Tìm mọi cách để di tản. Ảnh của Hồng thập tự Quốc tế. |
LND : Tác phẩm Saigon sụp đổ của nhà báo Pháp Olivier Todd xuất bản
lần đầu năm 1987 và tái bản năm 2005, kể lại bốn tháng đầu của năm 1975
lịch sử với các chiến lược quân sự, thủ đoạn chính trị và ngoại giao từ
Washington, Matxcơva, Bắc Kinh, Hà Nội đến Saigon. Cuốn sách ghi lại lời chứng
của các công dân nhiều quốc tịch, các quân nhân từ binh nhì cho đến tướng tá,
các nhân viên tình báo, tu sĩ, thành viên tổ chức phi chính phủ…
Tác giả Olivier Todd từng làm việc cho tuần báo Le Nouvel Observateur,
Tổng biên tập tuần báo L’Express, cộng tác viên BBC. Ông là một trong những
phóng viên phương Tây hiếm hoi có dịp quan sát cặn kẽ những gì diễn ra tại Hà
Nội, Saigon và vùng xôi đậu ở miền Nam.
Nhân ngày 30 tháng Tư, Thụy My xin trích dịch chương thứ 21 của tác
phẩm, mang tên « Ngày 29 tháng Tư : Ánh sáng tắt lịm »
Chương XXI
Ngày 29 tháng
Tư : Ánh sáng tắt lịm
Vào 4 giờ sáng ngày 29 tháng Tư, những loạt đạn pháo Bắc
Việt ngày càng chính xác, tập trung vào căn cứ không quân Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng
tham mưu Nam Việt và Bộ tư lệnh Hải quân. Các kho đạn dược và xăng dầu, những
chiếc xe vận tải, xe jeep và xe dân sự bốc cháy tại sân bay. Bộ binh Bắc Việt
chắc không còn xa, vì những phát đạn súng cối, rốc-kết làm bùng lên những ngọn
lửa đỏ, xanh lơ và xanh lá cây.
Hai thủy quân lục chiến, Charlie McMahon và Darwin Judge, đã
bị tử thương tại vòng rào phòng thủ. Tướng Homer Smith và các sĩ quan cao cấp
Mỹ bị dựng dậy khỏi giường ngủ. Trong số 1.500 người Việt tạm cư ở nhà thi đấu
thể thao, nhiều người đã bị thương. Một chiếc phi cơ C-130 bị trúng đạn sau khi
hạ cánh.
Trời đã rạng đông. Các phi công của những chiếc F-5 và A-37
cuối cùng cất cánh, để không bao giờ quay trở lại. Những người này, cũng như
vài phi công khác muốn tiếp tục chiến đấu khó điều khiển được máy bay, vì hàng
trăm người lính Nam Việt tràn vào các đường băng. Các nhân viên điều khiển
không lưu không thể làm việc được.
Người phi công Nam Việt lái một chiếc AC-119 đặc biệt bướng
bỉnh. Anh bay lên làm nhiệm vụ, tấn công vào các vị trí quân cộng sản nhận ra
được ở xung quanh Saigon, quay về tiếp nhiên liệu rồi lại bay đi. Vào lúc 6 giờ
46, anh bị một hỏa tiễn SA-7 bắn hạ.
Đại tá không quân Mỹ John Madison, một trong các sĩ quan
trong Ủy ban giám sát Hiệp định Paris, gởi một bức điện cho phái đoàn miền Bắc
ở trại David, đang trú tại các đường hào và hầm trú ẩn. Vị đại tá phản đối việc
ném bom vào sân bay, mà ít nhất có thể nói là đã vi phạm quyền miễn trừ ngoại
giao của các thành viên Ủy hội quốc tế, các phái đoàn quân sự hai bên và bốn
bên.
Các đại diện của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và chính phủ cách
mạng lâm thời miền Nam tại trại David ngọt ngào trả lời là họ không biết chuyện
gì đã xảy ra. Ngoài ra, họ cho rằng không cần phải báo trước cho những người Ba
Lan hay Hungary, những người này từ Tân Sơn Nhứt hỏi thăm tin tức nơi người Mỹ.
Người Hung liên lạc với ông Polgar, buổi tối ông đã đến phòng điều động của tòa
đại sứ. Tại đó, các nhân viên CIA tỏ ra lo sợ cho số phận của những cộng sự
viên người Việt của họ.
Những quả đại bác 130 ly được các quan sát viên Bắc Việt
chỉnh lại hướng, cách sân bay 4
km về phía bắc. Đối với tướng Văn Tiến Dũng và ông Lê Đức Thọ, tình hình khá
tế nhị. Một mặt phải để cho người Mỹ ra đi, và như vậy không nên cản trở nhiều
các hoạt động di tản. Mặt khác, hai lãnh đạo cộng sản, theo như chỉ đạo của Hà
Nội, muốn duy trì áp lực để những người Mỹ ở Saigon cũng như ở Washington hiểu
rằng không có chuyện thương lượng. Các đội quân Bắc Việt được lệnh không chọn
mục tiêu là các máy bay và trực thăng, trừ phi bị họ tấn công. Chỉ trừ một vài
ngoại lệ, chỉ thị này được tôn trọng.
