Trước hết có hai điều cần nói rõ:
1. Sơn cờ lên mái nhà, cổng nhà, tường nhà… không phải là chủ trương của chính quyền. Khi tấm hình hàng loạt mái nhà ở thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa sơn cờ của tác giả Lương Xuân Tâm lên mạng, ít nhiều gây sự chú ý; thậm chí một trang báo mạng lớn cũng nhanh nhẩu ghi nhận.
Cho tới ngày 15-08, ông Lương Xuân Tâm, chủ nhân loạt ảnh trên xác nhận với báo Thanh Niên rằng loạt ảnh này đã qua chỉnh sửa, photoshop và gỡ bài + ảnh đó trên Facebook nhà mình. Chiều 15-08, trang báo mạng kia cũng lặng lẽ xóa bài viết nói trên. Chính quyền huyện Yên Định cũng nhờ Công an huyện điều tra vụ này.
2. Thể hiện tình cảm với cờ nước là quyền tự do chọn lựa của mỗi người. Vì vậy, khen chê này nọ cũng không nên để chủ quan, tình cảm, góc nhìn chính trị cá nhân xen vô, dễ thiếu khách quan.
Thật ra, chuyện vẽ cờ trên nóc nhà này không mới. Sau Hiệp định “ngừng bắn da beo” Paris 1973 chẳng hạn, nhiều nhà ở miền Nam cũng bị chính quyền đưa người tới vẽ cờ trên nóc nhà (để xác định đất này thuộc lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa). Nhà tôi cũng bị vẽ một lá 80 x 120 cm trên chuồng cu sân thượng. Hàng chục năm sau, nắng mưa mới trôi hết. Cách đây ít năm, thỉnh thoảng qua một vài nhà cũ ở Sài Gòn, tôi vẫn thấy lá cờ vàng ấy lờ mờ ở trụ cổng nhà.
Theo nhà báo Tiểu Vũ, “chuyện vẽ cờ tổ quốc trên mái nhà không có gì mới, nó đã xuất hiện trên thế giới trước Việt Nam đến mấy chục năm. Nhiều lá cờ vẽ trên mái nhà đã trở thành tác phẩm nghệ thuật, được số hóa theo dạng 3D lưu trong các viện bảo tàng quốc gia”.
Với trend (trào lưu) này, thật lòng tôi không nghĩ nó sẽ phổ biến vì một số lý do này nọ như tốn kém (nhà nào mái rộng, cả triệu đồng tiền sơn, chưa kể công sơn); xứ mình nhiệt đới nhiều nắng nóng, trong khi màu đỏ vốn trong nhóm màu hấp thụ nhiệt cao; qua thời gian, mưa nắng dễ làm loang lở lớp sơn, nhìn không hay lắm…
Đó là chưa nói việc sơn cờ nước này hầu hết không đúng quy định về chuẩn cờ nước hiện nay.
Yêu nước là anh em sinh đôi và luôn đồng nghĩa với thương dân. Chi phí sơn cờ có lẽ nên dành cho "cơm hai ngàn", "mì 0 đồng", "cơm treo"... cho hàng triệu bà con nghèo xứ mình trong thời buổi khó khăn hiện nay. Thiết thực và "tình dân tộc, nghĩa đồng bào" hơn.
Tôi lưu ý thêm: Sơn vốn chứa chì, vẽ khổ rộng, nước mưa sẽ đổ trôi chì xuống. Theo anh Thái Vũ, một chuyên viên về hóa chất, “tại Việt Nam, trong 1 báo cáo của MOI (Bộ Công Nghiệp), kiểm tra 26 mẫu sơn của 11 hãng vào tháng 10/2016 thì có hơn 1 nửa mẫu vượt quá 600 ppm (hàm lượng chì tối đa cho phép ở 34 nước, đa số các nước còn lại là tối đa 90 ppm); có mẫu hàm lượng chì lên đến ... 21.000 ppm”.
Các chuyên gia y tế, y bác sĩ đều xác định ngộ độc/nhiễm chì theo nhiều đường: thở, da, tiêu hóa, nhau thai và sữa mẹ…; sinh ra nhiều bệnh về máu, thận, não, tim mạch, khả năng sinh sản, bào thai, chậm phát triển (developmental delays), nội tiết và máu ở trẻ em….
Liệu có ít nhiều ô nhiễm chì ra môi trường và với chính những người trong ngôi nhà sơn ở mảng rộng đó? Ai cũng biết, nhà vừa sơn xong, nhà sản xuất lẫn chuyên gia về sức khỏe khuyến cáo không nên ở ngay, phải đợi cho hết “mùi sơn độc hại”.
Và liệu có là niềm vui của các nhà làm sơn, bán sơn không nhỉ!
CÙ MAI CÔNG 20.08.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.