vendredi 26 avril 2013

Đền Yasukuni : Nơi thờ phượng tử sĩ Nhật đồng thời là biểu tượng chiến tranh

Phó thủ tướng Nhật (thứ hai từ phải sang) viếng đền Yasukuni hôm 21/04/2013.
Bài đăng : Thứ sáu 26 Tháng Tư 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 26 Tháng Tư 2013 
Phương cách nào chắc chắn nhất đối với Tokyo để chọc giận Bắc Kinh và Seoul ? Đó là để cho các chính khách, các đại biểu Quốc hội đến ngôi đền Yasukuni, đọc theo chữ Hán là Tĩnh Quốc Thần Xã - một ngôi đền lớn chìm trong màu xanh cây cỏ nằm ở trung tâm thủ đô nước Nhật.

Đối với nhiều người dân Nhật, đây chỉ đơn thuần là nơi thờ phụng những người thân đã bỏ mình vì Tổ quốc. Nhưng đối với các nước láng giềng, thì Yasukuni chính là biểu tượng cho quá khứ quân phiệt của Nhật Bản.
Hôm thứ Ba 23/04/2013, một đoàn đông đảo gồm khoảng 170 dân biểu và nghị sĩ Nhật đã viếng thăm ngôi đền này, nơi thờ hai triệu rưỡi lính Nhật đã hy sinh.


Các cuộc viếng thăm này « là mưu toan chối bỏ quá khứ hiếu chiến của Nhật Bản » - một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhanh chóng tuyên bố như trên. Đến thứ Năm 25/4, Seoul đã triệu đại sứ Nhật đến để phản đối, và nhắc nhở « nỗi đau khủng khiếp » mà Nhật Bản thời đó đã gây ra nơi các lãnh thổ bị đô hộ trong thế kỷ 20, trong đó có bán đảo Triều Tiên. « Diễn dịch sai lạc lịch sử », « Những nhận xét cổ hủ của chính phủ và các chính khách Nhật » - viên chức Hàn Quốc đã nói như thế với đại diện Nhật Bản.

Hôm trước đó, Tổng thống Park Geun Hye đã cảnh báo Tokyo về khuynh hướng thiên hữu trong chính sách đối ngoại, khơi lại « những vết thương của quá khứ ». Vào cuối tuần rồi, ba Bộ trưởng Nhật trong đó có Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Taro Aso cũng đã đến thăm đền Yasukuni. Thế là thứ Hai 22/4, Seoul quyết định hủy bỏ chuyến viếng thăm Nhật Bản của Ngoại trưởng Hàn Quốc.

Tiếng xấu về ngôi đền Yasukuni là do sự kiện tên của 14 tội phạm chiến tranh, bị Đồng minh kết án sau khi Đệ nhị Thế chiến chấm dứt, năm 1978 đã được bí mật ghi thêm vào bên cạnh tên tuổi của các tử sĩ Nhật.
Nhưng đối với nhiều người Nhật bình thường, thì Yasukuni với công viên xanh ngát, những cây anh đào xinh đẹp, những hàng hiên Thần đạo oai nghiêm, trước hết là nơi để tưởng niệm, thờ cúng những người đã hy sinh cho đất nước, chứ không phải để ca ngợi một quá khứ chao đảo đầy bạo lực.

Hideo Chikuni cố ngăn giòng lệ : ông đã vượt 200 km chỉ để đến cầu nguyện cho người anh đã không bao giờ trở về sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, và « linh hồn » đang yên nghỉ nơi đây. Người đàn ông 65 tuổi, thân hình ướt đẫm vì mưa phùn nói với AFP : « Nếu quý vị mất đi một người thân trong gia đình, thì quý vị mới hiểu được. Chính việc các chính khách đến đền thờ này mới gây ra tranh cãi. Những người được vinh danh nơi đây đã chịu đựng gian khổ và đã chết cho đất nước, họ chiến đấu để bảo vệ nước Nhật. Nhờ các tử sĩ mà chúng tôi được sống trong thịnh vượng ngày hôm nay, và điều đó không thể bị lãng quên ».

Đền Yasukuni không phải được xây dựng sau Đệ nhị Thế chiến – kết thúc với việc Nhật Bản đầu hàng vào ngày 15/08/1945 – mà đã được xây dựng từ năm 1869 để vinh danh tất cả những người đã hy sinh cho Tổ quốc.

Nhưng 14 tội phạm chiến tranh, trong đó có tướng Hideki Tojo, Thủ tướng Nhật chịu trách nhiệm trực tiếp về trận tấn công Trân Châu Cảng ngày 07/12/1941 khiến sau đó Hoa Kỳ phải nhảy vào vòng chiến, đã làm cho ngôi đền trở thành nơi bị những người có trách nhiệm của Trung Quốc và Hàn Quốc không ngừng phê phán.

Sự hiện diện của 14 cái tên này, trong đó có một số đã bị tử hình (tướng Tojo bị treo cổ), cũng không làm nên sự đồng thuận ngay tại nước Nhật, đặc biệt là đối với những người có thân nhân được thờ phụng tại đền Yasukuni.

Yuji Miyata, một doanh nhân 48 tuổi, có một người chú thờ tại Yasukuni. Miyata nói, ông hiểu rằng các cuộc viếng thăm của các chính khách có thể gợi lại những kỷ niệm đau buồn và một quá khứ đen tối, gây kích động nơi một số người, đến nỗi vào năm 2011 một công dân Trung Quốc đã toan phóng hỏa đốt đền.

Nhưng đối với ông Miyata, thì số 5 triệu người hàng năm đến thăm đền Yasukuni chỉ đến đây để cúng bái tổ tiên. « Đối với chúng tôi - những người dân bình thường, chúng tôi chẳng nghĩ gì khác khi đến đây, mà chỉ để cầu nguyện cho những người thân đã qua đời ».

« Tôi chẳng quan tâm nhiều đến cuộc tranh cãi này. Đó là chuyện giữa các chính phủ. Điều quan trọng nhất là đối thoại giữa các dân tộc ». Người thanh niên 25 tuổi nói câu trên không muốn nêu tên. Anh là người Hàn Quốc.

tags: Châu Á - Chiến tranh - Chính trị - Hàn Quốc - Lịch sử - Nhật Bản - Theo dòng thời sự - Trung Quốc - Xã hội 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20130426-den-yasukuni-noi-tho-phuong-tu-si-nhat-dong-thoi-la-bieu-tuong-chien-tranh

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.