Văn Tiến Dũng có thể luôn lo ngại sự can thiệp của không
quân Mỹ đóng ở Thái Lan. Vào lúc này, nhiều thương vong của lính Mỹ có thể
khiến Lầu Năm Góc can thiệp ồ ạt. Các lãnh đạo Bắc Việt không hiểu rằng quyền
lực quân sự tại Hoa Kỳ
bị lệ thuộc vào quyền lực dân sự đến như thế nào. Song song đó, người Mỹ luôn
mãi tìm kiếm các phe nhóm và những rạn nứt trong ban lãnh đạo Hà Nội, vẫn không
nhận ra sự gắn bó giữa các quân nhân và nhà chính trị tại thủ đô Bắc Việt.
Tướng Nguyễn Cao
Kỳ cất cánh bằng chiếc trực thăng riêng, bay quanh Saigon,
nhận ra những pháo đội Bắc Việt cứ bắn đi mỗi phút một phát đạn. Trên làn sóng
thu thanh, ông bắt liên lạc được với một đội Skyraiders Al từ Cần Thơ bay
về :
-
Nguyễn Cao Kỳ đây. Phải phá hủy các pháo
đội này.
Phi đội trưởng trả lời :
-
Rõ. Tôi chỉ còn có một quả bom thôi.
Giờ phút của trận đánh danh dự cuối cùng đã điểm.
5 giờ 45,
giờ Saigon. Ông Graham Martin đến
tòa đại sứ. Lệnh cuối cùng của chỉ huy không quân Nam Việt: tất cả các phi cơ
còn có thể hoạt động được phải rời khỏi lãnh thổ miền Nam.
6 giờ, giờ Saigon, theo giờ Hà Nội là 5 giờ. Tại Bộ chỉ huy ở Bến
Cát, cách thủ đô Nam Việt 40
km về hướng bắc, tướng Văn Tướng Dũng nhận được điện của
Bộ Chính trị, khen ngợi việc tiến quân của bộ đội trong những ngày vừa qua. Bộ
Chính trị ra lệnh phải tiến nhanh để “tấn công chiếm lĩnh sào huyệt cuối cùng
của địch”.
Vô số bức
điện và cuộc gọi điện thoại liên tục nối kết giữa Nhà Trắng, Lầu Năm Góc ở
Washington, Bộ tư lệnh Thái Bình Dương ở Honolulu, tòa đại sứ và cơ quan tùy
viên quân sự ở Saigon. Các sự kiện diễn ra còn nhanh hơn là điện tín. Một bức
điện của Bộ Ngoại giao nói rõ: “Thông tin truyền trên radio bắt sóng được từ
nhiều chỉ huy Bắc Việt khác nhau cho thấy họ sẽ ba mặt tấn công vào Saigon vào
một thời điểm không rõ, với khả năng chủ động sáng tạo của đơn vị khi có cơ
hội”. Các thông tin này được Hội đồng An ninh Quốc gia phối kiểm. Một khẳng
định khác: Bắc Việt muốn chiếm cho được Saigon
để mừng sinh nhật Hồ Chí Minh vào ngày 19/5 “với khả năng bắt đầu tấn công vào
những ngày cuối cùng của tháng Tư”. Hôm trước đó, sóng truyền tin bắt được cho
biết sư đoàn 7 Bắc Việt được giao trách nhiệm chiếm Đài truyền hình Saigon.
Vào lúc 7
giờ, giờ Saigon và là 19 giờ Washington, Hội đồng An ninh Quốc gia họp dưới sự
chủ trì của Tổng thống Gerald Ford. Tham dự có Henry Kissinger, James
Schlesinger, các trợ lý của họ, chủ tịch Ủy ban các tham mưu trưởng liên quân –
tướng George Browne, và giám đốc CIA William Colby. Ông này khẳng định từ ba
ngày qua không còn hy vọng ổn định được tình hình quân sự. Nay thì rốt cuộc mọi
người đều đồng ý. Nhưng ra lệnh gì cho Saigon
bây giờ ?
Kissinger do
dự. Theo ông thì trong lúc này cần phải tiếp tục di tản người Mỹ và người Việt
bằng phi cơ. Schlesinger và Browne cho rằng cần khẩn cấp chuyển sang di tản
bằng trực thăng. Browne đề nghị cho các máy bay tiêm kích hộ tống các phi cơ
vận tải C-130. Kissinger phản đối, vì Bắc Việt có thể nghi ngờ.
Còn các nhân
viên tòa đại sứ thì sao ? Cần giảm còn 150 người trong ngày, trong đó một phần
ba là tình báo viên và nhân viên CIA. Frank Snepp được biết rằng ông thuộc nhóm
đi cuối cùng.
