Thủ tướng Trung Quốc, Lào và tổng thống Philippines (phải) tại hội nghị ASEAN ngày 07/09/2016. |
(Le Monde 16/09/2016) Rời xa
khỏi đường hướng của những người tiền nhiệm - dựa vào Hoa Kỳ để bảo đảm an ninh
cho đất nước - tổng thống Philippines nói rằng sẵn sàng mua vũ khí của Trung
Quốc và Nga. Lên nhậm chức vào ngày 30/6, Rodrigo Duterte nhắc lại ý định tiến
hành một chính sách đối ngoại « độc
lập », và như vậy đã làm phương hại đến liên minh với Washington.
Từ khi ký kết hiệp ước quốc phòng năm 1951, Hoa Kỳ đã cung
cấp cho Philippines 75% số vũ khí, theo số liệu của Viện nghiên cứu quốc tế vì
hòa bình Stockholm. Nhưng ông Duterte muốn từ nay mua vũ khí « ở nơi nào không đắt, và không đòi
điều kiện minh bạch ».
Dưới mắt của nhân vật quyền lực mới ở Manila, mối đe dọa lớn
nhất không phải là sự tăng cường năng lực quân sự của láng giềng Trung Quốc.
Ông Duterte nói hôm 13/9 trước các tân binh trẻ: « Tôi không cần phi cơ tiêm kích hay F-16. Chúng ta không dự tính
đánh nhau với nước nào cả ».
Với kiểu cách phát ngôn của mình, Rodrigo Duterte đã chứng
tỏ ông ta không hề ưa người Mỹ. Từ đầu tháng Tám - một tháng sau khi bước vào
Dinh Tổng thống Malacanang - ông ta đã lăng mạ đại sứ Mỹ là « đồ chó đẻ », và một tháng
sau đó đã dùng cụm từ tương tự với tổng thống Barack Obama, trong khi biết sử
dụng giọng điệu hòa dịu hơn với các lãnh đạo Trung Quốc.
Đây không chỉ là sự cường điệu. Ông Duterte hôm thứ Ba 13/9
loan báo sẽ không cho phép tuần tra chung tại Biển Đông với các « cường quốc nước ngoài », ý
nói hạm đội Mỹ mà hải quân Philippines đã cùng tổ chức tuần tra trên biển kể từ
mùa xuân.
Đối với ông, mối đe dọa hàng đầu của Philippines không phải
là Trung Quốc, mà là sự hiện diện của các nhóm vũ trang ở Mindanao, hòn đảo lớn
phía nam. Đặc biệt là nhóm khủng bố Abou Sayyaf, vốn đã tuyên thệ trung thành trước
hết với Al Qaida, và sau đó là tổ chức Nhà nước Hồi giáo, và tiến hành bắt cóc
các thường dân, cướp các tàu chở hàng, và phục kích quân chính phủ.
Từ năm 2002, và từ lúc khởi sự « cuộc chiến chống khủng bố » sau các vụ tấn công ngày 11
tháng Chín năm 2001, Washington gởi các cố vấn quân sự đến vùng đất này của
Philipppines. « Tôi không muốn bất
hòa với Hoa Kỳ, nhưng họ phải ra đi » - ông Duterte nói hôm 13/9.
Trong sáu năm cầm quyền trước đó, từ 2010 đến 2016, người
tiền nhiệm Benigno Aquino đã nỗ lực xích lại gần Washington, mà ông coi là
thành lũy chống lại sự leo thang của người láng giềng Trung Quốc. Một hiệp ước
được Tòa án Tối cao Philippines phê duyệt hồi tháng Giêng, đã cho phép mở cửa
năm căn cứ quân sự cho quân đội Mỹ, tại đây quân Mỹ có thể đồn trú và xây dựng
các cơ sở hạ tầng.
Chính là dưới thời ông Aquino mà Manila đã kiện lên Tòa án
Trọng tài Thường trực La Haye về yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trên hầu như
toàn bộ Biển Đông. Trong phán quyết được tuyên vào tháng Bảy -khoảng hơn một tuần
sau khi ông Duterte lên nắm quyền - Tòa án đã vô hiệu hóa lý lẽ chính của Trung
Quốc. « Tôi sẽ không vận dụng đến
phán quyết trọng tài hiện nay » - ông Duterte đã tuyên bố như thế hôm
29/8 với đại sứ Trung Quốc tại Manila Triệu Giám Hoa (Zhao Jianhua).
Vừa thực dụng vừa mị dân, ông Duterte biết rằng Bắc Kinh nắm
chiếc chìa khóa để thực hiện những dự án kinh tế nhanh chóng, dễ phô trương.
Ngay từ lúc vận động tranh cử, ông Duterte đã nói với Trung Quốc : « Hãy xây dựng cho chúng tôi một tuyến
đường sắt như đã làm ở châu Phi và tạm thời gác lại những bất đồng ».
Người Trung Quốc lại càng hài lòng hơn với lời kêu gọi đã
phá vỡ « chính sách xoay trục »
của Hoa Kỳ tại châu Á, chủ trương mà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa coi là ý
định ngăn chận sự cất cánh của mình.
Sau khi yêu cầu cựu tổng thống Fidel Ramos đi chơi gôn với
các quan chức Trung Quốc tại Hồng Kông, ông Duterte nhanh chóng gởi một phái
đoàn đến Bắc Kinh. Quan hệ đôi bên « đang
trong một bước ngoặt mới » - thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn
Dân (Liu Zhenmin) hôm 13/9 đã nhận định như vậy trước phái đoàn.
Dù vậy Bắc Kinh vẫn chưa thật an tâm, trước thái độ « sớm nắng chiều mưa » của
tổng thống Philippines, mà sau vài tháng cầm quyền, đã chứng tỏ là « sư
tổ ».
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.