mình hơn chăng – cô gái thổ lộ là cô tin vào Thượng đế, có được nguồn cảm hứng từ những người ủng hộ cô để đại diện một cách xứng đáng đất nước mình.