vendredi 16 août 2024

Nguyễn Gia Việt - Phở Sài Gòn mới xứng đáng được vinh danh

 

Thông tin Bộ công bố danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình tri thức dân gian đối với phở Hà Nội và phở Nam Định làm nhiều người thấy "thú vị". Thậm chí các báo tuyên truyền còn ghi là gây "tranh cãi".

Trong khi đó, tạp chí du lịch nổi tiếng của Anh Time Out ngày 29/05/2024, công bố 20 thành phố có ẩm thực ngon nhứt thế giới. Trong đó, Sài Gòn là đại diện của Việt Nam được nhắc đến trong danh sách và xếp thứ 4.

Trong bảng sắp hạng của Time Out, đứng vị trí số 1 là Naples (Ý), là quê hương của pizza, tiếp theo gồm Johannesburg (Nam Phi), Lima (Peru) và Sài Gòn ở vị trí số 4 với món nhứt định phải ăn là phở (Olala!).

Theo Time Out, món nên ăn khi đến Sài Gòn là phở. Sài Gòn còn có nhiều món ăn khác được giới thiệu như bánh mì thịt, cơm tấm, các loại bánh ở các quán ăn hay trong các khu chợ, hết thảy đều ngon và vừa túi tiền.

Time Out viết: "Ngoài các quán ven đường và những khu chợ nhộn nhịp bán bánh mì, ốc, cơm tấm…Nhưng đến nay, món được nhắc đến nhiều nhứt trong khảo sát của chúng tôi chính là phở. Món phở ở Miền Nam thường được trang trí và thưởng thức với nhiều rau húng quế, rau thơm, ớt và tương đen, và nơi nào trong thành phố cũng có phở".

Time Out vinh danh và chỉ cái tên rõ ràng: Phở Sài Gòn.

Tây nó  vinh danh phở Sài Gòn. Còn "Bộ" thì vinh damh phở Hà Nội và phở Nam Định. Bộ làm đúng quy trình, đúng lý luận, đúng tinh thần quán triệt và quán triệt. Lý luận của cái kiểu nói về cái “đặc trưng”của văn hóa Việt Nam (trong đó có Miền Nam), là “Triết lý Việt” phải là ‘Lũy tre làng”, ”Thằng Mõ” và “Đôi đũa cả” dzị đó !

“Chiềng làng chiềng chạ

Thượng hạ Tây Đông

Con gái Phú Ông

Tên là Mầu Thị

Tư tình ngoại ý

Mãn nguyệt có thai

Già trẻ gái trai

Ra đình mà ăn khoán…”

Trong văn hóa Nam Kỳ không có lũy tre làng, không có thằng mõ, cũng không có đôi đũa cả, không có con cá rô cây.

Nói ra câu này không hề quá đáng. Xét nguồn gốc, chưa chắc phở có nguồn gốc ở Hà Nội hay Nam Định. Người Sài Gòn, người Miền Nam đã nấu và ăn  phở theo cách của mình, chế biến phở Sài Gòn.

Trong trường phái phở, phở Nam chiếm một vị trí đáng kể, kiêu sa lộng lẫy nhứt, rất dễ hiểu, không ai làm thương mại giỏi hơn người Sài Gòn, người Miền Nam.

Tô phở kiểu Nam là một bài ca vẹn toàn.

Thứ nhứt là nó nhiều thịt, có bò viên, nước lèo thơm và rất đậm đà. Nó có vị không quá béo cũng không quá thanh đạm. Rau nhiều mà xanh mát mắt. Ăn nhiều nhưng vừa đủ no và nhờ rau nên không bị căng bụng.

Tô phở Sài Gòn có nước lèo bốc khói sóng sánh minh mông nhìn vô là thực khách phải nén cái sự tham ăn của mình xuống, rồi thịt bò xếp lớp làm người ta không thể ngừng cái sự sung sướng lại. Một rổ rau kế bên, ngắt rau bỏ vô, vắt một miếng chanh vào, vài lát ớt xắt vào thì trời đất không còn gì trước mặt bạn.

Phở Sài Gòn giống y thinh người Miền Nam là sống thực chất, thẳng thướm, ngang tàng, không hoa hoè hoa sói đầu môi chót lưỡi. Ẩm thực Sài Gòn luôn theo nguyên tắc vừa ngon, bổ, đủ chất, vừa đại chúng, vừa lịch sự, ẩm thực là thưởng thức và thư giãn và người bán cũng làm thương mại khéo léo. Người Sài Gòn, người Miền Nam ăn phở không có chuyện bưng tô và "húp xì xụp". Người Sài Gòn và người Nam Kỳ ăn rất nhẹ nhàng, không bao giờ bưng tô lên húp, họ sẽ múc vài muỗng đưa lên miệng.

Chúng ta là người Miền Nam, thành ra sẽ luôn ăn phở kiểu Sài Gòn mới thấy nó ngon cái miệng, mà thực ra ngày nay "phở Bắc" ở Sài Gòn cũng thành phở Nam hết ráo rồi.

Quán phở Bắc nào nếu kiên quyết giữ vị Bắc thì khó tồn tại trong đất Nam, phở Bắc bị lai từ ít tới nhiều. Muốn ăn phở Bắc chánh gốc thì ra Hà Nội, nhưng ra Hà Nội ăn phở bạn lại muốn vài thứ mà chỉ có phở Nam mới có.

Đó là "đất lề quê thói", tôn trọng và tuân theo luật chơi ẩm thực của người Miền Nam. Tạo ra phong cách của mình và nuôi nó. Ngẫm cũng vui, phở mà cũng phân ra Nam và Bắc, mà đừng nghĩ nó trầm trọng hóa như vấn đề lịch sử, nó là một món hòa điệu ân tình làm phong phú thêm khẩu vị trong ẩm thực.

NGUYỄN GIA VIỆT 16.08.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.