Tôi có cơ hội ngồi nghe những người về hưu nói về thời thế, nói về cơ chế và nghe cả suy nghĩ của họ về con đường tiến lên “một xã hội nào đó”.
Có thể góc nhìn của họ khi về hưu đã hiện ra chân thực vì mất đi “vòng kim cô” mang tên tổ chức. Cũng có thể sự kìm nén cái tôi sau mấy chục năm nhẫn nhịn để đạt giá trị “công việc ổn định” đã được “sổ lồng”.
Trong góc nhìn của cá nhân mình, những người đang trên đỉnh quyền lực với tôi cũng tương tự như một dạng mất tự do. Lắm khi họ không nói được đúng thứ họ nghĩ, chẳng làm được cái họ muốn làm. Rất “thân bất do kỷ”!
Một nhà sư rời giáo hội hay một cán bộ xin nghỉ nhà nước, suy cho cùng là một việc rất nhỏ trong vô vàn sự việc diễn ra hàng ngày. Thậm chí một con người rời trần gian để sang cõi khác cũng là chuyện hết sức bình thường.
Chỉ là có những sự việc diễn ra để nhắc chúng ta rằng có quyền lực bắt người khác quỳ gối sám hối, hay thậm chí là quyền lực cao hơn để bắt giam hay tiêu diệt người khác, cũng chỉ là thứ quyền lực tạm bợ.
Quyền lực thường dẫn tới ngã mạn. Nắm quyền trong tay mà khiến kẻ khác sợ hãi thay vì kính phục là thứ quyền lực tha hóa. Lên tột đỉnh quyền lực chính là khởi suy như Kinh Dịch đã nói về vật cực.
Đừng lạ khi thấy có những người quay lưng với quyền lực (& thường kèm theo quyền lợi). Họ đã đạt ngộ ở một tầng thứ nào đó để chạm đến tự do. Ấy chính là buông xả, rũ bỏ để đạt trạng thái hạnh phúc mà không cần tước phẩm, vị trí quyền lực hay sở hữu hữu hình.
Sở hữu vô hình-sở hữu tự do vốn dĩ là cao nhất. Rời cái hữu hình tướng để đạt cái vô tướng, rũ sự phân tranh để bước vào cảnh giới vô tranh chỉ bậc đại Dũng, đại Trí mới có.
Thật đáng kính ngưỡng!
MAI QUỐC ẤN 13.08.2024 (Tựa bài do Thụy My đặt)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.