Từ Honolulu,
Đô đốc Noël Gayler, biết tánh đại sứ Martin, gởi điện: “Khuyến cáo của tôi là
quý vị quyết định di tản bây giờ tất cả các nhân viên người Mỹ, trừ các thành
viên mà quý vị muốn giữ lại thường xuyên tại chỗ…” Tướng Smith được Gayler cho
phép đưa lên máy bay cả người Việt lẫn người Mỹ. Đô đốc muốn tránh bằng mọi giá
việc các sĩ quan cấp tướng hay chỉ huy người Mỹ lọt vào tay quân cộng sản. Ông
ra lệnh cho họ phải rời Saigon.
Vị Đô đốc
nhấn mạnh, tình hình quân sự là trầm trọng. Ông đã đọc các bức điện của ông
Polgar liên quan đến khả năng một dàn xếp về chính trị: “Các tin tức mà tôi có
được không hề phù hợp với quan điểm có hơi quá lạc quan của ông Polgar”.
Về ông
Polgar, Đô đốc sử dụng một câu cổ lỗ và khinh khỉnh một cách lịch sự: “I have the impression he may not be current”
(Tôi có cảm tưởng là ông ấy không cập nhật tình hình), không nắm được thực tế mấy, không phải người trong cuộc. Theo tin
tức của Đô đốc, thì bộ đội Bắc Việt chỉ cách sân bay Tân Sơn Nhứt chưa đầy hai
cây số. Họ sử dụng rất hiệu quả các hỏa tiễn SA-7. “Bộ đội đã bắn rơi ba máy
bay trong hai tiếng đồng hồ mới đây”.
Pháo binh
Bắc Việt tiếp tục bắn vào khu vực phi trường.
Một đặc sứ
của Tổng thống Dương Văn Minh
trao cho đại sứ Mỹ bức thư:
“Ngài đại sứ kính mến,
Tôi trân trọng yêu cầu ngài ra lệnh cho các nhân viên văn phòng của
tướng Smith rời Việt Nam trong vòng 24 giờ, bắt đầu từ ngày 29/04/1975 để vấn
đề hòa bình tại Việt Nam có thể được giải quyết nhanh chóng”.
Ông Martin
đang phải chịu di chứng của bệnh viêm phế quản. Ông đọc thư trả lời để đánh máy
bằng giọng khản đặc:
“Kính thưa Tổng thống,
Tôi đã nhận được thư và xin thông báo với ngài là tôi đã ra lệnh như
thế…”
Các tin tức
từ Tân Sơn Nhứt cho biết đó đây có vài người lính Nam Việt bắn vu vơ vào người
Mỹ. Ông Martin nói thêm:
“Tôi tin rằng ngài sẽ ra lệnh cho lực lượng vũ trang của chính phủ hợp
tác bằng mọi cách nhằm tạo điều kiện cho các nhân viên Phòng tùy viên quân sự
ra đi trong an ninh hoàn toàn.
Tôi cũng bày tỏ hy vọng là ngài sẽ can thiệp với phía bên kia để họ cho
phép tùy viên quân sự và các nhân viên ra đi trong an toàn và trật tự”.
Kính
Graham Martin, đại sứ Mỹ”
Ngay khi tin
này được biết, một số người khẳng định vụ này là một sự dàn xếp ngoắt ngoéo
giữa ông Dương Văn Minh
và ông Martin: đại sứ đã yêu cầu ông Minh.
Ông Martin ra
lệnh cho tướng Homer Smith có biện pháp di tản tất cả nhân viên. Lần đầu tiên,
vị tướng nhận được cùng một lệnh từ hai viên chức cấp trên: đại sứ Martin và Đô
đốc Gayler. Chỉ có các binh sĩ thủy quân lục chiến phụ trách bảo vệ mới ở lại
phi trường. Martin năn nỉ Kissinger để ông ở lại Saigon
“ít nhất một hay hai ngày để còn giữ được danh dự cho cuộc ra đi”. Đại sứ giữ
lại hai chiếc trực thăng của Air America để có thể ra đi nhanh chóng
khi cần. Sau đó, đại sứ quán Pháp sẽ đại diện cho quyền lợi Mỹ tại Việt Nam. Martin
mong muốn “được nhanh chóng thông qua”.
Trong yêu
cầu của ông Dương Văn Minh,
ông Martin nhận ra một lợi ích về chính trị và ngoại giao: người ta sẽ loan báo
rằng người Mỹ ra đi “theo yêu cầu” của Nam Việt. Ông cho rằng như vậy cuộc di
tản cuối cùng sẽ không có vẻ là do hoảng sợ. Kissinger giao cho Lawrence
Eagleburger, trợ lý đặc biệt Ngoại trưởng nghiên cứu tình hình. Eagleburger
soạn thảo một báo cáo rành mạch. Nếu để lại các nhân viên ngoại giao Mỹ ở Saigon, thì có vẻ như mặc nhiên công nhận chính phủ mới
sẽ lên nắm quyền. Kissinger quyết định: sẽ đóng cửa tòa đại sứ.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.