Có người hỏi tôi định nghĩa người Saigon là người như thế nào! Tôi trả lời người Saigon là người... ở Saigon.
Thật ra người Saigon không cần phải là người sanh đẻ ở Saigon nhưng cứ hễ quê quán ở đâu mà ở Saigon nhiều năm, thì ít nhiều gì đó cũng có một số thói quen và tính cách rất riêng của Saigon.
Nhưng Saigon là Saigon, người Saigon là người Saigon và người ở Saigon cũng là người... ở Saigon. Mấy cái này nó... trừu tượng lắm. Saigon có cái hay là không phân biệt vùng miền hay gốc gác xuất xứ. Cứ ai đến ở chừng chục năm thì họ trở thành người Saigon với cái hào sảng phóng khoáng vốn có.
Người Saigon không xét nét, không kiểu cách khó khăn, không xen vô chuyện người khác, không sống giả tạo bề ngoài, nhưng cũng không luôn tuồng thiếu tế nhị. Cái đó là cái tính cách mà Saigon đem lại cho ngườ sanh sống ở Saigon.
Nhưng có những thứ rất rất khác mà chỉ có người sanh đẻ ở Saigon hơn vài chục năm về trước mới hiểu được là người Saigon nó có nghĩa gì. Trước khi sách giáo khoa, ti vi, phim ảnh, GPS, bảng chỉ đường, này nọ nó tác động vô từng ngóc ngách của thành phố HCM thì đã từng có một Saigon rất khác.
Saigon có ngôn ngữ riêng của Saigon, có những cái tên riêng của Saigon, tiếng lóng của Saigon, có vị của Saigon những cái khác rất rất Saigon. Theo thiển ý cá nhơn của tôi thì chỉ những người 8x trở về trước mới cảm nhận được điều tôi nói.
Ngôn ngữ Saigon là tiếng miền Nam, nhưng nó không phải ngôn ngữ sử dụng của người miền Tây, lại càng không phải của người miền Đông hoặc ngôn ngữ như sách giáo khoa, trên báo chí, hay ra rả trên nhà đài hiện giờ.
Hôm trước tôi đi ăn ốc, một quán ốc mà đến bây giờ tôi vẫn nhất quyết sẽ không bao giờ viết review hay chỉ chỗ cho ai mà không đi cùng họ. Tôi ăn ở quán ốc đó và tôi la lên À đây nè, đây mới là cái vị ốc Saigon mấy chục năm về trước nè. Trước khi những quán ốc mướn đầy đầu bếp chuyên nghiệp với những món ốc tẩm đầy gia vị lên ngôi thì ốc Saigon rất khác. Và cái vị Saigon đó, nó cứ mất dần mất dần đi cũng như chính nhiều phương ngữ mà dân Saigon hay xài hồi xưa.
Chuyện mất đi đó nó chỉ là một điều hiển nhiên của thời đại, của một thành phố năng động đầy dân nhập cư từ khắp mọi miền, của những làn sóng rời đi của người Saigon gốc, của những thay đổi bắt buộc đối với một đô thị lớn bất kỳ nào. Và cũng của những ông bà cố nội viết nội dung tào lao, những nhà soạn sách giáo khoa đại tài xứ Việt nữa.
Nhiều người cứ tưởng dân Saigon ăn ngọt giống như dân miền Tây. Họ không hiểu gì về ẩm thực Saigon. Người Saigon gia vị cân bằng và nhẹ nhàng, không có cái gì là quá nhiều hay quá ít. Cái quán ốc mà tôi nói nó chính là cái vị ốc mà tôi ăn cách đây gần 40 năm. Rồi cái ngôn ngữ mà hôm trước tôi đi coi kịch Cô Giáo Duyên của anh Thành Lộc là những từ ngữ mà tôi và bạn bè tôi đã từng nói với nhau trước đây, vẫn xài với nhau bây giờ và cũng sẽ mãi sử dụng với nhau sau này cho đến khi đầu bạc.
Có những tiếng lóng, những tiếng chửi, những câu trao đổi mà chỉ dân Saigon xưa mới hiểu và mới trao đổi với nhau và rất khó để giải thích cho người khác hiểu. Đây không chỉ là cách sống, nó là những thứ có giá trị vô hình khác mà cái đứa sanh ra và được may mắn sống qua cái thời Saigon chưa thay đổi như Tôi mãi hoài tiếc nuối.
Tôi bước vào vở kịch của anh Thành Lộc và tôi thấy tôi trong đó, thấy bạn bè của tôi trong đó, thấy tất cả những gì nó thuộc về Saigon xưa cũ ở trong đó, và đó chính là lý do tôi gọi anh Thành Lộc là Saigon Chi Bảo. Vì tôi cảm nhận được chính ảnh cũng tiếc nuối, cũng muốn giữ cho ngôn ngữ của Saigon nó được sống mãi theo thời gian. Tôi thích xe hơi, tôi không thích ô tô. Tôi thích bãi đậu xe, tôi không thích đỗ xe. Tôi thích cái chén, tôi không thích cái bát. Tôi thích cái muỗng, tôi không thích cái thìa. Tôi thích cái bùng binh, tôi không thích Cái Vòng Xuyến. Tôi thích chà bá lửa, tôi không thích to vãi lờ. Tôi thích "thí tỷ" chớ tôi không thích ví dụ. Tôi thích áo xu chiêng, tôi không thích cái nịt ngực. Tôi thích nhà thương hơn là bệnh viện, thích phi trường hơn thích sân bay. Tôi thích nhiều thứ thích nữa lắm nhưng nó cứ mất dần, mất dần đi theo nhịp thở mỗi ngày của thế giới hiện đại.
Dĩ nhiên tôi tôn trọng ngôn ngữ của những vùng miền khác, và tất cả mọi người đều nên tự hào về vùng miền cũng như phương ngữ địa phương nơi mình sanh ra và lớn lên. Nhưng tôi lại càng không muốn mất đi những gì còn sót lại của cái gọi là văn hóa Saigon xưa.
Tôi trân trọng cái cách của sân khấu Thiên Đăng cố gắng bảo tồn văn hóa riêng của Saigon. Những lời thoại của diễn viên tôi nghĩ được người viết kịch suy nghĩ kỹ lưỡng, và nó cũng chảy một cách tự nhiên trong cách diễn của dàn diễn viên Saigon kỳ cựu. Đó chính là lý do tôi thấy anh Thành Lộc là bảo vật riêng của Saigon. Ảnh yêu Saigon theo cách riêng của ảnh và cách chung của tôi. Ảnh bảo tồn văn hóa Saigon bằng cách lan tỏa nó!
PS1: Saigon của tôi nó là một cái gì đó vô cùng thiêng liêng và quý giá.
PS2: Có điều trong kịch Cô Giáo Duyên giống như có hai người viết khác nhau. Người viết đoạn đầu và người viết đoạn cuối.
PS3: Đoạn cuối tôi đoán là cái cách cố gắng hòa nhập giữa mới và cũ, giữa già và trẻ, giữa cổ lỗ sỉ và trend mới của giới trẻ.
PS4: Chỉ ước gì đừng có cái vụ nhả vía trong lời thoại thì tất cả đều là 10 điểm.
NICKIE TRAN 11.08.2024
(Hình của Cô Ba Saigon)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.